Phê bình tác phẩm “4600 từ vựng Việt-Chăm” của Inrasara Print
Written by Ts. Pgs. Po Dharma   
Saturday, 17 October 2015 07:57
tu dien 10

Tại các quốc gia tân tiến, từ điển là kim chỉ nam của một ngôn ngữ, cấu thành một di sản phi vật thể của một dân tộc mà không ai có quyền chế tạo, chỉnh xửa hay thêm bớt theo quan điểm riêng tư của mình mà không có sự đồng ý của nhà nước. Pháp quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã đưa ra khái niệm này và biến ngôn ngữ Pháp thành một hệ thống mang tính cách pháp lý, buộc mọi người phải tuân thủ và chấp hành kể từ thế kỷ thứ XVII.  

 

 

Khái niệm về từ điển

 

Tại Cộng Hoà Pháp

 

Năm 1635, vua Louis VIII của Pháp Quốc ký nghị định thành lập Hàn Lâm Viện Pháp (Académie française), tập trung 40 thành viên dành cho những danh nhân lỗi lạc, mang cả chức phong « người bất tử » (Les Immortels), có trách nhiệm biên soạn từ điển, hình thành hệ thống ngữ pháp, quyết định qui luật chính tả và phiên dịch các thuật ngữ nước ngoài sang tiếng Pháp.

 

Tại Cộng Hoà Pháp hôm nay chỉ có 3 tự điển phổ thông được phép lưu hành trên thị trường, đó là tự điển tiếng Pháp của 3 nhà xuất bản: Littré, Robert và Larousse. Những danh mục từ vựng nằm 3 từ điển này hoàn toàn phát xuất từ từ điển tiếng Pháp của Hàn Lâm Viện, nhưng mỗi nhà xuất bản có cách trình bày riêng về hình thức, phù hợp với môi trường của độc giả: nhà viết văn, cộng đồng trí thức hay giới sinh viên, học sinh, v.v. 

 

Bên cạnh vai trò của Hàn Lâm Viện, tức là cơ quan tối cao về ngôn ngữ học, Cộng Hoà Pháp còn đưa ra những đạo luật nhằm bảo vệ di sản ngôn ngữ của quốc gia này, như đạo luật số 94-665 được quốc hội Pháp biểu quyết vào 1994, nhằm trừng phạt những ai không tôn trọng qui luật chính tả, ngữ pháp hay sử dụng từ vựng nước ngoài mà chưa có sự đồng ý của Hàn Lâm Viện Pháp.

 

tudien 3
Trụ sở của Hàn Lâm Viện Pháp, còn gọi là nhà của những người "bất tử"

 

Tại khu vực Đông Nam Á

 

Tại khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia cũng nối gót Hàn Lâm Viện Pháp để hình thành đạo luật về từ điển hầu áp dụng vào hệ thống giáo dục của mình. Campuchia và Mã Lai là hai quốc gia điển hình.

 

Tại vương quốc Campuchia, nhà nước hình thành một cơ quan có trách nhiệm biên soạn từ điển tiếng Khmer mang tên  là Viện Phật Học (Institut Bouddhique) do vua  Sosiwat Moniwong thành lập vào năm 1930, tập trung rất nhiều tu sĩ Phật Giáo và các chuyên gia có tiếng tâm về văn bản học (philologie). Năm 1938,  Viện Phật Học xuất bản từ điển tiếng Khmer đầu tiên, được xem như một tác phẩm cơ bản dùng làm kim chỉ nam cho ngôn ngữ Campuchia cho đến hôm nay.  

 

Tại Mã Lai, chính quyền cũng  hình thành một cơ quan có trách nhiệm biên soạn từ điển tiếng Mã, gọi là  Viện Ngôn Ngữ (Dewan Bahasa) ra đời vào năm 1956. Phải chờ cho đến năm 1970 Viện Ngôn Ngữ (Dewan Bahasa) mới xuất bản từ điển tiếng Mã đầu tiên gọi là Kamus Dewan (từ điển của Viện). Đây là từ điển chính thức của quốc gia Mã Lai mà tất cả mọi người phải tuân thủ và sử dụng.

 

tu dien 4
Thành viên Hàn Lâm Viện Pháp với bộ đồng phục và gươm kiếm trong ngày lễ

 

Tại Việt Nam hôm nay

 

Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á có khái niệm về từ điển hoàn toàn khác biệt. Đối với nhà nước Việt Nam, từ điển tiếng Việt là công trình nghiên cứu của các nhà khoa học hay cơ quan nghiên cứu nào đó, không liên hệ gì với qui chế pháp lý của nhà nước. Mỗi cá nhân hay mỗi cơ quan nghiên cứu có quyền làm tự điển tiếng Việt theo quan điểm của mình, nếu họ tìm được ngân sách và có nhà xuất bản đứng ra ấn hành.

 

Phát xuất từ quan điểm này,  từ điển tiếng Việt trở thành món hàng thương mại lạm pháp, xuất hiện tràn ngập trên thị trường. Ai cũng tự giới thiệu cho rằng từ điển của mình là công trình nghiên cứu nghiêm túc và có giá trị nhất và được nhà nước trao tặng giải thưởng, v.v.  Đây là vài thí dụ của tự điển tiếng Việt có mặt trên thị trường hôm nay:

 

1). Từ điển bách khoa Việt Nam. NXB Từ Điển Bách Khoa, 2005.

2). Từ điển tiếng Việt (của Bùi Quang Tịnh và Bùi T. T. Thanh). NXB Thanh Niên, 2000

3). Từ điển tiếng Việt (của Vũ Chất). NXB Thanh niên, 2001.

4). Từ điển tiếng Việt (của Nhiều tác giả). NXB Hồng Đức, 2008.

5). Từ điển tiếng Việt (của Mạnh Tường). NXB Văn Hóa Thông Tin, 2009.

6). Từ điển tiếng Việt (của Viện Ngôn Ngữ Học). NXB Tự Điển Bách Khoa, 2010.

7). Từ điển tiếng Việt (của Quang Thông). NXB Văn Hoá Thông Tin, 2012.

8) Từ điển tiếng Việt (của Nguyễn Tôn Nhan). NXB Từ Điển Bách Khoa, 2013

 

Việt Nam là quốc gia không có đạo luật pháp lý về ngôn ngữ. Kể từ đó, mỗi cá nhân hay viện nghiên cứu đều có quyền biên soạn từ điển tiếng Việt theo quan điểm của mình, kéo theo bao sai lầm mà nhà nước không bao giờ quan tâm đến. Trong  Wikipedia giới thiệu về Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, tác giả cho rằng:

 

“Gần đây, một số các nhà xuất bản tại Việt Nam đã cho in một số cuốn từ điển tiếng Việt do một số tác giả như Vũ Chất, Bùi Minh Quốc,...đứng ra thực hiện, rất kém về chất lượng, chứa đựng hàng loạt các lỗi lầm về định nghĩa của một số từ vựng, thậm chí còn sai nghiêm trọng trong nội dung. Chẳng hạn:

 

• Từ điển Tiếng Việt  (Bùi Quang Tịnh và Bùi Thị Tuyết Thanh, 2000) trang 987 cho rằng: Tâm lý học là "ngành y học nghiên cứu các chứng bệnh của tim".

 

• Từ điển Tiếng Việt  (Vũ Chất, 2001) cho rằng: Khai quật là "đào mồ lên" (nhầm với từ: quật mồ, quật mả"); Đề án là "nghị án đưa ra để bàn cãi"

 

Ngày 7-10-2014, web VNExpress cũng không ngần ngại lên tiếng với chủ đề: “Từ điển tiếng Việt mắc nhiều lỗi nhưng vẫn được sử dụng”.

 

Theo VNExpress, cuốn từ điển do tác giả Vũ Chất biên soạn với nhiều sai phạm bị độc giả phát hiện. (…) Trong cuốn từ điển của Vũ Chất có nhiều chỗ giải nghĩa sai lệch bản chất từ ngữ. Ví dụ:

 

• Quản giáo, Vũ Chất giải thích là: "Người coi một giáo đường hay tu viện"; 

• Tao đàn, Vũ Chất giải thích là "Chỗ nằm của tao nhân thi sĩ"; 

• Tù trưởng. Vũ Chất giải thích là "người đứng đầu trông coi tội nhân", v.v.

 

Inrasara

4600 từ vựng Việt-Chăm thông dụng

 

 

Inrasara: “4600 từ vựng Việt-Chăm Thông Dụng” là tác phẩm do NXB Văn Hoá-Văn Nghệ TPHCM ấn hành vào năm 2014. Sách này tập trung  4.650 từ Việt-Chăm thông dụng, dày 269 trang.

 

Công trình đáng kể nhất trong tác phẩm này, đó là Inrasara phiên dịch một số thuật ngữ tiếng Việt sang tiếng Chăm để “bà con Chăm có số vốn từ cần thiết để nói tiếng mẹ đẻ thông thạo hơn” (xem: lời mỡ đầu). Tiếc rằng phiên dịch thuật ngữ, nhất là thuật ngữ Việt-Chăm là công trình vô cùng khó khăn, vì mỗi ngôn ngữ có cách cấu trúc riêng, đòi hỏi một phương pháp làm việc rất khoa học và một hội đồng soạn thảo nghiêm túc hầu né tránh “người chế biến thuật ngữ để cho họ tự nghe”.

 

tu dien 5a

 

Qui luật chế biến thuật ngữ tại quốc gia tân tiến

 

Biểu tượng cho quốc gia tân tiến là Cộng Hoà Pháp. Tại đây, nhà nước đưa ra qui luật rỏ ràng: không có ai có quyền chế tạo thuật ngữ mới cho tiếng Pháp, ngoài trừ Viện Hàn Lâm.

 

Tại vương quốc Campuchia, Viện Phật Học là cơ quan của nhà nước có nghĩa vụ chế tạo những thuật ngữ mới, thông qua sự quyết định của một hội đồng chuyên môn.

 

Mã Lai là quốc gia cũng không thoát ra khỏi qui luật này. Dewan Bahasa (Viện Ngôn Ngữ) là cơ quan của nhà nước có toàn quyền chế tạo thêm những thuật ngữ mới để đưa vào nền giáo dục, nhưng phải thông qua hội đồng ngôn ngữ để duyệt xét. 

 

Thế thì tại Việt Nam hôm nay, đâu cơ quan chính thức của nhà nước có nhiệm vụ chuyển dịch thuật ngữ tiếng Việt sang tiếng Chăm? Câu trả lời của chúng tôi là không có. Kể từ đó,  Từ vựng Việt-Chăm Thông Dụng của Inrasara chỉ là công trình chế biến thuật ngữ Chăm hoàn toàn dựa theo quan điểm cá nhân và cách suy luận riêng tư của tác giả mà thôi. Vì rằng, Inrasara vừa đóng vai trò hội đồng ngôn ngữ, kiêm hội đồng kiểm duyệt và vừa đóng luôn vai trò người dịch thuật, không có một người Chăm nào trong chương trình này, mặc dù Chăm có rất nhiều nhà khoa học như Pgs. Thành Phần, Ts. Phú Văn Hẳn, Ts. Trương Văn Món, v.v.. Hay nói một cách khác, Inrasara chế biến thuật ngữ Chăm cho Inrasara dùng, chứ người Chăm khác không hề biết đến. Và đôi khi những thuật ngữ mà Inrasara chế biến ra, chính ông là người không còn nhớ mình đã chế cái gì nữa. Tự điển Chăm-Việt-Pháp của G. Moussay xuất bản 1972 cũng vấp phải những sai lầm này. Chính người Chăm (Thiên Sanh Cảnh, Lâm Gia Tịnh, …) chế biến những thuật ngữ mới để đưa vào từ điển của G. Moussay như: Thiếu tá = kabait, Đại Uý = ka-nduoy, Trung Uý = kayhap, v.v, nhưng khi hỏi lại, người chế biến không còn nhớ Thiếu tá, Đại Uý, Trung Uý người Chăm gọi như thế nào nữa.

 

Tại khu vực Đông Nam Á hôm nay có 3 hệ thống ngôn ngữ: Việt-Mường, Mon-Kmer và Austronesian, nhưng phương pháp chế biến thuật ngữ mới cho những ngôn ngữ này có qui luật hoàn toàn khác nhau.

 

1). Tiếng Việt: dựa vào Hán-Việt

 

Tiếng Việt là hệ thống nằm trong gia đình ngôn ngữ của tiếng Hán, chứa đựng hàng ngàn gốc từ (racine) rất phong phú và tinh vi mà người ta dựa vào đó để chế ra rất dễ dàng những thuật ngữ mới vừa xuất hiện, dù từ này mang tính cách trừu tượng hay khoa học đi nữa. Chỉ cần một thuật ngữ mới lạ vừa ra đời trong cuộc sống hàng ngày, người ta dựa vào gốc từ Hán-Việt để hình thành ngay một từ tiếng Việt có nghĩa tương đương, không cần phải có hội đồng nghiên cứu phê chuẩn phiền phức như tiêng Pháp, Mã hay Khmer. Điển hình nhất là từ Ordinateur (tiêng Pháp) hay Computer (tiếng Anh), người Việt có ngay từ tương đương, đó là “máy vi tinh”, trong khi đó, tiếng Mã không có cách nào dịch chữ này sang tiếng mẹ đẻ, để rồi phải chấp nhận dùng tiếng Anh “Komputer” để ám chỉ cho “máy vi tính”.    

 

2). Tiếng Mon-Khmer: dựa vào ngôn ngữ Pali

 

Tiếng Khmer, Lào, Thái, v.v. là hệ thống ngôn ngữ tập trung nhiều từ vựng gốc bản địa (Mon-Khmer), Phạn ngữ và Pali ngữ, đã làm giàu mạnh cho ngôn ngữ của dân tộc này. Kể từ đó, người Khmer, Lào, Thái, v.v. có nhiều cơ hội hơn để chế tạo những thuật ngữ mới hầu đưa vào nền giáo dục của mình.

 

tu in 1
Viện Phật Học, Campuchia

 

3). Tiếng Mã: dựa vào tiếng Anh

 

Tiếng Mã là hệ thống ngôn ngữ thuộc gia đình Austronasian hoàn toàn khác biệt với tiếng Việt, Khmer, Lao.., nhưng rất gần gủi với tiếng Chăm và có qui luật cấu trúc từ vựng  giống như tiếng Phạn. Dựa vào gốc từ vựng như main (chơi), jalan (con đường), v.v, người Mã dùng phụ tố (như: ber.., me…kan, pe…, memper…kan, vv.) để biến từ này thành nhiều từ vựng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Thí dụ:

 

Main là gốc từ (chơi), tiếp nhận những phụ tố để biến thành:

 

a). bermain = chơi

b). memainkan = chơi với người nào đó

c). pemain  = người chơi

d). mempermainkan = chơi (trong nghĩa phá sản, đùa cợt nguy hiễm)

e). pemainan = trò chơi

 

Jalan là gốc từ (con đường), tiếp nhận những phụ tố để biến thành:

 

a). berjalan = đi, di chuyển

b). berjalan-jalan = đi dạo

c). menjalani = trải qua một khúc đường

d). menjalankan = làm cho nó hoạt động (mở máy), thực hiện, hoàn thành

e). pejalan = người đi dạo

f). jalanan = xu hướng, chủ trương

g). sejalan = cùng chí hướng

 

Cũng như những ngôn ngữ khác, tiếng Mã cũng có trường hợp ghép hai từ để giải thích một hiện tượng gì đó, nhưng rất giới hạn, chỉ áp dụng vào một số trường hợp như:

 

• Vật thể có hình dạng rỏ ràng như:

Kereta api = xe lửa (kereta = xe, api = lửa)

Kapal terbang = máy bay (papal = tàu, terbang = bay)

 

• Chức vụ trong hành chánh:

Perdana Mentri (perdana: chính, quan trọng, Mentri:bộ trưởng) = thủ tướng

Mentri Besar  (Mentri: bộ trưởng, Besar: lớn, quan trọng) = thống đốc tiểu bang

 

Tiếng Mã là ngôn ngữ rất giàu mạnh và phong phú về từ vựng, có qui luật cấu trúc rất khoa học và chính xác. Nhưng một khi gặp phải những thuật ngữ chính trị, kinh tế, xã hội, v,v, hay những từ mang tánh cách trừu tượng, tiếng Mã không thể nào tìm ra giải pháp để dịch những thuật ngữ này. Nói như vậy không phải người Mã thiếu khả năng để chế biến từ vựng mới, nhưng người Mã có khái niệm riêng về qui luật  chế biến từ vựng. Theo quan điểm của cơ quan ngôn ngữ Mã Lai:

 

• Mục tiêu chế biến từ vựng mới để đưa vào nền giáo dục là vấn đề cần thiết, nhưng sự chế biến này phải phù hợp với cách cấu trúc của ngôn ngữ Mã và phải do một hội đồng quốc gia quyết định.

 

• Tiếng Mã là công cụ để giao tiếp và chuyển tải những thông tin, chứ không biểu tượng cho yếu tố chủ nghĩa dân dân tộc như một số quốc gia thường sử dụng. Chính vì nguyên nhân đó, người Mã thường dùng rất nhiều thuật ngữ tiếng Anh và Á Rập mà tiếng Mã không có, hầu làm giàu mạnh thêm ngôn ngữ của họ và giúp ngôn ngữ này phát triển nhanh chóng hơn. Cũng vì nguyên nhân đó, người Mã không bao giờ thấy xấu hổ, khi tiếng Mã có quá nhiều thuật ngữ tiếng Anh, như thí dụ sau đây:

 

Đại học = Universiti (tiếng Anh: university )

Phân khoa = Fakulti (tiếng Anh: faculty )

Giáo Sư = Profesor (tiếng Anh: professor)

Chương trình = program (tiếng Anh: program)

Chinh trị = Politik (tiếng Anh: political )

Xã hội = Sosial (tiếng Anh: social )

Kinh tế = Ekonomi (tiếng Anh: economy )

Khoa hoc = Sains (tiếng Anh: science )

 

Máy vi tính = Komputer (tiếng Anh: computer )

Máy chụp ảnh = Kamera (tiếng Anh: camera )

Truyển hình = Televisyen (tiếng Anh: television )

Radio = Radio (tiếng Anh: radio )

 

Đảng phái = Parti (tiếng Anh: pati )

Chủ tịch = Presiden (tiếng Anh: president )

Cảnh sát = Polis (tiếng Anh: police )

Trung uý = Leftenan (tiếng Anh: lieutenant )

Đại uý = Kepten (tiếng Anh: captain )

 

Mã Lai là vương quốc có gần 30 triệu dân, một quốc gia giàu mạnh, đóng vai trò chủ động trong khối Asean. Tiếng Mã là ngôn ngữ quốc gia, nhưng tiếng Anh là tiếng thông dụng được giảng dạy trong trường lớp kể từ lớp mẫu giao . Kể từ đó, người Mã là dân tộc nói hai thứ tiếng cùng một lúc, tiếng Mã và Anh, cũng như người Chăm ở Việt Nam, vừa nói tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Đối với người Mã, tiếng Anh không phải là tiếng thực dân, mà là ngôn ngữ khoa học, thương mại, ngoại giao, v.v. Chính vì nguyên nhân đó, người Mã không thấy xấu hổ khi họ dùng những thuật ngữ chuyên môn của tiếng Anh mà tiếng Mã không có, để đưa vào ngôn ngữ của mình. Cũng nhờ phương pháp này , tiếng nói của người Mã càng ngày càng phát triển nhanh chóng.

 

Và giải pháp dùng thuật ngữ tiếng Anh để đưa vào ngôn ngữ Mã còn phát xuất từ một nguyên nhân khác. Tiếng Mã là ngôn ngữ giàu mạnh, phong phú và tinh vi, nhưng qui luật cấu trúc tiếng Mã không cho phép chuyển dịch một số từ chuyên môn nước ngàoi sang tiếng Mã một cách dễ dàng như tiếng Việt. Thí dụ đơn giản là từ “chủ tịch”. Người Mã không có cách nào dịch từ từ “chủ tịch” sang tiếng Mã để 30 triệu người Mã cùng hiểu với nhau. Thay vì dịch xong để rồi thuật ngữ mới này nằm im trong tự điển không ai dùng đến, người Mã chọn con đường thực tiển hơn, đó là dùng thuật ngữ “presiden” của tiếng Anh để đưa vào tự điển, vì người Mã ai cũng biết  “presiden” là gì.

 

Tóm lại, gải pháp chọn từ vựng nước ngoài mà dân tộc Mã đã quen sử dụng để đưa vào từ điển là chính sách hữu hiệu nhất trong vấn đề phát triển ngôn ngữ tại quốc gia Mã Lai hôm nay.

 

tu dien 2
Viện Ngôn Ngữ, Mã Lai

 

 

4). Tiếng Chăm: dựa vào ngôn ngữ nào?

 

Tiếng Chăm là ngôn ngữ nằm trong hệ thống tiếng nói Đa Đảo (Austronesia) rất gần gủi với tiếng Mã. Nói đến thân thể con người, tiếng Mã và Chăm đều có chung một nguồn gốc từ vựng:

 

hatai = gan (Mã: hati),

darah = máu (Mã: darah),

arak = gân (Mã: urat),

takai = chân (Mã: kaki),

tangin = tay (Mã: tangan), v.v.

 

Thêm vào đó, người Chăm và Mã cũng nằm chung trong một khung cảnh xã hội như nhau:  người Mã nói tiếng Mã cả tiếng Anh, trong khi đó người Chăm cũng nói tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Nếu người Mã chọn giải pháp dùng trực tiếp thuật ngữ tiếng Anh để để đưa vào nền giáo dục của mình, thế thì  dân tộc Chăm chọn giải pháp nào để chế biến từ vựng mới để đưa vào từ điển Chăm? Chinh đó là câu hỏi cần phải có câu trả lời, trước khi đứng ra chế biến thuật ngữ Chăm để đưa  tự điển Việt-Chăm.

 

Thuật ngữ mới của tiếng Chăm trước năm 1975

 

Champa là vương quốc nằm ở miền trung Việt Nam. Kể từ năm 1692, Champa trở thành quốc gia đặt dưới quyền bảo hộ của nhà Nguyễn, có mối giao lưu trực tiếp với người Kinh sinh sống ở phủ Bình Thuận. Kể từ đó, tiếng Chăm bắt đầu phát triển theo chiều hướng mới bằng cách tiếp thu rất nhiều thuật ngữ tiếng Việt để đưa vào hệ thống ngôn ngữ của mình. Bằng chứng cụ thể là tư liệu hoàng gia Champa viết từ năm 1702 đã dùng khá nhiều thuật ngữ hành chánh tiếng Việt trong văn bản chính thức của quốc gia này, nhưng phiên âm theo qui luật tiếng Chăm, như: ndon (đồn), klang (trạng, án), ndaong (đóng), phen (phần), ker [cân], ndan (đơn), mbon ndien (bổn điền), kai ndién (cai điền), kham sai (khâm sai), kai nduay (cai đội), kuan klî (quan tri), ndiew khien (điều khinh), v.v.

 

Dưới thời Pháp thuộc, người Chăm cũng không ngừng dùng một số từ tiếng Việt như: klum  (vn: trùm), mbien (vn: biện), lik kleng  (vn: lý trưởng), tong (vn: tổng), ciip (vn: chịu), aen (vn: ơn), ngai (vn: nghĩa), v.v. Hay nói một cách khác, kể từ thế kỷ thứ XVIII, người Chăm đã chọn giải pháp dùng thuật ngữ tiếng Việt mà tiếng Chăm không có để đưa vào di sản ngôn ngữ của mình. Đây là hệ thống phát triển từ vựng mới rất gần gủi với hệ thống tiếng Mã mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên.

 

Dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, người Chăm vẫn theo qui luật cũ, tức là dùng thuật ngữ tiếng Việt để đưa vào ngôn ngữ Chăm nhưng phiên âm theo cách người Chăm, nhất là những thuật ngữ mang tính cách hành chánh, kinh thế, xã hội, như: Tong Thong (tổng thống), Mbo Klen (bộ trưởng), cin tri (chính trị), v.v.

 

Qui luật chế biến từ mới của Inrasara

 

Những yếu tố vừa nêu ra đã chứng minh rằng tác phẩm “4600 từ vựng Việt-Chăm thông dụng” của Inrasara không nằm trong qui luật nào cả. Dựa vào thuật ngữ tiếng Việt, Inrasa chế ra hàng loạt thuật ngữ tiếng Chăm theo cách suy nghĩ riêng tư của mình, đúng sai không cần biết, làm cho xong rồi đem ra xuất bản. Chính vì nguyên nhân đó, tôi không có gì để bình luận về nội dung nằm trong tác phẩm này. Chỉ cần nhìn qua vài thí dụ sau đây, độc giả có thể đánh giá ngay những cái chế biến sai lầm và khôi hài trong tác phẩm   “4600 từ vựng Việt-Chăm thông dụng” của Inrasara:

 

• Anh dũng = Inrasara cho từ tương đương tiếng Chăm là “cahya” (tr. 9). Trong tiếng Chăm, cahya chỉ có nghĩa là “huy hoàng, sáng chói, mỹ lệ”

 

• Anh hùng = bijak saina (tr. 9). Trong tiếng Chăm, bijak saina chỉ có nghĩa là “thông thái, thông minh, sắc sảo”.

 

• Âm nhạc = phling (tr. 11). Chăm Việt Nam không bao giờ nghe đến “phling” là gì, vì đây là từ vựng Khmer do Chăm Campuchia sử dụng  có ghi rỏ trong tự điển E. Aymonier. Người Mã cũng không có cách nào dịch từ “âm nhạc”, đành phải dùng từ tiếng Anh: musik.

 

• Bán đảo = mbuen palao (tr. 15). Trong tiếng Chăm, mbuen palao chỉ có nghĩa là hòn đảo mà thôi.

 

• Bảo tàng = gilang yao (tr. 16). Trong tiếng Chăm, “gilang yao” có nghĩa là nhà kho cũ. Người Mã cũng không có cách nào dịch  từ “bảo tàng”, đành phải dùng từ tiếng Anh: Muzium

 

• Bếp điện  = cakran tanrak gom (tr. 21). Chăm Việt Nam không biết “cakran” là gì, vì đây là từ Khmer do Chăm Campuchia sử sụng có ghi trong từ điển Aymonier. Người Mã cũng không thể dịch từ “điện”, đành phải dùng từ tiếng Anh: elektrik.

 

• Biên giới = cam aia (tr. 21). Trong tiếng Chăm, “cam aia” ám chỉ cho biên giới nước, biên thuỳ.

 

• Cấp cứu = ukam ukat (tr. 35). Trong tiếng Chăm, ukam ukat là củ nén (Strychnos Nux Vomica Linn), chất độc.

 

• Tanram = cần cù (tr. 35). Người Chăm chưa nghe từ này.

 

• Chế độ = thatar radak (42). Người Chăm chưa nghe từ thatar là gì?

 

• Chính phủ = jakar pakrang (45). Người Chăm không bao giờ nghe “jakar pakrang” là gì. Ngược lại, tài liệu hoàng gia Champa dùng thuật ngữ “rajakar” để ám chỉ cho chính phủ, chính quyền.

 

• Chính trị = majakar (tr. 45). Người Chăm không bao giờ nghe “majakar” là gì. Người Mã cũng không có cách nào để dịch từ “chính trị”, đành phải dùng từ tiếng Anh: politik.

 

• Chủ quyền = acaow gaon (tr. 49). Trong tiếng Chăm, “acaow” là người người bảo vệ. “Acaow gaon” ám chỉ cho người bảo vệ quan chức nhà nước. Ngược lại tiếng Chăm có từ : hak (Á Rập-Mã) có nghĩa là luật, quyền, sở hữu, chủ quyền, thí du: kak rajakar = chủ quyền của nhà nước

 

• Chủ trương = sanang jaro (tr. 49).  Trong tiếng Chăm, “jaro” có nghĩa là “qui định” hay “quỳ xuống”. Sanang jaro có hai nghĩa: “suy nghĩ rồi qui định” hay là “suy nghĩ rồi quỳ xuống”.  

 

• Chủ tịch = Po di (tr. 49). Trong tiếng Chăm, “Po Di” ám chỉ cho tảng đá nằm chính giữ trong Kut, tức là nghĩa trang Chăm Balalon. Người Mã cũng không thể dịch từ “chủ tịch”, đành phải dùng từ tiếng Anh: Presiden.

 

• Công lao = dharmâk  (tr. 57). Người Chăm không bao giờ nghe “dharnak” là gì?  Đây chỉ là từ ghi trong tự điển E. Aymonier, có thể là “dharma” của tiếng Phạn, nhưng chưa chắc chắn cho lắm.

 

• Công nghiệp = ra-mbaow jamraik. Người Chăm Việt Nam không bao giờ nghe “ra-mbaow” là gì. “Ra-mbaow” là tiếng Khmer do Chăm Campuchia dùng có ghi trong từ điển E. Aymonier. Vì không biết tiếng Pháp viết trong lời mở đầu, Inrasara nhằm lẫn tưởng Ra-mbaow là tiếng Chăm.

 

Akhar Thrah và phiên âm latinh trong tác phẩm của Inrasara

 

Inrasara là nhà nghiên cứu về văn học Chăm và thực hiện cả cuốn tự điển Chăm. Trong tất cả tác phẩm này, Inrasara luôn luôn viết chữ Chăm truyền thống do cha ông để lại và dùng cách phiên âm tiếng Chăm lưu truyền từ thời Pháp thuộc. Ngược lại, trong tự điển: “4600 từ vựng Việt-Chăm thông dụng”, Inrasara lại dùng cách phiên âm của Bùi Khánh Thế  và xử dụng chữ viết Chăm cải biến lai căng của Ban Biên Soạn trong đó có ký tự “paoh gak” và ký tự “craoh aw” không có “dar tha”. Là nhân vật bảo tồn di sản văn hoá Chăm, Inrasara lại chủ trương chôn vùi Akhar Thrah Chăm truyền thống để thay vào chữ Chăm cải biến lai căng của BBS do nhà nước Việt Nam xuất bản. Đây là hành động thái hoá chỉ tàn phá đi di sản Akhar Thrah truyền thống mà các bậc tu sĩ, bô lão và trí thức Chăm đang xử dụng hôm nay.  

 

Kết luận

 

Tại các quốc gia tân tiến hôm nay, chế biến thuật ngữ mới để đưa vào ngôn ngữ là vấn đề cần thiết, nhưng phải thông qua một hội đồng ngôn ngữ do nhà nước chỉ định . Tại Pháp quốc có Hàn Lâm Viện. Tại Campuchia có Viện Phật Học. Tại Mã Lai có Viện Ngôn Ngữ (Dewan Bahasa). Tại Việt Nam thì không có luật lệ gì cả. Kể từ đó, Inrasara là người Chăm cũng có quyền chế biến thuật ngữ mới để đưa vào tiếng Chăm cho bà con Chăm dùng, đúng hay sai không cần biết, miễn có tiền của Ysa Cosiem ở Hoa Kỳ tài trợ, thì Inrasara bắt tay vào việc ngay. Chính đó là thực trạng của xã hội mà di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm đang gánh chịu kể từ ngày xụp đổ Saigon vào năm 1975.