Champa sau ngày sụp đổ 1832 Print
Written by Gs. P-B. Lafont   
Monday, 06 February 2012 21:27
femme bani
Bà cụ Chăm

Một khi Champa bị xóa bỏ trên bản đồ, thần dân của vương quốc này phải gánh chịu bao thống khổ trước sự áp chế của triều đình Huế. Họ phải đóng thuế gấp đôi bằng hiện vật và hiện kim thể theo lời yêu cầu của quan lại Việt Nam để họ có cơ hội bỏ vào túi riêng. Bên cạnh sự áp chế về thuế vụ, dân tộc Champa thời đó phải gánh chịu bao qui chế lao dịch chính thức hay không chính thức, không có quyền lên tiếng chống lại chính sách tịch thu đất đai của họ do chính quyền địa phương đề ra. Trước thực trạng xã hội này, triều đình Huế phải tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách trừng phạt thẳng tay những quan lại người Kinh đã từng bóc lột dân tộc Champa, như trường hợp đã xảy ra tại Bình Thuận vào năm 1835 (Ðại nam Thực Lục Chính Biên XVI, Bản dịch quốc ngữ, Hanoi, 1966, trg. 289). Hết đối phó với sự hiếp đáp và thực trạng thối nát trong giai cấp quan lại của triều đình Huế, dân tộc Champa còn gánh chịu thêm những sự bóc lột và tước đoạt tài sản của họ bởi những dân cư người Kinh. Trước thảm trạng của xã hội đang diễn ra thời đó, rất nhiều người Chăm buộc phải bỏ rơi thôn xóm để thoát thân ra khỏi thể chế làm nô lệ cho người Kinh (CM 29-1) bằng cách chạy lên khu vực cao nguyên ẩn náu hầu chuẩn bị cho các cuộc vùng dậy trong tương lai.

Năm 1833 đánh dấu những cuộc vùng dậy ở nhiều nơi trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng. Ðáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa trong khu vực Panduranga mang mô hình tổ chức rất là mới lạ, đặt dưới quyền lãnh đạo của một người Hồi Giáo gốc Campuchia mà người ta không biết ông ta là người Mã Lai hay Chăm, mặc dù đã nhiều năm cư trú tại Makah, tức là tiểu bang Kelantan, Mã Lai hôm nay. Lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa này là một vị cả sư Katip (chức sắc Hồi Giáo) tên là Sumat. Sau khi thành lập xong mật khu trong vùng Ðồng Nai, Katip Sumat tập họp xung quanh ông ta những thành viên người Chăm và người Tây Nguyên tình nguyện gia nhập phong trào giải phóng Champa ra khỏi ách thống trị và sự áp bức của triều đình Huế. Lợi dụng lòng nhiệt huyết của các thành viên đối với mục tiêu giải phóng Champa, Katip Sumat, một nhân vật có tài thuyết phục, đã chuyển hướng tinh thần yêu nước của họ sang một chủ thuyết mới của cuộc đấu tranh dựa vào tôn giáo Islam để làm bàn đạp cho mọi dự án giải phóng Champa. Ðể thực hiện việc này, ông ta ra lệnh cho những nhà truyền giáo đi thuyết phục người Churu và người Raglai cải đạo để theo tín ngưỡng Islam, nhưng đồng thời cũng buộc những người Chăm Bani (tức là Islam không chính thống) cũng phải theo truyền thống và nghi lễ của Islam chính thống. Sự hiện diện của Katip Sumat nhằm tuyên truyền cho giáo lý Islam trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng hoàn toàn đi ngược với chính sách bài đạo của Minh Mệnh, vì nó sẽ gây ra phương hại đến ý thức hệ đoàn kết dân tộc trong một quốc gia Việt Nam đa chủng tộc thời đó. Chính vì thế mà hoàng đế Minh Mệnh phải có một thái độ cứng rắn đối với phong trào Islam này (CAM 167-6).

Ðể trả lời cho chính sách bài đạo của Minh Mệnh, Katip Sumat ra lệnh cho đoàn quân của mình vùng dậy chống lại triều đình Huế về tội phỉ báng Islam và Thượng Ðế Allah. Sau đó ông đứng ra hô hào cho cuộc thánh chiến (jihad) chống Việt Nam nhằm giải phóng Champa và hứa hẹn với đoàn quân thánh chiến rằng Thượng Ðế Allah và sức mạnh pháp thuật của riêng ông sẽ giúp cho đoàn quân đạt mọi chiến thắng. Cuộc nổi dậy này có một tầm ảnh hưởng rất quan trọng, bởi vì triều đình Huế buộc phải gởi thêm đoàn quân để tiếp viện và trang bị vũ khí cho những người Kinh sinh sống ở Bình Thuận để họ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Trong lúc dân cư người Kinh giữ vai trò bao vây các thôn làng người Chăm dù họ có tham gia với Katip Sumat hay không, quân đội chính qui của Minh Mệnh khởi đầu tấn công mật khu của phong trào nổi loạn. Vì nhận thấy không có thần linh hay sức mạnh thần kỳ nào đến trợ giúp, đoàn quân của Katip mất hết nhiệt tâm và bị đánh tan vào năm sau năm 1833, bắt buộc phải lẫn trốn trong vùng rừng núi mà người ta không biết thế nào là số mệnh của những người còn sống sót. Kể từ đó, không có một tài liệu nào còn đề cập đến Katip Sumat nữa.

Trước cuộc thất bại này, dân tộc Champa thời đó vẫn còn giữ niềm tin vào những cuộc đấu tranh kế tiếp. Họ chỉ qui tội cho Katib Sumat đã chọn lựa sai lầm mục tiêu. Vì cuộc thánh chiến của ông chống lại triều đình Huế không thể thu hút đông đảo thành viên so với các cuộc nổi dậy khác đã diễn ra. Sau ngày thất bại của Katip Sumat, một ông cả sư người Chăm Bani tên là Ja Thak Wa hay là ông Biện Sư theo tư liệu Việt Nam, dựa vào bối cảnh của xã hội Chăm đang chịu bao cam khổ dưới quyền thống trị của người Kinh thời đó, đứng ra kêu gọi tất cả thần dân Champa, không phân biệt tín ngưỡng và chủng tộc, phải gia nhập vào phong trào của ông ta nhằm giải phóng vương quốc này ra khỏi ách thống trị của triều đình Huế. Vào năm 1834, sau khi triệu tập một hội đồng trong khu vực miền núi nằm về phía tây của tỉnh Ninh Thuận, Katip Ja Thak Wa đề nghị tái lập lại quốc vương Champa, bầu luôn một vị hoàng tử kế thừa và đề cử thêm một thủ lãnh quân sự, cấu thành một hội đồng nội các Champa mà ông ta muốn phục hưng lại nền độc lập. Hội đồng này đã đồng ý đưa một nhân vật gốc dân tộc Raglai, tức là em rể của vua Po Phoak The lên làm quốc trưởng Champa. Theo Ðại Nam Thực Lục Chính Biên XVI (Hanoi, 1966), Ja Thak Wa là người đã chỉ định vị vua này. Theo tư liệu Chăm, hoàng tử Raglai tên là Po Var Palei và biên niên sử Việt Nam gọi là La Bông. Tiếp đó hội đồng chỉ định một người gốc dân tộc Churu làm vị hoàng tử thừa kế và một người Chăm tên Ja Yok Ai làm vị thủ lãnh quân sự.

Cuối năm 1834 đánh dấu cho các cuộc nổi loạn đến cực điểm của dân tộc Việt trên lãnh thổ Việt Nam kéo theo sự đe dọa của đoàn quân Xiêm La (Thái Lan) xua quân quấy phá miền nam Việt Nam. Lợi dụng cơ hội này, Ja Thak Wa mở rộng những trận tấn công vào các vùng duyên hải của Ninh Thuận và Bình Thuận (CM 32-6), tiêu diệt các căn cứ quân sự của triều đình Huế trên lãnh thổ Champa. Mặc dù Ja Thak Wa có đủ tài năng quân sự nhưng ông ta không đủ điều kiện để vận động quần chúng Champa vùng dậy tham gia vào cuộc chiến, vì triều đình Huế áp dụng một chính sách khủng bố vô cùng dã man bằng cách ra lệnh hành hạ và tàn sát những thành viên nào tham gia vào cuộc nổi loạn của Ja Thak Wa. Sau trận chiến này, Ja Thak Wa rút ra kinh nghiệm rằng mọi sự thắng lợi của một cuộc vùng dậy chỉ tùy thuộc vào ý thức hệ đoàn kết đấu tranh của quần chúng Chăm và Thượng, tức là thần dân của Champa thời trước. Chính vì thế ông ta truyền lệnh trừng trị nghiêm khắc những ai không theo chính nghĩa của cuộc cách mạng đặt duới quyền chỉ đạo của ông ta.

Ðầu năm 1835, Ja Thak Wa với đoàn quân của Churu và Raglai tấn công khu quân sự của Việt Nam nằm trong vùng duyên hải (CAM 30-17) của Bình Thuận và mở rộng chiến dịch trừng trị những nguời Chăm nào không gia nhập phong trào của ông ta (Minh Mệnh Chính Yếu V, Saigon, 1974, trg. 180). Cuộc tấn công lần này mang lại một thành công vẻ vang. Kể từ đó, Ja Thak Wa dường như làm chủ tình hình quân sự trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng. Truớc biến cố này, triều đình Huế phải gởi những đoàn quân chính qui sang Champa để tiêu diệt phong trào nổi loạn và hứa sẽ ban thưởng xứng đáng cho những ai bắt được hay giết chết một thành viên tham gia phong trào của Ja Thak Wa. Ðồng thời, hoàng đế Minh Mệnh ra lệnh cho các quan lại Việt Nam không được quyền hà hiếp và bóc lột dân chúng Champa nữa để lôi kéo họ hướng về chính nghĩa của triều đình Huế và ly khai với mặt trận Ja Thak Wa. Vừa mới khai trương chiến dịch của Minh Mệnh, biên niên sử Việt Nam cho rằng Po Var Palei, vị quốc vương Champa gốc Raglai bị giết vào tháng 5 năm 1835 trên bãi chiến trường trong khi đó Ja Thak Wa thì bị thương gần Phan Rang và bị quân đội Việt Nam bắt giữ và chặt đầu ngay sau đó.

Sau ngày từ trần của hai nhà cách mạng này, phong trào Ja Thak Wa vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng bị dập tắt đi một cách nhanh chóng và hầu hết những thành viên tham gia phong trào quyết định đầu hàng để trở về xum họp với gia đình. Tiếc rằng Minh Mệnh vẫn không khoan hồng cho họ bằng cách đưa ra chính sách vô cùng tàn bạo để trừng trị họ. Kể từ giữa năm 1835, Minh Mệnh đã ra lệnh giết ngay một số thành viên của Ja Thak Wa sau ngày về chiêu hồi, và một số khác thì bị lưu đày đi nơi khác hoặc bị bắt để làm nô lệ, chưa nói đến chính sách truy quét và đốt phá làng mạc của người Chăm. Nhằm kiểm soát hữu hiệu mọi hành động của người Chăm có mưu đồ vùng dậy, triều đình Huế ra lệnh chia cắt làng mạc của họ thành những thôn xóm lẻ loi nằm xen kẻ với thôn xóm người Kinh. Thêm vào đó, triều đình Huế còn cấm tuyệt mọi sự liên hệ giữa dân tộc miền núi và người sinh sống ở đồng bằng hầu không cho phép người Chăm có cơ hội chạy lên miền thượng du được xem như là khu vực chiến lược dùng làm căn cứ cho những cuộc nổi loạn chống lại triều đình Huế.

Vào những năm kế tiếp, các quan lại của triều đình Huế và nhất là các cư dân người Kinh được sự che chở của chính quyền địa phương tiếp tục theo đuổi việc bóc lột người Chăm và biến họ thành một tập thể nô lệ mà các tư liệu Chăm thời đó thường hay đề cập. Vì không cam chịu nổi chính sách này, dân tộc Chăm lại vùng dậy một lần nữa vào cuối thế kỷ XX dưới thời Pháp thuộc, dường như chỉ giới hạn trong khu vực Phan Rang và Phan Rí mà sử liệu viết bằng tiếng Chăm (CM 37-29) cho đây là cuộc nổi dậy chống lại phong trào Bieng Theng, tức là Văn Thân (Cần Vương). Cuộc vùng dậy này xảy ra vào lúc có sự hiện diện của người Pháp, đặc biệt nhất là ông E. Aymonier được bổ nhiệm vào năm 1866 làm công sứ Pháp của tỉnh Bình Thuận, một khu vực có sự họat động mạnh mẽ của phong trào Cần Vương (1885-1895).

Sau khi phác họa các cuộc hành quân chống lại Cần Vương, E. Aymonier đã thành công bình định chỉ trong vòng 5 tuần lễ những khu vực từ Bình Thuận cho đến Khánh Hòa (C. Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1896. Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête coloniale, Paris, L'Harmattan, 1989, trg. 63-67). Cũng vì người Kinh không ngừng áp bức họ, dân tộc Chăm phải ngã theo phe ông E. Aymonier để chống lại phong trào Cần Vương. Kể từ đó, chính quyền Pháp trang bị vũ khí cho các làng mạc người Chăm, đưa ra chính sách xây dựng lại thôn ấp của nhóm người thiểu số này và ban cho họ nền tự trị hành chánh nhằm giúp họ tự giải phóng ra khỏi sự kìm kẹp của chế độ Việt Nam (CM 60). Kể từ đó, dân tộc Chăm không còn lo âu đến sự khủng hoảng giữa họ và triều đình Huế nữa.

Sau cuộc chia đôi Việt Nam thành hai quốc gia có chủ quyền vào năm 1955, người ta lại chứng kiến thêm những cuộc vùng dậy tại miền trung Việt Nam. Các phong trào vùng dậy này không những tập trung những thành viên gốc người Chăm mà cả người Thượng, nhất là dân tộc Ê Ðê (Rhadé), tức là chủ đất đai của khu vực Tây Nguyên mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã trưng dụng để làm khu định cư cho những người Việt tị nạn, từ khi miền bắc bị rơi vào tay của cộng sản. Ngay từ lúc mới đến định cư, những người Kinh di cư này bắt đầu tước đoạt đất đai của người Thượng và xem họ như là nhóm người thiếu văn minh, một thái độ tương tự như nhà Nguyễn đã từng áp dụng cho người Chăm tại vùng duyên hải vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Ðể trả lời cho chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với dân tộc thiểu số, những người Thượng đứng ra tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Người Thượng (Front de Libération des Montangards - FLM), sau này là Bajaraka vào năm 1958, một phong trào đấu tranh để bảo vệ quyền lợi và đòi lại việc trao trả đất đai của họ.

Thay vì giải quyết một cách thích đáng những nguyện vọng của người Thượng, chính quyền Sài Gòn lại sử dụng sức mạnh của quyền lực để đối xử với họ càng ngày càng tệ hơn, khiến một số thành viên của Bajaraka phải gia nhập vào Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (FNL) thân Cộng và một số khác tham gia Mặt Trận Giải Phóng Champa, sau này là Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên Champa (Front de Libération du Champa / Front de Libération des Hauts Plateaux du Champa - FLC/FLHPC), tức là một trong 3 thành viên của Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Dân Tộc Bị Áp Bức (Front Unifié de Lutte des Races Opprimées) viết tắt là FULRO. Phong trào này đặt dưới quyền điều hành bởi một vị lãnh tụ có uy tín lớn, đó là Y Bham Enuôl. Năm 1964, Fulro chiếm tỉnh Darlac (Ðak Lak) và sau đó tìm cách thương thuyết với phính phủ Sài Gòn để đi đến một thỏa hiệp nhằm bảo đảm sự sống còn của người Thượng, nhưng bị thất bại (Po Dharma và Mak Phoeun, Du FLM au FULRO, Paris, Les Indes Savantes, 2006). Kể từ năm 1968, mặt trận này không còn sức mạnh quân sự như lúc ban đầu vì có sự nhúng tay của nước ngoài.


(Nguồn tư liệu : P-B Lafont, «Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử», Champaka số 11, 2011, tr. 211-221)