Tại sao Chăm không lập bàn thờ tổ tiên để thờ cúng Print
Written by Ja Alin (độc giả trong nước)   
Thursday, 03 September 2015 15:42
ja alin 1

Chăm Bà-la-môn có Kut (Chăm Bani thì có Ghur), nơi cuối cùng của một kiếp người. Ở đó con người ta đã được thanh thông về mọi thứ, đấy là lần sinh thứ 3 của Chăm Bà-la-môn giáo. Lần sinh của kiếp sống vĩnh viễn. Khi Po Adhia “traok swan” tức là thổi hồn vào mỗi sinh linh trong cuộc đám tang, là lúc con người ta đã đạt đến đỉnh điểm tu sỹ Bà-la-môn giáo. Lúc đấy được đoàn tụ với tổ tiên, ông bà… 

họ là những bậc tu sỹ đã đắc đạo sau kiếp người

                         

Ngoài Kut ra, Chăm Bà-la-môn tôi không còn nơi nào khác cho sự tri ân những bậc tiền nhân, bậc anh hùng,… những người quá cố đã hy sinh vì đất nước, giống nòi (Còn Bimong là nơi thờ cúng của những thần linh hay các bậc vua chú đã trở thành bậc thần linh ). Nhưng Kut chỉ nằm trong sự thờ phượng của tộc họ- rất nhỏ. Vậy tại sao?

 

Mỗi khi gặp trắc trở trong cuộc sống, tôi lại cầu mong Po, cầu mong ông bà,… và những người quá cố của đồng loại phù hộ giúp đỡ cho tai qua nạn khỏi. Thế là tự thấy mình đủ bản lĩnh để vực dậy đi tiếp trên bước đường đời dù chông gai có lồ lộ ra đấy.

 

Mỗi khi uống một ly rượu/bia hay ly trà… tô lại rót xuống đất vài giọt và miệng lẩm bẩm cầu mong Po, cầu mong những bậc tiền nhân quá cố…cho cuộc rượu mỹ mãn niềm tin yêu. Thế là cuộc sống tự nhiên nở hoa nơi tâm hồn.

 

Thửa bé, cũng những lời cầu mong trên, tôi nghe bà lẩm bẩm trong mâm cơm mỗi độ Kate, khi cúng ông chuồn bà chuồn, khi có món ngon vật lạ, khi gặp chuyện không may,… bà bày mâm cơm mà cầu xin sự an lành.

 

Cũng hồi còn bé, chúng tôi dựng một “đồi” đá, gồm những mảnh đá nhỏ gộp lại thành đống, rồi nhặt những cành cây khô gắn vào và quỳ gối cầu xin cho sự bình an. Mỗi cành cây, mỗi cục đá tượng trưng cho mỗi con bò, cừu, dê, hay sự xuôi ruỗi trong cuộc sống… và mong tìm lại những sự mất mát ấy. Thế nào chiều nay, sáng mai hay muộn nhất là sau 24 giờ, cũng tìm thấy được những convật/thứ đã mất, hoặc tự nó cũng tìm đến với mình.

 

Chúng tôi lớn lên từ đó. Vậy mà thấy long nhẹ nhỏm và rồi đi tiếp trên cuộc đời đấy ải đau thương này như chưa hề có gì xảy ra. Bởi lòng tin ở đấng tạo hoá rằng ở đâu cũng có sự phù hộ của những bàn tay vô hình, dù trong chiến tranh hay thời bình, trong gian nan hay đang hanh phúc, từ công việc đến cuộc vui, nào có ai quên họ - những bậc tiền nhân/thân.

 

Nhưng Chàm Bà-la-môn tôi không kêu tên gọi họ những người đã khuất, những bậc anh hùng… hay bất kỳ ai. Không phải chúng tôi bỏ quên họ, hay cũng chẳng phải chúng tôi “ ăn quả” mà không nhớ “ kể trồng cây”. Bởi tinh thần ẩn danh trong truyền thống tín ngưỡng của người Chăm. Cũng như tinh thần ẩn danh trong Ariya, trong Akayet, trong bia ký, trong các công trình kiến trúc vỹ đại mà nhạc sỹ A-mư Nhân có câu “từ trời xanh rơi và giọt tháp”… Có biết ai, người nào, tên họ ra sao? Bởi rằng với Chăm, khi ai đó đã biết và tôn sùng vỹ nhân, thì coi như vỹ nhân đó đã chết (cái chết vĩnh viễn của tinh thần), không còn hiện hữu cho dù chỉ trong ký ức. Vậy nên, Chăm tôi không ca tụng ai, hay cúng điếu cá nhân nào. Chỉ có sự tưởng nhớ, tưởng nhớ từ trong tâm tưởng mỗi con người, cũng như Chăm tôi tưởng nhớ ông Paoh Catuei, hay ông Glơng Anak.. vậy. Chẳng ai biết các ông đó thế nào, tên tuổi gì, có con cháu ra sao, ông nơi chốn nào… vậy mới thông thái, vậy mới đắc đạo của truyền thống. Chăm tôi thế đó.

 

Chăm Bà-la-môn tôi sống bằng cảm xúc bên trong, sống bằng niềm tin yêu, sống bằng tín ngưỡng… chứ không liên quan gì đến thế giới  bên kia. Tại sao phải phụ thuộc vào người khác? Người quá cố không chấp nhận sự ngợi ca, công nhận hay bất cứ một giải thưởng nào. Bởi rằng chấp nhận những sự trên là ta bị lệ thuộc… và coi như là bị chết.

 

Vậy nên, đừng hỏi rằng: Sao Chăm không lập bàn thờ tổ tiên? Sao không cúng điếu cho việc tưởng nhớ những người đã khuất? Bởi rằng đời sống tâm linh của Chăm là thế.

 

Ja Alin