Đại Hội Champa 2017: Một Cuộc Đấu Tranh Đòi Quyền Dân Tộc Bản Địa Champa Print
Written by Hội Đồng Phát Triển Champa   
Thursday, 22 March 2018 09:04
dai hoi 01-10

Đại Hội Champa 2017 đã được tổ chức từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối thứ bảy, ngày 25 tháng 11 năm 2017, tại nhà hát lớn thuộc thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Mục đích của đại hội là để Tưởng Niệm 185 Năm Champa Mất Nước và chủ đề của đại hội là Dân Tộc Bản Địa Champa.

 

 

Đại Hội được sự bảo trợ của hầu hết các hội đoàn Champa hải ngọai, như Hội IOC Champa, Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa, Hội Bảo Tồn Văn Hoá Champa, Hội Đồng Phát Triển Champa, Hội Đồng Các Dân Tộc Bản Địa Việt Nam, Hội Cộng Đồng Chăm Muslim ở San Jose, v.v.v... . Thành phần Ban Tổ Chức được bầu chọn từ các đại diện của các Hội Đoàn Champa hợp lại. Đại Hội đã thu hút độ khoảng 400 đồng hương Champa đến tham dự từ nhiều thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ, như Los Angeles, San Francisco, Sacramento, San Jose, Seattle, Oregon, Texas, Florida, North Crolina, Mariland, Hawaii, vvv...., và một số quan khách đến từ Việt Nam, Mã Lai và Pháp.

 

dai hoi 01

Hình ở trên: Tính từ trái sang phải là hiệu kỳ Dân Tộc Bản Địa Khmer Krom,hiệu kỳ Dân Tộc

Bản Địa Champa và hiệu kỳ Dân Tộc Bản Địa Tây Nguyên.

Hình bên dưới: Đội Văn Nghệ Phụ Nữ Champa Bản Địa chụp hình

lưu niệm cùngGiáo sư Tiến sĩ Gaim J. Lunkapis, đặc trách về Quyền Dân Tộc Bản Địa

ở tiểu bang Sabah, Mã Lai.        


                                                   

Mặc dù thời gian của đại hội chỉ gói ghém trong một ngày, nhưng nội dung sinh hoạt của đại hội thật phong phú và đầy ý nghĩa. Đại Hội Champa 2017 đã mở ra một chương mới trong lịch sử Champa hiện đại, lịch sử của dân tộc Champa tại hải ngoại cùng đứng lên để yêu cầu chính phủ Việt Nam hiện hành phải công nhận cộng đồng Champa là dân tộc bản địa hiện đang sinh sống tại miền trung Việt Nam ngày nay. Đại hội kêu gọi chính phủ Việt Nam nên mở rộng vòng tay nhân ái để cưu mang hậu duệ Champa, một tập thể tộc người bị diệt chủng dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841), để họ được tồn tại, phát triển và không bị đồng hoá.

 

Hội Đồng Phát Triển Champa đánh giá cao sự hy sinh cao cả của các thành viên trong Ban Tổ Chức và Ban Cố Vấn của đại hội đã tích cực vận động các hội đoàn cùng quý đồng hương ngồi chung lại để tổ chức thành công Đại Hội Champa 2017 thật hoành tráng và trọng thể. Sau đây là một số nét tiêu biểu mà đại hội đã thực hiện:

 

• Đại Hội Champa 2017 là diễn đàn của dân tộc Champa lưu lạc khắp nơi trên thế giới quy tụ lại trong một hội trường nơi đất khách quê người để tưởng niệm 185 năm vương quốc Champa bị xóa tên trên bản đồ dưới thời Minh Mạng vào năm 1832, một nhà vua vô cùng tàn bạo đã từng dùng bạo lực và súng đạn để tiêu diệt dân tộc Champa vì tội theo Lê Văn Duyệt. Ban Tổ Chức Đại Hội đã phối hợp nhịp nhàng giữa các hội đoàn Champa để bàn bạc về vận mệnh tương lai của dân tộc Champa sẽ đưa về đâu trong thế kỷ 21 này: diệt chủng, đồng hóa hay tồn tại? Có một điều mà chúng ta khẳng định rằng nếu đồng hương Champa không cùng đứng lên để đòi quyền của dân tộc Champa bản địa, thì không ai có thể lên tiếng thay cho chúng ta trên thế giới này.

 

dai hoi 02

Quang cảnh: Đồng hương Champa trong hội trường đang chuẩn bị làm Lễ Tưởng Niệm 185 Champa Mất Nước

 

• Đại Hội Champa 2017 là đại hội lần đầu tiên trên thế giới, kể từ khi mất quê hương Champa vào năm 1832, đã làm nghi lễ chào cờ Champa bản địa và cờ Hoa Kỳ trước sự chứng kiến của hàng trăm con dân Champa mất nước, trong một hội trường khang trang và lộng lẫy mà không bị ám ảnh của sự quấy rầy, đàn áp, bắt bớ và tù đầy. Bài quốc ca Hoa Kỳ được ban hợp ca trình bày chính thức trong ngày đại hội, kế tiếp là bài truyền thống ca Chăm “Khik Bhum Pasai”, tạm dịch “Bảo Vệ Quê Hương”, của cố nhạc sĩ Đàng Năng Quạ, cũng được trình bày rất hào hùng và xuất sắc trong nghi lễ của đại hội, tiếp đến là lễ tưởng niệm các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ có công gầy dựng và bảo vệ quê hương Champa từ bao thế kỷ qua, do ông Lưu Quang Sang (một nhân sĩ Champa hải ngoại) tuyên đọc bài” Dhar Phuel Po”, có nội dung nhằm tưởng niệm và cầu xin đấng tối cao phù hộ cho dân tộc Champa ngày càng thương yêu và đùm bọc lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển trong thế kỷ 21. Nghi thức khai mạc của Đại Hội Champa 2017 vô cùng trọng thể và trở thành một tiền lệ mở đường cho các nghi lễ khai mạc được tổ chức bởi các hội đoàn, các cộng đồng Champa ở hải ngoại.

 

dai hoi 03

Quang cảnh: Ông Lưu Quang Sang, nhân sĩ Champa hải ngoại, cùng xướng ngôn viên

của chương trìnhvà toàn thể ban hợp ca đang đứng trước lễ đài cùng toàn thể đồng hương

trong hội trường làm lễ chào cờ Hoa Kỳ,cờ Champa bản địa và lễ tưởng niệm

các bậc tiền nhân,anh hùng liệt sĩ có công gầydựng và bảo vệ quê hương Champa

 

• Đại Hội Champa 2017 rất thành công trong việc mời các diễn giả dày dạn kinh nghiệm về vận động quốc tế yểm trợ cho công cuộc đấu tranh đòi quyền dân tộc bản địa đến chia xẻ thông tin cùng đồng hương trong ngày đại hội. Những diễn giả tiêu biểu trong ngày đại hội gồm có: Ông Morton Sklar, Luật sư quốc tế chuyên về nhân quyền và chính sách bản địa; Tiến sĩ Gaim James Lunkapis (gốc người bản địa tại tiểu bang Sabah), cố vấn cho chính phủ Mã Lai về dân tộc bản địa tại quốc gia này; Ông Tan Dara Thạch (gốc dân tộc Khmer Krom), chủ tịch Hội Đồng Bản Địa Việt Nam, tập trung 3 dân tộc: Chăm, Khmer Krom và Tây Nguyên; Ông Rong Nay (gốc dân tộc Tây Nguyên), phó chủ tịch Hội Đồng Bản Địa Việt Nam; Ts. Po Dharma (gốc dân tộc Chăm) chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Champa và là nhà đấu tranh đòi quyền bản địa cho dân tộc Chăm gần 40 năm qua và Ông Leck Keohanam, nhà hoạt động xã hội của Tổ Chức Lào lưu vong. Qua phần thuyết trình của các diễn giả đã giúp cho đồng hương Champa hiểu thêm về quyền lợi và nghĩa vụ mà Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc về Quyền Dân Tộc Bản Địa đã chiếu cố đến sự trường tồn của các dân tộc bản địa trên địa cầu.

 

dai hpi 04

Từ trái sang phải: Ông Từ Công Nhường (Điều phối viên chương trình hội luận),

Giáo sư Tiến sĩ Gaim J. Lunkapis, Ông Rong Nay, Ông Leck Keohanam,

Luật sư Morton Sklar, Ông Tan Dara Thạch, Phó giáo sư tiến sĩ Po Dharma.

 

 Ngoài ba thành tích nổi bật nêu trên, Ban Tổ Chức Đại Hội còn thành công trong việc mời các đại diện của các hội đoàn Champa ở San Jose, Sacramento, San Francisco, Los Angeles, v.v. ..., lên diễn đàn trình bày về tình hình sinh hoạt của đồng hương Champa hải ngoại và về vận mệnh tương lai của dân tộc bản địa Champa ở quê nhà. Ban Tổ Chức Đại Hội cũng rất thành công trong việc mời gọi các văn nghệ sĩ Champa hải ngoại để thực hiện một đêm văn nghệ thật tuyệt vời, gợi nhớ biết bao hình ảnh quê hương vào thời vàng son của Chiêm Quốc với những lời ca tiếng hát đậm đà tình dân tộc, những điệu múa quạt lung linh sinh động. Cuối cùng, khi ra về, qúy đồng hương không thể nào quên được những món ăn truyền thống Chăm mà Ban Tổ Chức đã chiêu đãi quan khách một bữa cơm trưa thật ngon miệng và đầm thấm tình đồng hương với các món như: Aia tanut saong gaim phun patei, kari saong har tapung, tapei nung tapei dalik, sakaya, ganraong riya, v.v...

Có thể nói Đại Hội Champa 2017 là một sự kiện trọng đại đối với tập thể con dân Champa vong quốc, một cộng đồng vô cùng nhỏ bé, nghèo nàn, sống rải rác ở khắp các thành phố Hoa Kỳ, không có nhà lãnh đạo, chưa có cơ sở chính phủ hay tổ chức tư nhân nào giúp đỡ nguồn tài chánh. Mọi kinh phí sinh hoạt hoàn toàn do sự bảo trợ của đồng hương Champa lưu lạc gom góp. Ban Tổ Chức Đại Hội bao gồm các thành viên làm việc thiện nguyện cho dân tộc. Họ vừa phải lo cho cuộc sống hằng ngày của gia đình vừa phải lo tổ chức chu toàn cho Đại Hội; do đó không thể so sánh Đại Hội Champa với đại hội của các tổ chức chính quyền, các tổ chức cộng đồng lớn như cộng đồng Trung Hoa, Ấn Độ, Việt Nam, Ả Rập, Do Thái, v.v... Hẳn nhiên cộng đồng các dân tộc lớn họ có nhân sự và phương tiện để tổ chức hoành tráng hơn, chu toàn hơn gấp trăm, gấp ngàn lần cộng đồng chúng ta.

 

dai hoi 05

Ban Tổ Chức Đại Hội từ trái sang phải: Thạch Ngọc Xuân, Kiều Đại Vinh,

Lưu Quang Sáng, Qasim Từ, Đặng Chánh Linh và Châu Sarip.

 

Hội Đồng Phát Triển Champa vô cùng cảm kích khả năng cống hiến của Ban Tổ Chức Đại Hội trong công cuộc vận động đồng hương Champa cùng đứng lên để đòi chính phủ Việt Nam hiện hành phải công nhận Quyền Dân Tộc Bản Địa cho đồng bào Champa ở trong nước và mong Ban Tổ Chức Đại Hội hãy giữ vững truyền thống tổ chức ngày Lễ Kỷ Niệm Champa Mất Nước hằng năm cho Đồng Hương Champa khắp nơi trên thế giới cùng noi theo. Nếu chưa thực hiện nổi hằng năm, mong Ban Tổ Chức thực hiện hai năm một lần cho Đồng Hương và con cháu chúng ta sinh ra và lớn lên tại xứ người có dịp để ôn lại những đau thương, mất mát mà ông bà, cha mẹ chúng ta đã trải nghiệm từ khi vong quốc.

 

Hội Đồng Phát Triển Champa