Không có Po Nagar của dân tộc Chăm ở Sacramento, Hoa Kỳ Print
Written by Pgs. Ts. Po Dharma   
Monday, 22 February 2016 09:04
chau doc 10
Bá Chúa Xứ ở Hoa Kỳ

Lời của BBT: Gần một tháng qua, toà soạn chúng tôi có nhận một số email của độc giả yêu cầu Champaka.info trả lời một hiên tượng mới lạ vừa xảy ra trong xã hội Chăm ở Hoa Kỳ. Hàng năm, một số bà con Chăm ở Hoa Kỳ thường đến cúng bái bà Chúa Xứ Châu Đốc có đền thờ ở vùng Sacramento (California) do kiều bào Việt Nam xây dựng.  Theo một số người Chăm cho biết, bà  Chúa Xứ Châu Đốc ở Hoa Kỳ là Po Ina Nagar tức là bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na của dân tộc Chăm, nhưng họ không cho biết nguyên do tại sao?

 

Đề trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin độc giả đọc bài viết sau đây:

 

Không có Po Ina Nagar của dân tộc Chăm ở Sacramento, Hoa Kỳ

 

By 

Pgs. Ts. Po Dharma

 

Dân tộc Chăm là cộng đồng tộc người có nến văn hoá gắn liền với Thánh Mẫu Po Ina Nagar (Bà Mẹ Vương Quốc), nhưng tục thờ “nữ thần” không phải là tín ngưỡng dành riêng cho dân tộc Chăm mà là tín ngưỡng chung của nhiều dân tộc nằm trong khu vực Châu Á hôm nay. Điển hình nhất, Liễu Hạnh Công Chúa là một trong những vị nữ thần quan trọng trong tín ngưỡng Việt Nam, mang nhiều tên khác nhau như bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh , Mẫu Liễu Hạnh. Tại nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ,  bà Liễu Hạnh còn gọi là “Thánh Mẫu” và được các triều đại phong kiến Việt Nam cấp nhiều sắc phong mang tên là "Mẫu Nghi Thiên Hạ - Mẹ Của Muôn Dân".

 

Bên cạnh tục thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người Việt Nam còn thờ nhiều bà Chúa Xứ khác nhau tuỳ theo địa phương, nhưng có nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn khác nhau, không có mối liên hệ gì với bà Thiên Y A Na (Po Ina Nagar) của dân tộc Chăm. Sự ra đời của bà Chúa Xứ Châu Đốc ở Sacramento (Hoa Kỳ) được cộng đồng người Việt thờ cúng hàng năm là một thí dụ điển hình.

 

Nguốc gốc Po Ina Nagar của dân tộc Chăm

 

Champa là vương quốc chịu ảnh hưởng nền Ấn Giáo, nhưng Shiva là vị đấng đóng vai chủ chốt trong hệ thống tín ngưỡng của vương quốc này, so với thần Vishnu và Brahma. Shiva là vị thần có hơn 100 phu nhân trong đó bà Bhagavati là vị nữ thần được tôn kính nhất mà triều đình Champa đã phong cho bà hai chức phong cao nhất, đó là Po Ina Kauthara (Thánh Mẫu Kauthara) và Po Ina Nagar (Thánh Mẫu Vương Quốc)

 

Po Ina Kauthara (Thánh Mẫu Nha Trang)

 

Ai cũng biết, từ ngày lập quốc vào thế kỷ thứ II, Champa là một quốc gia độc lập, hoà bình và thịnh vượng, chưa bao giờ biết đến những cuộc chiến xâm lăng từ bên ngoài. Tiếc rằng nền hoà bình này không còn tồn tại nữa kể từ thế kỷ VIII. Vì rằng, năm 774 đánh dấu cho cuộc chiến của dân tộc Jawa (ám chỉ cho dân tộc Đa Đảo) xua quân tấn công Kauthara và đốt phá ngôi đền làm bằng gổ để thờ đấng Shiva.

 

Để trả lời cho sự khiêu khích này, vua Champa là Sri Satyavarman đem quân đánh đuổi quân thù. Sau ngày thắng trận, Sri Satyavarman ra lệnh xây dựng một đền mới bằng gạch dành cho đấng Shiva và hình thành bức tượng Bhagavati (phu nhân của Ngài) có bộ mặt trám bằng vàng đặt ngay trong tháp bên cạnh nam thần này.

 

Sau 10 năm xây dựng và trang trí, vua Sri Satyavarman đứng ra khánh thành tháp này vào năm 784 và tôn cho nữ thần Bhagavati một chức phong mang tên là  Po Ina Kauthara, tức là Bà Chúa Xứ của tiểu vương quốc Kauthara. Chức phong Po Ina Kauthara (Bà Chúa Xứ Kauthara) là qui chế pháp lý nằm trong hệ thống tín ngưỡng Champa, buộc tất cả nhân dân Champa sinh sống ở khu vực Kauthara phải có nghĩa vụ đóng góp tiền của để chăm sóc và thờ cúng nữ thần này.     

 

Po Ina Nagar (Thánh Mẫu Vương Quốc)

 

Gần một nữa thế kỷ sau, vua Inravarman III lên ngôi. Để củng cố địa vị và oai quyền của mình, Inravarman III quyết định vào năm 918 tôn vinh Po Ina Kauthara (Bà Chúa Xứ Kauthara) lên chức phong cao hơn đó là Yang Pu Nagara mà người Chăm hôm nay gọi là Po Ina Nagar, tức là Bà Thánh Mẫu Vương Quốc. Sau đó, vua Inravarman III tạc một cái tượng của bà bằng vàng, để ngay trong tháp bên cạnh đấng Shiva.

 

chau doc 20-1

 

Năm 918 là điểm móc thời gian đánh dấu cho sự ra đời của tục thờ “bà mẹ của vương quốc” ở Champa. Điều này đã chứng minh rằng kể từ năm 918, Champa là quốc gia chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Giáo nhưng theo chế độ “mẫu hệ”.  Hay nói một cách khác, Po Ina Nagar không phải là nữ thần sáng tạo ra chế độ mẫu hệ của dân tộc Chăm như một số người thường hiểu lầm, nhưng ngược lại, chính chế độ mẫu hệ của dân tộc Chăm mới là sức ép buộc triều đình của quốc gia này phải công  nhận một cách chính thức luật “mẫu hệ” trong hệ thống tổ chức gia đình và xã hội của vương quốc Champa.      

 

Năm 945, vua Khmer là Rajendravarman II xua quân tấn công Kauthara và chiếm lấy tượng bằng vàng của Po Ina Nagar đưa về Campuchia. Năm 965, vua Inravarman III  ra lệnh tạc lại bức tượng của bà, nhưng lần này làm bằng đá để khỏi quân giặc đánh cấp. Và tượng này còn lưu giữ cho đến hôm nay trong đền của bà ở Nha Trang.   

 

Với chức phong là Po Ina Nagar (Bà Thánh Mẫu Vương Quốc), Bhagavati trở thành nữ thần quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng ở Champa. Kể từ đó, dân tộc Champa ở nhiều địa phương đứng ra xây dựng đền tháp để thờ phụng bà Thánh Mẫu Vương Quốc. Tại tiểu vương quốc Panduranga, người Chăm cũng không quên tôn vinh Po Ina Nagar trong nhiều đền tháp.

 

Tại khu vực Ninh Thuận, có 3 đền: 

 

• Po Nagar Aia Cak, tức là Po Nagar có đền thờ ở Palei Aia Cak (Mông Đức), sau này dời về Palei Hamu Tanran (Hữu Đức).

• Po Nagar Mabek, tức là Po Nagar có đền thờ ở Palei Hamu Mabek (Qui Chánh)

• Po Nagar Hamu Kut, tức là Po Nagar có đền thờ ở Palei Hamu Kut (Bính Nghĩa)

 

Tại khu vực Bình Thuận, có hai đền:

 

• Po Nagar Tawait thuộc thôn Lạc Trị, Huyên Tuy Phong dưới thời Việt Nam Cộng Hoà

• Po Nagar Taha Cak, gần làng Châu Vương, huyện Tuy Phong dưới thời Việt Nam Cộng Hoà.

 

Xin mở ngoặc ở đây: Aia Cak, Mabek, Tawait, Taha Cak, v.v.  không phải là tên gọi của Po Ina Nagar như một số nhà nghiên cứu Chăm hiểu lầm, mà là tên địa phương nơi có đền để thờ bà Thánh Mẫu Vương Quốc.

 

 Thánh Mẫu Thiên Y A Na

 

Sau ngày Kauthara rơi vào tay của nhà Nguyễn vào năm 1653, Po Ina Nagar trở thành vị nữ thần của người Việt với tên gọi là Thiên Y A Na và sự tích của bà được Phan Thanh Giảng chép lại thành bài kí, khắc lên bia đá, dựng sau tháp Bà ở Nha Trang vào năm Tự Đức thứ 9 (1856).

 

Thiên Y Ana là cụm từ ra đời vào thời Tự Đức (1856),  phát xuất từ Po Ina Nagar của tiếng Chăm:

 

• Thiên là từ phiên dịch từ chữ Chăm “Po” (ngài)

• Y là từ phiên âm từ chữ Chăm “Ina” (mẹ)

• A Na là từ phiên âm từ chữ Chăm “Nagar” (xứ sở)

 

Thiên Y A Na là nữ thần của dân tộc Chăm, nhưng bị Việt Nam hoá thành nữ thần của dân tộc Việt và được tôn thờ theo nghi lễ, phong tục và tập quán của người Việt tại một số địa phương ở miền trung, tức là lãnh thổ của Champa xưa kia. Bên cạnh đó, người Việt ở miền trung còn thờ nhiều nữ thần hay thánh mẫu khác, có nguồn gốc riêng, không liên hệ gì với bà thánh mẫu Thiên Y A Na của dân tộc Chăm.

 

Bà Chúa Xứ Châu Đốc của dân tộc Việt

 

Châu Đốc là đất đai vủa vương quốc Campuchia xưa kia và cũng là trung tâm của nền văn minh Oc Eo. Tại Châu Đốc hôm nay có miếu thờ bà Chúa Xứ toạ lạc ngay bên chân núi Xam, thuộc phường núi Xam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

 

chau doc 20-2

 

Dựa vào sử liệu, người ta biết rằng bà Chúa Xứ núi Xam ở Châu Đốc có nguồn gốc lịch sử riêng. Lúc ban đầu, người dân ở Châu Đốc tình cờ phát hiện một bức tượng nam thần ở núi Xam. Theo nhà nghiên cứu Pháp là L. Malleret vào năm 1941, tượng nam thần này là đấng Vishnu của Campuchia có niên đại vào thế kỷ thứ VI.  Sau này người Việt điểm tô lại bức tượng này với nước sơn, biến nam thần Vishnu của Campuchia thành người đàn bà mặc áo lụa và đeo dây chuyền. Và kể từ đó, tượng Vishnu này trở thành bà Chúa Xứ có quyền lực lớn ở khu vực Châu Đốc.

 

Cũng có  ý kiến cho rằng, Thoại Ngọc Hầu (1761-1829), một danh tướng nhà Nguyễn có công đào kênh Vĩnh Tế là người đã ban lệnh và hỗ trợ cho việc xây dựng miếu bà Chúa Xứ ở Châu Đốc. Vào năm 1870, miếu bà Chúa Xứ ở núi Xam, Châu Đốc chỉ xây dựng đơn sơ. Năm 1962, miếu này được trùng tu lại và lợp ngói Âm Dương. Năm 1972 miếu này đước tái thiết lớn hơn và hoàn thành vào năm 1976. Ở thời điển 2006, miếu bà Chúa Xứ ở núi Xam (Châu Đốc) là ngôi miếu lớn nhất ở Việt Nam.

 

Tóm lại, bà Chúa Xứ núi Xam là nữ thần của cộng đồng người Việt ở Châu Đố,  có nguồn gốc lịch sử gắn liền với di sản văn hóa của Campuchia, không có mối liện hệ gì vói vương quốc Champa. 

 

Kết luận: Không có Po Ina Nagar ở Sacamento, Hoa Kỳ

 

Sau năm 1975, có nhiều người Việt gốc Châu Đốc sang Hoa Kỳ định cư, tái lập một đền riêng ở Samcramento (Hoa Kỳ) để thờ bà Chúa Xứ núi Xam gọi là Chúa Xứ Châu Đốc. Đây chỉ là tượng Vishnu của dân tộc Khmer mà người Việt sơn phết lên thành bà Chúa Xứ của Châu Đốc, không liên hệ gì đến Po Ina Nagar hay bà Thiên Y A Na của người Chăm, vì lý o sau đây:

 

chau doc 20-3

 

 

• Po Ina Nagar là Thánh Mẫu của Vương Quốc Champa chỉ được tôn thờ trong biên giới Champa mà thôi. Châu Đốc là đất đai của Campuchia, thành ra không bao giờ có Po Ina Nagar ở đây được.

 

• Po Ina Nagar là nữ thần Champa bị Việt Nam hoá thành bà Chúa Xứ Thiên Y A Na. Và tục thờ nữ thần Thiên Y A Na chỉ có mặt trong cộng đồng người Việt ở miền trung mà thôi. Tại Châu Đốc cũng có bà Chúa Xứ. Nhưng nữ thần này mang tên là bà Chúa Xứ núi Xam, chứ không phải bà Chúa Xứ Thiên Y A Na như người Chăm ở Hoa Kỳ suy đoán.

 

• Po Ina Nagar là nữ thần Champa có một chiều dài lịch sử và mang một truyền thuyết riêng, trong khi đó bà Chúa Xứ Châu Đốc có nguồn gốc phát xuất từ bức tượng của thần Vishnu thuộc vương quốc của Campuchia.

 

Theo chúng tôi, sự nhầm lẫn này phát xuất từ một số người Chăm ở Hoa Ký cứ tưởng rằng nơi nào có tượng bà Chúa Xứ, thị họ cho đó là bà Chúa Xứ Thiên Y A Na của dân tộc Chăm, nhưng không cần đặt ra câu hỏi thế nào la tên gọi và nguốn gốc lịch sử của bà Chúa Xứ này.

 

chau doc 20-4
chau doc 20-5