Vấn đề bản địa : Hội Đồng Sắc Tộc Chăm Ninh Thuận dưới thời VNCH Print
Written by BBT Champaka.info   
Saturday, 20 July 2013 08:05
canh 10
Thiên Sanh Cảnh

Tại Việt Nam hôm nay, Ninh Thuận là đơn vị hành chánh cấp tỉnh của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, nơi có cộng đồng Chăm và Raglai đông đảo nhất, nhưng họ chỉ là công dân ngoại lệ không có vai trò gì trong mọi cơ cấu tổ chức hành chánh của nhà nước Việt Nam, từ cấp tỉnh, sở, huyện cho đến cấp xã, ngoại trừ các nhân vật đóng vai trò  thôn trưởng gốc Chăm và Raglai được lựa chọn theo tiêu chuẩn của đảng và nhà nước và một số người Chăm và Raglai phục vụ trong tổ chức công an và đội ngũ bút chiến.

 

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Ninh Thuận cũng là đơn vị hành chánh của quốc gia Việt Nam, nhưng có qui chế đặc biệt dành cho dân tộc Chăm và Raglai. Đứng đầu của tỉnh là vị Tỉnh Trưởng thường là người Kinh do trung ương Sài Gòn bổ nhiệm. Đơn vị tiếp theo là cấp ty, quận, xã và thôn.

 

Tại Ninh Thuận dưới thời Việt Nam Cộng Hòa có quận An Phước, tập trung hầu hết các thôn người Chăm đặt dưới quyền quản lý của ông Quận Trưởng do trung ương Sài Gòn bổ nhiệm, nhưng ông ta phải là dân tộc Chăm và được đồng bào Chăm tín nhiệm. Quận An Phước tập trung nhiều xã Chăm đặt dưới quyền điều hành của ông xã trưởng nhưng họ phải là người Chăm. Sau đó là thôn người Chăm hoàn toàn nằm trong tay người Chăm quản lý.

 

Quận An Phước dưới thời Việt Nam Cộng Hòa là một tổ chức hành chánh mang qui chế tự trị, có lãnh thổ đất đai riêng, tòa án phong tục riêng và quân đội riêng gọi là « nhân dân tự vệ » đặt dưới sự điều hành của quận trưởng, được xem như Phó Vương Chăm thời đó. Bên cạnh quận An Phước, tỉnh Ninh Thuận còn có Ty Phát Triển Sắc Tộc, có chức năng ngang hàng với sở văn hóa, sở giáo dục, v.v., đặc trách vấn đề dân cư xã hội và giáo dục của dân tộc Chăm và Raglai.

 

Bên cạnh quận An Phước và Ty Phát Triển Sắc Tộc tức là cơ quan của nhà nước của Việt Nam Cộng Hòa, còn có Hội Đồng Cộng Đồng Sắc Tộc do dân tộc Chăm và Raglai bầu ra. Đây là cơ quan có chức năng cố vấn cho chính quyền tỉnh Ninh Thuận để giải quyết các vấn đề sắc tộc phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc và cũng trung tâm bảo tồn phong tục tập quán sắc tộc, định hướng và cải cách các lễ nghi và góp phần vào công tác giúp đở xã hội Chăm và Raglai thời đó.

 

Để thực thi chính sách dành cho dân tộc bản địa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa,

tỉnh NinhThuận ra quyết định số 342/HCTQ/QÐ về việc thành lập Hội Đồng Sắc Tộc tỉnh Ninh Thuận vào ngày 21 tháng 11 năm 1970.

 

Trên tinh thần hợp tác giữa chính quyền tỉnh Ninh Thuận và sắc tộc Chăm-Raglai, Hội Đồng Cộng Cộng Đồng Sắc Tộc có mục tiêu sau :

 

• Phát huy và bảo tồn văn hóa sắc tộc

• Góp phần phát triển nền giáo dục thanh thiếu niên sắc tộc.

• Thực hiện các công tác có ích lợi chung cho đồng bào sắc tộc.

• Gây tinh thần cộng tác giữa các giới đồng bào, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và đảng phái.

• Ðạo đạt nguyện vọng chính đáng của đồng bào sắc tộc lên các cấp hữu trách của tỉnh Ninh Thuận.

 

Hội Đồng Cộng Đồng Sắc Tộc tỉnh NinhThuận gồm có: Chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 1 tổng thư ký, phó tổng thư ký và 8 hội viên. Chủ tịch Hội Đồng Cộng Cộng Đồng Sắc Tộc khóa đầu tiên là ông Thiên Sanh Cảnh, một vị bô lão trí thứ Chăm có nhiều kinh nghiệm về phong tục tập quán, ngôn ngữ và chữ viết Chăm, rất được mến phục trong cộng đồng Chăm thời đó.

 

20-1

Hội đồng sắc tộc Chăm dưới thời VNCH

Từ trái sang phải: Thiện Sanh Cảnh, Lưu Quí Tân, Quảng Văn Đại

 

Bên cạnh Hội Đồng Cộng Đồng Sắc Tộc, Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hòa còn cho phép thành lập Hội Tế Tự Chăm Ninh Thuận vào ngày 25-9-2073 (số 444/BNV/KS/14B) để bảo tồn và phát huy phong tục tập quán phù hợp với bản sắc truyền thống của dân tộc thời đó (xem phụ lục 2)

 

* *

 

Việt Nam là quốc gia đa chủng trong đó có dân tộc Chăm, nhưng quốc gia đa chủng này có chính sách hoàn toàn khác biệt đối với dân tộc Chăm bản địa, tùy theo chế độ.

 

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, người Chăm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là cộng đồng dân tộc bản địa có qui chế « tự quyết » và « tự quản » nằm trong hệ thống hành chánh của quốc gia Việt Nam. Qui chế này cho phép dân tộc Chăm có một lãnh thổ riêng mà người Kinh không có quyền khai thác và sinh sống ; có đất đai công điền và tư điền riêng. Mọi cơ quan hành chánh từ cấp quận, xã và thôn đều do người Chăm quản lý ; có trường học riêng từ cấp tiểu học đến trung học như trường Trung Học Po Klong ; có Hội Đồng Sắc Tộc riêng để cố vấn cho chính quyền cấp tỉnh và Hội Tế Tự riêng để bảo tồn và phát huy bẳn sắc văn hóa dân tộc Chăm. Và qui chế này còn ban cho học sinh Chăm quyền ưu tiên vào các trường cao đẳng và đại học không cần qua các khóa thi cử ; quyền ưu tiên phục vụ trong các cơ quan của nhà nước một khi đã tốt nghiệp các khóa ngành nghề. Hay nói một cách khác, dân tộc Chăm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa là con cưng của đất nước, vì họ là dân tộc bản địa cần được sự chú tâm hơn của nhà nước Việt Nam thời đó.

 

Sau năm 1975, chính sách đối với dân tộc Chăm hoàn toàn khác biệt. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chôn vùi qui chế « tự quyết và tự quản » của dân tộc Chăm, bằng cách quốc hữu hóa tất cả đất đai công điền và tư điền của người Chăm nhưng không bồi thường một đồng xu nào cho chủ nhân của người Chăm ; biến dân tộc Chăm thành tập thể vô sản nghèo đói và bần cùng ; thay thế các cấp lãnh đạo Chăm từ cấp quận và xã vào trong tay của người Kinh ; gạch bỏ tên tuổi Hội Đồng Sắc Tộc Tỉnh ; đập phá cả tên Trường Trung Học Po Klong để thay vào đó Trường Nội Trú Dân Tộc ; thanh lọc vô cùng khắc khe những người Chăm phục vụ trong cơ quan của nhà nước  và cuối cùng xóa bỏ qui chế ưu đãi dành cho sinh viên Chăm vào các trường cao đẳng và đại học, v.v.

 

Mục tiêu của bài viết chỉ nhằm nêu ra bức tranh thật sự của xã hội Chăm dưới hai chế độ ở Việt Nam để độc giả có khái niệm sơ qua thế nào là chính sách đối với dân tộc Chăm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

 

20-2

Trí thức Chăm dưới thời VNCH:

Trái sang phài: Lâm Gia Tịnh, Dương Tấn Thời, Dương Tấn Sở, (-) (-), Thiên Sanh Cảnh

  

Phụ lục 1

Quyết định thành lập Hội Đồng Cộng Đồng Sắc Tộc

(Nguồn tư liệu : Nội Sang Panrang, số 1-1972)

 

Việt Nam Cộng-Hòa

Tòa Hành-Chánh Ninh-Thuận

Quyết-định số 342/HCTQ/QÐ

Về việc thành lập Hội-đồng Sắc-tộc

Tỉnh Ninh-Thuận.

 

Tỉnh trưởng Ninh-Thuận

 

• Chiếu hiến pháp Việt-Nam Cộng-Hòa ngày 01.4.1967.

• Chiếu sắc lệnh số 394-TT/SL, ngày 01 tháng 9 năm 1969, ấn định thành phần chánh phủ.

• Chiếu dụ số 14/69 ngày 14 tháng 10 năm 1969 ấn định tổ chức và điều hành Hội đồng các sắc tộc.

• Chiếu dụ số 57-A và thông tư số 001-a/TTP/VP, ngày 03.01.1968 tổ chức nền hành chánh quốc gia.

• Chiếu Nghị định số 025-TT/NÐ, ngày 22.01.1969 bổ nhiệm tỉnh trưởng Ninh-Thuận.

 

Quyết Ðịnh

 

Ðiều 1: - Nay thành lập tại tỉnh Ninh-Thuận một hội đồng mệnh danh: "Hội-đồng cộng-đồng sắc-tộc tỉnh Ninh-Thuận".

           

Ðiều 2: - Hội đồng cộng đồng sắc tộc tỉnh Ninh-Thuận gồm có:

– Chủ tịch.

– 02 phó chủ tịch.

– 01 tổng thư ký.

– 01 phó tổng thư ký.

– 08 hội viên.

 

Các thành phần nêu trên do đại diện các sắc tộc bầu lên trong một khoáng đại hội nghị.

 

Tùy theo nhu cầu hội đồng cộng đồng sắc tộc tỉnh Ninh-Thuận có thể thành lập các ban và tiểu ban cộng đồng sắc tộc ở cấp xã và ấp.

 

Ðiều 3: - Trên tinh thần cộng đồng hợp tác giữa chính quyền và nhân dân, Hội đồng cộng đồng sắc tộc Ninh Thuận được thành lập để làm mối giây liên lạc giữa chính quyền tỉnh và sắc tộc Chàm Thượng trên các việc kê sau:

 

– Phát huy và bảo tồn văn hóa sắc tộc.

– Góp phần phát triển nền giáo dục thanh thiếu niên sắc tộc.

– Thực hiện các công tác có ích lợi chung cho đồng bào sắc tộc.

– Gây tinh thần cộng tác giữa các giới đồng bào, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và đảng phái.

– Ðạo đạt nguyện vọng chính đáng của đồng bào sắc tộc lên các cấp hữu trách.

 

Ðiều 4: - Hội đồng cộng đồng sắc tộc nhóm họp đại hội thường kỳ mỗi lục cá nguyệt một lần hoặc nhóm họp bất thường tùy theo nhu cầu do sự triệu tập của ông chủ tịch.

 

Các ban và tiểu ban sắc tộc tại xã và ấp sinh hoạt do sự ấn định của hội đồng cộng đồng sắc tộc tỉnh Ninh Thuận.

           

Ðiều 5: - Các ông phó tỉnh trưởng, quận trưởng, trưởng ty liên hệ chiếu nhiệm vụ thi hành quyết định này./-

 

Phanrang, ngày 21 tháng 11 năm 1970

 

Tỉnh trưởng Ninh Thuận

(ấn ký)

Ðại tá: Trần Văn Tự

 

Phụ lục 2

Hội Tế Tự Chăm Ninh Thuận

(Nguồn tư liệu : Nội Sang Panrang, số 7-1973)

 

VIỆT-NAM-CỘNG-HÒA

BỘ NỘI-VỤ

NGHỊ-ÐỊNH SỐ 444/BNV/KS/14B

NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 1973

CHO PHÉP THÀNH LẬP HỘI TẾ TỰ CHÀM NINH-THUẬN.

 

TỔNG-TRƯỞNG NỘI-VỤ

 

• Chiếu Hiếm-Pháp Việt-Nam Cộng-Hòa ngày 1-4-1967;

• Chiếu Sắc-lệnh số 394-TT/SL ngày 1-9-1969 và các văn kiện kế tiếp ấn định Thành phần Chánh phủ;

• Chiếu Sắc-lệnh số 19-SL/NV ngày 21-11-1967 ấn định chức Chưởng của Tổng-Trưởng Nội-vụ;

• Chiếu Sắc lệnh 84-SL/NV ngày 13-7-1968 ấn định tổ chức Bộ Nội-vụ;

• Chiếu dụ số 10 ngày 6-8-1950 sửa đổi bởi Dụ số 24 ngày 19-11-1952, Dụ số 6 ngày 3-4-1954 và Sắc-luật số 038-TT/SLU ngày 22-12-1972 ấn định Quy chế Hiệp-hội;

• Chiếu đơn đề ngày 1-9-1972 xin thành lập Hội Tế-Tự Chàm Ninh-Thuận;

• Chiếu ý kiến thuận của Tòa Hành-chánh tỉnh Ninh-thuận,

 

NGHỊ-ÐỊNH

 

Ðiều thứ nhất:- Hội Tế-Tự Chàm Ninh Thuận, trụ sở đặt tại Ðền PÔ NAGAR, Hữu-Ðức, Ninh-Thuận, được phép thành lập và hoạt động đúng theo bản điều lệ được duyệt-y đính theo nghị định này và trong phạm vi quy chế Hiệp hội.

 

Ðiều thứ hai:- Ðổng-lý Văn-phòng và Tỉnh-Trưởng Ninh-Thuận chiếu nhiệm vụ, lãnh thi hành nghị định này.

 

Sài-Gòn, ngày 25 tháng 9 năm 1973.

 

ký tên LÊ CÔNG CHẤT.

 

PHỤ-BẢN

Phó Ðổng-Lý Văn-Phòng

Ký tên NGUYỄN TRUNG THOẠI

 

SAO Y: Chánh-Sự-vụ Sở Kiểm-Soát

(ẩn ký) Nguyễn văn Hộ.

 

NƠI NHẬN:

- Phủ Tổng-Thống

- Phủ Thủ-Tướng

- Bộ Tư-lệnh CSQG

- Tòa Hành-chánh Ninh-Thuận

- Hội đương sự

(qua Tòa Hành-chánh Tỉnh N.T)

- Sở, Công-báo Phủ Thủ-Tướng

(để cho đăng Công-báo VNCH)

- Lưu chiếu.-