Sự cáo chung của Champa-Panduranga Print
Written by Gs. P-B. Lafont   
Monday, 06 February 2012 21:31
tu si
Tu sĩ Chăm

Một khi đã ngã về phe của Lê Văn Duyệt, kéo theo sự cắt đứt mọi mối liên hệ với triều đình Huế, vương quốc Champa chẳng thu được một mối lợi gì trong chiến lược liên minh với Lê Văn Duyệt. Theo các tư liệu Chăm cho biết, Lê Văn Duyệt vẫn đeo đuổi chính sách Việt Nam Hóa đối với dân tộc Champa mà Minh Mệnh đã từng áp dụng. Ðiều này đã giải thích tại sao một số quan lại của Champa thời đó không chấp nhận chính sách tách rời Champa ra khỏi quyền kiểm soát của triều đình Huế mà mối liên hệ đã cấu thành một qui chế chính trị từ lâu. Chính vì thế, những thành phần quan lại này không đồng tình với chính sách mà Po Phauk The đang theo đuổi kể từ cuối năm 1831. Lợi dụng cơ hội quần chúng Champa không tán thành với chính sách của Lê Văn Duyệt, hoàng đế Minh Mệnh ra lệnh bắt giam vị thủ lãnh Champa là Po Phaok The và buộc vương quốc Champa phải nộp cho triều đình Huế các loại thuế mà Po Phaok The chưa thực hiện.

Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần ở Gia Ðịnh Thành. Lợi dụng cơ hội này, hoàng đế Minh Mệnh thu hồi lại toàn lãnh thổ miền nam của Gia Ðịnh Thành, ra lệnh bắt giam Po Phauk The và trừng phạt vương quốc Champa về tội phản nghịch dám chống lại oai quyền của ông ta. Các biên niên sử Việt Nam và Chăm (CAM 30-8) ghi rằng Minh Mệnh quyết định vào năm 1832 hủy bỏ qui chế tự trị của Champa, biến thần dân của vương quốc này thành công dân của quốc gia Việt Nam thống nhất, xóa bỏ danh xưng Champa trên bản đồ và chia cắt lãnh thổ Champa thành đơn vị huyện và tổng theo mô hình tổ chức hành chánh Việt Nam nằm trong hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

Kể từ năm 1832, vương quốc Champa không còn hiện hữu nữa, từ qui chế chính trị cho đến hệ thống tổ chức kinh tế và xã hội mà bản văn Chăm ngữ CM 30-15 (trg. 116) đã ghi lại như sau :

“Vua chúa bị truất phế. Vương triều thì tiêu tan. Các bậc đàn em không còn tin vào thế hệ của những người anh trưởng. Thế hệ đàn cháu cắt đứt các mối quan hệ gia đình với bậc đàn cậu. Các thành viên xuất thân từ một gia đình chỉ biết cư xử với nhau như sự cư xử giữa người Chăm và Kinh, không ngần ngại truy tố gia đình của mình trước pháp lý. Các quan chức và thần dân không phân biệt chức vị hay gia tộc, đều phải mặc quần theo kiểu người Việt. Dân chúng Champa thời đó hết sức khốn đốn và không biết thế nào là định mệnh của họ trong tương lai”.

 

(Nguồn tư liệu : P-B Lafont, «Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử», Champaka số 11, 2011, tr. 209-211)