Thực trạng xã hội Chăm hôm nay Print
Written by Musa Porome   
Friday, 20 July 2012 19:36
musa 10
Musa Porome

Việt Nam cũng như trên toàn cầu đã có nhiều thay đổi liên tục sau biến cố 1975. Việt Nam thay đổi chính thể trong khi đó thế giới phải chịu nhiều sức ép từ những biến động đã biến toàn cầu cùng thay đổi trên nhiều cục diện chính trị và kinh tế, chiến tranh và hoà bình, khoa học tiến bộ đã đưa nhân loại đến vô thường ngoài sức tưởng tượng của con người.

 

 

Trên cục diện chính trị và kinh tế, chúng ta đang chứng kiến nhiều quốc gia được độc lập không hoả châu của tiếng súng và giọt máu đào. Kinh tế toàn cầu trở nên phồn thịnh, nhân loại có đời sống ấm no hơn. Hệ thống truyền thanh truyền hình cũng như mạng giao lưu internet tân tiến đã đưa nhân loại đến một thế giới quá gần gũi với nhau, và v...v...., nhưng song song với sự bình yên đó lại có nhiều quốc gia xảy ra chiến tranh tương tàn và lần này dã man hơn vì những bom đạn có tầm mức khoa học cao siêu.

 

Trong những cục diện đổi thay đó, Việt Nam cũng đang cố vươn mình thay đổi để có thể phát triển kịp thời theo trào lưu tiến hoá ngày nay. Thế nhưng, thay đổi theo hướng nào thì tuỳ theo cái nhìn và từng gốc độ của mỗi người. Cán cân giầu nghèo tại nước Việt là một biểu tượng để chúng ta có thể dựa vào mà đánh giá thực hư. Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến đời sống kinh tế và dân trí của một nhóm dân tộc Chăm mà xưa kia đã từng là một dân tộc hùng mạnh, một thời kiêu hùng nhưng ngày nay phải chịu sống một cuộc đời co cụm hẩm hiu trong quốc gia Việt Nam đa văn hóa và đa chủng tộc.

 

1. Kinh tế

 

Để biết đời sống kinh tế của người Chăm có đổi thay theo trào lưu tiến hoá mới không, chúng ta cần đưa ra hoàn cảnh trước và sau biến cố 1975 để so sánh.

Phải thừa nhận sự thực, trước 1975 đời sống người Chăm còn quá nghèo nàn, vì thôn làng của họ tập trung đa số những mái nhà tranh. Nhưng cuộc sống của dân tộc Chăm thời đó không gặp bao khốn đốn, vì họ là dân tộc bản địa có quyền làm chủ trên đất đai rộng lớn được công nhận từ thời vua Thiệu trị. Ngày nay, nếu thử đi xuyên qua từng ngôi làng Chăm thì sẽ thấy sự khác biệt. Đời sống người Chăm có vẻ giầu hơn, tiến bộ hơn, có nhiều nhà cao cửa rộng, mái ngói đỏ xanh, điện sáng rực rỡ về đêm. Thế nhưng, nếu chúng ta thử ghé vào thăm từng nhà thì bên trong chỉ là một khoảng trống rỗng, và thêm nữa nếu được mời dự một bữa cơm với họ, thì sẽ thấy bữa cơm hoàn toàn thiếu dinh dưỡng. Từ đó chúng ta có thể đặt lại câu hỏi rằng họ đào đâu ra tiền để dựng nên những căn nhà to lớn đó? Câu trả lời có thể đơn giản rằng có lẻ họ dựa vào viện trợ của một số thân nhân từ nước ngoài, hoặc họ phải bán đi những lô đất canh tác đã được nhà nước phân phát từng lô nhỏ theo hộ khẩu khi mới thống nhứt đất nước. Như vậy, trên thực tế người Chăm vẫn chưa gọi là cộng đồng giầu có, ngoại trừ một số gia đình được trời phú. Họ vẫn còn sống cơ cực và thực tế vẫn còn quá ê chề.

 

2. Xã hội

 

Phải thừa nhận trước 1975, người Chăm dù nghèo nhưng họ sống trong không gian xã hội truyền thống có tôn ti trật tự, không ai giám vi phạm đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Sau năm 1975, phải công nhận rằng dân trí người Chăm có nhiều thay đổi. Cộng đồng người Chăm có nhiều sinh viên học sinh được đào tạo rộng hơn trong nhiều nghành nghề, đạt được nhiều bằng cấp như Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, Bác Sĩ, Kỹ Sư, và phát sinh nhiều nhà thơ, nhà văn đủ thể loại. Tiếc thay, họ tốt nghiệp nhưng không có việc làm vì phải qua giai đoạn "thủ tục đầu tiên" tức là tiền đút lót, đã khó khăn trước cuộc sống nghèo đói, nay phải đi qua chặng đường cuối cùng mới khó khăn hơn, đó là kinh phí dành cho thủ tục. Khốn đốn thay, đây lại là một giai đoạn quyết định khó đạt bởi nó vượt quá khả năng của các em lẫn cha mẹ. Từ khoảng trống không việc làm đó phát sinh nhiều trào lưu không tốt cho xã hội. Thậm chí hoàn cảnh đã đưa đẩy con em người Chăm đến việc hút sách, rượu chè, băng đảng la cà trong các quán cafe gây mất trật tự công cộng. Sự xung đột giữa băng đảng Việt với thanh niên Chăm làng Thành Tín trước kia là một chứng minh cho sự cố.

 

3. Văn Hoá

 

Trước năm 1975, người Chăm thường sống co cụm trong không gian xã hội truyền thống, lúc nào cũng tự hào về nguồn gốc dân tộc của mình mặc dù họ chung sống với cộng đồng đa số người Việt. Thế nhưng, tổ chức xã hội của họ có lớp lang hơn, phong tục tập quán của họ được bảo tồn và tôn trọng. Ngày nay dân tộc Chăm không còn dựa vào nếp sống truyền thống nữa vì muốn bước xa hơn để hội nhập vào xã hội bên ngoài phù hợp với văn hóa của dân tộc Kinh. Kể từ đó, tinh thần tự quyết bằng cách thừa nhận mình là Chăm, nói tiếng Chăm, mặc áo Chăm đã mất dần ý nghĩa của nó.

 

Dựa vào ba yếu tố trên, chúng ta có thể tạm kết luận rằng dân tộc Chăm không phải là cộng đồng có đời sống kinh tế tiến bộ, nhưng nếu có thì chỉ là thứ hình thức trống rỗng. Vì rằng, dân tộc này chưa có một lực lượng dân sự đủ khả năng để đáp ứng những nhu cầu cần thiết thực tiễn trong xã hội, có nghĩa rằng sinh viên cần phải đi vào thực tế, học hành đúng nghành nghề chuyên môn phù hợp với thời đại khoa học ngày nay. Do bởi, bằng cấp là phương tiện để kiếm đồng tiền. Có đồng tiền mới đạt được công danh. Không ai kính trọng ông tiến sĩ nghèo bằng nhà triệu phú không bằng cấp. Thế nhưng, những quốc gia đang phát triển lại đòi hỏi cần có bằng cấp để lượng giá khả năng con người.

 

Xã hội Chăm cần có rất nhiều nhân tài để phục vụ đất nước, xây dựng và phát triển cộng đồng. Song song với vấn đề tự phát đó, chính quyền Việt Nam cần quan tâm đến chính sách nâng đỡ con em người Chăm bằng cách miễn phí toàn bộ về mặt học phí và bảo hiểm sức khoẻ, xoá bỏ việc phân loại biên giới vùng sâu và vùng xa. Do bởi trên thực tế, dân tộc Chăm vẫn còn quá nghèo khi so sánh với lớp dân đa số người Kinh. Có như vậy thì tương lai của dân tộc Chăm mới có hy vọng được thay cỏ lá xanh và kịp thời đi theo nhịp độ tiến hoá của xã hội tiến bộ ngày nay.