Nguồn gốc Champa: Lin Yi Print
Written by Gs. P-B. Lafont   
Monday, 06 February 2012 22:47
lafont 1
P-B. Lafont

Cho đến hôm nay, lịch sử Champa vẫn còn là một chủ đề cần được nghiên cứu thêm một cách sâu rộng, vì đa số tư liệu của vương quốc này bị biến mất theo thời gian và văn bản còn lưu lại thì có số lượng quá ít, nhưng thường chứa đựng một nội dung rất khó hiểu. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao nhiều nhà nghiên cứu thường dựa vào những lời tường thuật sơ sài và ngắn gọn trong biên niên sử của Trung Hoa để thiết kế lại lịch sử thời cổ đại của vương quốc này.

Ai cũng biết, những chi tiết của sự kiện nằm trong biên niên sử Trung Hoa thường được chép lại sau một thời gian dài của biến cố đã xảy ra, có phần thêm bớt để phù hợp với quan điểm của chính quyền thời đó, bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra. Thêm vào đó, biên niên sử của quốc gia này chỉ bàn đến những gì có sự liên hệ giữa Champa và Trung Hoa mà thôi. Riêng về bia ký viết bằng tiếng Phạn và Chăm cổ mà người ta thường dựa vào đó để nghiên cứu về Champa vào những thời đại kế tiếp thì không được dồi dào cho lắm so với số lượng bia ký xuất hiện ở Campuchia. Hơn nữa, nội dung của những bia ký này thường bị gián đọan trong không gian của niên đại, vì một phần bị tàn phá theo hoạch định của chính sách Nam Tiến của dân tộc Việt. Trên tổng số 206 tấm bia Champa còn tồn tại và đã được kiểm kê, chỉ có 81 tấm bia đã được nghiên cứu và phiên dịch. Chính đó cũng là nguyên nhân không cho phép các nhà khoa học đi sâu vào chi tiết của lịch sử Champa. Vì quá quan tâm đến vấn đề tôn giáo, các bia ký Champa thường hay bỏ qua những biến cố chính trị quan trọng đã xảy ra tại vương quốc này. Hơn nữa, một số bia ký đã mất đi ngày tháng và niên đại, cho nên việc sử dụng nguồn tư liệu bia đá đòi hỏi nhiều phần khách quan và luôn luôn dè dặt. Bên cạnh bia ký, người ta còn có một nguồn tư liệu lịch sử nữa đó là các biên niên sử viết bằng chữ Chăm trung đại (cham moyen) và cận đại (cham modern). Tiếc rằng, những văn bản này chỉ đề cập đến Champa sau thế kỷ thứ XV, tức là chỉ chú tâm vào lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga mà thôi, chúng tôi chưa nói đến những kho tàng tư liệu khác đã biến mất theo môi trường tự nhiên của khí hậu và tính vỡ vụn của phương pháp bảo trì. Riêng về nguồn tư liệu Việt Nam vào giai đoạn cận đại (période moderne) và hiện đại (période contemporaine), văn bản này chỉ chú trọng đến Champa trong giai đọan của cuộc Nam Tiến hoặc chỉ nói đến các biến cố đã xảy ra có sự liên hệ trực tiếp đến triều đình Việt Nam mà thôi.

Dù việc phân kỳ niên đại có hệ thống đến đâu đi nữa, lịch sử Champa vẫn là tổng thể của những biến cố chia thành 3 thời kỳ rõ rệt.

–      Thời kỳ đầu tiên là giai đọan lập quốc và sự ra đời của vương quốc Lin Yi (Lâm Ấp), danh xưng lịch sử mà các sử gia Trung Hoa thường sử dụng để ám chỉ Champa.

–      Thời kỳ thứ hai gọi là thời kỳ Champa Ấn Hóa (Champa indianisé), kéo dài qua nhiều thế kỷ, trong đó văn hóa Phạn ngữ, Siva Giáo, Phật Giáo đại thừa (dù là ngắn ngủi) và nhất là truyền thống Bà La Môn du nhập từ miền nam nuớc Ấn cấu thành nền tảng cơ bản của mọi cơ cấu tổ chức chính trị và xã hội của vương quốc Champa. Giai đoạn này là giai đọan đánh dấu cho một cuộc chiến lâu dài giữa hai nền văn minh đối nghịch nhau, đó là nền văn minh Ấn Giáo mà vương quốc Champa dựa vào đó để xây dựng di sản văn hóa tinh thần của mình nhằm gây tiếng vang sang phía bắc, chống lại nền văn minh Trung Hoa, tức là nôi sinh văn hóa của dân tộc Việt lúc nào cũng tìm cách tràn xuống phía nam.

–      Thời kỳ thứ ba gọi là thời kỳ Champa Bản Ðịa ra đời sau ngày sụp đổ của Champa Ấn Hóa, nhất là sau ngày lãnh thổ miền bắc của Champa bị rơi vào tay của Ðại Việt vào thế kỷ thứ XV. Kể từ ngày lãnh thổ Champa bị thu hẹp lại vào hai tiểu vương quốc Kauthara và Panduranga cho đến lúc danh xưng của quốc gia này bị xóa bỏ trên bản đồ vào đầu thế kỷ XIX, vương quốc Champa không ngừng dựa vào yếu tố văn hóa bản địa của tiểu vương quốc miền nam để xây dựng cho mình một nền văn minh mới và một hệ thống tổ chức xã hội hoàn toàn mới mẻ.

* *

Nói đến nguồn gốc của vương quốc Champa, tư liệu lịch sử Trung Hoa cho rằng vào cuối thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, quận Nhật Nam (Rinan) là một đơn vị hành chánh (commanderie) nằm về phía nam của Trung Hoa, có lãnh thổ, chạy dài từ mũi Rộn (mũi Hoành Sơn) cho đến đèo Hải Vân của miền trung Việt Nam. Mặc dù vị trí địa dư và qui chế chính trị như thế, nhưng tư liệu Trung Hoa vẫn cho rằng đa số dân cư của quận Nhật Nam là người dân bản địa; phần còn lại là dân cư người Hoa có số lượng rất là ít ỏi. Vào cuối thế kỷ thứ II, một đơn vị hành chánh nằm trong quận Nhật Nam mang tên là phủ (préfecture) Xianglin lợi dụng tình hình suy yếu của Trung Hoa để tìm cách thoát ra khỏi ách thống trị của quốc gia này. Sau khi nghiên cứu và phân tích những văn bản Trung Hoa liên quan đến quận Nhật Nam, học giả R. A. Stein (Le Lin-Yi. Sa localisation, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine, in Han-Hiue, Pékin, volume II, Fascicules 1-3, 1947, 335 trang) cho rằng vào khoảng cuối năm 192 Tây Lịch, một nhân vật gốc người bản địa đã giết chết vị thủ trưởng gốc người Trung Hoa nắm quyền ở phủ Xianglin rồi tự xưng là quốc vương của quốc gia này mà lãnh thổ đất đai bao gồm cả khu vực của tỉnh lỵ Huế hiện nay chạy dài cho đến biên giới miền nam của núi Bạch Mã.

Vào những năm 220-230, nhân cuộc trao đổi đại sứ với các nước lân bang, tư liệu Trung Hoa lần đầu tiên dùng tên gọi Lin Yi để ám chỉ cho một vuơng quốc vừa mới độc lập này. Chính vì thế, một số nhà khoa học tin rằng Linyi có thể là tên địa danh xuất phát từ cụm từ của phủ Xianglin. Ngay khi ra đời, Lin Yi bắt đầu mở rộng đất đai bằng cách sát nhập một phần đất phía bắc của quận Nhật Nam vào lãnh thổ của mình và chấp nhận tiếp thu một số ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa. Tài liệu Trung Hoa là nguồn sử liệu duy nhất nói về Champa cho đến thế kỷ thứ VII, nhưng không bao giờ đề cập đến Lin Yi chịu ảnh hưởng của Trung Hoa trong khoảng thời gian là bao lâu và kể từ lúc nào Lin Yi lại tiếp thu các ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Giáo,

Kể từ thế kỷ thứ III, Lin Yi đã thắt chặt các mối bang giao với Phù Nam (Campuchia), một vương quốc đã chịu ảnh hưởng Ấn Giáo kể từ ngày lập quốc vào thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch. Thêm vào đó, tài liệu Trung Hoa cho rằng 16 vị quốc vương của Lin Yi lên nắm chính quyền giữa thế kỷ thứ III và thứ VII đều mang danh hiệu bắt đầu bằng chữ Fan, tức là cách phiên âm từ chữ brahma của Phạn ngữ. Từ hai yếu tố vừa nêu ra, người ta có thể kết luận rằng vương quốc Lin Yi đã tiếp thu nền văn minh Ấn Giáo rất sớm so với lý thuyết mà một số nhà khoa học đã từng đưa ra cho đến hôm nay, mặc dù người ta không biết Lin Yi bị Ấn Hóa vào năm nào. Ðây là một chủ đề trọng đại cần nghiên cứu thêm vì quá trình Ấn Hóa của vương quốc Lin Yi cấu thành động cơ đã làm thay đổi tên gọi Lin Yi thành danh xưng Champa mà học giả R. A. Stein đã từng chứng minh, dựa vào nhiều nguồn tư liệu lịch sử, ngôn ngữ và dân tộc học.

Trong suốt chiều dài của lịch sử, Lin Yi đã trải qua bao đời vua tiếp tục thay thế nhau lên nắm chính quyền, trong số đó có một vài thủ lãnh dùng quyền lực để chiếm đoạt ngôi báu. Cho đến thế kỷ thứ VI, hầu hết tên tuổi vua chúa của Lin Yi đều do người Trung Hoa biên chép, rất khó mà khôi phục lại tên thật của họ. Nhưng đưa ra danh sách vua chúa của Lin Yi ra đây, chắc không phải là việc cần thiết cho lắm, bởi vì quyền nối ngôi của họ vẫn còn là một chủ đề tranh cãi, chưa tìm ra câu trả lời thích đáng. Một khi Trung Hoa nằm trong tư thế hùng mạnh, Lin Yi thường gởi các phái đoàn ngọai giao và lễ vật sang triều cống. Lợi dụng các cơ hội bang giao tốt đẹp với Trung Hoa, Lin Yi không ngần ngại xô quân đánh phá vùng ven biển của Giao Chỉ (Jiaozhou), tức là miền bắc Việt Nam hôm nay. Cũng vì lý do đó mà Trung Hoa phải xua quân chinh phạt Lin Yi, kéo theo các cuộc chiến liên hồi giữa Lin Yi và các thống đốc người Hán nắm quyền cai trị Giao Chỉ, một thuộc địa của Trung Hoa nằm phía cực nam, kể từ thế kỷ thứ III.

Theo tài liệu Trung Hoa, Linyi có ranh giới phía nam giáp với một số quốc gia hay tiểu vương quốc có hình thái tổ chức chính trị và xã hội hoàn toàn biệt lập, nằm trên vùng đồng bằng ven biển và các châu thổ nhỏ thuộc về phía cực nam của bán đảo Ðông Dương, chạy dài từ núi Bạch Mã (Huế) cho đến Funan (Campuchia). Ðây là khu vực của những người man rợ (barbare) vì họ có nếp sống hoàn toàn khác biệt với văn hóa của người Trung Hoa. Hoàn toàn khác hẳn với vương quốc Linyi, những tiểu vương quốc này đã tiếp thu đậm nét nền văn minh Ấn Giáo từ đầu kỷ nguyên. Các bia ký tìm thấy ở vùng lân cận của thánh địa Mĩ Sơn (Ðà Nẵng-Hội An) và khu vực Nha Trang đã chứng minh rằng tiếng Phạn đã trở thành một ngôn ngữ thông dụng kể từ thế kỷ thứ III trong phần đất nằm về phía nam của miền trung Việt Nam hôm nay, trong khi đó tiếng Chăm chỉ được sử dụng kể từ bán thế kỷ thứ IV trong khu vực Quảng Nam-Ðà Nẵng, tức là tiểu vương quốc Amaravati (K. Bhattacharya, Précisions sur la paléographie de l'inscription de Võ-canh, trong Artibus Asiae XXIV - 3-4, 1961, trg. 219-224). Các bia ký ấy cũng cho biết về sự phát triển của môn phái Siva Giáo cũng như tầm mức thịnh hành của nó tại khu vực Quảng Nam trong thời điểm đó. Cũng nhờ bốn bia ký bằng Phạn ngữ viết vào đời vua Bhadravarman I, thủ lãnh của một quốc vương đầu tiên thuộc về giai đoạn lịch sử của một quốc gia (sau này là Champa) nằm về phía nam của núi Bạch Mã (Huế) và cũng là nhân vật sáng lập ra điện thờ thần Siva trong quần thể Mĩ Sơn, một thánh địa tôn giáo của vương quốc này. Các bia ký Phạn ngữ vừa nhắc đến cũng như các bia ký viết bằng tiếng Chăm cổ, tức là ngôn ngữ đã được sử dụng tại khu vực Mĩ Sơn nằm ngay ở phía nam của Linyi và có thể trong những khu vực khác nửa, không bao giờ đề cập đến các mối liên hệ giữa Linyi với các tiểu vương quốc nằm về phía nam của đèo Hải Vân (phía nam Huế). Tấm bia Phạn ngữ gọi là bia của Vat Luong Kau tìm thấy tại Champassak (miền nam nuớc Lào) là tư liệu duy nhất viết vào cuối thế kỷ thứ V, tức là vào thời đại của Lin Yi, nhưng tấm bia này cũng không bàn đến một chi tiết gì về vương quốc này. Một khi không tìm ra các bia ký khác viết vào thế kỷ thứ V và thứ VI, vì bị tàn phá trong chiến tranh, người ta buộc phải dựa vào tài liệu Trung Hoa để tìm hiểu thêm những biến cố đã diễn ra tại Lin Yi trong hai thế kỷ đó. Tiếc rằng, các tài liệu Trung Hoa chỉ cung cấp một số tin tức rất là sơ sài về vương quốc này để rồi từ đó người ta tự đặt ra bao câu nghi vấn, có chăng vào thế kỷ thứ V và vào đầu thế kỷ thứ VI, biên giới phía nam của Lin Yi đã nằm bên kia đèo Hải Vân (phía nam Huế) nhưng thủ đô của nó vẫn tọa lạc trong khu vực của thành phố Huế hiện tại? Chỉ cần băng qua ngọn đèo Hải Vân, nguời ta có cảm tưởng rằng Lin Yi có thể chiếm trọn cả tỉnh Quảng Nam để thống trị các dân cư sống ở phía nam của núi Bạch Mã (Huế) và di chuyển thủ đô của mình từ thành phố Huế sang miền nam của đèo Hải Vân để tạo cho mình một quốc gia lớn mạnh hơn gọi là vương quốc Champa sau này. Ðây chỉ là một giả thuyết không thuyết phục cho lắm liên quan đến chủ đề tại sao vương quốc Lin Yi lại trở thành tên gọi Champa! Vì rằng, sự liên hệ về tên gọi giữa Lin Yi và Champa chỉ được xác nhận vào cuối thế kỷ thứ VI bởi một tư liệu Trung Hoa ghi lại lộ trình viễn chinh của Liu Fang, mặc dù người ta không thể biết rõ ngày tháng chính xác của văn bản này (Suizhou, K. 53, 4b). Ðây là lần đầu tiên mà Liu Fang nhắc đến thủ đô của Lin Yi vào đầu năm 605 nằm tại Simhapura (Trà Kiệu), tức là phía nam của đèo Hải vân. Thêm vào đó, danh xưng Champa lại xuất hiện lần đầu tiên trên một bia ký Phạn ngữ vào năm 658 tìm thấy ở Mĩ Sơn (xem L. Finot, Stèle de Cambhuvarman à Mĩ-sơn, trong BEFEO III, năm 1903, trg. 209-210). Và danh xưng Champa này cũng tìm thấy trong bia ký Campuchia kể từ năm 667 và trong các bản văn Trung Hoa phiên âm thành Zhancheng kể từ năm 877.

 

(Nguồn tư liệu : P-B Lafont, «Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử», Champaka số 11, 2011, tr. 133-142)