Giới thiệu tác phẩm Vương Quốc Champa Print
Written by Po Dharma   
Thursday, 22 March 2012 03:49
bia 2
Bìa tác phẩm

Vương Quốc Champa: Ðịa Dư, Dân Cư và Lịch Sử là tác phẩm khoa học của Gs. P-B. Lafont (đại học Sorbone, Paris) do IOC-Champa ấn hành vào năm 2011 đặt dưới sự bảo trợ của Hội Đống Phát Triển Văn Hóa-Xã Hội Champa có trụ sở tại Hoa Kỳ. Tác phẩm này đã ra mắt tại San Jose, California, Hoa Kỳ vào ngày 17-9-2011.

*

Champa là vương quốc có nền văn minh cao độ nằm ở miền trung Việt Nam, đã từng đóng một vài trò chủ yếu trong tiến trình hình thành các quốc gia tại khu vực Ðông Nam Á. Tiếc rằng dân tộc Champa hôm nay vẫn chưa tiếp thu một tác phẩm nào đáng được mang tên là ịáLịch Sử ChampaáỂ trong nghĩa rộng của nó.

G. Maspero là nhà sử gia đầu tiên đã xuất bản vào năm 1928 một công trình mang tên Vương Quốc Champa trong đó tác giả chỉ bàn đến lịch sử của vua chúa Champa từ ngày lập quốc cho đến cuộc thất thủ của thành Ðồ Bàn vào năm 1471. Po Dharma là nhà nghiên cứu thứ hai đã ấn hành vào năm 1987 tác phẩm Panduranga-Champa : Mối liên hệ với Việt Nam trong đó tác giả chỉ đặt trọng tâm đến mối quan hệ của Champa đối với cuộc nam tiến của nhà Nguyễn, kể từ thế kỷ thứ XV cho đến 1832, năm đánh dấu cho sự sụp đổ chủ quyền của vương quốc Champa trên bán đảo Ðông Dương.

Bên lề của hai tác phẩm khoa học này, lịch sử Champa cũng là chủ đề không ngừng xuất hiện trên làn sóng sách báo và mạng web viết bằng tiếng Việt mà nội dung chỉ là một thể loại văn chương của những người viết lách dành cho quần chúng đại trà hay biểu tượng cho quan điểm của một số học giả tìm cách xây dựng lịch sử Champa theo lăng kính cá nhân của mình hầu bảo vệ cho chủ nghĩa quốc gia của từng chế độ.

Ðể trả lời cho những khuyết điểm đó, Gs. Ts. P-B. Lafont, một học giả chuyên về lịch sử và nền văn minh Ðông Dương tại đại học Sorbonne (Paris) đã đầu tư rất nhiều thời gian hầu biên soạn lại một công trình khoa học mang tựa đề Vương Quốc Champa : Dịa Dư, Dân Cư và Lịch Sử. Ðây là tác phẩm lịch sử Champa đầu tiên mang tính cách tổng thể, kéo dài từ ngày Champa lập quốc vào thế kỷ thứ II cho đến khi vương quốc này bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832.

Trong tác phẩm này, Gs. Ts. P-B. Lafont tự đặt mình vào vị trí của một nhà sử gia để xây dựng lại tiến trình lịch sử Champa một cách khoa học và khách quan, từ yếu tố địa dư cho đến yếu tố dân cư của một quốc gia Champa đa chủng tộc và đa văn hóa, không ngừng dựa vào triết lý Ấn Giáo và sau đó là Hồi Giáo để tạo cho mình một nền văn minh có sắc thái riêng biệt. Yếu tố lịch sử là chương cuối cùng của tác phẩm, trong đó Gs. Ts. P-B. Lafont chỉnh đốn lại một cách khoa học hệ thống phân kỳ lịch sử của vương quốc Champa, phân tích lại một cách khách quan mối liên hệ chính trị và quân sự giữa Champa và quốc gia láng giềng ở phía bắc trong suốt chiều dài của cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, mà mục tiêu chỉ nhằm đưa lịch sử Champa trở về đúng với vị trí của nó, tức là phù hợp với yếu tố của những sự thật đã xảy ra trong không gian lịch sử của vương quốc này. Kể từ đó, tác phẩm mang tựa đề Vương Quốc Champa : Dịa Dư, Dân Tộc và Lịch Sử do Gs. Ts. P-B. Lafont thực hiện, cấu thành một di sản tinh thần thiêng liêng của dân tộc Champa mà không ai có quyền thêm bớt hay chỉnh lý theo quan điểm riêng tư của mình mà không nêu ra một minh chứng thuyết phục và có giá trị về mặt khoa học.

 

lafont
Gs.P-B. Lafont