Công du của IOC-Champa tại Paris
 17-12-2010 Print
Written by Từ Công Nhường   
Saturday, 04 February 2012 00:34
belair
Bà V. Liger-Belair

Sau ngày bế mạc Hội Nghị do Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Geneva vào ngày 14 và 15 tháng 12 năm 2010, IOC-Champa tiếp tục chuyến công du tại thủ đô Paris của Cộng Hòa Pháp.


1). Hội thảo với Viện Viễn Ðông Pháp

Nhân dịp chuyến công du tại Geneva, IOC-Champa còn hướng dẫn một phái đoàn đến tham dự cuộc Hội Thảo do Viện Viễn Ðông Pháp (Ecole francaise d'Extrême Orient) tổ chức vào ngày 17-12-2010 tại trụ sở của Viện, số 22 Avevue du Président Wilson, 75016 Paris. Mục tiêu của Hội Thảo nhằm bàn đến sự hợp tác giữa Viện Viễn Ðông Pháp và IOC-Champa liên quan đến “Chương Trình Bảo Tồn Tài Liệu Hoàng Gia Champa” viết bằng tiếng Chăm và Hán từ năm 1702 đến năm 1810 hiện đang lưu trữ trong thư viện của Cộng Hòa Pháp tại Paris.

Phái đoàn của IOC gồm có 12 thành viên trong đó có: Musa Porome, Hassan Poklaun, Tài Ðại An, Từ Công Nhường, Ðạt Lãnh, Kiều Ðại Thọ, Từ Công Tấn, Từ Công Hoàng, Thành Ngọc Có, Từ Hữu Tý, Kevin Champa, Kiều Ðại Vinh.

Buổi hội thảo về “Chương Trình Bảo Tồn Tài Liệu Hoàng Gia Champa” đặt dưới quyền khai mạc của bà Valérie Liger-Belair, Tổng Thư Ký của Viện Viễn Ðông Pháp có sự hiện diện của Pgs. Ts. Po Dharma, chuyên gia đặc trách về chương trình Champa học của Viện.

Nhân dịp này, Bà Valérie Liger-Belair bày tỏ niềm hân hoan của Viện Viễn Ðông đối với phái đoàn IOC-Champa đã có mặt trong ngày hội thảo nhằm bàn đến những dự án liên quan đến việc bảo quản di sản văn hóa Champa. Thay mặt cho phái đoàn IOC-Champa, ông Hassan Poklaun đã ngỏ lời cám ơn về sự đón tiếp nồng hậu mà Viện đã dành cho phái đoàn IOC và nhất là bày tỏ lời khen ngợi chân thành đến Viện, một cơ quan của Cộng Hòa Pháp đã từng đóng góp một vai trò quan trọng trên thế giới về chương trình nghiên cứu và bảo tồn si sản lịch sử và nền văn minh Champa gần hơn một thế kỷ qua. Sau cuộc trao đổi này, ông Hassan Poklaun đã trao tặng cho Bà Valérie Liger-Belair 10 số Tập San Champaka do IOC đã ấn hành từ năm 1999.

Quá trình hoạt động của IOC hơn 20 năm qua là dồn mọi nỗ lực của mình vào cuộc vận động các nhà nghiên cứu trên thế giới nhằm phát triển chương trình nghiên cứu về Champa học và nhất là thực thi công tác bảo tồn di sản tinh thần của vương quốc Champa qua các cuộc triển lãm văn hóa và nghệ thuật và nhất là ấn hành Tập San Champaka chuyên về lịch sử và nền văn minh Champa.

Năm 2010 đánh dấu một giai đoạn mới nhằm phát triển mục tiêu của tổ chức này bằng cách mở rộng địa bàn hoạt động của mình vào các chương trình hợp tác quốc tế hầu thực thi những dự án cụ thể liên quan đến công trình bảo tồn di sản văn hóa Champa. Sự hợp tác giữa tổ chức IOC và Viện Viễn Ðông Pháp trong dự án bảo tồn tài liệu hoàng gia Champa là một thí dụ điển hình.

 

luu niem-efeo
Phái đoàn IOC tại Viễn Viễn Đông Pháp

 

Tài liệu hoàng gia Champa là văn bản chính thức của vương quốc này. Qua nội dung của tài liệu này, dân tộc Champa sẽ nắm vững một số yếu tố lịch sử liên quan đến qui chế tổ chức hành chánh, kinh tế xã hội kể cả ngôn ngữ và chữ viết của vương quốc Champa vào thế kỷ thứ 18 và 19. Tài liệu này còn giúp dân tộc Champa hôm nay biết rõ thế nào là mối liên hệ giữa dân tộc Chăm ở đồng bằng và những dân tộc sinh sống ở miền Thượng Du (Raglai, Churu, Kaho) và quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi dân tộc trong một quốc gia Champa đa chủng tộc thời đó. Kể từ đó, tài liệu hoàng gia Champa đã trở thành văn bản lịch sử vô giá nhằm giúp dân tộc Chăm chỉnh đốn lại một số sai lầm về yếu tố lịch sử Champa mà độc giả thường gặp phải từ mấy năm qua.

Trở về với tư liệu hoàng gia Champa tức là trở về với cội nguồn của vương quốc này. Ðây là nguồn tư liệu lịch sử quí giá sẽ giúp dân tộc Chăm nắm vững một số yếu tố cần thiết hầu xây dựng lại lịch sử xã hội của vương quốc Champa thời đó, từ hệ thống tổ chức hành chánh, thuế má cho đến tiêu chuẩn đo lường của quốc gia này và nhất là định giá lại di sản của nguồn gốc ngôn ngữ và chữ viết Chăm hôm nay, một đề tài đã gây ra bao tranh luận trong mấy năm qua.

Thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của mạng lưới điện tử toàn cầu đang xoay chuyển mọi tổ chức xã hội trên thế giới với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Kể từ đó, biên giới của các thôn làng đang đổi thay, nền tảng văn hóa của các dân tộc thiểu số đang lâm vào con đường thoái hóa. Chính vì thế dân tộc Chăm hôm nay cần tập trung mọi nỗ lực để bảo tồn di sản văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết của mình. Bởi vậy không có gì cấp bách hơn là góp phần vào chương trình bảo tồn tư liệu hoàng gia Champa, cấu thành một di sản văn hóa của nhân loại.

Chương trình hợp tác với Viện Viễn Ðông Pháp nhằm bảo tồn tư liệu hoàng gia Champa là công tác thiết yếu mà IOC không thể bỏ qua được. Là một tổ chức có mục tiêu nhằm vận động mọi cơ quan trên thế giới hướng về chương trình nghiên cứu về Champa, IOC cần phải mở rộng địa bàn hoạt động nhằm góp phần vào công trình bảo vệ di sản văn hóa Champa trên diễn đàn quốc tế hôm nay.

 
2). Viếng thăm Trung Tâm Alexandre de Rhodes tại Paris

Vào chiều thứ sáu, ngày 17-12-2010, phái đoàn IOC-Champa đã đến thăm Linh Mục Gerard Moussay hiện đang phục vụ tại Trung Tâm Công Ðoàn Truyền Giáo Nước Ngoài tại Paris do Alexandre de Rhodes thành lập vào thế kỷ thứ 17. Linh Mục Alexandre de Rhodes là người có công trình sáng lập chữ Quốc Ngữ hiện đang lưu hành cho đến hôm nay.

 

luu niem moussay
IOC viếng thăm Linh Mục G. Moussay


 Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Linh Mục G. Moussay là người đã thành lập Trung Tâm Văn Hóa Chăm tại Phan Rang trước thời 1975 và cũng là tác giả của cuốn tự điển Chăm-Việt-Pháp nổi tiếng trong cộng đồng Chăm tại Việt Nam. Mặc dù đã trên 80 tuổi, nhưng Linh Mục Moussay vẫn còn đảm trách chức vụ giám đốc thư viện của Trung Tâm Công Ðoàn Truyền Giáo Nước Ngoài.

Khi phái đoàn IOC-Champa đến Trung Tâm nơi ông làm việc, Linh Mục Moussay đón tiếp rất niềm nở những khuôn mặt thân thiện mà ông đã từng quen biết trước năm 1975 cho đến nay. Phái đoàn đã cám ơn sự đóng góp của ông trong quá trình nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa Champa. Sau cuộc trao đổi và trò chuyện thân mặt nhưng đôi lúc rất cảm động, Linh Mục G. Mouss trao tặng cho mỗi thành viên của phái đoàn IOC một cuốn văn phạm Chăm do ông thực hiện với đôi lời biếu tặng để kỷ niệm ngày gặp gỡ lịch sử này.

Linh Mục G. Moussay là người đã hy sinh rất nhiều công sức để nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa Champa. Bởi vậy, với danh nghĩa là dân tộc Chăm, phái đoàn IOC-Champa rất lấy làm hân hạnh ghi vào chương trình viếng thăm Linh Mục G. Moussay, một người bạn nước ngoài của dân tộc Chăm mà lịch sử Champa không bao giờ bỏ quên. Ðây cũng là tinh thần hoạt động của IOC nhằm liên kết với những cơ quan nghiên cứu Champa tại nước ngoài hầu đẩy mạnh vấn đề Chăm vào lãnh vực quốc tế.

Qua hơn 20 năm hoạt động để bảo vệ di sản văn hóa Champa, chuyến công du tại Cộng Hòa Pháp là một biến cố quan trọng trong lịch sử đấu tranh của IOC-Champa.
 

rue du bac
Trung Tâm Công Ðoàn Truyền Giáo Nước Ngoài

 

Từ Công Nhường

Thay mặt phái đoàn IOC-Champa tại Paris