Sakaya : Thực trạng ngôn ngữ chữ viết Chăm hôm nay Print
Written by BBT Champaka.info   
Sunday, 26 May 2013 13:36
mon 10-b
Ts. Sakaya (Trương Văn Món)

« Ngôn ngữ Chăm hiện nay. Thực trạng & giải pháp » là bài khảo luận của Sakaya đăng trong tác phẩm Ngôn ngữ Chăm, thực trạng và giải pháp do nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành vào năm 2011, trang 159-203. Nội dung bài viết chủ yếu phân tích thực trạng ngôn ngữ Chăm hiện tại, từ thực trạng về chữ viết Chăm truyền thống và chữ Chăm cải biến của Ban Biên Soạn cho đến tiếng Chăm trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình,

tiếng Chăm trong tự điển Chăm-Việt và Việt-Chăm, v.v. Mục tiêu của bài biết nhằm làm sáng rõ một số vấn đề đã gây ra sự lệch lạc và khủng hoảng về tiếng nói và chữ viết Chăm hôm nay.

 

 

Sakaya là trí thức Chăm đổ bằng phó tiến sĩ tại Đại Học Malaya (Mã Lai) và Tiến Sĩ tại Việt Nam, hiện là giảng viên của Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn tại TP. HCM. Bài viết của Sakaya mang tựa đề : « Ngôn ngữ Chăm hiện nay. Thực trạng & giải pháp » có nội dung rất thuyết phục, vì Ts. Sakaya là người chuyên về văn bản viết bằng Akhar Thrah Chăm truyền thống, từ tài liệu hoàng gia Champa cho đến sakaray, damnây, dalukal viết bằng tiếng Chăm.

 

Theo Sakaya, Akhar Thrah Chăm truyền thống xuất hiện từ thế kỷ thứ 17 đến nay đã tương đối ổn định vế cấu trúc chữ viết, chính tả và từ vựng, thừa sức chuyển tải tri thức về lịch sử, phong tục tập quán, lễ tục cho đến di sản văn chương qua các tác phẩm bất hủ như Akayet Dewa Mano, Akayet Inra Patra, Ariya Nai Mai Mang Makah, v.v. Tiếc rằng sau năm 1975, Akhar Thrah Chăm truyền thống bị cải biến bởi Ban Biên Soạn để đưa vào giáo trình dạy học trong trường lớp của người Chăm mặc dù Đảng và Nhà Nước Việt Nam ra Chỉ Thị 121và Thông Tri 03 đề nghị « phải tiếp tục dạy tiếng Chăm cổ cho đồng bào Chăm ».

 

Trong bài viết, Sakaya phân tích một số vấn đề như sau :

 

1). Chữ Chăm cải biến của Ban Biên Soạn

 

Không dựa vào chỉ thị của Đảng và Nhà Nước, Ban Biên Soạn tự tiện cải biến chữ viết Chăm truyền thống theo quan điểm riêng tư của mình, bằng cách chế biến chữ Chăm có « paoh gak », lược bỏ ký hiệu « dar tha » trong « traoh aw » và chủ trương « hua baluw » trên ký hiệu « dar tha dar dua » để phục vụ cho cách phát âm của người Chăm hôm nay. Đó là ba yếu tố sai lầm đã làm đảo lộn cả hệ thống Akhar Thrah Chăm truyền thống, một di sản vô giá được lưu truyền từ thế kỷ thứ 17. Và sự sai lầm này phát xuất từ một nguyên nhân chính đáng, đó là Ban Biên Soạn không nắm vững lịch sữ ngôn ngữ Chăm và nhất là nhằm lẫn giữa tiếng nói và chữ viết. Vì rằng chữ viết là ký hiệu để qui định qui luật chính tả của một ngôn ngữ, chứ không phải là ký hiệu để ghi cách phát âm của tiếng nói. Kể từ đó, một ký hiệu của chữ viết có thể sinh ra nhiều cách phát âm khác nhau, tùy theo câu và ngữ cảnh. Một thí dụ trong tiếng Chăm :

 

Urang palei caok, gem caok, gem caok

 

Người thôn Hiếu lễ (palei caok), vừa khóc (caok) vừa bóc (caok)

 

Trong câu này, 3 từ « caok » viết giống nhau, nhưng đọc khác nhau tùy theo ngữ cảnh. Đây là qui luật chung của tất cả ngôn ngữ trên thế giới mà người học phải học thuộc lòng. Không vì lý do gì, Ban Biên Soạn tự tiện cải biến chữ Chăm có « paoh gak » và bỏ ký hiệu « dar tha » trong « traoh aw » để người học phân biệt cách đọc của 3 từ « caok ». Đây là phong cách làm việc vô trách nhiệm, đã làm tàn phá đi di sản ngôn ngữ chữ viết của dân tộc Chăm.

 

Mặc dù Hội Thảo Ngôn Ngữ Chữ Viết Chăm tại Kuala Lumpur 2006 có sự tham gia của Ban Biên Soạn đã quyết định trong biên bản yêu cầu phải chỉnh lý lại những sai lầm trong sách giáo trình của Ban Biên Soạn để thống nhất chữ viết Chăm Chăm, nhưng cho đến nay Ban Biên Soạn (hay nói một cách khách quan là Nguyễn Văn Tỷ, Lộ Minh Trại và Quảng Đại Cẩn) vẫn không chấp nhận thực hiện và còn hình thành cả « đội ngũ bút chiến » chống lại trí thức Chăm không đồng tình với Ban Biên Soạn.

 

Bên cạnh vấn đề cải biến qui luật chữ viết Chăm, Sakaya còn phân tích những sai lầm chính tả trong sách giáo trình của Ban Biên Soạn. Đọc qua sách giáo trình « Tiếng Chăm lớp 5 » bài 1 chỉ có 4 trang tập trung khoảng 500 từ, Sakaya cho rằng Ban Biên Soạn đã viết sai chính tả gần 300 từ. Đây là vài thí dụ điển hình :

 

• « puec » (nói) Ban Biên Soạn viết thành « poc »,

• « asit » (nhỏ) viết thành « sit »,

• « kayua » (bởi vì) viết thành « yua », v.v.

 

Sakaya cũng không quên nêu ra một số sai lầm về ngữ nghĩa mà Ban Biên Soạn tự tiện nêu ra theo quan điểm của mình, thí dụ :

 

• « uyamân » (mùi vị, dịu dàng, quyến rủ… » Ban Biên Soạn suy đoán là « biết ơn » ;

 

• «lai pajua » viết đúng chính tả phải là « palai pajua » (uổng, nuối tiếc), Ban Biên Soạn suy đóa là « tàn sát », v.v.

 

2). Tiếng Chăm trong đài phát thành và truyền hình

 

Tiếng Chăm trong đài phát thành và truyền hình cũng là chủ đề mà Sakaya không quên đưa ra phân tích. Theo Sakaya, đài phát thanh và truyền hình nói tiếng Chăm có mục tiêu chuyển tải thông tin cho bà con Chăm nghe và hiểu nội dung của chương trình. Tiếc rằng, nghe đài phát thành và truyền hình nói tiếng Chăm nhưng bà con Chăm không hiểu họ nói gì, vì ban biên tập dịch thuật bài viết tiếng Việt sang tiếng Chăm một cách tùy tiện thường dựa vào sự suy đoán riêng tư của mình, không liên hệ gì với ngôn ngữ mà người Chăm đang xử dụng hàng ngày.

 

Theo qui luật của ngôn ngữ, những thuật ngữ mà tiếng Chăm không có, đài phát thanh và truyền hình nên xử dụng tiếng Việt trực tiếp để người Chăm hiểu nhanh hơn. Tiếc rằng ban biên tập của đài chế biến thuật ngữ mới cho tiếng Chăm để rồi không ai hiểu đài này nói tiếng gì ?

 

Trong quá trình lịch sử, dân tộc Chăm đã từng vây mượn rất nhiều thuật ngữ tiếng Việt như Klan Thu (trấn thủ), Phaok Klan (phó trấn), Lik Klen (lý trưởng), Kai Ndoy (cai đội), Kham Sai Thong Mbing (Khâm Sai Thống Binh), v.v.. . Thế thì tại sao đài phát thành và truyền hình không nối gót theo hệ thống vay mượn thuật ngữ tiếng Việt mà tiếng Chăm không có để làm giàu mạnh thêm cho ngôn ngữ Chăm và rất tiện cho người Chăm nghe và hiểu đài phát thành và truyền hình nói gì ?

 

Những thuật ngữ tiếng việt như « kinh tế, xã hội, đại học, cộng sản, chủ tịch, máy vi tính, v.v., làm sao người Chăm có thể chế tạo những từ mới bằng tiếng Chăm để diễn đạt tư tưởng thay vì dùng trực tiếp thuật ngữ tiếng Việt. Ngay tiếng Mã Lai cũng đành bó tay trước thuật ngữ này để rồi phải xử dụng tiếng Anh trực tiếp :

 

Kinh tế, tiếng Mã là « ekonomi »

Xã hội, tiếng Mã là « sosial »

Đại học, tiếng Mã là « universiti »

Cộng sản, tiếng Mã là « komunis »

Chủ tich, tiếng Mã là « presiden »

Máy vi tinh, tiếng Mã là « komputer»

v.v.

 

Đây là thí dụ điển hình của tiếng Chăm xử dụng trong đài mà người Chăm không hiểu nghĩa như thế nào :

 

• « Đài phát thanh » dịch sang tiếng Chăm là « Maligai Papar Sap Chăm ». Maligai là lâu đài của vua chúa, không liên hệ gì vời « đài » của tiếng Việt

 

• « Nông dân » dịch sang tiếng Chăm là « Bal La-aua ». Trong tiếng Chăm, « Bal La-aua » là thuật ngữ khinh bỉ ám chỉ « mấy thằng nhà quê cày ruộng »

 

• « Đại học » dịch sang tiếng Chăm là « Bac Proang». Trong tiếng Chăm « Bac Proang» có nghĩa đọc lớn tiếng chứ không liên hệ gì đến Đai Học.

• v.v.

 

Đó là những thí dụ mà Sakaya nêu ra nhằm chứng minh rằng đài phát thanh và tuyền hình tiếng Chăm chỉ chuyển tải đến bà con Chăm những thông tin một cách sống sượng, vô cảm để rồi bà con Chăm nghe, nhưng không hiểu đài muốn nói gì ?

 

3). Tiếng Chăm trong cuộc sống

 

Tiếng Chăm trong cuộc sống sinh hoạt xã hội cũng là chủ đề mà Sakaya không quên bàn đến. Theo tác giả, 78% người Chăm nói tiếng Chăm lúc nào cũng pha tiếng Việt. Có một số trường hợp, người Chăm nói tiếng Chăm trong một câu có 10 từ, nhưng 6 từ là tiếng Việt rồi. Thí dụ trong một câu tiếng Chăm thông thường :

 

bal hâ oh đề nghị thong cơ quan ngak kế hoach nao quay phinm pak Bính Nghĩa o !.

 

Trong câu này đã có 8 chử (bôi đen) là tiếng Chăm, còn lại bao nhiêu là tiếng Việt.

 

Theo tác giả, hiện nay nguy cơ biến mất về ngôn ngữ trên thế giới đang báo động, thế thì trong tương lai tiếng Chăm sẽ bị xếp vào danh mục những ngôn ngữ bị biến mất hay không ?

 

4). Tiếng Chăm trong tự điển

 

Tiếng Chăm trong tự điển cũng là đề tài mà Sakaya rất quan tâm. Theo tác giả, sự ra đời của hai tự điển Chăm-Việt của Bùi Khánh Thế và Việt-Chăm của Inrasara đã gây sự ảnh hưởng tiêu cực đế ngôn ngữ Chăm, vì hai tác phẩm này chứa đựng nhiều vấn đề sai lầm, phát xuất từ ông Bùi Khánh Thế không biết tiếng Chăm nhưng đứng ra làm tự điển Chăm và phát xuất từ Inrasara, trí thức Chăm biết nói và đọc tiếng Chăm, nhưng tự tiện đứng ra chế biến hàng loạt từ vựng mới cho ngôn ngữ Chăm không cần hỏi ý kiến ai và cũng không có một hội đồng duyệt xét. Hiện tượng này đã nói lên rằng ngôn ngữ chữ viết Chăm không còn là di sản thiêng liêng của dân tộc Chăm nữa, mà là món hàng đổi chát, mua bán, ai muốn làm gì thì làm, không cần nghĩ đến thế nào là hậu quả của nó. Chỉ cần nêu ra một vài thí dụ sau đây, độc giả đánh giá được thế nào Inrasara chế biến từ vựng Chăm theo ngẫu hứng của mình :

 

• « Công an », Inrasara chế từ Chăm là « takai khik ». Đối với người Chăm, « takai khik » ám chỉ cho động tác dùng « chân » để giữ cái gì đó, không liên hệ gì với ngành « công an »

 

• « Nghề nghiệp », Inrasara chế từ Chăm là « rabo ». Robo là từ vựng của Campuchia do người Chăm của nước này xử dụng ghi lại trong tự điển của Aymonier, vì người Chăm Việt Nam không biết « rabo » là gì !

 

• « Đại lý », Inrasara chế từ Chăm là « puk kram cabieng ». Người chăm nghe câu này, tưởng là từ của tiếng Châu Phi thì đúng hơn.

 

• « Hộ khẩu », Inrasara chế từ Chăm là « papah mưnga ». Theo người Chăm « papah mưnga » có thể hiểu là « đem gia đình đi ở đợ » hay cái miệng (pabah) của gia đình, không liên hệ gì với hộ khẩu trong tiếng Việt.

v.v.

 

Sau cùng, Kakaya đưa ra kết luận rằng ngôn ngữ và chữ viết Chăm đã có lịch sử tồn tại và phát triền hơn 16 thế kỷ. Tuy nhiên ngôn ngữ này đang đứng trước sự khủng hoảng do sự tự cải biến chữ Chăm của Ban Biên Soạn theo quan điểm riêng không cần biết có phù hợp với qui luật chữ viết Chăm hay không. Trước tình hình này, nhiệm vụ cấp bách của dân tộc Chăm là phải bảo tồn và phát huy với bất cứ giá nào Akhar Thrah Chăm truyền thống và tìm mọi cách để thống nhất lại chữ viết Chăm, một di sản quí giá mà cho ông đã để lại.

 

Theo BBT Champaka, nội dung bài viết của Sakaya cũng là thông điệp gởi đến Quảng Đại Cẩn, vị tiến sĩ người Chăm, mặc dù đọc chữ Chăm chưa rành, nhưng thường hay biết bài lý luận phi văn hóa và phi khoa học để bảo vệ chữ Chăm cải biến lai căng của Ban Biên Soạn và gây ra bao sóng gió qua « đội ngũ bút chiến » từ năm 2006 để :

 

• Chỉ trích các tầng lớp tu sĩ, bô lão, trí thức, nhà nghiên cứu và sinh viên Chăm trong và ngoài nước đang theo đuổi mục tiêu bảo tồn Akhar Thranh Chăm truyền thống

 

• Bôi nhọ và phỉ báng những người Chăm nào yêu cầu dẹp bỏ chữ Chăm có « paoh gak » và ký hiệu « traoh aw » không có « dar tha » do Ban Biên Soạn và Quảng Đại Cẩn tự tiện chế biến.

 

Xin bấm vào đây để xem:  Nguyên văn bài viết của Sakaya

 

bia copy 2