Thời kỳ đầu của vương quốc Champa (thế kỷ VII-VIII) Print
Written by Gs. P-B. Lafont   
Monday, 06 February 2012 22:45
16 mi son  vii-x
Thánh địa Mỹ Sơn

Vị quốc vương đầu tiên của quốc gia mang tên Champa, ám chỉ cho vương quốc Lin Yi có lãnh thổ nới rộng về phía nam của đèo Hải Vân, có thể là vua Sambhuvarman (?-629) hay thân phụ của ông ta tên là Rudravarman I (530 - ?) và cũng có thể là Vijayavarman (?- 529), tức là người đã lên ngôi

trước vua Rudravarman I. Lần đầu tiên, người ta nhắc đến vua Sambhuvarman cùng một lúc với sự ra đời của danh xưng Champa. Ông ta là vị vua chủ trương mở rộng chính sách bang giao thân thiện với Zhenla (Campuchia). Dưới thời trị vì của ông, Champa cũng bị nhiều lần tấn công bởi đoàn quân Trung Hoa do Liu Fang chỉ huy. Sau đó, con trai của ông ta tên là Kandarpadharma lên nối ngôi vua cha và tiếp tục duy trì mối bang giao chặt chẽ với Campuchia. Vua Kandarpadharma nhường ngôi lại cho đứa con của mình là hoàng tử Prabhasadharma. Các quốc vương kế tiếp của vua Prabhasadharma đã gây ra một khúc quanh trong biên niên sử Champa thời đó. Bởi vì bia ký Champa và Campuchia cũng như tư liệu Trung Hoa không đồng quan điểm về tên tuổi cũng như tổng số quốc vương cai trị Champa cho đến ngày lên ngôi của vua Prakasadharma vào năm 653. Prakasadharma là người con trai của giòng tộc Kandarpadharma. Mẹ của ông ta xuất thân từ gia đình hoàng gia Campuchia, tức là một trong những đứa con gái của Isanavarman I, quốc vương Campuchia thời đó. Prakasadharma lên ngôi qua sự biểu quyết của hội đồng hoàng gia Champa, một qui chế thường diễn ra tại vương quốc này. Sau ngày lên ngôi, ông ta lấy tên vuơng hiệu là Vikrantavarman và nhận chức phong là Po Tana Raya Champa (vị vua tối cao của đất đai Champa). Trong những năm trị vì, ông ta gia tăng công trình xây dựng nhiều đền đài tôn giáo tại Mĩ Sơn và tại nhiều nơi khác trong khu vực Amaravati. Vikrantavarman là vị vua đầu tiên đã sáng tạo ra phong cách nghệ thuật của nền điêu khắc Champa, và đã để lại một số bia ký, nhất là bia nằm về phía bắc của khu vực Nha Trang. Sự hiện diện của bia ký này đã chứng minh rằng vua Vikrantavarman có một ảnh huởng chính trị lớn lao ở miền nam Champa, nhất là tiểu vương quốc Kauthara. Mặc dù có ảnh hưởng như thế, nhưng chưa chắc ông ta đã nắm trọn trong tay quyền cai trị trên tiểu vương quốc Panduranga nằm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay. Vị vua nối ngôi của Vikrantavarman cũng mang tên là Vikrantavarman, đã gởi nhiều phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa cho đến năm 731. Sau đó, tài liệu Trung Hoa tiếp tục nói đến sự hiện diện tại quốc gia này vào năm 749 một phái đoàn ngọai giao Champa do vua Rudravarman II gởi sang, một thủ lãnh Champa mà người ta cũng không biết gì nhiều về lai lịch của ông ta. Và sau đó, các tài liệu Trung Hoa vẫn tiếp tục dùng cụm từ Lin Yi để ám chỉ cho Champa, nhưng đột nhiên danh xưng Lin Yi bị biến mất vào năm 757-758, để thay vào đó bằng một tên gọi mới, đó là Huan Wang (Hoàng Vương).


(Nguồn tư liệu : P-B Lafont, «Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử», Champaka số 11, 2011, tr. 142-144)