Chủ nghĩa quốc gia VN và quyền tín ngưỡng của người Chăm Print
Written by Pgs. Ts. Po Dharma   
Friday, 10 January 2014 07:29
po 10
Pgs. Ts. Po Dharma

« Chủ nghĩa xã hội Việt Nam và quyền tín ngưỡng của người Chăm  » là bài khảo luận viết bằng tiếng Pháp mang tựa đề « L'idéologie de l'État vietnamien et les pratiques religieuses des Cam actuels de 1975-1988” của Pgs. Ts. Po Dharma được trình bày trong hội thảo quốc tế tổ chức tại Moscova (Cộng Hòa Nga) vào ngày 6-11-1997, đăng trong tác phẩm « Religion et Etat en Indochine contemporaine »,  TCHCPI, Paris, 2003, trang 77-92. Bản chuyển ngữ sang tiếng Việt do BBT. Champaka.info thực hiện. Xin bấm vào đây để xem : Nguyên văn bài viết bằng tiếng Pháp.

 

Chủ nghĩa quốc gia Việt Nam và quyền tín ngưỡng

của người Chăm 1975-1988

 

Pgs. Ts. Po Dharma

 

Người Chăm là thần dân của vương quốc Champa có lãnh thổ nằm ở miền trung Việt Nam chạy dài từ mũi Hoành Sơn đến biên giói Sài Gòn. Hôm nay, dân tộc Chăm có khoảng 100.000 người hiện sinh sống trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

 

Tóm lược lịch sử[1]

 

Vào cuối thế kỷ XVII, tức là vào năm 1692, nhà Nguyễn xua quân chiếm đóng Champa, thay đổi danh xưng Chiêm Thành (Champa) thành Trấn Thuận Thành. Sự vùng dậy của dân tộc Champa vào năm 1693 chống lại quân xâm lược buộc nhà Nguyễn phải chấp nhận khôi phục lại nền độc lập của Champa[2]. Một thế kỷ rưỡi sau, tức là vào năm 1832, hoàng đế Minh Mệnh quyết định xóa bỏ Champa trên bản đồ[3], ra lệnh trừng phạt Champa vô cùng dã man về tội theo Lê Văn Duyệt và buộc dân tộc này phải từ bỏ mọi di sản văn hóa và tín ngưỡng của mình để trở thành người Kinh thật sự[4]. Sau ngày lên ngôi vào năm 1841, vua Thiệu Trị đưa ra quyết định xóa bỏ chính sách của vua cha (Minh Mệnh) bằng cách ban cho dân tộc Chăm một qui chế đặc biệt có quyền tự so sinh sống trên một lãnh thổ riêng thuộc hai quận An Phước và Phan Lý Chàm. Và qui chế đặt biệt này có hiệu lực cho đến năm 1975.

 

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, huyện An Phước và Phan Lý Chàm là 2 đơn vị hành chánh tập trung tất cả thôn làng của người Chăm không phân biệt khoảng cách và vị trí địa dư, đặt dưới quyền chỉ đạo của ông Huyện Trưởng – sau này là Quận Trưởng – gốc người Chăm do nhà nước Việt Nam bổ nhiệm, có toàn quyền trong tay để điều hành và cai trị dân tộc Chăm phù hợp với phong tục và tập quán của dân tộc này. Đối với chính quyền Sài Gòn, Quận Trưởng quận An Phước và Phan Lý Chăm là hai đại biểu của chính phủ có vai trò điều hành dân tộc Chăm phù hợp với luật pháp Việt Nam. Nhưng đối với dân tộc Chăm, họ là hai phó vương của dân tộc Chăm, đóng vai trò thẩm phán tối cao của luật tục, có trách nhiệm bảo vệ tôn ti trật tự, phong tục tập quán và quyền sở hửu đặt đai của người Chăm, nhất là công điền mà người Chăm gọi là « hamu janang »[5] dùng vào chương trình trùng tu đền tháp, thánh đường, mương đập, v.v. hay tổ chức các nghi lễ cúng bái các thần linh Champa. Ngoài ra, hai Quận Trưởng này còn nắm cả quyền kiểm soát việc cư trú người Kinh trong lãnh thổ của mình. Vì người Kinh không có quyền định cư, bán nhượng hay khai thác đất đai nằm trong biên giới lãnh thổ cuả người Chăm đã được qui định trên bản đồ kể từ 1841. Cũng nhờ qui chế đặt biệt do vua Thiệu Trị ban hành, dân tộc Chăm đã thành công bảo tồn được sự toàn vẹn lãnh thổ của họ và tiếp tục phát triển hệ thống tổ chức tín ngưỡng, gia đình và xã hội truyền thống mình[6].

           

Dân tộc Chăm gồm có hai cộng đồng tín ngưỡng, đó là cộng đồng người Chăm Ahier (Chăm Bà La Môn) và Chăm Awal còn gọi là Chăm Bani (Hồi Giáo không chính thống)[7], có lòng tin tuyệt đối vào thần linh, tức là những đấng siêu hình luôn luôn ngự trị trong cuộc sống của họ. Theo truyền thống, người có quyền làm chủ trên định mệnh của dân tộc Chăm không phải là người Chăm đang sinh sống trên thế gian này mà là thần linh của thế giới vô hình.

 

Trên thực tế, Chăm Ahier và Chăm Awal không theo tôn giáo nào trong nghĩa rộng của nó, nhưng chỉ có lòng tin vào đa thần là chính yếu. Chính vì nguyên nhân đó, người Chăm luôn luôn tôn vinh các vị thần linh[8], làm thế nào để các nhân vật siêu hình này che chở và phù hộ cho họ. Mỗi vị thần linh thường đóng vai trò rất quan trọng trên lãnh thổ đất đai của mình, có nghĩa vụ kiểm soát bien giới của từng khu vực, địa hạt, thôn xóm, cả khuôn viên gia đình. Chính vì nguyên nhân đó, không ai có quyền thay đổi hay chiếm đóng một khu vực đất đai mà không xin phép thần linh (Po Tanah) qua một số nghi lễ cố định mà dân tộc Chăm phải tôn trọng. Kể từ đó, biên giới đất đai của người Chăm không phải là biên giới mang tính cách kinh tế và hành chánh nữa, mà là biên giới thần quyền do các vị siêu hình trấn giữ. Tất cả khu vực đất đai do người Chăm canh tác, khai thác hay định cư đều thuộc về quyền kiểm soát của các đấng siêu hình tập trung đủ loại thần linh: Thần mương, thần đập, thần đất, thần khuôn viên nhà cửa, v.v.[9]. Chính vì thế, người Chăm không ai giám chiếm đoạt hay xâm nhập vào biên giới đất đai của người khác, vì sợ thần linh trừng phạt vô cùng nặng nề mà người Chăm lúc nào cũng khiếp sợ.

 

Dân tộc Chăm là cộng đồng thường phát triển đời sống với hàng trăm lễ tục được phân chia thành nhiều thể loại: lễ tục gia đình (Yang Sang Danaok), lễ tục thôn xóm (Yang Palei), lễ tục cộng đồng (Yang Bhum Bhaok).

 

Lễ tục gia đình là nghi lễ do cá nhân hay tập thể của gia đình tổ chức nhằm cầu xin những thần linh trong gia đình phù hộ cho họ, như « ew batau ging » (cúng ông táo), « ew praok patra » (cúng tổ tien », « rija, dayep » (lễ múa dành cho thần linh của dòng tộc), v.v.. Trong khi đó lễ tục thôn xóm (Yang Palei) và lễ tục cộng đồng (Yang Bhum Bhaok) thường diễn ra hàng năm hay 7 năm một lần do cộng đồng Chăm tổ chức đặt sưới sự chủ trì của các chức sắc Chăm Ahier hay Chăm Awal, một nhóm người lảnh đạo tinh thần cấu thành một tập thể có qui chế riêng biệt, được xem như là gai cấp thiêng liêng và bất cả xâm phạm[10].

 

*

 

Năm 1975, chế độ Việt Nam Cộng Hòa xụp đổ để thay thế vào đó Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ngày 2 tháng 7 năm 1976 đánh dấu cho sự thống nhất đất nước Việt Nam, một quốc gia theo chủ thuyết Mác-Lênin, áp dụng chế độ vô sản, một thể chế chính trị do đảng cộng sản nằm toàn quyền chỉ đạo và cai trị[11]. Sau ngày xụp đổ chế độ Sài Gòn vào năm 1975, chính quyền Hà Nội tung ra hàng loạt cuộc cải cách vô cùng độc đáo nhằm biến dân tộc Việt Nam thành một tập thể « xã hội chũ nghĩa ». Tiếc rằng chính sách này đã gây ra bao sự thất bại, buộc nhà nước Việt Nam phải hình thành một chính sách “đổi mới” kể từ năm 1988.

 

Tình hình 1975-1988

 

Sau ngày xụp đổ miền năm vào năm 1975, Việt Nam là quốc gia có thể chế: « Đảng lãnh đạo, dân làm chủ, nhà nước quản lý »[12]. Sự ra đời của chủ thuyết này đã làm thay đổi hoàn toàn hệ thống tổ chức hành chánh trong nước. Tất cả thôn làng người Chăm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa biến thành « hợp tác xã »[13]. Qui chế đặt biệt của hai quận An Phước và Phan Lý Chàm bàn hành vào năm 1841 bị xóa bỏ. Các chủ nhiệm « hợp tác xã », xã trưởng hay huyện trưởng kể từ năm 1975 là những người Kinh hay Chăm do chính quyền tạo dựng để điều hành những công tác mang tính cách kỷ thuật hành chánh mà thôi.

 

Theo hiến pháp qui định, Việt Nam là quốc gia do đảng cộng sản nắm quyền. Kể từ đó, các chủ nhiệm « hợp tác xã », xã trưởng, huyện trưởng trong khu vực người Chăm không do dân tộc Chăm bổ nhiệm như xưa nữa mà là thành phần người Chăm hay Kinh trung thành với đảng, làm việc dưới sự chỉ đạo của nhà nước phù hợp với chủ thuyết xã hội chủ nghĩa. Những vị lãnh đạo thôn làng người Chăm sau năm 1975 không còn giữ chức « chánh án phong tục » của người Chăm như xưa nữa. Họ cũng không quan tâm đến hệ thống tổ chức gia đình và xã hội theo chế độ mẫu hệ và mẫu cư của người Chăm nửa, vì dân tộc Kinh theo chế độ phụ hệ và phụ cư[14].

 

Việc bãi bỏ qui chế đặc biệt của hai huyện An Phước và Phan Lý Chàm có một tác động đáng kể đến tổ chức tín ngưỡng cuả người Chăm. Theo truyền thống, quận trưởng của hai quận Chăm là người có trách nhiệm tổ chức phiên họp của các chức sắc Chăm Ahier và Awal để đưa ra lịch trình các lễ tục hàng năm của dân tộc này, như Kate, Ca-mbur, Ramawan, Rija Palao Sah, v.v. Tiếc rằng sau năm 1975, huyện trưởng của các huyện có dân cư người Chăm là người Kinh, có thẻ đảng viên của đảng cộng sản không còn đóng vai trò như huyện trưởng Chăm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa nữa. Ngược lại chính những ông xã trưởng, huyện trưởng này là những người áp dụng chính sách của đảng và nhà nước nhằm ngân cấm tín ngưỡng người Chăm mà họ cho đó là văn hóa « mê tín dị đoan » không phù hợp với chủ nghĩa xã hội.

 

Theo chủ thuyết xã hội chủ nghĩa, nhà nước Việt Nam không công nhận quyền sở hửu đất đai của người dân. Năm 1975, nhà nước Việt Nam ra lệnh tịch thu tất cả đất đai tư nhân hay đất đai thuộc công điền (hamu janang) của người Chăm để biến thành tài sản chung của quốc gia[15]. Một khi đất đai cá nhân và gia đình bị tịch thu, người Chăm trở thành tập thể vô sản nghèo đói và bần cùng, chỉ biết làm công cho « hợp tác xã » hầu có cơm gạo ăn qua ngày không còn phương tiện để nghĩ đến thần linh nữa. Một khi đất đai công điền (hamu janang) bị tướt đoạt, dân tộc Chăm không còn ngân sách và tiền bạc để tổ chức những lễ tục chung của cộng đồng trong năm. Thêm vào đó, chính sách ngân cấm tụ tập đông người do nhà nước đưa ra, bó buốc người Chăm phải xóa bỏ một số lễ tục trong năm, vì xin giấy phép quá khó khăn. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao sau năm 1976, các lễ tục quan trọng như như Kate, Ca-mbur, Rija Nagar, Palao Sah, Kabaw Banâk, Kabaw Ma-ih, v.v.. bị ngân cấm hay không còn diễn ra một cách tự do như trước nữa. Vì hoàn cảnh chính trị, người Chăm không giám thực hiện một số lễ nghi để tế thần linh như xưa nữa. Chính đó là những hiện tượng đã đưa đẩy dân tộc Chăm vào con đường khủng hoảng tinh thần, sống không yên tâm vì sợ các vị thần linh vùng dậy, gây ra bao trở ngại cho dân tộc này [16].

 

Theo chủ thuyết xã hội chủ nghĩa, cuộc cải cách ruộng đất vào năm 1975 nhắm vào mục tiêu đánh tan chế độ tư bản, độc quyền về chính trị và kinh tế[17]. Bên cạnh đó, nhà nước còn đưa ra chính sách kiểm soát chặt chẽ mọi sự di chuyển và tụ họp của người dân hầu dập tan những đối tượng thù địch. Đây là hai chính sách bó buộc người Chăm phải từ bỏ một số nghi lễ đối với thần linh, vì không có giấy phép để tập hợp. Và đây cũng là hiện tượng đưa đẩy người Chăm vào cuộc sống bất ổn, lúc nào cũng lo sợ đối với đấng siêu hình, vì đất đai của người Chăm bị nhà nước chiếm đoạt, biến thành tài sản quốc gia, không còn ai làm lễ tế hay mang cơm nước cho thần linh nữa.

 

Song song với cuốc cải cách ruộng đất vào năm 1975, nhà nước Việt Nam còn hình thành một guồng máy chính trị để cải tạo công dân miền nam, trong đó có dân tộc Chăm[18]. Mục tiêu của chương trình cải tạo nhằm biến dân tộc Kinh và Chăm ở miền nam thành một tập thể mà Lê Duẩn gọi là « công dân mới »[19] và Nồng Quốc Chấn, thứ trưởng Bộ Văn Hóa kêu là « người dân mới của xã hội chủ nghĩa »[20]. Kể từ đó, Việt Nam tung ra một chiến dịch để giáo dục tư tưởng, hành vi và cảm xúc của các nhóm thiểu số, biến họ thành tập thể công dân trung thành với xã hội chủ nghĩa. Chiến dịch này được xem như một chiến lược nhằm thuyết phục thường xuyên dân tộc thiểu số hướng về cuộc sống của xã hội chủ nghĩa mà các cơ quan của nhà nước phải thi hành đặt dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản Việt Nam[21].

 

Theo Hà Huy Giáp, Việt Nam phải đầu tư vào cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa để phát triển ý thức hệ mới hầu xây dựng một tập thể công dân mới của xã hội chủ nghĩa[22]. Trong cuộc cách mạng này, Việt Nam phải xóa bỏ mọi ảnh hưởng của « văn hóa phản động, đồi trụy » và phá tan mọi dấu dấu vết của « học thuyết tôn giáo nhằm đánh lừa, ru ngủ và gây chia rẽ » trong nhân dân. Liên quan đến dân tộc thiểu số, Hà Huy Giáp kêu gọi dập tan mọi tín ngưỡng mang tính cách « mê tín dị đoan và đồi trụy » của họ[23].

 

Trong chiến dịch này, nhà nước Việt Nam khuyến khích đưa ra những quyết định nhằm ngăn chặn những việc cử hành nghi lễ của người Chăm được xem như là những phong tục « mê tín dị đoan », trong khi đó đảng và nhà nước không đưa ra một định nghĩa rỏ ràng thế nào là sự khác biệt giữa « tín ngưỡng » và « mê tín dị đoan ». Sự lu mờ về biên giới giữa « tín ngưỡng » và « mê tín dị đoan » đã cho phép các cơ quan của nhà nước tự tiện xếp loại những niềm tin không nằm trong văn hóa người Kinh là « mê tín dị đoan », mặc dù Điều 5 của Hiến pháp Việt Nam quy định rằng nhà nước “tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và thờ phượng của dân tộc thiểu số”[24] [26].

 

Sau năm 1975, nhà nước đưa ra chiến dịch kêu gọi dân tộc thiểu số phải từ bỏ “tập quán mê tín và lạc hậu"[25] để trở thành một người dân có văn hóa của xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là một cơ hội để cho các nhóm dân tộc thiểu số hấp thụ những ý tưởng mới, cảm xúc mới, đạo đức mới, tiêu biểu đức tin và lòng yêu nước của một công dân sống trong xã hội chủ nghĩa[26]. Một số nhà tư tưởng của đảng cộng sản, như Mah Mod gốc người Chăm Châu Đốc đề nghị người Chăm phải từ bỏ cách cấu trúc xã hội mẫu hệ của họ, một qui chế đã biến người đàn ông Chăm thành một tập thể thụ động trong việc phá triển năng suất. Điều này giải thích cho sự cần thiết phải biến xã hội mẫu hệ của dân tộc Chăm thành xã hội phụ hệ như người Kinh[27]. Sử Văn Ngọc, một trí thức Chăm đề nghị hủy bỏ lễ hỏa táng của người Chăm Ahier (Chăm Bà La Môn), vì nghi lễ này chỉ là lễ tục mê tín dị đoan, phản khoa học, thiếu vệ sinh, có nội dung không phù hợp với chủ trương của chủ nghĩa xã hội và làm sụp đổ kinh tế của gia đình người Chăm[28].

 

Phải công nhận rằng, chiến dịch của đảng và nhà nước Việt Nam chống « mê tín dị đoan » của dân tộc Chăm đã đem lại một số thành công đáng ghi nhận[29]. Tuy nhiên, chiến dịch này đã trở thành một nguồn đối lập giữa xã hội chủ nghĩa và dân tộc Chăm hôm nay. Hết lên án tín ngưỡng Chăm là « phong tục đồi trụy » , nhà nước Việt Nam bắt đầu tấn công trực tiếp vào các giáo sĩ Chăm Ahier và Chăm Awal, cho rằng hệ thống sinh hoạt của các giáo sĩ này hoàn toàn đi ngược lại với chủ thuyết của xã hội chủ nghĩa. Họ chỉ là tập thể ăn không ngồi rồi, chuyên làm nghề tu niệm và đọc kinh kệ, không tham gia trực tiếp vào công tác sản xuất kinh tế[30]. Họ là đám người phong kiến ​​hoàn toàn xa lạ với xã hội chủ nghĩa[31] và tách ra khỏi tổ quốc Việt Nam để sống trong môi trường của ký sinh trùng và đồi trụy[32].

 

Các chiến dịch chống lại niềm tin và giáo sĩ người Chăm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận sau năm 1975 chỉ nhằm dập hệ thống tổ chức xã hội của dân tộc Chăm mà quốc gia Việt Nam không tìm ra giải pháp gần 3 thế kỷ qua. Và chiến dịch này cũng nhằm tách rời tầng lớp giới trẻ người Chăm – được đào tạo có bài bản về chủ thuyết « vô thần » để trở thành « công dân mới » của xã hội chủ nghĩa tương lai[33]  –   ra khỏi không gian truyền thống của cha mẹ họ, tức là thoát ly ra khỏi tập thể xã hội suy đồi và mê tín dị đoan. Mục tiêu này cũng nhằm phá hủy môi trường xã hội người Chăm quá tin vào đấng siêu hình, dọn đường cho con em người Chăm trở thành tập thể thanh niên của xã hội chủ nghĩa như những đứa trẻ người Kinh.

 

Người ta cũng tự hỏi rằng : có chăng chiến dịch chống lại tín ngưỡng truyền thống của người Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chỉ nhằm đồng hóa người Chăm thành dân tộc Kinh, từ cách suy nghĩ, sinh hoạt kể cả lòng tin[34]. Kể từ đó, người ta có quyền nghi ngờ rằng đây không phải là “chủ thuyết xã hội chũ nghĩa” đối với người Chăm nữa, mà là “chính sách đế quốc ” đối với dân tộc ít người.

 

Tình hình sau 1988

 

Sau mười ba năm cai trị với bàn tay sắt để cải tổ xã hội Việt Nam, đặc biệt là xã hội của dân tộc thiểu số và bằng mọi cách để phá hủy hệ thống tín ngưỡng trong quốc gia đa chủng tộc, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tung ra vào năm 1988 một quyết định bất ngờ nhằm thay đổi thể chế cai trị gọi là chính sách “đổi mới”, kéo theo các chiến dịch cho phép các cán bộ nhà nước có quyền phân tích và phê bình những quyết định sai lầm của đảng và nhà nước. Kể từ đó, chính sách đối với dân tộc thiểu số không còn khắt khe như trước nữa, có chiều hướng đi đến công nhận quyền tự do tín ngưỡng tại quốc gia này.

 

Lời chỉ trích đầu tiên thường dành cho thái độ trịch thượng của cơ quan nhà nước tìm cách áp dụng chính sách nhằm phá hủy tín ngưỡng truyền thống của dân tộc thiểu số gần 13 năm qua. Trong một bài viết, Hoàng Tùng[35] không ngần ngại phê phán rằng truyền thống tín ngưỡng của dân tộc thiểu số là yếu tố nằm trong di sản văn hóa xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống tín ngưỡng của người thiểu số không làm cản trở cho việc xây dựng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Theo Hoàng Tùng, bất kỳ nỗ lực hay chủ trương nhằm đồng hóa dân tộc thiểu số là chính sách sai lầm nghiêm trọng. Những cán bộ chống phá tín ngưỡng dân tộc ít người thường là người Kinh nắm quyền điều hành, không đủ năng lực nhưng rất kiêu ngạo, hành động như những người xuất thân từ dân tộc lớn có nền văn hóa cao để chê bai dân tộc ít người là tập thể lạc hậu và mọi rợ[36].

 

Những lời chỉ trích tiếp theo thường bàn đến chính sách sau năm 1975 của nhà nước Việt Nam nhằm quốc hửu hóa toàn diện đất đai của dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Chăm. Đây là quyết định sai lầm, vì không tôn trọng quyền sở hửu đất đai của dân tộc ít người. Thêm váo đó, hệ thống kinh tế bao cấp buộc người dân thiểu số phải làm công cho hợp tác xã hay nông trường, một thể chế lao động mà dân tộc thiểu số chưa từng nghe đến. Theo Đinh Ngọc Sơn[37], chính sách này đã biến dân tộc ít người thành tập thể vô sản, nghèo đói và bần, làm phá vỡ hệ thống kinh tế cổ truyền và vũ trụ tâm linh của họ.

 

Dựa trên quan điểm của Đinh Ngọc Sơn, Trịnh Quốc Tuấn[38] yêu cầu đảng và nhà nước phải triệt để tôn trọng truyền thống tín ngưỡng của dân tộc thiểu số, được xem như là thành phần của nền văn hóa Việt Nam, nhất là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của họ để đem lại sự bình đẳng trong quốc gia Việt Nam đa chủng tộc. Quan điểm của Trịnh Quốc Tuấn nhận được sự ủng hộ của Đặng Nghiêm Vạn[39], một giáo sư chuyên về dân tộc học cho rằng chính sách đồng hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam là một hình thức vi phạm nhân quyền của dân tộc ít người, chỉ đưa đẩy dân tộc này vùng dậy chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của họ.

 

Những quan điểm mà chúng tôi vừa nêu ra chỉ nhầm phân tích thế nào là yếu tố sai lầm của đảng và nhà nước đối với dân tộc thiểu số để cùng nhau xây dựng lại chính sách “đổi mới” ra đời vào năm 1988. Trong bài viết, Đặng Nghiệm Vạn[40] không ngần ngại lên tiếng cho rằng tốc độ chiến dịch nhằm tuyên truyền, gây áp lực, thuyết phục hoặc ép buộc dân tộc thiểu số bỏ bỏ niềm tin của họ mà nhà nước xếp vào thể loại văn hóa « suy đồi và mê tín dị đoan », đã làm tàn phá đi không gian truyền thống và vũ trụ tâm linh của dân tộc ít người, trong đó có có dân tộc Chăm, một tập thể có cuộc sống gấn liền với thế giới siêu hình, không thể nào chấp nhận sống chung với chủ thuyết « vô thần » của xã hội chủ nghĩa.

 

Nói tóm lại, chính sách mà nhà nước đã áp dụng trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào năm 1975-1988 chỉ nhằm quét sạch toàn bộ hệ thống tâm linh của người Chăm. Nhưng sau năm 1988, cuộc xung đột về ý thức hệ tín ngưỡng giữa dân tộc thiểu số và nhà nước Việt Nam có phần giảm đi rất nhiều. Một số nghi lễ của dân tộc thiểu số được khôi phục lại. Các giai cấp tu sĩ Chăm Ahier và Chăm Awal không bị chê bai và phỉ báng như trước nữa. Nhưng trên thực tế, đảng cộng sản vẩn nắm vai trò lãnh đạo. Kể từ đó quyền tự do hành đạo và cúng bái thần linh của dân tộc thiểu số không thể đi ngược lại với chính sách do đảng và nhà nước đã đưa ra. Đối với Hà Nội, “đổi mới” không có nghĩa là thay đổi quyền tối cao của đảng cộng sản Việt Nam hay chỉnh lý chủ nghĩa Mác-Lênin.

 

*

 

Câu hỏi mà chúng tôi muốn nêu ra ở đây liệu các thế hệ trẻ Chăm hôm nay  – hầu hết xuất thân từ trường học của chế độ, sau đó phục vụ trong cơ quan của nhà nước hay được kết nạp làm đảng viên do đảng cộng sản đào tạo – có thể thoát ra khỏi biên giới chính trị này để xây dựng lại bản sắc truyền thống thật sự của dân tộc Chăm được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến năm 1975. Chỉ có thời gian sẽ trả lời câu hỏi này./.

 

Thự mục trích dẩn trong bài viết

 

Agal panuec cam, vol. 4; Nhà xuất bản giáo dục, TPHCM, 1982.

Amnesty International, Vietnam: Rapport de mission en République socialiste du Vietnam. Réponses et commentaires, EFAI-AIP, Paris, 1981.

Aymonier, E. «Les Tchames et leurs religions», in Revue d'Histoire des Religions XXIV, 1891, pp. 187‑237 et 261‑315.

Cabaton, A. «Les Chams musulmans de l'Indochine Française», in Revue du Monde Musulman (II), 1907, pp. 129‑180;

Nouvelles recherches sur les Chams, Public. de l'EFEO II, Paris,1902,

Conférence des peuples indochinois, FULRO. Historique. Phnom-Penh, 25 Février 1965;

Durand, E. M. «Les Chams Bani», in BEFEO III, 1903, pp. 54‑62.

Đinh Ngọc Sơn, «Từ thực tiển hai năm thực hiện chính sách dân tộc theo tinh thần đại hội của đảng», in Chính sách dân tộc. Những vấn đề lý luận và thực tiển, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1990, pp. 31-41.

Đặng Nghiêm Vạn, «Cần đề ra một chính sách dân tộc thích hợp, một tổ chức nghiên cứu và lãnh đạo có hiệu lực», in Chính sách dân tộc. Những vấn đề lý luận và thực tiển, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1990, pp. 65-73.

Ha Huy Giap, «La formation de l'homme nouveau», in Problèmes culturels (vol. II), Etudes vietnamiennes 52, Hanoi, 1978, p. 17-23.

Ha Xuan Truong, «La patrie socialiste: idéaux et réalités» in Problèmes culturels (vol. II), Etudes vietnamiennes 52, Hanoi, 1978, pp. 9-16.

Hà Thiết Hùng, «Quán triệt sâu sắc chính sách dân tộc của đảng ta», in Chính sách dân tộc. Những vấn đề lý luận và thực tiển, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1990, pp. 10-15.

Hickey, G. C., Free in the Forest. Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands 1945-1976, Yale University Press, New Haven and London, 1982.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1992,

Hoàng Tùng, «Một nhiệm vụ cơ bản của cách mạng», in Chính sách dân tộc. Những vấn đề lý luận và thực tiển, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1990, pp. 5-9.

Lê Duẩn, «Nhiệm vụ của các thầy, cô giáo là luyện học sinh thành những người mới của chế độ xã hội chủ nghĩa », in Về đường lối giáo dục xã hộo chủ nghĩ, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1979.

Labrie, N.C., Fulro, The history of political tention in the South Vietnamese Highlands, (Ph. D.) 1971.

Lafont, P-B. «Contribution à l'étude des structure sociale des Cam du Viet-Namm, in BEFEO LII, 1965, pp. 157-171.

      Histoire des frontières de la Péninsule Indochinoise. I.- Les frontières du Vietnam (éd.), L'Harmattan, Paris, 1989.

      Les grandes dates de l'histoire du Campa in Le Campa et le Monde malais, CHCPI, Paris, 1991, pp. 6-25.

Mah Mod, «Đặc điểm gia đình thân tộc và xã hội của đồng bào Chăm», in Những vấn đề dân tộc học ở Việt Nam, tập II, 2, Viện khoa học xã hội tại TPHCM, Dân tộc học, 1978, pp. 43-65.

Nguyễn Đức Bình, «Một số vấn đề lý luận và thực tiển của chính sách dân tộc trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội », in Chính sách dân tộc. Những vấn đề lý luận và thực tiển, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội,1990, pp. 16-30.

Nguyễn Việt Cường, «Đặc điểm dân số người Chăm tỉnh Thuận Hải», in Người Chăm ở Thuận Hải, SVHTT Thuận Hải, 1989, pp. 77-100.

Nong Quoc Chan, «Préserver et développer les belles traditions culturelles des minorités ethniques», in Problèmes culturels (vol. II), Etudes vietnamiennes 52, Hanoi, 1978, p. 66-73.

«30 ans de réalisation dans le domaine culturel chez les minorités ethniques», in Problèmes culturels (vol. II), Etudes vietnamiennes 52, Hanoi, 1978, p. 57-65.

Phan An, «Bước đầu tìm hiểu chế độ sở hửu ruộng đất của người Chăm ở Thuận Hải» in Người Chăm Thuận Hải, SVHTT Thuận Hải, 1989a, pp. 101-127.

«Người Chăm Thuận Hải trong chặn đường đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội», in Người Chăm Thuận Hải, SVHTT Thuận Hải 1989b, pp. 348-364

Phan Lạc Tuyền, «Nông nghiệp cổ truyền của đồng bào Chăm Thuận Hải », in Những vấn đề dân tộc học Việt Nam, tập II, 2, Viện khoa học xã hội tại TPHCM, Dân tộc học, 1978, pp. 3-39

Phan Văn Dốp, «Tôn giáo người Chăm Thuận Hải», in Người Chăm Thuận Hải, SVHTT Thuận Hải, 1989, pp. 258-295.

Phan Xuân Biên, «Góp phần tìm hiểu các loại hình tổ chức xã hội cổ truyền của người Chăm ở Thuận Hải» in Người Chăm Thuận Hải, SVHTT Thuận Hải,1989, pp. 128-163.

Po Dharma, Le Panduranga (Campa). Ses rapports avec le Vietnam (1802-1835), Publication de l'EFEO (deux volumes) Paris, 1987.

«Le FULRO: Moment de l'histoire ou tradition de lutte des peuples du Sud du Campa», in Deuxième symposium franco-soviétique sur l'Asie du Sud-Est, Institut d'Orientalisme de l'Académie des Sciences du l'URSS, Moscou, 1993, pp. 270-277.

«Le Campa«, in Initiation à la Péninsule Indochinoise, P-P. Lafont (éd.), L'Harmattan, Paris, 1996, pp. 141-147.

Sud Viet Nam: du FNL au gouvernement révolutionnaire provisoire, Etudes vietnamiennes 23, Hanoi, 1790.

Sử Văn Ngọc, «Đám ma người Chăm Bà La Môn ở Thuận Hải», in Những vấn đề dân tộc học ở Viêt Nam, tập II, 2, Viện khoa học xã hội tại TPHCM, Dân tộc học, 1978, pp. 173-185.

Trịnh Quốc Tuấn, «Một số ý kiến về chính sách dân tộc của đảng », in Chính sách dân tộc. Những vấn đề lý luận và thực tiển , Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1990, pp. 53-59.

Vường Hàong Trù, «Bước đầu tìm hiểu tín ngưỡng dân gian người Chăm tỉnh Thuận Hải» in Người Chăm Thuận Hải, SVHTT Thuận Hải, 1989, pp. 296-323.

Y Chon Mlo Duon Du, Quan niệm về nét sống của đồng bào Thượng vụ và anh em Fulro, Nguyệt San Thượng Vụ, số 3, 1966.

 

 

 

 



[1] Liên quan đến lịch sử Champa kể từ thế kỷ thứ II, xem P-B. Lafont, 1991: 6-25.

[2] Po Dharma, 1996: 149.

[3] Po Dharma, 1987, I: 87.

[4] Po Dharma, 1987, II: 35-88, 179-217.

[5] Cũng giống như thời Champa cổ đại, đất đai công điền (hamu jang) của người Chăm trước năm 1975 là tài sản chung của thôn làng hay thuộc về đền tháp, thánh đường mà chính quyền giao lại cho một số người khai thác theo hợp đồng để họ cung cấp một số sản xuất (lúa hay tiền bạc) dùng vào chương trình tổ chức lễ tục hay trùng tu đền tháp (Phan An, 1989:106-115).

[6] Sau ngày lên nắm chính quyền vào năm 1955, Ngô Đình Diệm trưng dụng một số đất đai của dân tộc Chăm để làm khu định cư cho người Việt miền bắc di cư và chia cắt một số thôn làng Chăm để xát nhập vào quận người Kinh, vì lý do chiến tranh và an ninh. Chính sách này đã đưa đẩy người Chăm vùng dậy tham gia phong trào Fulro. Xem Conférence des Peuples Indochinois, 1965; N. C. Labrie, 1971; Y Chon Mlo Duon Du, 1966; G. C. Hickey, 1982; Po Dharma, 1993: 270-277.

[7] Liên quan đến tổ chức cộng đồng Chăm, xem một số tư liệu như E. Aymonier, 1981: 187-237 et 261-315; A. Cabaton,1907: 129-180; E. M> Durand, 1903: 54-62.

[8] Liên quan đến hệ thống tín ngưỡng Chăm, xem A. Cabaton, 1902.

[9] P-B. Lafont, 1989: 18-19.

[10] P-B. Lafont, 1989: 18-19.

[11] Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 1922.

[12] Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 1922: 12.

[13] Phan An, 1989: 352. Sau ngày chính sách “đổi mới”, Hợp Tác Xã đổi thành Thôn. Nhưng đây chỉ là sự thay đổi tên gọi vì mọi quyền quản lý hoàn toàn do đảng chỉ định.

[14] P-B. Lafont, 1965: 157-171.

[15] Sud Viêt Nam: Du FLN au gouvernement révolutionnaire provisoire, 1970: 296. Liên quan đến chính sách trưng dụng đất đai sau 1975, xem Phan An, 1989: 126-127, 350-351.

[16] Phan Lạc Tuyên, 1978: 3-39.

[17] Sud Viêt Nam: Du FLN au gouvernement révolutionnaire provisoire, 1970: 294.

[18] Amnesty international, 1981:12.

[19] Lê Duẩn, 1979: 25.

[20] Nồng Quốc Chấn, 1978: 76. Xem them Ha xuan Truong, 1978: 9-13.

[21] Nồng Quốc Chấn, 1978: 64.

[22] Ha huy Giáp, 1978: 17-19.

[23] Ha huy Giap, 1978: 21-23.

[24] Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 1992: 14.

[25] Nồng Quốc Chấn, 1978: 70.

[26] Nồng Quốc Chấn, 1978: 70.

[27] Mah Mod, 1978: 46-47.

[28] Sử Văn Ngọc, 1978: 148.

[29] Phan An, 1989: 357-361.

[30] Phan Văn Dốp là cán bộ đầu tiên chủ trương phải cải cách chế độ giai cấp tu sĩ người Chăm.

[31] Ha xuan Truong, 1978: 10-11.

[32] Ha huy Giap, 1978: 20-21.

[33] Agal panuec cam, 1982.

[34] Kể từ năm 1975, chính quyền Hà Nội trưng dụng đất đai người Chăm thuộc huyện An Phước và Phan Lý Chàm để làm khu kinh tế mới dành cho người Kinh, buộc người Chăm phải sống co cụm trong thôn làng, không còn đất đai để canh tác và xây dựng nhà cửa.

[35] Hoàng Tùng, 1990: 8.

[36] Những tác giả khác như Hà Thiết Hùng (1990: 10-15) et Nguyễn Phước Bình (1990: 16-30) cũng đưa ra ý kiến rất gần gủi với quan điểm của Hoàng Tùng.

[37] Đinh Ngọc Sơn, 1990: 31-41.

[38] Trịnh Quốc Tuấn, 1990: 59.

[39] Đặng Nghiêm Vạn, 1990: 68.

[40] Đặng Nghiêm Vạn, 1990: 65-73.