Champa : Vương triều Vijaya (thế kỷ XI-XII) Print
Written by Gs. P-B. Lafont   
Monday, 06 February 2012 22:28
lafont hanoi 1954
P-B. Lafont, Hà Nội 1954

Mặc dù khiếm khuyết tư liệu, nhưng người ta biết sau khi vua Harivarman II băng hà vào năm 998, vị tân vương Champa với tên thực thụ là Yang Po Ku Vijaya Sri đã dời thủ đô Indrapura vào năm 1000, vì quá gần biên giới của Ðại Việt, về phía nam tại Vijaya. Kể từ đó, Vijaya được xem như trung tâm chính trị của Champa, mặc dù vương quốc này đã thành công mấy lần thu hồi lại lãnh thổ miền bắc bị nước láng giềng xâm chiếm. Năm 1000, đánh dấu sự nhường bước của Champa trước sức ép của dân tộc Việt, tức là một sự thoái lui dần dần về phương nam cho đến lúc vương quốc này cáo chung vào 800 năm sau.

Sau cuộc băng hà của Yang Po Ku Vijaya Sri, có lẽ trước năm 1010, các tư liệu có nói đến bốn đời vua kế tiếp lên nắm chính quyền mà người ta không biết rõ tên tuổi của họ. Ngoài việc gởi phái đoàn ngoại giao thường xuyên sang Trung Hoa để xin hậu thuẫn và sang Ðại Việt để né tránh mọi sự đe dọa, thì người ta được biết vương quốc Champa, trong suốt thời gian trị vì của 4 vị vua này, đã chuốt lấy bao lần thất bại trước sự tấn công của các vị vua đầu tiên thuộc triều đại nhà Lý vừa lên thay thế nhà Lê vào năm 1009. Năm 1021, con của Lý Thái Tổ xua quân tấn công miền bắc Champa. Năm 1026 ông ta trở lại quấy nhiễu Champa. Sau khi lên nối ngôi vua cha vào năm 1028 với danh xưng Lý Thái Tông kể từ năm 1039, ông ta bắt đầu nhúng tay vào việc tranh giành quyền hành giữa các vị hoàng tử Champa. Rồi viện cớ một tân vương Champa được tấn phong vào năm 1042 đánh phá bờ biển Ðại Việt, Lý Thái Tông cầm đầu một đoàn quân đổ bộ lên bờ biển Champa trong vùng Thừa Thiên vào năm 1044. Thành Ðồ Bàn bị thất thủ và cướp phá. Quân đội Champa bị đánh tan và vua Champa bị giết trong khi đó một phần dân chúng của thủ đô Champa bị quân Ðại Việt tàn sát mà Việt Sử Lược đã từng ghi lại.

Sau cuộc thảm họa này, một vị quốc vương mới của Champa mà người ta không biết rõ nguồn gốc, đã lên ngôi tại Vijaya vào năm 1044. Vị vua đầu tiên của triều đại này là Jaya Paramesvaravarman I. Ngay từ lúc nhận vương phong là Rajadiraja (vua của các vua), Jaya Paramesvaravarman I phải đương đầu với sự chống đối của Panduranga không công nhận ông ta là thủ lãnh của liên bang Champa, vì tiểu vương quốc này đã chọn một hoàng tử xuất thân từ miền nam lên làm vua vương quốc này. Vị hoàng tử nối ngôi (Yuvaraja), tức là cháu của quốc vương Jaya Paramesvaravarman I nhận lệnh đem quân sang miền nam dẹp loạn vào năm 1050. Ðó là những biến cố mà 3 bia ký đã ghi lại trong đó có tấm bia ghi trên tảng đá gần đền Po Klaung Garai (Ninh Thuận) cho rằng dân cư của Panrang (Phan Rang) là những người «hư hỏng, hung dữ, ngu dốt, luôn luôn nổi loạn chống lại các nhà vua» đã bị quân đội Champa đánh bại. Những quân phản loạn ở miền nam bị bắt và chia ra thành hai nhóm. Một nhóm giữ lại tại chỗ để tái thiết thành phố, nhóm còn lại để phục vụ cho các điện thờ và các tu viện (L. Finot, «Inscriptions inédites de Panrang», trong BEFEO III, 1903, trg. 645-646). Vua Paramesvaravarman I cũng là người có công tái thiết nhiều công trình xây dựng cho đền Po Nagar tại Nha Trang vào năm 1050 và 1055 mà các bia ký bằng Phạn ngữ và Chăm ngữ ghi lại. Vị vua nối ngôi kế tiếp là Bhadravarman III mà người ta không biết gì nhiều về tiểu sử của ông ta. Tiếp theo là người em trai của Bhadravarman III lên ngôi vào năm 1061 tại Vijaya lấy vương hiệu là Rudravarman III. Ông ta đã xây dựng nhiều công trình vào năm 1064 trong khu vực của đền Po Nagar tại Nha Trang. Năm 1068, Rudravarman III xua quân tấn công Ðại Việt. Vua Lý Thánh Tông phản công tức khắc bằng cách tiến quân theo đường biển, đổ bộ gần khu vực Vijaya, đánh tan quân đội Champa, trong lúc đó vua Rudravarman III phải chạy sang Campuchia lánh nạn và đã bị đội quân Ðại Việt đuổi theo bắt được vào năm 1069. Sau khi phá hủy thủ đô Vijaya, Lý Thánh Tông đưa vua Rudravarman III về thủ đô Thăng Long vào năm 1069. Ðể chuộc mạng của mình, vua Rudravarman III chấp nhận dâng hiến cho Ðại Việt phần đất phía bắc của Champa nằm giữa cửa Hoành Sơn và đèo Lao Bảo, tức là khu vực Quảng Bình và Quảng Trị, sau này Ðại Việt sát nhập vào đơn vị hành chánh của mình mang tên là Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính.

Sau ngày được trả tự do, Rudravarman III phải đương đầu với tình hình chính trị Champa đang lâm vào con đường suy sụp, chia năm xẻ bảy thành hàng chục khu vực tự trị, nhất là đối đầu với Panduranga, một tiểu vương quốc có qui chế độc lập trong liêng bang Champa cho đến 1084 (E. Aymonier, «Première étude sur les inscriptions tchames» trong Journal Asiatique XVII-1, 1891, trg. 33 và tiếp theo). Người ta không biết vương triều của Rudravarman III cáo chung như thế nào và có phải ông ta hay vị vua kế tiếp là người đứng ra triều cống nhà Lý vào năm 1071 và 1074 như là một quốc gia chư hầu của Ðại Việt. Cho đến hôm nay, không có một tài liệu nào đưa ra giải đáp cho vấn đề đó. Ngược lại, nhờ một bia ký Mĩ Sơn bằng Phạn ngữ và Chăm ngữ mà người ta được biết có hai vị hoàng tử không biết thuộc về dòng tộc nào, tên là Thang và Pang tìm cách chấm dứt tình trạng hỗn loạn và thiếu thống nhất do chế độ ‘phong kiến’áá gây ra từ ngày ra đời của vương quốc này bằng cách chia cắt đất đai Champa thành 5 tiểu quốc : Indrapura ở phía bắc rồi xuống dần về phía nam là Amravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga, chưa kể đến nhiều khu vực hành chánh khác nằm trong một tiểu vương quốc cũng vùng dậy đấu tranh đòi quyền tự trị có nhiều quyền hạn hơn, một khi chưa đạt đến qui chế độc lập.

Năm 1074, hoàng tử Thang lên nắm chính quyền. Sau khi trùng tu lại đền Bhadresvara tại Mĩ Sơn, tức là vị nam thần che chở Champa, ông ta tự phong vương cho mình với danh hiệu là Harivarman IV. Một năm sau, Harivarman IV đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Ðại Việt và tiếp tục khai trừ các vị hoàng tử Champa tìm cách ly khai với triều đình. Tiếp đó, ông ta tiến quân xâm chiếm Campuchia nhưng không nêu ra vì lý do gì bằng cách phá hủy các điện thờ Sambor nằm trên bờ sông Mékong và di tản dân chúng Campuchia ra khỏi khu vực này. Một khi phục hưng lại Champa thành một ‘quốc gia huy hoàng’ như xưa, Harivarman IV quyết định về hưu trí bằng cách đưa con trai của mình tên Vak vừa mới 9 tuổi, lên nối ngôi vào năm 1080 dưới danh hiệu là Jaya Indravarman II. Năm sau, Harivarman IV băng hà. Nhiều người vợ (hoàng hậu và thứ phi) của ông ta cũng lên dàn hỏa táng theo nghi lễ Sati mà một bia ký đã từng xác nhận. Sau ngày hỏa táng của vua Harivarman IV, các quan thần trong triều đình nhận thấy rằng Jaya Indravarman II, vì tuổi chưa trưởng thành, không đủ khả năng để điều hành quốc gia, thành ra phải đưa người chú của ông ta, tức là hoàng tử Pang lên thay thế để lãnh đạo quốc gia vào năm 1081, lấy vương hiệu là Pamarabodhisattva, một tên gọi mang ảnh hưởng Phật Giáo. Pamarabodhisattva tiếp tục triều cống Ðại Việt và dẹp tan những vị hoàng tử nắm quyền tự trị của tiểu vương quốc Panduranga từ 16 năm qua để phục hưng lại vương quốc Champa thống nhất và độc lập vào năm 1084. Sau đó ông ta nhường ngôi lại cho người cháu là Jaya Indravarman II vào năm 1086. Sau ngày lên ngôi, vua Jaya Indravarman II tiếp tục triều cống Thăng Long (Hà Nội) nhưng vẫn chuẩn bị cuộc chiến vào năm 1103 nhằm thu hồi lại phần đất phía bắc của Champa đã lọt vào tay của Ðại Việt vào năm 1069, nhưng bất thành. Sau đó, ông mất vào năm 1113 và được phong chức thánh hiệu là Paramabuddhaloka. Cháu của ông ta là người lên nối ngôi vua với danh hiệu là Harivarman V. Người ta chỉ biết về lai lịch của Harivarman V qua các công trình kiến trúc tại Mĩ Sơn và các phái đoàn ngoại giao mà ông ta cử sang Ðại Việt và Trung Hoa.


(Nguồn tư liệu : P-B Lafont, «Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử», Champaka số 11, 2011, tr. 155-161)


 

Bài liên quan :

 

° Nguồn gốc Champa: Lin Yi

° Thời kỳ đầu của vương quốc Champa (thế kỷ VII-VIII)

° Champa : Thời kỳ Hoàng Vương (thế kỷ VIII-IX)

° Champa : Vương triều Indrapura (thế kỳ thứ IX-XI)

° Champa đối đầu với Angkor (thế kỷ XII-XIII)

° Champa vào đệ nhị bán thế kỷ XIII

° Champa đối đầu với Ðại Việt (thế kỳ XIV)

° Sự cáo chung của Champa Ấn Hóa (thế kỷ thứ XV)

° Champa bản địa : Giai đoạn chuyển tiếp

° Champa : Tình hình vào cuối thế kỷ XVI và XVII

° Tình hình Champa vào thế kỷ XVIII

° Champa : Tình hình vào thế kỷ XIX

° Sự cáo chung của Champa-Panduranga

° Champa sau ngày sụp đổ 1832

° Lịch sử Champa : Thay lời kết


° Tổ chức chính trị Champa

° Champa Ấn hóa

° Nguồn gốc dân tộc Champa

° Địa dư Champa

 

° Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa

° Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa

° Nguyên nhân sự suy tàn của vương quốc Champa

° Nhìn lại mối quan hệ của Campuchia đối với Champa

° Mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và vương quốc Champa

 

° Chính sách đối với đồng bào thiểu số của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa

° Ði tìm dấu vết lá cờ tự trị của dân tộc Chăm

° Kỷ niệm 175 năm Po Phaok The

° Palei Ram, quê hương của nhà cách mạng Ja Thak Wa

° Sự vùng dậy của Ja Thak Wa (1834-1835)

° Từ phong trào Katip Sumat đến mặt trận Ja Thak Wa

° Sự khởi nghĩa của Tuan Phaow vào năm 1796-1797

° 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa

° Po Cei Brei sang Kampuchia cầu cứu viện trợ 1795-1796

° Phong trào phục hưng Champa vào năm 1693-1694

 

° Fulro: truyền thống đấu tranh của dân tộc Champa

° Từ mặt trận FLM đến phong trào FULRO (1955-1975) [1] [2] [3] [4] [5] [6]

° Cuộc nổi dậy của dân tộc Tây Nguyên vào tháng 2 năm 2011

° Bóng hình Fulro 1975-2004

° Nguyên nhân sự vùng dậy của Fulro ở Buon Sapa 29-9-1964

° Dân tộc Chăm và Champa trong bộ sách giáo khoa ở Việt Nam

 

° Gs. P-B Lafont, tác giả của Lịch Sử Vương Quốc Champa

° E. Aymonier: Chuyên gia đầu tiên về lịch sử Champa