Vài Cảm Nghĩ Về Xã Hội Chăm Tại Hải Ngoại Print
Written by Vinh Thanh   
Sunday, 18 March 2012 12:17
vinh thanh copy
Vinh Thanh 

Trong bối cảnh xã hội Chăm tại hải ngoại hôm nay đã trở thành một chủ đề nóng bỏng mà một số cá nhân, cũng như cộng đồng người Chăm đang trăn trở và thường đưa ra bàn luận. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu khoa học, không phải là nhà tư tưởng chính trị và cũng không phải là một nhà bình luận quan điểm, mà chỉ là một thành viên trong cộng đồng Champa tại hải ngoại. Dựa vào vai trò này, tôi xin mạo muội đưa ra một vài cảm nghĩ về một số nguyên nhân gây ra bao khủng hoảng trong xã hội Chăm từ những năm gần đây. Chủ đề của bài viết không nhằm mục đích đả kích, lên án hay phán xét, mà chỉ đưa ra một vài cảm nghĩ nhằm góp phần làm sáng tỏ một vài vấn đề thiết thực đã từng xảy ra trong bối cảnh xã hội Chăm hôm nay.

Vào năm 1832, khi vương quốc Champa bị xóa bỏ tên trên bản đồ. Dân tộc Champa đã chính thức trở thành công dân của quốc gia Việt Nam. Sau năm 1975, tình hình chính trị đã đưa đẩy một số người Chăm phải rời khỏi Việt Nam để đi tìm sự tự do tại một số quốc gia trên khắp thế giới. Hoa Kỳ là quốc gia tập trung cộng đồng người Chăm Việt Nam đông đảo nhất. Tiếc rằng, cộng đồng này đã và đang trải qua biết bao cơn khủng hoảng tinh thần từ hệ thống tổ chức xã hội cho đến quan điểm tôn giáo, truyền thống văn hóa và ngôn ngữ chữ viết.....

Tại hải ngoại, cộng đồng người Chăm đã trở thành một tập thể không có nhà lảnh đạo, không có hệ thống tổ chức chung, không còn liên hệ mặt thiết với nhau trên danh nghĩa của một thành viên cùng chung một nguồn gốc lịch sử dân tộc Champa và cũng không bao giờ chấp nhận ngồi chung một bàn để hợp tác đối thoại, bàn thảo một khi danh dự và quyền lợi chung của dân dân tộc bị đe dọa khủng hoảng.

Vì thiếu ý thức hệ đoàn kết, đời sống sinh hoạt văn hóa xã hội Champa từ nhiều năm qua đã và đang lâm vào tình trạng vô kỷ cương:

1-  Ai muốn diễn giải lịch sử vương quốc Champa thế nào thì tùy họ, mặc dù lịch sử Champa là tổng thể của các biến cố đã xảy ra cấu thành một yếu tố thiêng liêng của lịch sử dân tộc này.

2-  Ai muốn cải biên chữ viết truyền thống Champa thế nào thì cũng không sao cả, mặc dù nguồn gốc người dân tộc Champa chỉ có một tiếng nói và một chữ viết.

3-  Ai muốn kết án dân tộc Champa với bao khuyết tật thô thiển, thì họ tự tiện đưa ra theo quan điểm cá nhân của họỳ, không ai phản đối hay lên tiếng để bảo vệ danh dự cho dân tộc này.

4-  Ai muốn cải biến nghệ thuật văn hóa truyền thống Champa như thế nào cũng tùy thích. Chỉ cần xem lại đặc tính của các dụng cụ âm nhạc cổ truyền ( trống ginang, kèng saranai, ceng ) trên sân khấu của những buổi sinh hoạt văn nghệ Champa tại Hoa Kỳ là đủ để kết luận cộng đồng người Chăm hôm nay không còn tôn trọng giá trị những yếu tố nghệ thuật sân khấu truyền thống của họ nữa.

5-  Ai muốn định nghĩa ngày lễ hội truyền thống Champa thế nào thì tuỳ họ. Lễ hội Kate là một ví dụ điển hình. Tại quốc gia Hoa kỳ hôm nay, một số hội đoàn định nghĩa Kate là một lễ hội của người Chăm Bà La Môn và hàng năm họ thường tổ chức Kate theo truyền thống Bà La Môn như ở quê nhà. Tuy nhiên, có một số hội đoàn thì cho rằng Kate là ngày kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Champa. Vì thế, họ thường tổ chức Kate theo một nghi thức mới có dâng vòng hoa và một phút mặc niệm để tưởng nhớ các bậc tiền nhân Champa.

6-  Và vân vân.

 

Những gì tôi đã trình bày phần trên là một vài ví dụ điển hình. Chính những lý do đó đã và đang đưa xã hội Chăm đi vào con đường khủng hoảng, gây ra biết bao tranh chấp mà không có lối thoát, và làm sụp đổ cả một thế giới tinh thần của cộng đồng người Chăm tại hải ngoại.

Thanh niên là rường cột của nước nhà. Tiếc thay, nhiều giới trẻ thanh niên Chăm tại hải ngoại vẫn còn bị ảnh hưởng “tồn cửu hộ giáo” của ý thức hệ gia đình. Vì bị lệ thuộc vào gia đình, tôn giáo, địa phương, và nhất là thiếu tư tưởng độc lập. Cho nên, nhiều giới trẻ thanh niên Chăm đang đi vào con đường tranh chấp lẫn nhau chung quanh vấn đề mang tính cách cục bộ nhỏ mọn, ích kỷ cá nhân, tư tưởng sai lệch không quán triệt rõ ràng đâu là quyền lợi cá nhân và gia đình mà giới thanh niên cần phải giữ gìn. Và đâu là quyền lợi chung của dân tộc mà giới thanh niên cần phải đấu tranh để bảo tồn. Ðang sống tại quốc gia Hoa Kỳ phồn vinh, một quốc gia văn minh, tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Thiết nghĩ, thanh niên Chăm có nên dựa vào tư tưởng cục bộ địa phương để làm hành trang cho công trình xây dựng và phát triển xã hội Chăm?

 

Bên lề vấn đề giới trẻ thanh niên, xã hội Chăm còn vấp phải một số trở ngại khác liên quan đến vấn đề tôn giáo. Tôn giáo là tín ngưỡng thiêng liêng của mỗi cá nhân, tôn giáo lúc nào cũng là vấn đề rất nhạy cảm trong cuộc sống xã hội, nếu cá nhân hay cộng đồng người Chăm không phân biệt rõ ràng giữa hai biên giới tôn giáo và văn hoá truyền thống dân tộc để đưa yếu tố này ra khỏi sự sinh hoạt của cộng đồng, thì cộng đồng người Chăm tại hải ngoại không thể nào xây dựng một xã hội Champa đa tôn giáo và đa văn hóa phát triển lành mạnh.

Ngày nay có một số giới trí thức và thanh niên Chăm chưa có quán triệt rõ ràng thế nào là tín ngưỡng cá nhân của mình và thế nào là tín ngưỡng của một dân tộc cấu thành di sản văn hóa Champa. Cho nên, trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng, khi có khởi sự đến vấn đề hội luận tôn giáo, thì thường hay bị dị ứng với cụm từ chê bai thiếu tôn trọng, lên án nhau giữa tôn giáo này với tôn giáo kia, để rồi làm ảnh hưởng đến ý thức hệ đoàn kết của cộng đồng.

 

Ngoài ra, trong bối cảnh xã hội Chăm tại hải ngoại, chỉ biết sinh hoạt với nhau dựa trên ý thức hệ tôn giáo. Ðiển hình, Katê là lễ hội được xem như là di sản văn hóa Champa, nhưng chỉ thấy người Chăm theo Bà La Môn đến tham dự ngày lễ này, và ngược lại, Ramưval là một lễ hội cũng tượng trưng cho di sản văn hóa Champa, nhưng chỉ có người theo Hồi Giáo đến dự lễ hội của này. Ðây là một thực trạng hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống tổ chức tín ngưỡng xã hội của người Chăm, và luôn cả xã hội nhân loại toàn cầu.

Tại quê nhà, Katê là lễ hội do người Chăm theo Bà La Môn tổ chức, nhưng có rất nhiều người Chăm theo Bani hay Islam cùng đến tham dự. Và lễ Ramưval do cộng đồng người Chăm theo Hồi Giáo tổ chức, nhưng lúc nào cũng có sự hiện diện của Chăm theo Bà La Môn đến chúc mừng. Ðó là yếu tố cơ bản của xã hội Chăm. Tiếc rằng, khi sang Hoa Kỳ, yếu tố này không còn thực hiện trong cộng đồng người Chăm tại hải ngoại nữa.

 

Bên cạnh vấn đề tôn giáo, cộng đồng người Chăm còn đối phó với nạn nghi kỵ lẫn nhau. Ðiển hình, trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng người Chăm tại hải ngoại, dù đó chỉ là sinh hoạt mang yếu tố văn hóa, nhưng cũng thường bị gán ghép vào phe nhóm vương quốc Champa đòi tự trị hay độc lập. Chính vì thế, có nhiều giới tri thức Chăm thường hay tránh né tối đa đến tham gia các buổi sinh hoạt của cộng đồng vì sợ liên lụy chính quyền Việt Nam chụp mũ liên hệ với tổ chức chính trị vào phe nhóm Champa đòi tự trị hay độc lập và khởi dậy lòng hận thù giữa hai dân tộc Chăm-Việt. Ðây cũng là vấn đề nan giải mà cộng đồng người Chăm tại hải ngoại cần minh định lại vấn đề và đưa ra đàm luận về sự khác biệt giữa tôn giáo, văn hóa xã hội hay một tổ chức chính trị để cùng nhau xây dựng và phát triển một xã hội Champa lành mạnh trong tinh thần hiểu biết, tôn trọng và đoàn kết giữa cộng đồng người Chăm. Và đoàn kết giữa hai dân tộc Chăm-Việt.

 

Người Chăm là dân tộc có bản chất rất hiền hòa và chất phác, lúc nào cũng tương thân-tương trợ lẫn nhau. Sự khủng hoảng mà tôi vừa nêu trên, nó không phát xuất từ bản chất của dân tộc Chăm, mà từ cá tính của một số vị lãnh đạo hội đoàn Chăm. Có thể vì yếu tố gia đình, tôn giáo, hay địa vị cá nhân nên các vị lãƯnh đạo không hợp tác đối thoại với nhau để tìm giải pháp chung cho sự phát triển xã hội Champa lành mạnh. Ngược lại, các vị lãƯnh đạo này lại cấm những thành viên của mình tham gia vào những tổ chức sinh hoạt của hội đoàn khác không cùng xu hướng với mình.

Vì quyền lợi chung của dân tộc, và vì tương lai của các thế hệ trẻ Chăm mai sau, các vị lãnh đạo của các hội đoàn Chăm tại hải ngoại nên ngồi chung một bàn để tìm ra một định hướng chung. Có như thế dân tộc Chăm mới có thểờ tìm lại sự an vui và thanh bình. Chính đó là yếu tố quan trọng thiết thực mà cộng đồng người Chăm cần đặt lại vấn đề để đưa ra mà đàm luận. Nhưng để được đáp ứng những yếu tố trên, thì cần phải có một tổ chức nào đó có trách nhiệm để đứng ra làm trung gian hòa giải. Có chăng, Hội Ðồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa đã thành lập sau ngày Ðại Hội Champa 2007 gánh lấy trách nhiệm này Ðây chỉ là một vài cảm nghĩ nhằm góp phần xây dựng tình đoàn kết cộng đồng Chăm va hy vọng sự khác biệt quan điểm cá nhân luôn được tôn trọng trong ý thức của mọi thế hệ.

 

Trước thềm thế kỷ 21, tôi xin thân kính và trân trọng gởi đến tất cả quý đồng hương những lời tri ân tốt đẹp nhất, ngỏ hầu cùng nhau xây dựng một xã hội Champa lành mạnh trong tinh thần bình đẳng, tôn trọng và siết chặt tình đoàn kết bác ái.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 35, ngày 4-3-2009)