Lá thư từ Kuala Lumpur về công trình nghiên cứu Champa Print
Written by Pgs. Ts. Po Dharma   
Sunday, 19 March 2017 07:58
dharma a 10
Ts. Po Dharma

Sau 44 năm phục vụ tại Viện Viễn Đông Pháp (1972-2016), tôi đã về hưu trí kể từ tháng 9 năm 2016, nhưng vẩn còn tiếp thục thi hành nghĩa vụ của chức  Phó Giáo Sư theo qui chế của Cộng Hoà Pháp. Chính vì nguyên nhân đó, tôi phải trở lại khu vực Đông Nam Á kể từ đầu tháng 3 năm 2017 để điều hành chương trình Champa học với sự cộng tác của Gs. Danny Wong (đại học Malaya-Kuala Lumpur).

 

Chuyến công du của tôi tại Đông Nam Á có mục tiêu tiếp tục thực thi những dự án nghiên cứu về Champa, hướng dẫn sinh viên theo ngành Champa học, nhất là thực hiện dự án còn lại mà tôi sẽ cố gắng hoàn thành trong cuộc đời của mình, đó là tái bản Tư Liệu Hoàng Gia Champa hiện lưu trử trong thư viện Pháp.

 

Tư Liệu Hoàng Gia Champa là kho tàng văn bản được phát hiện tại làng Lawang của người Kaho ở Lâm Đồng bởi Viện Viễn Đông Pháp vào năm 1902 cùng với nhiều bảo vật của vua chúa Champa. Đây là tư liệu chính thức của vương quốc Champa được thị thực bởi 408 ấn triện do nhà Nguyễn ban cho. Tài liệu này viết từ năm 1702 đến thời Gia Long, bao gồm 548 hồ sơ, tập trung 5227 trang giấymỏng của Trung Quốc, trong đó có 4402 trang viết bằng Akhar Thrah Chăm truyền thống và 825 trang viết bằng chữ Hán.

 

Tái Bản Tư Liệu Hoàng Gia Champa là chương trình hợp tác giữa Viện Viễn Đông Pháp, Đại Học Malaya (Mã Lai) và Đại Học Sun Yat Sen (Trung Quốc) sẽ ấn hành qua hệ thống DVD, có nội dung như sau:

 

1). Mỗi trang Tư Liệu Hoàng Gia Champa đều có hình ảnh minh chứng, kèm theo bản phiên âm La Tinh để giúp những ai không quen thuộc với Akhar Thrah Chăm truyền thống viết vào thế kỷ thứ 18 và 19, nhất là những thuật ngữ chuyên môn liên quan đến tổ chức hành chánh, thuế má, qui chế tổ chức kinh tế, xã hội, gia đình, v.v.

 

2). Mỗi hồ sơ của tư liệu đều có bản tóm tắt nội dung và giới thiệu những ấn triện thị thực trên hồ sơ này, nếu có.

 

3). Phần phụ lục có danh sách tập trung tất cả những từ vựng tiếng Chăm dùng trong tư liệu hoàng gia Champa và phân tích qui luật chính tả cũng như cách hành văn của ngôn ngữ Chăm xử dụng dưới thời vua chúa Champa, tức là thời buổi mà thần dân Champa học Akhar Thrah Chăm qua trường lớp có bài bản.

 

dharma a-20-1

 

Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đưa ra kết luận rằng, Akhar Thrah Chăm của Tư Liệu Hoàng Gia Champa là loại chữ viết Chăm phổ thông vô cùng ổn định về mặt chính tả. Mặc dù tài liệu này viết từ năm 1702 đến thời Gia Long gần 2 thế kỷ bởi hàng ngàn người soạn thảo, nhưng chính tả của những từ vựng Tư Liệu Hoàng Gia Champa không bao giờ thay đổi. Đây là vài thí dụ điển hình:

 

• Chữ Chăm trong Tư Liệu Hoàng Gia Champa không bao giờ có “paoh gak” và ký tự “traoh aw” không thể tách rời ra khỏi “dar tha” như Ban Biên Soạn chủ trương hôm nay , tức là chủ tương mang tánh vô trách nhiệm, phi khoa học có thể tàn phá đi di sản chữ viết của dân tộc này.

 

• Hua Baluw trong Tư Liệu Hoàng Gia Champa chỉ áp dụng vào khoảng 100 từ vựng rất là đặt biệt như pamatai “giết” có baluw trên phụ âm (pa), ratuh “100” có baluw trên phụ âm (ra), v.v. Còn những từ khác như mata “con mắt”, tada “ngực”, hu “có”, gru “thầy giáo”, v.v. không bao giờ có hua baluw như người Chăm thường viết hôm nay.

 

• Takai Kâk chỉ áp dụng vào một số từ rất ít oi như banâk “đập”, jiâ “thuế”, v.v.. Còn những từ như ama “cha”, anak “con”, v.v. không bao giờ có Takai Kâk.

 

Tái bản Tư Liệu Hoàng Gia Champa là công trình đồ sộ, đòi hỏi nhiều thơi gian. Chỉ cần đọc và phiên âm Latinh của 4402 trang viết bằng Akhar Thrah Chăm để đưa vào công trình tái bản đã thấy thế nào là những khó khăn trước mắt.

 

Theo dự đoán của chúng tôi, công trình tái bản Tư Liệu Hoàng Gia Champa sẽ ra mắt vào năm 2018 và sẽ có buổi lễ tại Hoa Kỳ để trao trả lại cho dân tộc Chăm Tư Liệu Hoàng Gia Champa của họ, mặc dù tư liệu này chỉ trình bày trên format hình ảnh chứ không phải bản gốc.

 

dharma a-20-2

 

Phụ Lục

 

Tư Liệu Hoàng Gia Champa: trang 1452 thời Cảnh Hưng:

dharma a-20-3 
 

*Suatti nî harak p’ânagaon P’o Taray brei ka Ratdapuran pa-ndar nao nyam [nyim] padai dî ong Bung dua râtuh jak, tel mania’k bayar wek tap krung dua râtuh nan min, dî thun nasak rimaong dî bulan nam dî harei salapan klam jip,,,

Ấn triện: Cảnh Hưng 45

 

Nôi dung: Suatti. Đây là lệnh của nhà vua (Po Taray) gởi cho Ratdapuran yêu cầu quan chức này mượn lúa của ông Bung 200 gịa. Đến mùa gặt lúa sẽ trả lại vẫn là 200 giạ mà thôi. Viết vào năm dần, tháng 6, ngày 9 thượng tuần trăng, thứ năm. Có ấn triện thời Cảnh Hưng

 

Ấn triện của Tư Liệu Hoàng Gia Champa thời Cảnh Hưng

dharma a-20-4
Cảnh Hưng 62a: Phó Trấn Chi Tấu Sự (副鎮之奏事)

 

Ấn triện của Tư Liệu Hoàng Gia Champa thời Thái Đức (Tây Sơn) 

dharma a-20-5

Thái Đức số 10c: Thuận Thành Trấn Vương (順城鎮王)

Thuận Thành là tên gọi của Champa kể từ năm 1692

 

T