Paka Jatrang: Thực trạng ngôn ngữ chữ viết Chăm- Đôi điều muốn nói Print
Written by BBT Champaka.info   
Monday, 13 May 2013 08:48
trang 10
Paka Jatrang

« Thực trạng ngôn ngữ chữ viết Chăm- Đôi điều muốn nói » là bài quan điểm của Paka Jatrang đăng trên mạng www.gulpataom.wordpress.com. Paka Jatrang là người Chăm gốc Pelei Baoh Dana (Chất Thường, Ninh Thuận), hiện giờ sinh viên Trường Y Dược tại TP-HCM, một thanh niên Chăm trẻ tuổi nhưng có trách nhiêm cao đối với di sản ngôn ngữ chữ viết của dân tộc Chăm. Trong bài khảo luận về

« Thực trạng ngôn ngữ chữ viết Chăm- Đôi điều muốn nói », Paka Jatrang đưa ra những lời phân tích rất nghiêm túc, dựa vào phong cách lý luận rất khoa học và thuyết phục, qua lối hành văn trong sáng và dùng thuật ngữ rất chuẩn để trình bày quan điểm của mình.

 

Phải công nhận rằng, Paka Jatrang là sinh viên Chăm trẻ tuổi, nhưng tiếp thu được thế nào là qui luật chữ Chăm truyền thống, có tầm nhìn khách quan và khoa học để phân tích thế nào là sự khác biệt rỏ ràng giữa « tiếng nói Chăm» và « chữ viết Chăm», hai hệ thống hoàn toàn khác nhau trong qui luật của ngôn ngữ trên thế giới, chứ không riêng gì của dân tộc Chăm.

 

Định nghĩa chữ viết Chăm

 

Theo quan điểm của Paka Jatrang :

Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ chữ viết riêng, ngôn ngữ dùng để giao tiếp trực tiếp với nhau, còn chữ viết để truyền tải mọi thông tin cũng như lưu truyền di sản văn hóa và đời sống tâm linh từ thế hệ này đến thế hệ khác. Có thể nói, dù ngôn ngữ nói của cùng một dân tộc có khác nhau giữa người này hay người khác, vùng này hay vùng khác nhưng chữ viết thường thống nhất và rất ổn định trong tất cả văn bản giấy tờ từ trung ương đến địa phương. Nói về chữ Chăm, Chữ Chăm có từ lâu đời, xuất hiện đầu tiên trên bia kí Trà Kiệu vào thế kỉ thứ IV. Có thể nói ông cha ta đã để lại cho hậu thế hôm nay một di sản thiêng liêng, là hệ thống akhar thrah Cam có tính ổn định, qui luật chính tả, ngữ pháp và cách hành văn rất chặt chẽ. Chữ Chăm là tài sản thiêng liêng chung của cả dân tộc cho nên không ai có quyền cải biên,chỉnh sửa hay phá vỡ tính qui cũ của nó

 

Giá trị giữa tiếng nói và chữ viết

 

Trong bài viết, Paka Jatrang đưa ra quan điểm rỏ rệt về sự khác biệt giữa « tiếng nói » và « chữ viết » mà một số người Chăm thường hiểu lầm, nhất là Ts. Quảng Đại Cẩn.

 

Theo quan điểm của Paka Jatrang :

Ngôn ngữ nói không thể đảm nhiệm hết chức năng truyền tải di sản văn hóa, tinh hoa nghệ thuật của thế hế trước cho thế hệ sau được, nếu có thì chủ yếu qua câu chuyện kể, cổ tích truyền miệng…với bất tận những dị bản. Vì rằng ngôn ngữ nói, sau khi nói ra khó mà lưu giữ một cách đầy đủ nhất, như “lời nói gió bay” hay người nghe không có cơ hội phân tích kĩ lưỡng mà chỉ tiếp thu một cách sơ sài để rồi phản hồi lại theo trí nhớ chủ quan. Ngôn ngữ nói trong giao tiếp một phần chưa được gọt giũa chọn lọc, chưa mang tính nghệ thuật và thẩm mĩ cao. Ngược lại, chữ viết được lưu lại một cách kĩ càng, tỉ mỉ mang tính vị nghệ thuật, đại diện cho chân – thiện – mĩ nên chữ viết không thể chỉnh sửa theo cách nói và phát âm thường thấy trong cuộc sống được. Chính vì thế giữa ngôn ngữ nói và chữ viết không thể thay thế cho nhau, mà phải tồn tại độc lập và song song. Chung qui, chữ viết và ngôn ngữ đều mang trọng trách cho con người giao tiếp, truyền tải thông tin và lưu trữ di sản văn hóa dân tộc. Riêng chữ Chăm cũng vậy, hệ thống akhar thrah Cam là di sản thiêng liêng của dân tộc cần phải được bảo lưu, gìn giữ đồng thời không nên tự ý chỉnh sửa, cải biên làm mất đi vẻ trong sáng của ngôn ngữ và chữ viết Chăm.

 

Qui luật chữ Chăm

 

Về qui luật chữ Chăm, Paka Jatrang có phần phân tích rất chính xác và khoa học đúng với qui luật của chữ Chăm truyền thống được lưu hành từ thời Po Rome (1627-1651) mà các bậc tu sĩ, bô lão và trí thức Chăm đang xử dụng hôm nay. Đây là qui luật chung của chữ viết Chăm mà BBSSCC cần phải học hỏi và dựa vào đó để thống nhất lại ngôn ngữ chữ viết Chăm.

 

Để trả lời cho quan điểm sai lầm của BBSSCC và nhất là quan điểm mơ hồ mang tính cách cá nhân của Ts. Quảng Đại Cẩn về nguồn gốc chữ viết Chăm, Paka Jatrang lưu ý 7 qui luật sau đây :

 

1). Không thể áp dụng qui tắc « nói sao viết vậy » vào chữ viết

Trong ngôn ngữ chữ viết Chăm không thể áp dụng qui tắc « nói sao viết vậy » được. Đây là một qui luật phi khoa học, không được áp dụng trong bất cứ hệ thống chữ viết của bất kì quốc gia nào trên thế giới này. Vì rằng trong tiếng Chăm,

• « pabuei » (con heo) không thể viết « pabuy » theo cách phát âm hàng ngày được,

• «nduec » ( chạy) không thể viết là « ndoc »,

• « juai » ( đừng) không thể viết thành « joy »,

• « panuec » ( lời nói) không thể viết thành «  panoc »

 

Paka Jatrang dưa ra thí dụ sau đây :

Hay thử nhìn xem chữ phổ thông «  Tiếng Việt », người miền Bắc nói «Hôm l(n)ay anh có đi n(l)àm không ? », hay người miền Nam nói « Hôm nay chị có d(v)ề hông ? » nhưng khi hành văn thì tất cả buộc phải viết theo chính tả «Hôm nay anh có đi làm không ? » hay «Hôm nay chị có về không ? ».

 

2). Không nên dựa vào vài chữ sai lầm trong tự điển Aymonier để lý luận

Theo Paka Jatrang, chữ Chăm không bao giờ có paoh gaktraoh aw  phải có  dar tha. Tiếc rằng Ts. Quảng Đại Cẩn chỉ dựa vào hai từ (vì ấn loát sai lầm) trong từ điển của Cabaton-Aymonier (CA) có traoh aw mà không có dar sa đó là từ maok (con mối), traong (trái cà) để phản biện lại dư luận cộng đồng Chăm, cho rằng sự chỉnh lý cải biên chữ Chăm của Ban Biên Soạn đang được áp dụng là hoàn toàn hợp lí, không phá hoại di sản ngôn ngữ chữ viết dân tộc. Để trả lời một cách gián tiếp cho quan điểm của Quảng Đại Cẩn và BBSSCC, Paka Jatrang nhấn mạnh rằng :

 

« Chúng ta nên biết, trong một quốc gia để ấn hành một cuốn từ điển – ngôn ngữ chữ viết của tộc người mình, điều đầu tiên không thể thiếu là thành lập một hội đồng mà thành phần gồm các nhà khoa học am hiểu ngôn ngữ chữ viết dân tộc đó cùng nhau trao đổi và soạn từ, thông qua cơ quan ấn hành do hội đồng ngôn ngữ chữ viết cấp trung ương đảm nhiệm, đó là một qui tắc mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều phải tuân thủ. Thiết nghĩ từ điển CA ra đời nhằm mục đích cho tác giả sử dụng để nghiên cứu không hơn, có thể chưa qua sự xét duyệt và kiểm chứng của cơ quan, hội đồng ngôn ngữ chữ viết nào của[là] người Chăm nên khó có thể tránh khỏi sự thiếu sót. Mặt khác, trong hàng ngàn từ của một cuốn từ điển, chúng ta dùng hai từ viết sai qui tắc để bác bỏ cả hệ thống chữ viết dân tộc – một di sản thiêng liêng của Champa là một luận cứ không thuyết phục, chỉ mang tính chất đối phó »

 

3). Kí hiệu « dar tha và dar dua »

Kí hiệu « dar thadar dua » không thể có « hua baluw ». Vì rằng, một từ khi đã có « dar thadar dua » rồi thì từ đó xem như là một từ hoàn chỉnh hay « akhar matai » rồi, thêm « hua baluw » vào sẽ trở nên vô nghĩa.

 

4). Qui luật « taikik tut takai mâk»

Qui luật « taikik tut takai mâk» thường nằm trên phụ âm ở cuối như «ni » ( đây) hay « kumi » ( chúng tôi)

 

5). Qui luật sử dụng « hua baluw »

Qui luật sử dụng « hua baluw » là một qui luật không có qui tắc mà chúng ta chỉ có cách học thuộc mà thôi.

 

6). « Pak praong »

Để sử dụng thành thạo chữ « pak praong » chúng ta chỉ còn cách là học thuộc một số từ dùng cho trường hợp « pak praong » mà thôi. Vì rằng, sử dụng « pak praong » như thế nào thì vẫn còn là một bí ẩn trong giới nghiên cứu.

 

7) Qui luật « âm bằng âm trắc »

Trong tiếng Việt để phân biệt âm bằng âm trắc chúng ta dựa vào dấu, còn trong tiếng Chăm âm bằng và âm trắc của một từ được phân biệt dựa vào ngữ cảnh của câu và ý nghĩa của từ đó. Hay nói cách khác, trong chữ Chăm một số từ viết giống nhau nhưng đọc lại khác nhau. Ví dụ từ « caok » trong câu sau : «  Palei Caok daok gem caok gem caok » ( Làng Hiếu Lễ vừa mớm vừa khóc ». Do đó, từ « Caok » đều viết như nhau nhưng cách phát âm và ngữ nghĩa lại khác nhau.

 

trang 3
Paka Jatrang

 

Ngôn ngữ nói

 

Về ngôn ngữ nói hàng ngày, tác giả Paka Jatrang cho rằng :

 

Hiện nay hiện trạng sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của một số sinh viên Chăm và cả thành phần tri thức Chăm thuộc thế hệ đàn anh chứ chưa nói đến dân vùng quê đang ở mức báo động cao vì tỉ lệ pha độn tiếng Chăm / tiếng Việt đang giảm dần. Tức trong một câu tiếng Chăm ngày càng xuất hiện nhiều từ tiếng Việt hơn (…) Ví dụ câu nói của người bạn « Đề nghị dom adei sa-ai mai họp đúng giờ, đúng địa điểm ? » , câu trên gồm 12 từ mà trong đó tiếng Việt đã chiếm hết 8. Tức tỉ lệ tiếng Việt chiếm gần 70% trong câu nói hàng ngày của chúng ta. Qua đó cho ta thấy hiện trạng con em Chăm có xu hướng ưu tiên ( thích ) dùng « ngoại ngữ » hơn là tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hàng ngày. Một xu hướng như vết cứa, cứa thật sâu và thật ngọt vào tim can những kẻ nguyện sống chết cùng ngôn ngữ của dân tộc

 

Hậu quả của sự cải biên chữ Chăm

 

Trước năm 1975, dân tộc Chăm có một tiếng nói và một chữ viết. Sau ngày chỉnh lý chữ Chăm của Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC) vào năm 1978, hệ thống ngôn ngữ chữ viết Chăm đang lâm vào con đường thoái hóa mà không ai có thể đo lường hậu quả của nó. Sau đây là quan điểm của Paka Jatrang :

 

1). Thế hệ trẻ là nạn nhân của chữ Chăm cải biến

 

Theo Paka Jatrang, chữ Chăm đang là vấn nạn của sự cải biên và chỉnh sửa một cách tùy tiện của BBSSCC và hậu quả của nó gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ tương lai con em Chăm :

 

Mỗi người Chăm chúng ta ai ai cũng có quyền được tiếp nhận cũng như thưởng thức mọi giá trị văn hóa nghệ thuật, văn học mà ông cha ta để lại qua những dữ liệu viết tay, văn bản cổ, cũng như nguồn tư liệu mà các bậc tu sĩ, bô lão, trí thức Chăm đang lưu giữ trong các palei Cam. Nếu hiện trạng cải biên như thế này vẫn tiếp tục thì thương thay cho thế hệ con em Chăm, họ nhìn giá trị tinh hoa dân tộc, di sản văn hóa Champa để lại bằng những suy nghĩ lệch lạc, bàng quan vô tư lự dẫn đến cái chết của một nền văn minh dân tộc được báo trước .

 

2). Không nên chỉnh sửa hệ thống chữ Chăm một cách vô trách nhiệm

 

Ai cũng biết, từ thế kỉ thứ 17, chữ Chăm truyền thống đã được sử dụng trong văn bản hành chính, văn học, tôn giáo, văn bản hằng ngày trong đời sống…của quốc gia Champa cổ. Chính vì thế, không ai có quyền chỉnh sửa chữ viết Chăm nhưng không đưa ra những bằng chứng cụ thể. Theo quan điểm của Paka Jatrang :

 

Ngày hôm nay, những cải biên và chỉnh sửa hệ thống chữ Chăm một cách vô trách nhiệm như những vết trám loang lỗ trông thật khó coi trên một con đường vẹn nguyên hành trình qua biết bao thế hệ Chăm. Khắc phục sự cải biên mà chữ Chăm đang gánh chịu hôm nay là nhiệm vụ của các nhà chức trách và cả bậc trí thức Chăm. Tương lai con em Chăm có đọc được akhar thrah Cam truyền thống trong văn bản chép tay, tư liệu lưu truyền trong đời sống được hay không, có tiếp thu giá trị tinh hoa dân tộc được hay không là trách nhiệm của những cơ quan chức năng hay tổ chức có quyền hạn trong giáo dục nhà trường và quan trọng nhất là cơ quan biên soạn dạy và học chữ Chăm trong nhà trường ngày hôm nay tại các địa bàn có đông đảo con em Chăm đang theo học.

 

3). Con em Chăm học chữ Chăm BBSSCC không đọc được tiếng mẹ đẻ

 

Paka Jarang là thanh niên Chăm xuất thân từ trường Chăm ở cấp tiểu học. Nhưng hôm nay Paka Jatrang đưa ra kết luận rằng con em Chăm học chữ Chăm BBSSCC không đọc được tiếng mẹ đẻ. Đây không phải là phương pháp lý luận để bào chữa cho phe nhóm mà là sự thật của lịch sử, vì Paka Jatrang đã từng học tiếng Chăm của BBSSCC từ khi còn trẻ. Trong bài khảo luận, Paka Jatrang cho rằng :

 

Dân tộc Chăm là một dân tộc có nền văn minh văn tự lâu đời, có hệ thống chữ viết ổn định. Trách nhiệm truyền tải, giáo dục con em Chăm biết chữ Chăm là một nhiệm vụ cấp thiết. Tuy nhiên, thực trạng con em Chăm đang học tiếng Chăm nhưng không đọc được chữ viết do cha ông để lại. Vì rằng, hệ thống akhar thrah Cam đã cải biên đang dạy và học trong cấp Tiểu học đã vô hình chung đẩy chữ Chăm đi vào ngõ cụt. Theo phân tích của PGS.TS Po Dharma (Xem Ngôn ngữ chữ viết Chăm trong quá trình lịch sử – 2006) trong hệ thống akhar thrah Cam không có “paoh gak” hay trong hệ thống chữ Chăm có những “qui tắc” và  “bất qui tắc” mà chỉ nhớ và thuộc lòng chứ không có quyền phá bỏ qui tắc được.

 

Kết luận

 

Sau khi phân tích một cách nghiêm túc thực trạng ngôn ngữ chữ viết Chăm, Paka Jatrang đưa ra kết luận rằng :

 

Trên thế giới, người ta ước tính có khoảng 5000 ngôn ngữ nói khác nhau, mỗi ngôn ngữ phát triển theo nhu cầu của người nói và cùng với sự tiến bộ của văn hóa xã hội thì cũng sẽ sản sinh ra những thế hệ ngôn ngữ mới. Hiện nay mỗi năm có khoảng 25 ngôn ngữ sẽ « chết » và theo các nhà ngôn ngữ học đến năm 2100 90% ngôn ngữ hiện nay đang dùng hôm nay sẽ biến mất – thay vào đó là thế hệ ngôn ngữ mới hoánh, ngôn ngữ Chăm sẽ cùng chung số phận như thế chăng ? Câu trả lời rằng, nếu người Chăm không ý thức được sự tồn vong của ngôn ngữ dân tộc mình thì khó tránh khỏi qui luật đào thải tự nhiên theo thời gian.

 

Tiếng nói còn dân tộc còn, tiếng nói mất dân tộc mất là một qui luật chung, dân tộc nào không có trách nhiệm và khả năng giữ gìn tiếng nói của mình thì dân tộc đó mặc nhiên đã chấp nhận sự tiêu vong của mình trong tương lai, không thể tránh khỏi.  Đau lòng lắm thay khi một nhận định « chúng ta là Chăm, đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm » như ông Hồ Trung Tú đã minh định cho người dân xứ Quảng ngày hôm nay sẽ là số phận của Chăm trong tương lai ?

 

Xin bầm vào đây để xem nguyên văn bà viết của Paka Jatrang :

 

http://pakajatrang.wordpress.com/2012/03/03/thực-trạng-ngon-ngữ-chữ-viết-cham-doi-diều-muốn-noi/