Đôi lời cảm nghĩ về xã hội Chăm qua văn hoá email nặc danh Print
Written by Hoài Nam (độc giả trong nước)   
Sunday, 08 June 2014 05:21
hoai nam

Thời gian qua đã xuất hiện một số hiện tượng ở một số bộ phận người Chăm mà cộng đồng Chăm dù muốn hay không vẫn phải đối mặt: • Thứ nhất, chia bè kết nhóm để chửi bới, chống phá nhau gây chia rẽ, mất đoàn kết. • Thứ hai, một số người Chăm rất dễ bị định hướng theo cái xấu nhưng rất khó đi theo cái tốt. Có lẽ do bị ảnh hưởng của “tâm lý bầy đàn”, “hùa theo đám đông” hoặc có thể không nhận diện được tốt, xấu. • Thứ ba, thiếu dũng cảm nhưng rất giỏi chém gió. Lấy nickname, tên nặc danh để chửi bới người khác nhưng họ tên thật của mình thì biến mất. • Thứ tư, chửi bới rất mạnh miệng bằng tên nặc danh nhưng chưa làm được gì cụ thể để mang lại lợi ích cho cộng đồng Chăm.

 

Có lẽ các vấn đề nêu trên ít nhiều đều có liên quan đến cuộc tranh luận khá gay gắt giữa một bên là Champaka và bên bất đồng quan đểm với Champaka.

 

Tranh luận là một việc làm tốt nếu nhìn dưới góc độ tích cực. Chúng ta là con người chứ không phải thần thánh nên đâu đó vẫn còn những khiếm khuyết cần được hoàn thiện. Trên con đường hoàn thiện không thể thiếu việc học hỏi lẫn nhau để giúp bản thân ta hiểu rõ hơn những điều mà chúng ta ngộ nhận hoặc chưa biết. “Thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” luôn tồn tại trong quá trình tiến hóa của xã hội loài người mà bất kỳ dân tộc nào, quốc gia nào cũng trải qua chứ không riêng gì cộng đồng Chăm.  Vì vậy, việc tranh luận, trao đổi giữa Champaka và bên bất đồng quan điểm cũng là điều cần thiết và tất yếu.

 

Các trí thức Chăm như Nguyễn Văn Tỷ, Lưu Quang Sang, Quảng Đại Cẩn, Inrasara, Thành Đài… đã từng trao đổi, tranh luận với Champaka. Tôi không bàn chuyện đúng hay sai ở đây vì đó là quan điểm của mỗi người. Bất cứ người nào cũng có quyền đưa ra quan điểm của mình, bảo vệ quan điểm của mình chỉ cần mình đưa ra các chứng cứ cụ thể, có cơ sở khoa học để thuyết phục người khác. Tôi cho rằng đây là sự dũng cảm của các vị này khi đã dùng tên thật của mình để trao đổi thẳng thắng với Champaka. Điều này sẽ làm cho cộng đồng Chăm quan tâm hơn và cùng nhau mổ xẻ để đi đến “thống nhất các mặt đối lập”.

 

Tuy nhiên, điều đáng buồn là đã xuất hiện các thư nặc danh chửi bới một số cá nhân trong Champaka với lời lẽ thô tục mà theo Champaka là “dơ bẩn, mất dạy và vô văn hóa”.

 

Chủ nhân của các thư nặc danh này đều tự nhận mình là người Chăm, đều chửi bới Champaka, “chửi cho đã miệng”. Nếu họ tự nhận mình là người Chăm sao họ lại làm những việc vô bổ này đối với cộng đồng Chăm. Nếu họ cũng muốn bày tỏ quan điểm, thuyết phục ai đó sao họ không dùng tên thật để cộng đồng Chăm biết họ là ai, trí thức ở làng nào. Nếu họ đang sống ở một quốc gia dân chủ, tự do ngôn luận thì họ cần gì phải dùng tên nặc danh. Các thư nặc danh của họ có mang lại lợi ích gì cho Chăm không hay chỉ thỏa mãn cho mục đích, lợi ích  của họ. Các vấn đề người Chăm cần quan tâm, giúp đỡ và cần được họ lên tiếng như lò điện hạt nhân, đền tháp Chăm do người Kinh quản lý và sử dụng tùy tiện, thu hồi đất người Chăm để xây miếu người Kinh, mồ mã tổ tiên Chăm bị xâm chiếm…sao họ không làm.

 

Mỗi khi Champaka có bài viết đề cập đến bên bất đồng quan điểm thì họ lại đưa ra các thư nặc danh. Điều đó khó tránh khỏi việc cộng đồng Chăm đặt ra các câu hỏi:

 

• Những tên nặc danh này có phải là người Chăm không hay họ chỉ “núp bóng” người Chăm nhằm chống phá Champaka, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong cộng đồng Chăm ? Giữa họ và bên bất đồng quan điểm có mối quan hệ nào không ?

 

 • Nếu họ không đồng tình với quan điểm của các tác giả sách “Ngôn ngữ Chăm, thực trạng và giải pháp”, sao họ không viết sách hoặc công trình nghiên cứu khoa học để phản biện lại mà cứ dùng thư nặc danh rêu rao ?

 

• Nếu họ là người Chăm thì sao lại dùng tên nặc danh để lăng mạ đồng tộc mình như vậy? Người dùng tên nặc danh để chửi bới đồng tộc mình với lời lẽ thô tục có thuộc hạng người để cho cộng đồng Chăm nghe và noi theo hay không ?

 

Các câu hỏi này cộng đồng Chăm nên làm rõ để xác định trắng, đen, thực, hư thế nào.

Đã có nhiều người đề cập, phân tích về thực trạng xã hội Chăm ngày nay nên các vấn đề trên là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Mặc dù vậy, tôi xin mạn phép có đôi lời về cảm nghĩ của mình đối với xã hội Chăm ngày nay với mong muốn là làm sao Chăm ta ngày càng xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn và cùng nhau làm những việc có ích cho cộng đồng Chăm. Những dịp lễ hội truyền thống như Ramawan, Kate… là dịp tốt để hàn gắn mối quan hệ.

 

Nhân dịp lễ tục Ramawan sắp đến, tôi chúc bà con Chăm dồi dào sức khỏe, đón lễ Ramawan với nhiều niềm vui và hạnh phúc.

 

Hoài Nam