Lịch sử Champa : Thay lời kết Print
Written by Gs. P-B. Lafont   
Monday, 06 February 2012 21:25
lafont 3
P-B. Lafont

Người ta không thể kết thúc một tác phẩm khái lược về lịch sử Champa mà không nói đến thực trạng dân số của vương quốc này. Trong quá trình lịch sử, vì có sự tác động của yếu tố địa dư, dân số Champa ở khu vực đồng bằng hay cao nguyên cũng không phát triển nhanh chóng dù thời kỳ Ấn Hóa hay thời kỳ Champa bản địa sau thế kỷ thứ XV. Ðây là một sự thiệt thòi lớn đối với dân tộc này so với dân tộc láng giềng, nhất là dân tộc Việt, có dân số gia tăng đều đặn và nhanh chóng hơn.

Trong suốt giai đoạn Ấn Hóa, lãnh thổ và dân số Champa phát triển rất chậm chạp, mặc dù vương quốc này chỉ bắt đầu đối phó với Ðại Việt vừa mới thoát khỏi ách thống trị của Trung Hoa để giành chủ quyền độc lập kể từ thế kỷ thứ X. Thêm vào đó, vua chúa Ðại Việt, một khi đã giành được chiến thắng quân sự trên lãnh thổ Champa, cũng chưa nghĩ đến chính sách xâm chiếm đất đai của vương quốc Ấn Hóa này và xua đuổi nhân dân Champa ra khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng để đưa cư dân người Việt đến thay thế họ. Tiếc rằng chính sách nhân nhượng này không còn hiệu lực nữa kể từ năm 1471, một khi nhà Lê có khả năng chiếm toàn bộ lãnh thổ phía bắc của Champa, kéo theo sự tàn sát hoặc lưu đày nhân dân Champa của vùng Vijaya (Ðồ Bàn) để thay thế vào đó dân cư gốc người Việt. Chính vì thế, giai đoạn tiến về phía nam của dân tộc Việt chỉ khởi đầu kể từ thế kỷ thứ XV.

Ðể đánh dấu cho cuộc Nam Tiến này, nhà Nguyễn lần lượt xâm chiếm tất cả các đất đai của Champa. Một khi đã thắng trận, nhà Nguyễn không ngừng áp đặt hệ thống tổ chức xã hội và chính trị của dân tộc Việt lên trên dân tộc thua trận, buộc dân tộc này phải nạp thuế vô cùng nặng nề, biến họ thành tập thể lao dịch khổ sai và đối xử với họ như những kẻ bần tiện mà các tài liệu viết bằng tiếng Chăm và biên niên sử Việt Nam đã ghi lại. Chính sách cai trị của nhà Nguyễn và thái độ của cư dân người Việt đã làm tàn lụi đi dân số Champa, để rồi hôm nay người ta chỉ biết có khoảng 40,000 người Chăm vào cuối thế kỷ XIX. Cũng nhờ sự hiện diện của người Pháp tại Ðông Dương, dân tộc Chăm đã thoát ra khỏi sự diệt chủng. Vì chính quyền Pháp lúc đó có chính sách rõ ràng hơn nhằm bảo vệ cho sự sống còn của dân tộc thiểu số, giúp dân tộc này gia tăng dân số. Chính vì thế, vào giữa thế kỷ thứ XX, người ta ước lượng có khoảng 60 000 người Chăm còn hiện diện tại miền duyên hải của miền trung Việt Nam.

Sau một thời gian yên bình ngắn ngủi này, các dân tộc thiểu số của miền trung Việt Nam lại bắt đầu chịu bao thống khổ về chính sách kỳ thị chủng tộc, một khi Ngô Ðình Diệm lên nắm chính quyền vào năm 1955. Nhà lãnh tụ độc tài này tìm cách áp dụng chương trình đồng hóa dân tộc Chăm trước tiên. Sau đó Ngô Ðình Diệm đưa chính sách Việt Nam Hóa lên khu vực Tây Nguyên nơi mà người Kinh chưa quan tâm cho lắm, vì họ cho đây là khu vực độc hại. Mục tiêu của Ngô Ðình Diệm là biến cộng đồng dân tộc Tây Nguyên thành công dân ngoại lệ của Việt Nam nhằm làm giảm bớt dân số của họ. Ðể thực hiện ý đồ này, Ngô Ðình Diệm bắt đầu tước quyền sở hữu đất đai của dân tộc Tây Nguyên để thành lập những khu định cư dành cho người Kinh theo công giáo đã ly khai với chế độ cộng sản ở miền bắc để di cư vào Nam và nhất là giao cho người Kinh vừa mới định cư quyền thao túng hành hạ và bóc lột dân Tây Nguyên. Cuộc di dân này rất có lợi cho người Kinh nhưng bất lợi cho người bản địa. Hiện tượng này càng ngày càng phát triển sau cuộc chiến thắng của miền bắc vào năm 1975 và càng gia tăng mạnh mẽ hơn, vì trong cuộc di dân này còn có sự hiện diện của người Kinh từ các vùng châu thổ quá đông dân của miền trung và miền bắc Việt Nam. Chính sách di dân ồ ạt này đã gây ra những cuộc vùng dậy của dân tộc Tây Nguyên, nhất là các cuộc nổi dậy vào năm 2001 và 2004, mặc dù các cơ quan tuyên truyền chính thức của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phủ nhận những yếu tố này.

Từ một nửa thế kỷ qua, dân tộc tây Nguyên đang trải qua một quá trình áp bức tương tự như người Chăm thuộc miền duyên hải. Người ta cũng đưa ra bao nghi vấn thế nào là định mệnh của họ trong tương lai và có chăng họ cũng không thoát khỏi sự diệt chủng trong một thời gian không xa, giống như định mệnh của nguời Chăm ở miền duyên hải Việt Nam.

Liên quan đến người Chăm Campuchia, những tư liệu thống kê chính thức bằng tiếng Khmer thực hiện vào cuối thế kỷ XX cho thấy có một sự giảm thiểu rất nhiều về dân số người Chăm tại vương quốc này. Sau cuộc điều tra cặn kẽ hơn, người ta thấy rằng dân tộc Chăm không biến mất về mặt nhân chủng, nhưng họ bị thay đổi tên gọi từ người Chăm thành nhóm Khmer-Islam trong danh sách chủng tộc của vương quốc khmer.

Những người Chăm tại quốc gia này thường sinh sống hòa lẫn với những người Mã Lai di cư sang Campuchia đã từ lâu để rồi từ đó họ trở thành tín đồ Islam chính thống thuộc giáo phái Sunni. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Islam bắt đầu từ cuối thế kỷ XX tại các xứ Hồi Giáo thuộc vùng Tây-Á lan tràn đến miền Viễn Ðông qua trung gian của các nhà truyền giáo từ Trung Ðông, Pakistan và Mã Lai, đã góp phần tích cực vào cuộc vận động các tín đồ của khu vực Ðông Nam Á hướng về Islam chính thống. Các tổ chức này có mục đích chinh phục người Chăm phải tôn trọng giáo lý Islam một cách nghiêm túc và biến họ trở thành một tập thể dựa vào giáo lý Hồi Giáo để định nghĩa cho bản sắc của dân tộc mà không cần nghĩ đến di sản văn hóa và lịch sử Champa của họ nữa. Chiến lược của những tổ chức Hồi Giáo này cấu thành một mạng lưới đã thành công trong một số trường hợp khá quan trọng, đó là biến cộng đồng người Chăm tại Campuchia thành một tập thể quên đi nguồn gốc và chủng tộc của họ. Hiện tượng này đã gây ra bao nghi vấn liên quan đến sự sống còn của họ tại Campuchia, một sắc dân đang gánh chịu bao sự áp lực từ bên ngoài. Tính năng động của Islam và sự áp lực của một số người Chăm đã gia nhập vào phong trào canh tân Islam đã khiến người ta đặt ra bao nghi vấn chừng bao lâu nữa người Chăm tại vương quốc Campuchia còn duy trì tên gọi người Chăm của họ trên danh sách của dân tộc thiểu số tại vương quốc này, chứ không phải là danh sách của những người theo Hồi Giáo.

 

(Nguồn tư liệu : P-B Lafont, «Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử», Champaka số 11, 2011, tr. 223-227)