Buổi tiếp xúc với đại tướng Nguyễn Khánh Print
Written by BBT Harak Champaka   
Sunday, 18 March 2012 02:19
nguyen khanh 1
Đại tướng Nguyễn Khánh

Ngày 26 tháng 4 năm 2008, đại tướng Nguyễn Khánh, cựu thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, có dành cho Pgs. Ts Po Dharma một buổi tiếp xúc thân mật tại tư dinh của ông ta ở Sacramento, California, Hoa Kỳ. Buổi tiếp xúc này có sự hiện diện của một phái đoàn cộng đồng người Chăm gồm có thiếu tá Dương Tấn Sở, nguyên tổng thư ký của Hội Ðồng Sắc Tộc, ông Thành Phú Bá và Châu Văn Thủ, thành viên trong ban chấp hành của Hội Ðồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa vừa mới thành lập tại Hoa Kỳ sau ngày đại hội Champa vào tháng 7 năm 2007.

Nhân dịp này, Pgs. Ts. Po Dharma có trao tặng cho đại tướng Nguyễn Khánh một tác phẩm vừa mới ra đời mang tựa đề: Từ Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Thượng đến phong trào FULRO: Cuộc đấu tranh của dân tộc thiểu số miền nam Ðông Dương (1955-1975). Nội dung của tác phẩm này có chương nói về sự vùng dậy của Fulro vào ngày 20-9-1968 tại cao nguyên Việt Nam lúc đại tướng Nguyễn Khánh ồđang giữ chứ vụ thủ tướng Việt Nam Công Hòa. Trong biến cố này, đại tướng Nguyễn Khánh là nhân chứng lịch sử hàng đầu và cũng là người đứng ra giải quyết vấn đề để tìm cách xây dựng lại một cách hợp tình và hợp lý hơn, chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam. Tiếc rằng, ngày 15 tháng 2 năm 1965 có cuộc chỉnh lý ở Sài Gòn đã buộc ông ta phải rời khỏi Việt Nam để sang Hoa Kỳ tị nạn cho đến hôm nay. Ðây là phần tóm lược những biến cố chính trị và quân sự của Fulro đã xảy ra dưới thời Nguyễn Khánh.

Ðầu năm 1964, Y Sen Niê Kdam (Rađê), nhân viên tình báo của trung tướng Nguyễn Khánh, tư lệnh quân đoàn II, đến Nam Vang gặp đại tá Lès Kosem (gốc người Chăm) nhằm thảo luận về việc trở về Việt Nam của đại tá Nguyễn Chánh Thi, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa chạy sang Campuchia lánh nạn.

Vào tuần thứ ba của tháng 1 năm 1964, Lès Kosem chấp thuận sự trở về Việt Nam của Nguyễn Chánh Thi, nếu trung tướng Nguyễn Khánh trả tự do cho Y Bham Enuôl bị giam trong tù từ năm 1958.

Ngày 29 tháng 1 năm 1964, trung tướng Nguyễn Khánh tổ chức cuộc đảo chánh ở Sài Gòn, trở thành thủ tướng Việt Nam Công Hòa.

Ngày 1 tháng 2 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh ra lệnh đưa Y Bham Enuôl ra khỏi ngục tù và đề cử ông ta làm phó tỉnh trưởng tỉnh Darlac.

Vào cuối tháng 3 năm 1964, một sự gặp gỡ giữa đại tá Lès Kosem và Y Klong Niê (dân tộc Mnong), đại diện của Y Bham Enuôl, trên bờ sông Dam, gần biên giới Khơ Me-Việt. Trong cuộc tiếp xúc này, Lès Kosem hứa dành cho Y Bham Enuôl mọi đón tiếp nồng hậu nếu ông ta chấp nhận sang Kampuchea để tiếp tục đấu tranh.

Ngày 28 tháng 4 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh tổ chức một hội nghị để giải quyết những vấn đề dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam.

Ngày 5 tháng 5 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh ký sắc lệnh đổi Nha Công Tác Miền Thượng thành Nha Ðặc Trách Thượng Vụ.

Ngày 9 tháng 5 năm 1964 thủ tướng Nguyễn Khánh mở cuộc hội đàm tại Sài Gòn với những đại diện Tây Nguyên.

Tháng 6 năm 1964 một số thành viên Bajaraka như Dhơn Adrơng, Y Nhuin Hdok, Y Nham Eban tham gia phiên họp với đại tá Lès Kosem (gốc dân tộc Chăm ở Campuchia) và đại tá Um Savuth (Khmer Krom) tại biên giới Việt-Campuchia để bàn về sự ra đời của lực lượng vũ trang Fulro, một tổ chức liên minh nhằm giải phóng dân tộc bị áp bức.

Ngày 25 tháng 8 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh tổ chức tại Ðà Lạt hội nghị lần thứ hai về dân tộc thiểu số nhằm nghiên cứu lại những nguyện vọng của dân tộc Tây Nguyên và Chăm ở miền trung Việt Nam.

Ngày 20 tháng 9 năm 1964 đánh dấu ngày ra đời của mặt trận Fulro. Từ biên giới Campuchia, đại tá Les Kosem ra lệnh cho lực lượng vũ trang Fulro vùng dậy tấn công một số đồn lính của Việt Nam Cộng Hòa thuộc tỉnh Darlac, sau đó tiến quân về Ban Mê Thuột chiếm đài phát thanh để phổ biến những yêu sách của họ.

Ngày 21 tháng 9 năm 1964, Ban Mê Thuột trở thành một nghĩa địa vắng bóng người. Tất cả cư dân người Kinh không dám ra đường phố vì sợ người Tây Nguyên trả thù. Tại Sài Gòn, thủ tướng Nguyễn Khánh lên tiếng tố cáo có sự nhúng tay của quân đội Mỹ trong biến cố này và hăm dọa dùng vũ lực để dập tắt quân phiến loạn, nếu Fulro không rút quân ra khỏi Tây Nguyên trong một thời gian đã ấn định.

Ngày 24 tháng 9 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh đáp máy bay sang Pleiku để thảo luận với các vị chỉ huy quân đoàn II về tình hình Cao Nguyên. Ngay lúc đến nơi, ông ta tuyên bố là sự hiện diện của ông ta trong thành phố này đã nói lên sự kiên nhẫn và thái độ ôn hòa của chính quyền Sài Gòn đối với lực lượng vũ trang Fulro.

Chiều 24 tháng 9 năm 1964, tướng Richard Dupuy của quân đội Mỹ gặp hai tướng lãnh Việt Nam là Lê Văn Kim và Tôn Thất Ðính đề nghị với thủ tướng Nguyễn Khánh rằng chính phủ Sài Gòn nên tổ chức một hội nghị tập trung đại diện của mỗi sắc tộc và những đại biểu Fulro nhằm nghiên cứu những nguyện vọng thật sự của các dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam. Nguyễn Khánh đồng ý sẽ tổ chức một hội nghị các sắc dân thiểu số nhưng ngày tháng chưa quyết định.

Ngày 26 tháng 9 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh đáp máy bay sang Ban Mê Thuột. Ngay lúc đến, ông ta khẳng định rằng chính quyền Việt Nam sẽ sử dụng vũ lực để trấn áp nhóm phản động Fulro và không bao giờ triệu tập hội nghị dân tộc thiểu số mà người Mỹ mong muốn. Chính quyền Sài Gòn không bao giờ nhượng bộ Fulro nếu tổ chức này không trao trả tù binh Việt Nam và Mỹ bị bắt ở Buôn Sarpa vào ngày 20-9-1964

Ngày 26 tháng 9 năm 1964, đại tá Les Kosem có tiếp xúc với đại tá John Freund, tù binh Mỹ tại Buôn Sarpa và cho phép ông ta liên lạc bằng điện thoại với quân đội Mỹ để báo tin là ông ta vẫn khỏe mạnh nhưng rất lo âu về số phận của những lính Mỹ khác bị Fulro bắt giam sau khi thủ tướng Nguyễn Khánh hăm doạ sẽ tấn công trại này vào lúc 9 gờ sáng ngày 27 tháng 9 năm 1964.

Ngày 27-9-1964, tướng Richard Dupuy quyết định đích thân đến Buôn Sarpa để giải quyết trực tiếp cuộc khủng hoảng này. Ông ta báo tin cho thủ tướng Nguyễn Khánh biết sự việc trên và được thủ tướng chấp thuận.

Ðúng 7 giờ 46, ngày 27-9-1964, trực thăng của tướng Richard Dupuy hạ cánh tại Buôn Sarpa. Ngay khi đến nơi, tướng Richard Dupuy tuyên bố là quân đội Mỹ hứa sẽ làm tất cả những gì trong khả năng và thẩm quyền của họ để giải quyết các yêu sách của Fulro và cố gắng thuyết phục chính quyền Sài Gòn chấp nhận giải quyết những yêu sách đó bằng con đường thương thuyết.

Ngày 2-10-1964, thủ tướng Nguyễn Khánh mở phiên họp với một số nhà lãnh đạo Việt Nam tại Sài Gòn. Trong dịp này, ông ta đưa ra nhận định rằng tổ chức Fulro có sự nhúng tay của quân đội Mỹ và được vương quốc Kampuchea yểm trợ về mặt chính trị lẫn quân sự.

Ngày 15 tháng 10 năm 1964, dưới sựêáp lực của quân đội Mỹ, thủ tướng Nguyễn Khánh chấp nhận tổ chức một hội nghị tại Pleiku để bàn về vấn đề dân tộc thiểu số.

Ngày 16 tháng 10 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh đến Pleiku để làm lễ bế mạc hội nghị. Nhân dịp này, ông ta tuyên bố rằng chính quyền Sài Gòn sẵn sàng giải quyết những yêu sách của Fulro nhưng không bao giờ chấp nhận cho tổ chức vũ trang này quyền nhận viện trợ nước ngoài và thành lập quân đội riêng trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 15-2-1965, tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu lật đổ thủ tướng Nguyễn Khánh và thành lập một chính phủ mới. Nguyễn Văn Thiệu được đề cử làm chủ tịch Uỷ Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, và Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương.

nguyen khanh 20
Thành Phú Bá, Dương Tấn Sở, Nguyễn Khánh, Po Dharma

 

Sau 44 năm của ngày ra đời Fulro, đại tướng Nguyễn Khánh gặp lại thành viên củ của tổ chức Fulro là ông Po Dharma qua một buổi trao đổi rất là thân mật và cởi mở tại xứ Hoa Kỳ. Mặc dù tuổi đã quá 80, đại tướng Nguyễn Khánh vẫn là một nhân vật minh mẫn và sáng suốt để nhận định tình hình chính trị và quân sự Việt Nam đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại. Ông ta vẫn còn lưu lại trong ký ức những gì đã xảy ra vào ngày 20-9-1964 khi lực lượng Fulro vùng dậy ở cao nguyên để đòi quyền lợi của dân tộc thiểu số thời đó.

Qua buổi tiếp chuyện này, đại tướng Nguyễn Khánh vẫn công nhận rằng vấn đề dân tộc thiểu số ở miền trung là một chủ đề quan trọng, cấu thành một chính sách hàng đầu mà nhà nước Việt Nam không thể bỏ qua được. Theo ông ta, muốn giải quyết vấn đề hòa đồng và hòa giải dân tộc hôm nay, những nhà lãnh đạo của mọi chế độ Việt Nam cũng như thủ trưởng của mọi tổ chức dân tộc bản địa phải thành thật với nhau để cùng nhau đi tìm một đồng thuận chung nhằm xây dựng cộng đồng quốc gia Việt Nam trong tinh thần liên đới và tôn trọng lẫn nhau.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka 26: 22-5-2008)