Niên đại xuất hiện lễ Kate của dân tộc Chăm Print
Written by Ja Shaklikei (độc gỉa trong nước )   
Wednesday, 07 October 2015 14:19
ja shaklikei 10

Katé là lễ tín ngưỡng của Chăm Balamon, trở thành lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng Chăm ở Việt Nam. Trước đây Katé là một lễ tục, chỉ có phần lễ, sau 1965 có thêm phần hội nên trở thành lễ hội. Đây là dịp người Chăm phô bày nhiều giá trị đặc sắc của dân tộc mình qua nghệ thuật hát múa và ca cổ truyền.  Chính từ giá trị nổi bật đó, Katé đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu của rất nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu, những công trình, bài báo viết về Katé cũng rất nhiều.

 

 

Thế nhưng cho đến nay, quan điểm của các nhà nghiên cứu về thời điểm xuất hiện vẫn rất khác nhau, hầu hết cho rằng Katé có sự ảnh hưởng của Ấn giáo, nên xem nó là sản phẩm của vương quốc Champa thời Ấn hóa (trước thế kỷ XV), thậm chí còn cho nó là sản phẩm của văn hóa Sa Huỳnh (Đắc Văn Kiết)[1], nhưng nhà nghiên cứu Po Dharma (2012) cho rằng Katé là sản phẩm của nền văn minh bản địa, chỉ xuất hiện dưới thời Po Rome, vào thế kỷ XVII (Po Dharma, 2012), trong khi đó Sakaya cho rằng Kate xuất hiện vào thế kỷ thứ XV (Sakaya, 2013, tr. 252 – 253)... Với bài viết này chúng tôi sẽ góp thêm một quan điểm và những cứ liệu khoa học hầu làm rõ thời điểm ra đời của lễ Katé trong tiến trình lịch sử và phát triển của văn hóa Chăm.

 

Để xác định xem Katé có từ khi nào? Trước hết chúng tôi xét, nguồn gốc, mục đích và ý nghĩa của lễ tục này. Theo truyền thống của dân tộc Chăm, Kate patok dah ka Yang Ama – Ca-mbuer patok dah ka Yang Ina, ám chỉ rằng Kate là lễ dành cho thần Cha (Nam Thần) và Ca-mbuer dành cho thần Mẹ (Nữ Thần), nhằm dâng cúng và tưởng nhớ các vị thần linh, ông bà, tổ tiên cầu mong cho mưa thuận gió hòa.  Với mục đích và ý nghĩa đó, Katé vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của Ấn giáo để trở thành một lễ hội mang đậm dấu ấn bản địa, mà các vị thần linh thờ cúng phần lớn đều có nguồn gốc bản địa xuất thân từ thần thoại của nhân dân địa phương, hay các nhân vật lịch sử có thật ảnh hưởng Ấn giáo hay Hồi giáo (Qasim Từ, 2008, tr. 111; Sakaya, 2013, tr. 254).   

  

Trong lịch sử, vương quốc Champa đã trải qua hai thời kỳ Ấn hóa (từ TK II – XV) và bản địa hóa (sau thế kỷ XV) (Lafont, 2011, tr.). Trong thời kỳ Ấn hóa, vương quốc Champa tiếp thu các tôn giáo phát xuất từ Ấn Độ, nhất là Hindu giáo, nhưng tôn giáo này chỉ giành cho tầng lớp quí tộc gồm gia đình hoàng gia và các giới quí phá.  Nhà vua mỗi khi lên ngôi thường là người cho xây dựng các tháp bằng gạch để thờ các thần linh có gốc Ấn giáo như Shiva, Vishnu...

 

 

Đền tháp ở Mỹ Sơn là công trình cổ nhất ở Champa được Bhadravarman I xây dựng vào thế kỷ thứ IV để thờ thần Bhadresvara,  tức là danh xưng kết hợp vua – thần (Bhadra + devara). Bhadresvara là chức phong của vua chúa sau ngày từ trần đã biến thành thần Shiva (G. Maspero, 1928, pp. 64). Chúng ta sẽ gặp hiện tượng này liên tục trong các bia ký Champa, chẳng hạn, bia ký Hóa Quê Quảng Nam ghi nhận các đền thờ Bhadracampesvara hay Bhadrapuresvara của vua Bhadravarman, hay văn bia Đá Trắng (Ninh Thuận) nêu tên vị thần mà vua Indravarman I dâng cúng là Indrabhadrecvara...(Finot, 1903, pp. 642; G. Maspero, 1928, pp. 16, 55 – 56).

 

kate 15-20-1
Kate, lễ rước áo quần

 

Vậy ta có thể thấy, trước thế kỷ XV, các tháp Champa do vua xây dựng để thờ các vị thần Ấn giáo, với những danh xưng Phạn ngữ, trong đó các nghi lễ dâng cúng cho thần được thực hiền hằng năm trong các dịp nhà vua đăng quang, thắng trận, hay mới xây dựng và sửa sang đền đài... Nhưng các nghi lễ này hoàn toàn không có điểm gì giống với lễ Kate ngày nay. Trước hết các nghi lễ Champa vào thời Ấn Giáo chủ yếu do vua và quý tộc tổ chức thực hiện để thờ cúng thần Shiva và các thần Ấn giáo khác. Ngược lại, Kate không hề liên quan gì đến nghi lễ Ấn giáo, tôn vinh rất nhiều vị thần như: 

 

 

• Thần có nguồn gốc bản địa qua biểu tượng Linga của Ấn giáo như Po Rome, Po Klaong Garai, Po Ina Nagar,…

• Các vị thần hoàn toàn bản địa không có đền tháp như  Cei Sak Bingu, Yang Brait Yang Bri, Praok Thuer, Praok Dhar,…

• Các vị thần có nguồn gốc Hồi Giáo như Po ALi, Po Phuatimâh, Po Tang, Po Gihlau, Po Biruw, Po Riyak (xem phụ lục: danh sách các thần trong Kate).

 

Ngày xưa, mọi nghi lễ Champa do nhà vua và quý tộc thực hiện tại tháp để cúng thần đều phải được các đạo sĩ, các nhà chiêm tinh ấn định ngày giờ cho hành lễ. Phải được các vị chiêm tinh quyết định sau khi quan sát các tinh tú trên trời chứ không có ngày cố định (Finot, 1904, tra. 120). Trong khi lễ Kate, là một lễ diễn ra đúng vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch. Đây là một lễ tục cố định nằm trong chu trình lễ tục hằng năm của người Chăm Balamon. Do đó, Kate không thể là một lễ xuất hiện trong thời kỳ Ấn hóa, một thời kỳ mà tháp chỉ dùng để thờ các thần linh Ấn giáo, nhất là Shiva với những nghi lễ mang đậm chất Ấn Độ. Thêm vào đó, các văn bia Champa trước thế kỷ thứ XV đưa ra rất nhiều nghi lễ, nhưng không bao giờ nói đến Kate. 

Kate chỉ là sản phẩm của một nền văn minh bản địa hinh thành từ sau thế kỷ XVII. Vì chỉ từ thời điểm này, tức là sau ngày sụp đổ Vijaya, biểu tượng cho nền văn minh Ấn giáo, vua chúa Champa ở Panduranga từ bỏ tập tục thờ cúng các vị thần Ấn giáo, để chuyển sang tục thờ đa thần, gọi chung là Po Yang. Đó là lý do tại sao ngày nay người Chăm không còn biết tên các vị thần Ấn giáo, mà chỉ biết Po Ina Nagar (bà mẹ của xứ sở), Po Kloang Garai, Po Rome (vị vua hoá thành thần sau ngày từ trần)... Đề rồi từ đó, người Chăm biến hóa các thần linh và cả các đền thờ Ấn giáo thành di sản tinh thần của người bản địa. Thí dụ điển hình, nữ thần Bhargavati (phu nhân của Shiva có đền ở Nha Trang) dưới thời Ấn giáo bị biến thể thành Po Ina Nagar mà người Chăm hôm nay cho là một vị thần sáng thế, khai sinh ra đất nước và xứ sở. Truyền thuyết về Po Ina Nagar ngày nay vẫn lưu truyền trong các văn bản.

 

 

Tương tự vậy, trong giai đoạn này, người Chăm cũng biến hóa luôn ngôi tháp tại Phan Rang, từ một ngôi tháp thờ thần Shiva, dưới tên gọi  Singhavarmalingesvara, do vua Jaya Singhavarman III cho dựng nên vào cuối thế kỷ XIII (E. Aymonier, 1891, pp. 70) thành ngôi tháp thờ Po Klaong Garai, một vị vua huyền sử có công dẫn thủy nhập điền, một vị thần bản địa của tiểu quốc Panduranga, chỉ xuất hiện trong các văn bản Akhar thrah Chăm sau thế kỷ XV, chứ không hề được ghi nhận trước đó trong các bia ký Champa trời trước. Ngay cả ngẫu tượng linga – yoni của Ấn Giáo, vốn là biểu hiện của sự thờ cúng thần Shiva, cũng bị chuyển hóa thành bức tượng thờ thần Po Kloang Garai (Lafont, 2011, tr. 80). Cũng do những thay đổi này mà các nhà nghiên cứu thường đưa ra giả thuyết rằng Po Klaong Garai (vua huyền sử của tiểu quốc Panduranga) chỉ là biểu tượng của Jaya Simhavarman III (vua của liên bang Champa).

 

 

Bên cạnh đó, trong Katé ngoài các bản kinh bằng Phạn ngữ mà các Basaih đọc lên thường lập đi lập lại thuật ngữ Om nama sibayong (Om, nhân danh Shiva) như là một tàn dư của Ấn giáo, thì các bài thánh ca của thầy Kadhar thường xuất hiện trong suốt diễn trình lễ hội Katé như bài hát lễ mở cửa tháp (peh mbang yang) lễ tắm và mặt trang phục cho thần (mưnei yang, anguei khan aw Po yang) và các bài thánh ca ca ngợi thần trong phần đại lễ (malieng yang) hoàn toàn là bằng Akhar thrah, một ngôn ngữ mới chỉ xuất hiện lần đầu vào thế kỷ XVII và được khắc trên mi cửa ở tháp Po Rome (Po Dharma, 2007, tr. 11).

 

kate 15-20-2
Lễ hội mừng Kate

 

Thêm vào đó, trong lễ tục Katé còn chứa đựng nhiều yếu tố Hồi giáo, một tôn giáo vốn chỉ mới du nhập vào Champa từ thế kỷ XVI (Manguin. P-Y,1979, pp. 255 – 287). Trong lễ tục này các thần linh được dâng lễ không chỉ có các thần của người Chăm Ahier (Chăm ảnh hưởng Ấn giáo) mà còn xuất hiện các thần linh Chăm Awal (ảnh hưởng Hồi giáo) như Po Tang Ahoak, Po Riyak, Po Haniim Par, Po Nai Mah Ghang... (Qasim Từ, 2008, tr. 111) là các vị thần chỉ xuất hiện dưới thời Po Rome. Trong các dịp cúng lễ trên tháp Katé, một số tộc người Chăm Awal (hình thành sau thế kỷ XVI) cũng có trách nhiệm dâng cúng các thần vào các dịp Katé (Sakaya, 2013, tr. 256). Tại khu vực Phan Rí không có lễ Kate trên đền tháp vì không có Po Adhia. Từ vài năm qua, Katé được tổ chức tại tháp Phố Hài, bên cạnh sự hành lễ của các tu sĩ Basaih, các tu sĩ Acar cũng tham gia thực hiện các nghi thức trong ngày lễ Katé tại đây.

 

 

Ngoài ra, giới chức sắc thực hiện các nghi lễ trong ngày Katé, bao gồm các Basaih, vốn chứa đựng nhiều ảnh hưởng từ giới tăng lữ Ấn giáo, nhưng đã bị biến đổi để trở thành một cặp đối lập với các Acar của cộng đồng Chăm Awal, ảnh hưởng Hồi giáo (Po Dharma, 1978, pp. 127-129; Xem thêm R. Nikamura, 2009, pp. 90 - 99) vốn chỉ xuất hiện sau khi Hồi giáo du nhập vào Champa (Thế kỷ thứ XVI). Ngoài ra, thầy Kadhar, ông Camanei (ông từ, giữ tháp), Muk Pajau (bà bóng)... vốn là những vị chức sắc dân gian không liện hệ gì đến Ấn giáo, chỉ bắt đầu tham gia vào các nghi lễ thờ cúng thần linh trên các đền, tháp từ sau thế kỷ XV (Lafont, 2011, tr. 81). Ngay cả đàn Rabap mà thầy Kadhar thường kéo trong Katé cũng là một loại đàn có quan hệ gần gủi với đàn Rebap của Mã Lai, chỉ được phổ biến từ sau thế kỷ XV, vì trước đây người Champa chỉ thường sử dụng các loại đàn có nguồn gốc Ấn Độ (Sakaya, 1013, tr. 401).

 

Vì những lẽ đó, Katé chỉ là một lễ tục xuất hiện vào thời kỳ bản địa hóa, tức là sau triều đại của vua Po Rome vào thế kỷ thứ XVII vì trong danh sách các thần linh mà Ông Kadhar nhắc đến có thần Po Rome, tức là vị vua cuối cùng của vương quốc Chmapa, hoá thành thần sau ngày từ trần. Nếu Kate xuất hiện trước thế kỷ thứ XVII, thì tên Po Rome không bao giờ có mặt trong danh sách thần linh được tôn vinh trong buổi lễ này (Po Dharma, 3-2012).

 

Tóm lại, Kate là lễ tục của Chăm Balamon để dâng cúng các vị thần bản địa mà trung tâm là Po Ina Nagar, Po Kloang Garai, Po Rome... Người Chăm bản địa mượn các ngôi tháp Ấn giáo, thờ thần Shiva để làm lễ và mượn cả hình tượng của ngài để thờ cúng các thần linh địa phương. Katé dù là một lễ tục Chăm Balamon có chứa đựng một số yếu tố Ấn giáo như tổ chức tại tháp, tu sĩ và kinh hành lễ xuất phát từ Ấn Độ, nhưng các dấu ấn Ấn giáo chỉ là tàn dư của một thời kỳ Ấn hóa lâu dài. Ngược lại, Katé là một lệ tục gắn liền với tín ngưỡng bản địa, bị bản địa hóa và gắn liền với một ngôn ngữ chỉ xuất hiện từ thế kỷ XVI – XVII, do đó nó chỉ là sản phẩm của một thời kỳ bản địa hóa cùng lúc Hồi Giáo xâm nhập vào Champa thế kỷ thứ XVI.

 

kate 15-20-3
Kete trên tháp

 

Tài liệu tham khảo

 

Aymonier. E, “Premieøre eùtude sur les inscriptions tchames”, trong Journal Asiatique XVII-1 (1891).

Finot. L, “Stèle de Cambhuvarman à Mĩ-sơn”, BEFEO III, 1903.

Finot. L, “Notes d’épigraphie XI: Les Inscriptions de Mi-son », BEFEO IV, 1904.

Lafont. P-B, Vương quốc Champa : Dân cư – địa dư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose, 2011.

Maspero. G, Le Royaume de Champa, Van Oest, Paris, 1928.

Manguin. P-Y, “L’Introduction de L’islam au Campa”, BEFEO LXVI, 1979, p. 255 – 287. 

Nakamura. R, “Awar-Ahier: “Two keys to Understanding the Cosmology and Ethnicity of the Cham People (Ninh Thuận Province Vietnam)”, Champa and the Archaeology of Mỹ Sơn, NUS Press, Singapore, 2009,  p. 78 – 106.

Po Dharma (chủ biên), Ngôn ngữ và chữ viết Chăm, kỷ yếu hội thảo, Kuala Lumpur, 2007.

Po Dharma, Chroniques du Panduranga, EPHE-Sorbonne, 1978.

Po Dharma, Kate: Lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay. Champaka.info, 3-2012.

Qasim Từ, “Góp phần tìm hiểu lễ hội Kate”, Champaka 9, IOC – Champa, San Jose 2008, tr. 101 – 112.

Sakaya, Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2013.



[1] Xem bài viết của Đắc Văn Kiết mang tựa đề: “Katê là tín ngưỡng bản địa mang bản săc của dân tộc Champa” và của Quảng Đại Cẩn: “Kate lễ hội bản địa truyền thống Champa: Sự tiếp nối của nền văn minh Sa Huỳnh” đăng trên  ilimochampa.org. Và bài phản biện của Champaka: “Trả lời cho Đắc Văn Kiết: Katê phát xuất từ thời Sa Huỳnh hay thời Po Rome?”.