Phỏng vấn Po Dharma về ngày kỷ niệm 30 năm Ban Biên Soạn Print
Written by Hoaraya   
Sunday, 18 March 2012 02:56
hoa 4
Hoaraya

BTT Anakhan Champa : Ts. Po Dharma, dân tộc Chăm là Phó Giáo Sư tại Viện Viễn Ðông Pháp, đặc trách về Champa học cũng là Tổng Biên Tập của tập san Champaka có trụ sở tại Paris. Đây là bài phỏng vấn ông về ngày kỷ niệm 30 năm Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC).

Hoaraya (H) : Một số người Chăm có nhận bản kế hoạch tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC) vào ngày 25-7-2008 tại tỉnh Ninh Thuận. Xin Pgs. Po Dharma cho biết có nhận bản kế hoạch này không

Po Dharma (P-D) : Ðúng, tôi có nhận bản kế hoạch này qua hệ thống email do BBSSCC gửi đến.

 

H: Qua nội dung của bản kế hoạch tóm lược kết quả 30 năm của BBSSCC, Pgs. có suy nghĩ như thế nào về cơ quan này

P-D: Từ 30 năm qua, BBSSCC đã có công hữu ích, đó là đưa Akhar Thrah Chăm vào các trường lớp dành cho con em người Chăm. Ðây là công lao to lớn của BBSSCC mà cá nhân tôi và dân tộc Chăm không thể quên được. Tiếc rằng công trình này vấp phải vài điểm sai lầm nằm trong yếu tố hệ thống của chữ Chăm (thí dụ như biến phụ âm ga thành paoh gak, v.v.) đã làm đảo lộn cả một hệ thống Akhar Thrah Chăm để rồi con em Chăm học chữ Chăm của BBSSCC không đọc được Akhar Thrah Chăm của cha mẹ họ viết.

 

H: Như vậy thì Pgs. có giải pháp gì không ?

P-D: Trước sự thoái hóa của Akhar Thrah Chăm, tôi chỉ biết kêu gọi cấp lãnh đạo của BBSSCC, nhất là ông Lộ Minh Trại, nên cố gắng đề nghị với Nhà Nước Việt Nam chỉnh lý lại vài điểm sai lầm trong sách giáo trình để thống nhất lại Akhar Thrah Chăm và giúp con em Chăm đọc được chữ Chăm truyền thống của cha mẹ họ. Chính vì thế, tôi đã mời ông Nguyễn Văn Tỷ và Lộ Minh Trại sang Kuala Lumpur hai lần để bàn về vấn đề này vào năm 2001 và 2002. Thể theo lời yêu cầu của Lộ Minh Trại, trưởng ban BBSSCC, tôi cũng đứng ra tổ chức hội thảo tại Kuala Lumpur 2006 tập trung hầu hết các thành phần tiêu biểu của dân tộc Chăm để đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc về sự thái hóa của Akhar Thrah Chăm. Lộ Minh Trại và Nguyễn Văn Tỷ cũng công nhận trong biên bản của hội thảo Kuala Lumpur về 4 điểm sai lầm trong sách giáo trình. Chính vì thế, Harak Champa nên đặt vấn đề này trực tiếp với Lộ Minh Trại và Nguyễn Văn Tỷ là chí lý hơn.

 

H: Cho đến nay, BBSSCC vẫn chưa chỉnh lý. Thế thì Pgs. có suy nghĩ gì ?

P-D: Tôi là chuyên viên khoa học ở nước ngoài, tôi không có quyền gì trên BBSSCC, một cơ quan của Nhà Nước Việt Nam và tôi cũng không có chức năng buộc BBSSCC phải chỉnh lý một số sai lầm này. Nếu BBSSCC nghĩ rằng Akhar Thrah là di sản văn hóa thiêng liêng của dân tộc Chăm cần được bảo tồn thì BBSSCC, nhất là ông Lộ Minh Trại, trưởng ban của tổ chức này, tự nguyện đứng ra để chỉnh lý sách giáo trình hầu thống nhất lại hệ thống Akhar Thrah Chăm. Nếu không, BBSSCC và Lộ Minh Trại phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự thoái hóa của chữ viết này.

Dân tộc Chăm hôm nay không còn quê hương đất nước nữa, đó là vấn đề lịch sử. Nhưng dân tộc Chăm không bao giờ chấp nhận bất cứ người Chăm nào dùng quyền lực hay địa vị trong xã hội để thống trị họ, tàn phá di sản ngôn ngữ và chữ viết của họ. Bằng chứng cụ thể, trong ngày Ðại Hội Champa 2007 tại Hoa Kỳ, dân tộc Chăm đã đưa vấn đề sai lầm trong sách giáo trình BBSSCC vào bản kiến nghị và yêu cầu Nhà Nước Việt Nam chỉnh lý lại sự sai lầm này. Ðiều này chứng tỏ rằng, nếu BBSSCC không chấp nhận thống nhất Akhar Thrah Chăm, thì dân tộc Chăm sẽ tiếp tục đấu tranh bằng mọi giá. Vì bảo tồn chữ Chăm truyền thống đã trở thành chủ trương hàng đầu của Ðảng và Nhà Nước Việt Nam.

 

H : Nếu chúng tôi không lầm, trong chương trình kỷ niệm 30 năm BBSSCC, có phần tham luận “Chữ Chăm Xưa & Nay”. Thế thì dân tộc Chăm hôm nay có hai hệ thống chữ viết.

P-D: Trong lịch sử ngôn ngữ và chữ viết Chăm không có “Chữ Chăm Xưa & Chữ Chăm nay” như BBSSCC tự chế tạo mà chỉ có chữ Chăm truyền thống mà dân tộc Chăm đang sử dụng hôm nay. Có chăng “Chữ Chăm Nay” là chữ Chăm lai căng có paoh gak do cơ quan này mới chế biến Nếu như vậy, BBSSCC không không nên đưa vấn đề “Chữ Chăm Xưa & Nay” ra diễn đàn tham luận. Vì dân tộc Chăm không công nhận “Chữ Chăm Nay” trong hệ thống chữ viết của họ.

 

H: Giả sử rằng BBSSCC, vì lý do gì đó, từ chối không chỉnh lý lại sách giáo trình thì Pgs. có nhận định gì về tương lai của Akhar Thrah Chăm.

dharma 15
Po Dharma

P-D: Nếu BBSSCC không chấp nhận chỉnh lý thì khoảng 10 năm nữa chữ Akhar Thrah Chăm truyền thống sẽ bị thay thế bởi chữ Chăm Cải Biên của BBSSCC trong cộng đồng Chăm. Và lúc đó hậu quả gì sẽ đến với toàn bộ di sản chữ Chăm mà ông cha ta để lại hàng ngàn năm nay thì không ai có thể tiên đoán được. Ðây là một vấn đề trọng đại mà mỗi người Chăm thật sự yêu thương dân tộc, có ý thức rõ rệt về di sản văn hóa thiêng liêng của mình, phải có nghĩa vụ bảo tồn bằng mọi giá. Hy vọng Lộ Minh Trại, trưởng ban BBSSCC, sẽ gạt bỏ mọi quan điểm cá nhân của mình để suy xét lại vấn đề trọng đại này một cách nghiêm túc hơn hầu thống nhất để cứu vớt Akhar Thrah Chăm khỏi vực thẳm. Vì rằng quyền lợi của dân tộc và di sản thiêng liêng của Akhar Thrah Chăm là trên hết.

 

H: BBSSCC kêu gọi bà con Chăm ở hải ngoại góp phần hảo tâm tinh thần và vật chất vào chương trình này. Vậy Pgs. có giúp đỡ gì hay không ?

P-D: Tôi là người rất khâm phục công sức giảng dạy tiếng Chăm của BBSSCC trong suốt 30 năm qua. Nhưng tôi không đồng tình với BBSSCC về một điểm duy nhất đó là BBSSCC không tìm cách thống nhất Akhar Thrah Chăm. Vì ngày kỷ niệm 30 năm, BBSSCC không nói gì về dự án thống nhất Akhar Thrah Chăm, thành ra tôi không thể giúp gì cho họ được. Nếu giúp, thì tôi vô tình tiếp tay thêm cho BBSSCC đưa Akhar Thrah Chăm truyền thống vào con đường suy thoái thêm.

 

H: Cám ơn Pgs Po Dharma đã bỏ thì giờ trả lời những câu phỏng vấn này. Xin chúc Pgs sức khoẻ và tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá Champa trên toàn thế giới.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka 28: 20-7-2008)