Hồi chuông báo động về hiện trạng tháp Nhạn ở Phú Yên Print
Written by Jayadana, độc giả trong nước   
Saturday, 19 January 2013 16:46
thannhan 10
 Tháp Nhạn (Ph. Tuệ Nguyên)

Tháp Nhạn là ngôi tháp Champa xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI-đầu thế kỷ XII, nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng, gần quốc lộ 1A, thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên nơi mà người Chăm gọi là khu vực Harek Kah Harek Dhei (cỏ chẻ làm hai), tức là địa đầu của tiểu vương quốc Kauthara xưa kia.

 

Tháp Nhạn mang nét đặc trưng kiến trúc thuộc phong cách tháp Bình Định gồm có: tháp Hưng Thạnh, tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện, tháp Cánh Tiên (tháp Đồng), tháp Phước Lộc (tháp Vàng). Thắng cảnh Tháp Nhạn là hình ảnh biểu tượng của tỉnh Phú Yên, và ngôi tháp này cũng được công nhận “di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia” theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.

 

Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương (1945-1954), tháp Nhạn bị hư hỏng vì bom đạn chiến tranh. Vào năm 1960 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cho tu bổ lại.

 

Qua sự tàn phá của thời gian, nhiều phần của tháp Nhạn bị hư hỏng nặng, nhưng nhờ được trùng tu, tôn tạo, tháp được phục dụng lại nguyên gốc, mang một vẻ đẹp mới. Gần đây nhất vào những năm 1995, tỉnh Phú Yên đã tu bổ tháp, hàn gắn những chỗ bị nứt bên trong và ngoài tháp. Tháp Nhạn là một “di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia”. Chính vỉ lý do đó, chính quyền tỉnh Phú Yêu phải có chính sác bảo tồn đúng mức phong cách cổ của tháp này cũng như việc thờ phụng và cúng tế được diễn ra một cách trang nghiêm. Tiếc rằng, tháp Nhạn hôm nay bị chiếm dụng làm nơi bán tạp hóa, ngổn ngang vật dụng như chiếu, chổi,…và nhất là bệ thờ thần linh của tháp này chứa đầy lư nhan của người Kinh mà thần linh người Chăm không biết mùi thơm này từ đâu tới. Đây là một thực trạng đau lòng và đáng báo động cho việc quản lý, bảo tồn di tích tháp Nhạn nói riêng và di tích tháp Chăm khác nói chung.

 

thap nhan
Tháp Nhạn, thế kỷ XI-XII

Ngày hôm nay, tháp Nhạn đã được trùng tu trở nên đẹp và nhìn bề ngoài khá mới mẻ trong mắt du khách và tháp là điểm đến du lịch quen thuộc của du khách mỗi khi đặt chân lên tỉnh lỵ Phú Yên. Hình ảnh Tháp Nhạn – sông Đà Rằng đã trở thành hình ảnh biểu tượng của Phú Yên từ lâu nay. Tiếc rằng tháp Nhạn hôm nay trở thành kho chứa hàng hóa, chỗ ngủ của gia súc và là nơi kinh doanh những đồng tiền tội lỗi.

 

Bước vào tháp, phía trước là bệ thờ bà Bhagavati – phu nhân của Shiva theo tâm linh Ấn Giáo mà người Việt xưng tôn bà là bà Thiên Y Na Thánh Mẫu. Phía bên phải là kho tạp hóa của phụ nữ người Kinh vô tư đếm tiền trước du khách khấn lạy bà Thiên Y Na Thánh Mẫu. Phía sau là bức phù điêu “tội nghiệp” bị bỏ quên với những thứ hàng hóa ngổn ngang nào là chiếu, thùng bia, chổi,…. Dưới bệ thờ, là nơi trú ẩn của con chó khiến du khách dâng trào nỗi đau nghẹn ngào. Vì tháp ngày hôm nay đang bị xâm thực hóa ngày càng trầm trọng và không còn là nơi an nghĩ của thánh thần linh thiêng của Champa nữa.

 

Tất cả tháp Chăm ngày hôm nay đều thuộc về quyền quản lý của nhà nước Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2012, thánh địa Mỹ Sơn đã có hơn 170 ngàn lượt du khách, trong đó có gần 112 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 9,59 tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ năm 2011. Theo tin Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm 2012, di tích Tháp Bà Ponagar đón 390.925 lượt, ước tính đạt doanh thu gần 8 tỷ đồng. Riêng tháp Po Klaong Giray (Ninh Thuận) mỗi năm thu hút hơn 18.500 lượt khách tham quan với doanh thu hơn 370 triệu đồng. Qua đó ta thấy, tháp Chăm không những là tài sản quí giá của nhân loại, có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật nhất định mà tháp còn góp phần vào việc tăng doanh thu cho nghành du lịch Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Tiếc rằng, nhà nước Việt Nam chưa định hướng rỏ ràng về khái niệm đền tháp Champa là trung tâm tín ngưỡng của dân tộc Chăm chứ không phải là trung tâm du lịch để thu tiền lợi nhuận.

 

Lướt qua tháp Yang Praong, du khách không khỏi bàng hoàng trước hiện tượng xâm thực hóa mà tác giả Ja karo đã phản ánh qua bài viết “Phải trả lại không gian tín ngưỡng cho tháp Yang Praong-Dak Lak” đăng trên Champaka.info. Tại đây, tháp Champa vô tình bị biến thành nơi truyền bá nạn mê tín, cúng bái cầu may, giải hạn, không còn là hình ảnh tháp tôn nghiêm, bất khả xâm phạm nữa. Ghé qua tháp Po Sah Inâ (tên thật phải là Po Sah Anaih, con của Po Ina Nagar, vì Po Sah Ina có đền ở hòn đảo Phú Quí, Phan Ri) du khách không khỏi đau lòng trước hiện trạng tháp bị đóng đinh để phục vụ cho việc chiếu sáng (Xem thêm bài viết “Sao lại đóng đinh tháp Po Sah Inư ?” của Hà Thanh Tú Báo Bình Thuận cuối tuần Số 4616 ra ngày 28-12-2012, trang 8 và 9). Con nhiều và rất nhiều những ngôi tháp Chăm bị đối xử thậm tệ bởi những bàn tay “con người làm văn hóa” mà chúng tôi sẽ nêu tiếp trong những bài viết sau. Qua đó, chúng ta thấy tháp Champa ngày hôm nay đang là nạn nhân của những bàn tay có “văn hóa” tìm cách tàn phá di tích này, chứ không phải do bom đạn dưới thời chiến tranh nữa. Nếu hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn, không chừng chục năm nữa tháp sẽ không còn là tháp tôn nghiêm, huyền thoại nữa mà tháp sẽ trở thành phế tích không hơn.

 

Tháp Chăm không những là chứng nhân hào hùng của lịch sử, là niềm tự hào của người Chăm nói riêng và của thế giới nói chung mà tháp còn là nơi trú ngụ của Po Yang theo tín ngưỡng của người Chăm, nơi thường tổ chức nghi lễ tôn giáo. Chính vì thế, đã đến lúc những cơ quan chức năng có thầm quyền cần nhanh chóng can thiệp, có kế hoạch, văn bản quy phạm nghiêm túc nhằm thiết lập lại không gian tín ngưỡng, trật tự và trả lại đúng vị trí vốn có cho tháp Chăm. Hơn bao giờ hết, dân tộc Chăm yêu cầu và mong mỏi ở các cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay hơn nữa trong việc quản lý bảo tồn những ngôi tháp Chăm đang bị hiện tượng xâm thực hóa ngày càng trầm trọng đề tháp còn mãi lưu truyền và là niềm tự hào cho con cháu mai sau.

 

Dưới đây là hình ảnh xâm thực hóa tháp Nhạn 

 

01
Bệ thờ bà Bhagavati với hương nhan người Kinh (Ph. Tuệ Nguyên)
02
Bên phải cửa vào tháp là tạp hóa bán thuốc, nhang, singum cho du khách (Ph. Tuệ Nguyên)
03
Phía sau bệ thờ là bức phù điêu Shiva với thùng bia, nước (Ph. Tuệ Nguyên)
04
Sự hỗn tạp phía bên trong tháp với hình ảnh bề bộn cây chổi, chiếu, bánh (Ph. Tuệ Nguyên)
05
Con chó ngủ ngon lành dưới bệ thờ bà Thiên Y Na Thánh Mẫu (Ph. Tuệ Nguyên)