Tháp Yang Praong: thực trạng và giải pháp bảo tồn Print
Written by Ja Karo, độc giả trong nước   
Sunday, 12 May 2013 04:36
10

Như trong bài viết “Phải trả lại không gian tín ngưỡng cho tháp Yang Praong-Dak Lak”- kỳ 1 đã đăng, chúng tôi đã cho biết tháp Yang Praong là di sản lịch sử của vương quốc Champa nằm trên lãnh thổ Tây Nguyên, thuộc xã Ea Rok, huyện Ea Sup, tỉnh Dak Lak, cách thành phố Buôn Ama Thuột khoảng 90 km về phía Tây. Tháp Yang Praong huyền bí, ẩn mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ

 bởi khu rừng nguyên sinh bao bọc và những tán cây cổ thụ xòe rộng che mát. Năm 1991, tháp Yang Praong được công nhận danh hiệu di tích kiến trúc cấp quốc gia Việt Nam bởi giá trị lịch sử và lối kiến trúc độc đáo của nền văn minh tháp cổ Champa. Trải qua bao năm tháng, ngọn tháp này đang xuống cấp nghiêm trọng qua thời gian và cả sự tàn phá vô tình lẫn cố ý từ bàn tay của cộng đồng người Kinh di cư ồ ạt lên khu vực Tây Nguyên sau năm 1975. Hiện nay tháp đang được các cấp lãnh đạo và các đơn vị chức năng của nhà nước Việt Nam quan tâm, cho tiến hành trùng tu và nâng cấp. Thiết nghĩ đây cũng là thời điểm tốt nhất để đánh giá lại những nguy cơ tàn phá Tháp Yang Praong và có những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn ngôi tháp linh thiêng đầy ý nghĩa này trên vùng đất Tây nguyên.

  

1- ban do

Bản đồ vị trí tháp Yang Praong

 

Những nguy cơ tiềm ẩn làm xáo trộn

không gian tháp Yang Praong

 

1). Xây nhà, chiếm đất đai xung quanh tháp Yang Praong

 

Theo tác giả Trần Ngọc Quyền, trong bài viết “Tháp cổ giữa đại ngàn”, Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Dak Lak cho biết cách đây hơn 20 năm, tháp nằm giữa một vùng rừng mênh mông, hoang vu đến lạnh người nhưng hiện nay dân cư đã kéo sát đến chân tháp; rừng bạt ngàn cổ thụ bao quanh tháp ngày xưa nay cũng thưa dần… Xem chi tiết bài viết:

http://www.baomoi.com/Thap-co-giua-dai-ngan/137/4570068.epi

 

2- thap yang praong
Tháp Yang Praong ẩn mình trong rừng già cổ thụ

 

Đúng như bài viết đã mô tả, chúng tôi đã đến nơi và tận mắt chứng kiến hiện tượng người dân di cư đến đây xây nhà, chiếm đất đai, phá rừng ở khu vực tháp. Bên cạnh những ngôi nhà tạm bợ còn có những ngôi nhà kiên cố chiếm dụng đất đai với diện tích lớn và một ngôi trường gồm 3 phòng nhỏ cũng mọc lên tại đây. Tất cả đã làm biến dạng không gian văn hóa Tháp vốn dĩ rất huyền bí và linh thiêng này.

 

3- ngoi nha tam b-
Những ngôi nhà tạm bợ mọc lên chiếm đất đai xung quanh Tháp

 

2.- Khai thác cát trái phép gây sạt lở khu di tích tháp Yang Praong

 

Theo tác giả Lê Thành trong bài viết “Khai thác cát trái phép gây sạt lở Khu di tích tháp Yang Praong” thì hơn 1 năm nay, việc khai thác cát trái phép trên sông Ea H’leo đang hằng ngày đe dọa đến sự an nguy của khu di tích tháp Champa này. Dòng chảy của sông hiện nay cách chân tháp chỉ còn khoảng hơn 20m, trong khi không có bờ kè bảo vệ. Do đó có khả năng chỉ trong khoảng 2 mùa mưa lũ nữa thì tháp Yang Praong có thể bị cuốn trôi.

 

4- ngoi nha kien co
Một ngôi nhà kiên cố mới xây bên trong khu vực Tháp

 

Sự chậm trễ của các cơ quan chức năng trước báo cáo của người dân về nguy cơ dòng lũ cuốn trôi tháp cũng là một việc đáng bàn. Cụ thể là ông Lê Văn Giang, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Sup lại cho hay, mặc dù đã nhận được đơn kiến nghị của người dân và chính quyền xã Ea Rok song, do bận quá nhiều công việc nên chưa có thời gian giải quyết,…. Ông Giang cũng khẳng định thêm, việc khai thác cát ở sông Ea H’leo, đoạn chảy qua địa bàn huyện Ea Sup là hành vi hoàn toàn sai trái, chưa có cơ quan nào cấp giấy phép và cần tiến hành kiểm tra, ngăn chặn. Xem chi tiết bài viết ở địa chỉ: http://tinhhinh.net/Khai-thac-cat-thap-Yang-Prong-c8a6657.html

 

5- khai thac cat
Khai thác cát trái phép trên sông Ea H’leo nguy cơ sạt lở tháp Yang Praong

 

Giải pháp bảo vệ tháp Yang Praong

 

1). Tổ chức công tác quản lý và lập lại trật tự thờ cúng

 

Được biết sau ngày công nhận di tích, tháp Yang Praong được Ủ Ban Nhân Dân huyện Ea Sup giao cho xã Ea Rok quản lý. Xã Ea Rok lại phân công các hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh trông coi. Hiện nay tháp được Sở Giáo dục đào tạo Dak Lak giao cho Trường Trung học phổ thông Ea Sup chăm sóc. Tuy nhiên, di tích cấp quốc gia Viêt Nam mà giao cho các hội quản lý và học sinh chăm sóc để xảy ra hiện tượng thờ cúng tràn lan như hiện nay là chưa đúng. Do đó cần phải thành lập ban quản lý tháp Yang Praong một cách rõ ràng với những quy chế hoạt động tường minh, nghiêm túc là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các loại hình tâm linh tín ngưỡng thờ cúng trong tháp cũng cần được chú ý. Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Pháp tên là H. Maitre cách đây tròn một thế kỷ thì vật còn lại duy nhất trong tháp thời đó là một tượng Mukhalinga (Shiva có khuôn mặt) bằng đá. Do đó việc thờ cúng cần phải được xác định đúng như ý nghĩa ban đầu của Tháp vốn có. Tuyệt đối ngăn chặn việc cá nhân tự tiện lập bàn thờ thần linh của người Kinh bên trong cũng như xung quanh đền tháp để tránh sự hỗn tạp về văn hóa tâm linh tín ngưỡng nơi đây cũng như màu sắc mê tín dị đoan thấp thoáng ở ngôi tháp huyền bí này.

 

6- don vi cham soc
Học sinh nhận chăm sóc di tích tháp Yang Praong, tại sao?

 

2). Quy hoạch lại đất đai xung quanh khuôn viên tháp Yang Praong

 

Các cơ quan quản lý và đơn vị chức năng có trách nhiệm làm rõ nguồn gốc di cư và quyền sở hữu đất đai của các hộ gia đình người Kinh hiện ở xung quanh tháp. Sau khi trùng tu, chắc chắn ngôi tháp sẽ đẹp và khang trang hơn. Do đó phải trả lại không gian tự nhiên xung quanh tháp bằng quy hoạch đất đai một cách hợp lý, ngăn chặn hiện tượng di cư và chiếm đất trái phép làm mất môi trường cảnh quang khu tháp Yang Praong.

 

3). Bảo vệ rừng đại ngàn quanh tháp Yang Praong

 

Tháp Yang Praong huyền bí và kỳ vĩ bởi ẩn mình trong tán rừng nguyên sinh xanh mướt với những gốc cây cổ thụ sừng sững từ ngàn xưa. Ngày nay, sự tàn phá của con người đối với khu rừng này đã đến lúc báo động. Cần ngăn chặn hiện tượng chặt phá rừng xung quanh ngôi tháp và phải giữ được nét đặc trưng của môi trường sinh thái nơi đây để góp phần bảo tồn không gian nguyên vẹn của ngôi tháp.

 

7- con duong vao thap
Con đường vào tháp Yang Praong

 

Kết luận

 

Tháp Yang Praong đã được xuất hiện trên nhiều mặt báo với nhiều thể loại, hình ảnh và bài viết rất đáng quan tâm. Đó là một ngôi tháp với kiến trúc độc đáo của một nền văn minh tháp cổ Champa, hiện đang sừng sững và uy nghi ở một vị trí đặc biệt của khu rừng đại ngàn Tây nguyên.

 

Tuy nhiên, tình trạng xâm thực văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Champa cũng như công tác quản lý lỏng lẻo, lẫn sự xâm hại nghiêm trọng không gian và môi trường tự nhiên xung quanh tháp Yang Praong đã đến lúc báo động!

 

Hiện nay tháp Yang Praong đang trùng tu, đây là thời điểm tốt nhất mà các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiến hành quy hoạch công tác bảo tồn khu vực Tháp. Đó là một việc làm đầy ý nghĩa và cần thiết hơn bao giờ hết.

 

Xem video clip về tháp Yang Praong: http://youtu.be/70TPjqTtS4c