Binh pháp “mỹ nhân kế” của Đại Việt trong cuộc Nam Tiến Print
Written by Ja Karo (độc giả trong nước)   
Friday, 27 June 2014 06:35
huen tran 10
Huyển Trân

Lịch sử đã ghi lại các cuộc hôn nhân chính trị giữa Vua Champa và mỹ nhân Đại Việt với những cuộc tình sử đầy bí ẩn gắn liền với vận mệnh của hai quốc gia láng giềng thời ấy. Cuộc tình nổi tiếng nhất phải kể đến là Huyền Trân công chúa của Đại Việt và vua Chế Mân của Champa vào đầu thế kỷ XIV.

Huyền Trân công chúa là con của Vua Trần Nhân Tông, em gái của Vua Trần Anh Tông. Sau 9 tháng thăm viếng Chiêm Thành, được Chế Mân đón tiếp hết sức nồng hậu, lại thấy thành trì của Chiêm Thành kiên cố, quân lính mạnh mẽ, dân chúng ấm no. Ngưỡng mộ trước xã hội bình an thịnh vượng dưới sự lãnh đạo tài ba của vị vua anh minh Chế Mân, đồng thời trả ơn cho việc Chế Mân giúp Đại Việt đánh tan quân Mông Cổ trước đó, Vua Trần Nhân Tông đã hứa gả con gái là Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân để giữ mối ban giao hòa hảo giữa hai nước. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) vua Chế Mân kết hôn với Huyền Trân công chúa. Ngờ đâu, một năm sau vào tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), Vua Chế Mân đột ngột băng hà, không rõ lý do. Đến tháng 10 cùng năm Đinh Mùi (1307), vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung sang Champa tìm cách cướp công chúa Huyền Trân về nước với lý do là tránh lên lò hỏa thiêu theo tục lệ Champa. Và ngay sau đó, lợi dụng lúc Quốc vương Champa vừa bị mất đột ngột, triều chính lộn xộn Vua Trần Anh Tông chuẩn bị cất quân đánh chiếm Chiêm Thành gây nên cảnh nước mất, nhà tan. Những sự kiện này đặt ra bao nghi vấn và lúc đó người ta hoài nghi nhiều về cuộc hôn nhân chính trị này?

 

huen tran 20
Điện thờ Huyền Trân công chúa tại Huế

 

Cuộc tình sử thứ hai cũng để lại nhiều tai tiếng không kém, đó là cuộc hôn nhân giữa Po Romé và công nữ Ngọc Khoa vào thế kỷ XVII.

 

Ngọc Khoa họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa là con gái thứ ba của chúa Sãi Nguyễn  Phúc Nguyên và là em gái của Nguyễn Phúc Ngọc Vạn. Năm Canh Thân (1602), bà Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chay Chetta II vì tình giao hảo giữa hai nước và để chúa Nguyễn có thể dồn lực đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Cũng theo kế sách này của chúa Nguyễn, Ngọc Khoa cũng được gả cho Vua Champa lúc đó là Po Romé.

 

Vua Po Romé tuy đã có 2 người vợ là hoàng hậu Bia Than Cih (người Chăm) và thứ hậu Bia Than Can (người Êđê hay Kaho tùy theo dị bản). Sau này vua Po Romé còn cưới thêm một người vợ sắc tộc Kinh là công nữ Ngọc Khoa.

 

 Theo truyền thuyết, khi về đến hoàng cung, Công nữ Ngọc Khoa (người Chăm thường gọi Bia Ut) là ái phi được vua Po Romé cưng chiều. Nàng giả vờ ốm nặng, một vị thần y vào cung Po Romé, phán rằng công chúa không bị bệnh, vị thần y này đã bị vua Po Romé đuổi về quê. Bia Ut nói rằng, muốn nàng  khỏi bệnh, nhà vua phải chặt cây Krek, cây lim thần biểu tượng sức mạnh của vương quốc Champa. Sau một thoáng ngập ngừng, vua đã làm theo. Đích thân vua là người vác cây rìu đi chặt. Sau ba nhát, thân cây Krek to lớn đổ nhào, máu Krek tuôn chảy suốt bảy đêm. Nhiều quan thần triều đình và thần dân Champa đã chỉ trích nhà Vua về việc này và cho đây là điềm xấu cho vương triều Champa.

 

huyen tran 20-2
Po Rome và thứ hậu Bia Than Can

 

Nghi vấn yếu tố binh pháp “mỹ nhân kế” qua các cuộc hôn nhân Chăm-Việt

 

Ai cũng biết luật tục Chăm chỉ cho phép hoàng hậu lên dàn hỏa thiêu cùng chồng khi được Hội đồng thông qua và đó là một niềm vinh dự để lại tiếng thơm cho đời sau. Việc Nhà Trần cướp Huyền Trân về viện lý do sợ lên dàn hỏa, điều này chúng tôi đặt ra bao nghi vấn là Huyền Trân có đủ tư cách pháp lý để lên dàn hỏa hay không? Tại sao Huyền Trân phải bỏ cung đình chạy trốn mà không ở lại chịu tang chồng và chia buồn cùng đại tang trong khi cả nước đang tang chế quốc vương? Việc Nhà Trần tổ chức cướp Huyền Trân về Thăng Long thì đâu là danh dự của Quốc gia Đại Việt?

 

Một công chúa Đại Việt đã trở thành thứ phi của Champa, khi chồng chết lại theo Trần Khắc Chung lênh đênh trên biển mấy tháng để trở về Thăng Long, một công chúa Đại Việt vì lý do gì phải bán rẽ danh dự quốc gia và đâu là đạo đức và thể diện của công chúa Nhà Trần?

 

Về công chúa Ngọc Khoa

 

Ai cũng biết tín ngưỡng văn hóa Champa là “thần quyền”, cây Krek, cây lim thần biểu tượng sức mạnh của vương quốc Champa. Vì sao Ngọc Khoa phải yêu cầu chặt cây thần để nàng khỏi bệnh? Phải chăng nàng biết rằng nếu làm như vậy thì dân chúng và quần thần sẽ mất niềm tin vào nhà vua; quan thần trong triều sẽ bất mãn mà xa lánh, không tận trung giúp nhà Vua lãnh đạo giang sơn, bờ cõi. Như vậy sẽ làm cho Champa lủng đoạn triều chính và cơ hội cho Đại Việt tấn công dễ dàng.

 

Kết luận và nghi vấn

 

Song tất cả những nghi vấn lịch sử trên được giải đáp thỏa đáng khi nhiều kênh thông tin đã ca ngợi về công lao của các công chúa Đại Việt nói trên trong việc mở mang bờ cõi.

 

Như vậy Đại Việt đã dùng binh pháp “Mỹ nhân kế” trong quá trình lấn chiếm Champa bất chấp tiếng xấu lưu truyền mà sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư chê trách rằng “… đem gả công chúa cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?”

 

Riêng đối với Ngọc Khoa, trong bài Cảm vịnh Hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, Á Nam Trần Tuấn Khải cũng thương tiếc rằng:

“Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,
Hiếu trung cho trọn đủ mười phân.”

 

Tuy nhiên hai bà phải mang tiếng “bội tình” và vì đó danh dự ngọc ngà của “công nữ” vương triều cũng bị tước đoạt vì những cuộc hôn nhân chính trị. Song đáng nói rằng không một trang sử chính danh nào của Đại Việt ghi lại công lao của hai bà.


“Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
Đem thân giúp há nhường trai.
Vắng trang lịch sử, nào ai biết?
Người đã hy sinh vị giống nòi.”


Phải chăng những mờ ám của các cuộc hôn nhân này đã làm cho hình ảnh Đại Việt xấu đi và mất uy tín trong các mối ban giao với các nước láng giềng. Do đó họ không muốn nhắc đến nữa một khi lợi ích đã đạt được dẫu rằng “bia miệng” ngàn đời vẫn lưu truyền.

 

Từ hai cuộc hôn nhân chính trị trên, các cuộc hôn nhân giữa Vua Chăm và vợ Việt như Vua  Po Nit và thứ phi Nguyễn Thị Thương (đền thờ ở Phan Hiệp, Bắc Bình); Vua Po Klaong Mah Nai và  Thứ phi Nguyễn Thị Hương (đền thờ ở Lương Sơn, Bắc Bình),…cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Có hay không “binh pháp Mỹ nhân kế” ở đây hay là những cuộc hôn nhân thắm tình nghĩa phu thê son sắc.

 

Xem Thêm: 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa

http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=979&Itemid=67