Trả lời độc giả: Thế nào là quyền tự do ngôn luận Print
Written by Po Dharma   
Sunday, 18 March 2012 09:55
dharma 13
Po Dharma

Gần mấy năm vừa qua, một số người Chăm thường lợi dụng "quyền tự do ngôn luận" để vu khống và phỉ báng lẫn nhau qua mạng Web và email nặc danh, đưa đẩy xã hội Chăm vào chiến trường tranh chấp triền miên mà không ai có thể tiên đoán được thế nào là hậu quả của nó trong những thập niên sắp tới.

 

Trước thực trạng này, một số độc giả yêu cầu Harak Champa cho biết một vài chi tiết thế nào là quyền tự do ngôn luận tại các nước tự do dân chủ. Chính đó là nguyên nhân mà chúng tôi cố gắng trình bày ngắn gọn trong bài khảo luận này.

 

*

Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người, có một chiều dài lịch sử, ra đời sau cuộc vùng dậy của dân tộc Pháp đập phá ngục tù Bastille (Paris) vào ngày 14 tháng 7 năm 1789, lật đổ thể chế vương quyền để thành lập nền Cộng Hòa Pháp dựa trên 3 yếu tố: Tự do (liberté), Bình đẳng (égalité) và Tình nghĩa anh em (fraternité).

Sau ngày cách mạng thành công, dân tộc Pháp sáng lập một quyền cơ bản của con người đó là "quyền tự do ngôn luận" được ghi trong bản Tuyên Ngôn Quyền làm Người và Công Dân (Déclaration des droits de l’homme et de citoyen) biểu quyết vào ngày 26-8-1789. Ðiều 11 trong bản tuyên ngôn này công nhận rằng: "Mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, sáng tác và ấn hành".

Nối gót ý thức hệ tự do ngôn luận mà cách mạng Pháp đã đề ra, quốc hội Hoa Kỳ cũng quyết định vào năm 1789 chỉnh lý hiến pháp lần đầu tiên gọi là "First amendment", công nhận quyền tự do ngôn luận tại quốc gia này.

Sau ngày ra đời Tuyên Ngôn Quyền làm Người và Công Dân của Cộng Hòa Pháp (1789) và sự chỉnh lý hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 1789, quyền tự do ngôn luận bắt đầu lan tràn sang một số nước Âu Châu và Mỹ Châu. Nhưng phải chờ những biến cố tang thương đã xảy ra trong đệ nhất và đệ nhị thế chiến, quyền tự do ngôn luận mới trở thành một chủ đề chung của toàn thế giới.

Năm 1948 đánh dấu ngày ra đời của Liên Hiệp Quốc. Và cũng trong năm đó, Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Toàn Cầu (Déclaration universelle des droits de l'homme) trong đó điều 19 nhấn mạnh rằng: "Tất cả mọi người đều hưởng quyền tự do ngôn luận không giới hạn". Tiếp theo đó là Qui Ước Nhân Quyền Âu Châu (Convention européenne des droits de l'homme) ra đời vào năm 1950, cũng xác định lại quyền tự do ngôn luận trong điều số 10 có nội dung tương tự như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Sau cùng, Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (Pacte international relatif aux droits civils et politiques) được biểu quyết tại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc vào năm 1966 cũng công nhận tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người: "Tự do ngôn luận bao gồm quyền nghiên cứu, quyền tiếp thu hay loan tải những tin tức và quan điểm không giới hạn biên giới"

 

I. Biên giới của quyền tự do ngôn luận

 

Ðứng trên pháp lý mà định nghĩa, tự do ngôn luận là quyền lên tiếng, phát biểu, đưa ra quan điểm, bày tỏ duy tư, v.v. nhưng không sợ bị bắt bớ, tra tấn hay giam cầm. Tiếc rằng quyền này có thể bị một số người lợi dụng hành động theo sở thích của mình để làm đảo lộn cả một hệ thống tổ chức xã hội, gây xáo trộn tình hình an ninh quốc gia, phá tan luân lý và đạo đức, chà đạp lên danh dự và nhân phẩm của người khác. Chính vì thế, quyền tự do ngôn luận tại một số quốc gia dân chủ trở thành một yếu tố bị kiềm chế vào một khuôn khổ được qui định trong luật hình sự, có nghĩa là bất cứ cá nhân nào xử dụng quyền tự do ngôn luận nhưng không tôn trọng biên chế mà luật pháp đã đưa ra, đều xếp vào hành vi phạm pháp (délit) và đưa ra tòa xét sử cũng như một số tội phạm khác.

Ðiều 11 của Bản Tuyên Ngôn Quyền Làm Người và Công Dân của Cộng Hòa Pháp vào năm 1789 cũng xác định rằng tự do ngôn luận là quyền cho phép mọi người tự do nói, tự do viết và tự do ấn loát, nhưng: "Ngăn cấm mọi hành động vi phạm đến qui chế tự do ngôn luận mà luật pháp đã ấn định"

Trong Qui Ước Nhân Quyền Âu Châu ra đời vào năm 1950, điều 10-2 có một nội dung nhiêm khắc hơn: "Quyền tự do ngôn luận lúc nào cũng bị hạn chế bởi một số thể thức, một số điều kiện và hình phạt mà luật pháp đã qui định".

Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc ra đời vào năm 1966 công nhận rằng quyền tự do ngôn luận là quyền ăn nói, nói bất cứ những gì mà mình muốn nói, nói thế nào cũng được, trong bất cứ trường hợp nào, nơi nào và lúc nào, nhưng không làm tổn thương đến danh dự và nhân phẩm người khác. Chính vì thế, Công Ước Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc đã giới hạn biên giới của quyền này trong điều 19-3: "Quyền tự do ngôn luận phải ghép vào khuôn khổ giới hạn được qui định trong luật pháp".

Bên cạnh các qui chế này, Qui Ước Nhân Quyền Âu Châu (Convention européenne des droits de l’Homme) được biểu quyết bởi Hội Ðồng Âu Châu vào năm 1980 có những điều lệ vô cùng khắc khe để ngăn chặn mọi hành động nhũng lạm đối với quyền tự do ngôn luận. Trong điều 10 của qui ước này nêu ra:

Ðiều 10-1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do phát biểu, quyền tiếp thu hay chuyển tải bất cứ thông tin nào, không bị giới hạn trong một biên giới cố định hay không sợ bị ngân cấm bởi chính quyền. Tuy nhiên, nhưng quốc gia đó có quyền thiết kế một qui ước pháp lý rõ ràng dành cho thể chế của các đài phát thanh, truyền hình, cinéma.

Ðiều 10-2. Sử dụng quyền tự do ngôn luận lúc nào cũng đi đôi với bổn phận và nghĩa vụ đã được qui định trong một số thể thức, điều kiện và sự trừng phạt mà luật pháp đã đề ra. Trong một xã hội tự do và dân chủ, thiết kế những điều lệ nhằm giới hạn một số quyền tự do ngôn luận là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ an ninh trật tự, luân lý và đạo đức; tôn trọng danh dự và nhân phẩm của người khác, v.v..

Tóm lại, tự do ngôn luận là quyền cơ bản con người, nhưng quyền này lúc nào cũng bị hạn chế trong khuôn khổ nghiêm ngặc được qui định rõ ràng trong luật hình sự.

Vào cuối thế kỷ thứ 20, trước làn sóng thông tin bùng cháy qua mạng Web và Email, các quốc gia dân chủ tự do phải đương đầu với bao khó khăn để kiểm soát những trường hợp lạm dụng kỹ thuật tân tiến này nhằm làm đảo lộn cả một hệ thống xã hội từ luân lý đạo đức (mạng khiêu dâm lõa thể) đến danh dự và nhân phẩm con người (email nặc danh bôi nhọ người khác). Cũng vì nguyên nhân đó, chính quyền phải hình thành một đội ngũ công an kỹ thuật chuyên về mạng Web hầu tìm ra nguồn gốc, nhất là bản tin nặc danh, phát xuất từ cổng nào, một khi cơ quan tư pháp cần đến.

Ðể giải quyết vấn đề này, luật pháp qui định tất cả các cổng Web, như Yahoo, Google, Hotmail, v.v. phải lưu trữ hồ sơ trong bộ trí nhớ kéo dài trong một thời gian rất dài. Một số quốc gia ấn định quyền lưu trữ hồ sơ cho tới 10 năm hầu giúp ngành tư pháp truy tố một số vấn đề đã xảy ra trong quá khứ.

Mặc dù đã hình thành một đội ngũ công an mạng Web, nhưng một số trường hợp vẫn còn là vấn đề nan giải, nhất là tội phạm sử dụng máy vi tính công cộng để chuyển tin tức. Trong trường hợp này, công an kỹ thuật mạng Web tìm ra dễ dàng tin tức phát xuất từ nước nào và từ máy vi tinh nào, nhưng không biết được ai là thủ phạm dùng máy công cộng để loan tin. Kể từ đó, ngành tư pháp chỉ trừng trị chủ nhân của máy vi tính hơn là tội phạm dùng máy vi tính để vu khống và lăng nhục người khác.

 

II. Những điều cấm kỵ trong

biên giới của quyền tự do ngôn luận

Ngôn luận là diễn đàn ý kiến thông qua nhiều hình thức, dù là phát ngôn trước quần chúng, trên đài truyền thanh, truyền hình hay đăng trên sách báo, tờ quảng cáo, bích chương và gần đây là mạng web hay email, v.v.

Ðứng trên phương diện pháp lý, tự do ngôn luận là quyền phát biểu ý kiến, đưa ra quanádiểm, phân tích hiện tượng liên quan đến biến cố đã xảy ra trong không gian liên đới của một tổ chức xã hội, nhưng quyền này bị giới hạn trong một số qui chế được ấn định rõ ràng trong luật pháp.

Mỗi quốc gia tự do và dân chủ hôm nay đều có những điều lệ riêng về quyền tự do ngôn luận ấn định trong bộ luật hình sự chứa đựng hàng ngàn trường hợp hình phạt khác nhau, tùy theo mỗi quốc gia. Trong giới hạn bài này, chúng tôi không đưa ra chi tiết tất cả những hành vi liên quan đến quyền tự do ngôn luận bị luật hình sự ngăn cấm tại các nước tự do dân chủ, mà chỉ nêu ra một vài trường hợp thường xảy ra trong bối cảnh xã hội Chăm hôm nay mà thôi.

Năm trường hợp của luật hình sự mà một số người Chăm thường vi phạm, đó là đời tư, vu khống và lăng nhục, gây hận thù tôn giáo, phỉ báng dân tộc và đã phá di sản lịch sử.

 

1. Tội vi phạm đời tư

Luật pháp ngăn cấm bất cứ ai sử dụng quyền tự do ngôn luận để bàn đến đời tư của một cá nhân (vie privée), tức là vấn đề tình cảm, tình yêu, gia đình con cái, tài sản, tôn giáo, màu da chủng tộc, v.v. của họ.

Ngược lại pháp luật cho phép đưa vấn đề đời công của một cá nhân (vie publique) ra bàn bạc. Ðời công của một cá nhân là những gì có liên hệ đến cuộc sống xã hội của cá nhân này mang tính chất chính thức và công khai, thông qua chức vụ và vai trò của họ trong một tổ chức xã hội. Thí dụ điễn hình: Abd. Karim đưa vấn đề Inrasara ra bàn bạc, phản đối quan điểm sai lầm về xã hội Chăm mà tác giả này đã viết trong tác phẩm Chân Dung Cát (xem H. Champaka 30). Trong trường hợp này, Abd. Karim không phê bình đời tư của Inrasara mà là đời công của tác giả này liên quan đến nội dung của tác phẩm mà ông ta đã xuất bản.

Vi phạm đời tư cá nhân người khác là hành động phạm pháp được qui định trong luật hình sự tại các nước tự do dân chủ. Ðây là vài thí dụ điển hình:

1). Cuối tháng 9 năm 2008, ba người đàn ông PD (loạn dâm đồng giới) tố cáo mạng Web Wikipedia trước pháp lý về tội đăng một bài nặc danh cho rằng "nếu 3 người PD này được phép nhận đứa trẻ làm con nuôi cũng nhờ có hậu thuẫn từ bên ngoài".

Mặc dù bài viết này chỉ nằm trên mạng vài ngày thôi, tòa án Paris vẫn kết án Web Eikipedia 69.000 euros về tội đăng bài viết có nội dung vi phạm đến đời tư người khác.

2). Ngày 9-2-2008, Web của tuần san Nouvelle Observateur lên tiếng cho rằng Tổng Thống Pháp là Nicolas Sarkozy có viết email cho bà Cécilia, vợ cũ của ông ta: "Nếu ngày đám cưới của tôi mà bà đến tham dự, tôi sẽ hủy bỏ chương trình tiệc cưới".

Trước dữ kiện này, Tổng Thống Pháp đưa mạng Web này ra pháp lý về tội đăng nội dung email cá nhân ông ta trên báo chí, tức là vi phạm đời tư của ông ta.

 

2. Tội vu khống và lăng nhục

Tự do ngôn luận là quyền phát biểu ý kiến, đưa ra quan điểm, nhưng không hàm chứa một nội dung vu khống, lăng nhục người khác. Vu khống và lăng nhục là một hành vi phạm pháp (délit), vì mục tiêu của nó chỉ làm tổn thương đến danh dự và nhân phẩm người khác.

Vu khống (diffamation) là hành động bịa đặt ra một câu chuyện để qui tội cho người khác.

Lăng nhục (injure) là hành vi sử dụng những lời thóa mạ hay những câu văn chứa đựng mục tiêu châm biếm để qui tội cho đối tượng của mình.

Mỗi quốc gia dân chủ tự do đều có những hình phạt khác nhau về tội vu khống và lăng nhục. Thí dụ, tại Cộng Hòa Pháp, vu khống và lăng nhục người khác là hành vi làm tổn thương đến danh dự và nhân phẩm của họ, được xếp vào tội phạm của luật hình sự ấn định trong đạo luật biểu quyết ngày 29-7-1881 liên quan đến quyền tự do báo chí, điều 29.

Theo luật hình sự của Pháp, vu khống và lăng nhục phải xảy trước công chúng có người làm chứng, đăng tải trên sách báo, mạng web hay qua mạng email gởi cho nhiều người khác.

Nếu sự vu khống và lăng nhục nhau chỉ xảy ra giữa hai cá nhân không ai biết cả, luật hình sự chỉ ghép hành vi này vào "lỗi vi cảnh" (contravention), tức là lập biên bản cảnh cáo mà thôi.

Tại Cộng Hòa Pháp, vu khống và lăng nhục cá nhân người khác có thể bị phạt cho đến 45.000 euros và một năm tù. Nhưng nếu vu khống và lăng nhục một tổ chức, như cơ quan xí nghiệp, báo chí, hội đoàn v.v. tội phạm phải trả hàng triệu euros để bồi thường sự thiệt hại cho tổ chức này.

 

a). Vu khống làm tổn thương danh dự cá nhân

Những vụ án vu khống làm tổn thương người khác thường xảy ra trong các quốc gia tân tiến, nhưng tòa án thường phạt tội phạm này một vài tháng tù treo hay "một đồng danh dự" mà thôi. Ðây là thí dụ điển hình.

 

Thí du 1: Vu khống cá nhân

Vào tháng 2 năm 2006, ông B. Delanoe, Thị Trưởng thủ đô Paris, tuyên bố trong bài diễn văn cho rằng ông Christian Vannestre, dân biểu hạ viện Pháp là nhân vật "phạm tội" (délinquant), không xứng đáng đại diện cho dân.

Ngày 16-10-2008, ông Christian Vannestre tố cáo Thị Trưởng Paris trước pháp lý về tội vu khống ông ta là người "phạm tội", nhưng không đưa ra bằng chứng nào.

 

Thí du 2: Mạ nhục cá nhân

Năm 2005, ông Harry Nicolaides, một nhà văn Úc Ðại Lợi xuất bản một tác phẩm tiểu thuyết mang tên "Virisimilitude", trong đó ông có viết vài câu chê bai Hoàng Tử Thái Lan là "người kém học thức".

Ngày 31 tháng 8 năm 2008, ông sang viếng thăm Thái Lan. Vừa đến phi trường, ông bị cảnh sát Thái bắt giam về tội ịmạ nhục và chê baiỂ người khác dựa vào luật hình sự, điều 112. Tại vương quốc Thái Lan, mạ nhục và chê bai gia đình hoàng gia là tội phạm có thể bị tù từ 3 cho đến 15 năm.

Mặc dù ông Harry Nicolaides đã đứng ra xin lỗi gia đình hoàng gia, nhưng cho đến hôm nay, Thái Lan vẫn chưa trả tự do cho ông ta.

 

b). Vu khống làm thiệt hại quyền lợi của một cơ quan khác

Những vụ án làm thiệt hại quyền lợi của một tổ chức xí nghiệp, cơ quan báo chí, tổ chức hội đoàn, v.v. thường xảy ra hàng ngày tại các nước tân tiến và tiền bồi thường có thể tính ra hàng triệu đô la. Ðây là một thí dụ điển hình.

 

Ngày 4-4-2007, Web cá nhân (Blog) của ông Ahirundin Attan và Jeff Oi, công dân Mã, viết bài có nội dung cho rằng New Strait Time là tờ báo lớn nhất ở Mã Lai, "không trung thực, lúc nào cũng đứng về phe chính quyền".

Ðối với New Strait Time, lời tuyên bố này là vu khống, làm giảm đi số lượng độc giả của tờ báo và gây thiệt hại quyền lợi cho cơ quan này.

Dựa vào yếu tố trên, tờ New Strait Time tố cáo hai Web cá nhân này trước pháp lý gây chấn động trong quần chúng và đưa chính quyền Mã phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn những Web cá nhân lợi dụng tự do ngôn luận để vu khống cơ quan khác.

 

3. Tội gây hận thù tôn giáo

Tôn giáo là niềm tin giữa con người sống trên trần tục đối với các bậc thần linh hay Ðấng Tạo Hóa qua các lễ nghi, phong tục tập quán cấu thành một di sản tinh thần của tập thể đó. Chính vì thế, tôn giáo trở thành một lòng tin thiêng liêng của mỗi cá nhân và được luật pháp che chở. Thí dụ:

Ngày 14-2-1984, ông Jean-Mairie Le Pen, chủ tịch đảng mang tên là Mặt Trận Quốc Gia, tuyên bố trong đài truyền hình Pháp cho rằng: Thế giới Ả Rập Hồi Giáo là thế giới nguy hiểm nhất. Chính vì thế, tòa án Paris kết tội ông Le Pen 5000 france tiền phạt về tội ịhành động gây hận thù tôn giáo và chủng tộc.

 

4. Tội làm tổn thương đến danh dự của một dân tộc

Hành động làm tổn thương đến danh dự của một dân tộc thường phát sinh những biến cố vô cùng nguy hiểm, có thể đưa đến đẫm máu.

Chỉ cần nêu ra 3 biến cố sau đây đã xảy ra tại Pháp và Mã Lai để độc giả có thể hình dung được thế nào là hậu quả của hành động này:

1). Vào tháng 11 năn 2005, ông Nicolas Sarkozy, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Pháp chỉ vô tình tuyên bố trước báo chí cho rằng giới trẻ Pháp sống ở ngoại ô Paris mà đa số là người Pháp gốc dân tộc Châu Phi chỉ là những nhóm người "mạt hạng và cặn bã" (racaille).

Lời tuyên bố này đã gây ra cuộc vùng dậy kinh hoàng của giới trẻ Pháp gốc Châu Phi, đốt phá nhà cửa, trường học, cơ sở nhà nước, v.v. trong xuốt hai tuần lễ để yêu cầu ông Nicolas Sarkozy phải từ chức và đứng ra xin lỗi về tội làm tổn thương danh dự dân tộc Châu Phi.

2). Vào năm 1990, phóng viên báo chí Úc Ðại Lợi viết một bài bình luận về kinh tế Mã Lai, trong đó ông ta nêu ra một câu: Người Mã là dân tộc lười biếng, chỉ biết dùng con khỉ để trèo lên cây hái dừa.

Chỉ vì cụm từ dân tộc lười biếng, chính quyền Mã Lai vô cùng phẫn nộ, đứng ra phản đối Úc Ðại Lợi về tội lăng nhục dân tộc Mã và yêu cầu Úc Ðại Lợi phải đứng ra xin lỗi chính thức, nếu không chính phủ Mã Lai sẽ cắt đứt mối liên hệ ngoại giao với quốc gia này.

3). Trong bài phỏng vấn đăng trong báo Le Monde, ông Jean-Marie Le Pen, chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia tại Pháp tuyên bố rằng: Có một ngày nào đó, người Hồi Giáo sẽ cai trị quốc gia này. Lúc đó, dân tộc Pháp sẽ trở thành nhóm người chỉ biết làm thợ phá tường và đi trên lề phố nhắm mắt lại không giám nhìn ai.

Ngày 2-4-2004, tòa án Paris kết tội ông Le Pen 10.000 euros về hành vi mạ nhục và gây hận thù dân tộc, và 5.000 euros tiền bồi thường cho Hội Nhân Quyền tại Pháp đã đứng ra tố cáo vụ án này.

 

5. Tội làm tổn thương đến di sản thiêng liêng của lịch sử

Lịch sử là tổng thể của những biến cố đã xảy ra trong quá khứ cấu thành một tờ di chúc bất di bất dịch được xem như là di sản thiêng liêng của một dân tộc. Chính vì thế, luật hình sự tại các nước tự do và dân chủ ngăn cấm gắt gao mọi hành vi làm tổn thương đến di sản thiêng liêng này.

Ðây là một vài thí dụ điển hình để độc giả hình dung được thế nào là luật hình sự có những điều lệ rất là khắc khe để trừng phạt những ai có hành động làm tổn thương di sản lịch của một dân tộc tại Âu Châu.

Năm 2005, Jean-Mairie Le Pen, Chủ Tịch Mặt Trận Quốc Gia Pháp tuyên bố với tuần báo Rivarol rằng dưới thời đệ nhị thế chiến, quân đội Ðức đâu có làm gì mà lịch sử Pháp cho đó là hành động tiêu diệt chủng tộc, chống phá nhân loại.

Dựa vào lời tuyên bố này, Hội Nhân Quyền Pháp đưa ông Le Pen ra pháp lý. Ngày 8-2-2008, tòa án Pháp kết tội ông Le Pen 3 tháng tù treo và 10.000 euros tiền bồi thường về tội không tôn trọng di sản lịch sử của Cộng Hòa Pháp.

 

* *

Tại các quốc gia tân tiến có một nền dân trí cao, ịquyền tự do ngôn luậnỂ trở thành một yếu tố quan trọng trong nền giáo dục của gia đình dành cho trẻ con ngay từ buổi ban đầu. Một khi đã hiểu rõ thế nào là quyền tự do ngôn luận và đâu là biên giới của quyền này mà luật pháp ngăn cấm, những hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận vẫn còn xảy ra trong xã hội tân tiến, nhưng số lượng của nó ít hơn so với người Chăm, một dân tộc chỉ nghe nói đến quyền tự do ngôn luận, nhưng không ai giải thích với họ thế nào là biên giới của quyền này. Ðó là nguyên nhân chính yếu để giải thích tại sao xã hội Chăm hôm nay đang lâm vào tình trạng thái hóa trong đó vu khống và phỉ báng lẫn nhau đã trở thành một thông lệ mà không ai biết được thế nào là hậu quả của nó.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 32, ngày19-11-2008)