Lễ ra mắt Lịch Sử Champa : Bài tường trình Print
Written by BBT Champaka   
Sunday, 05 February 2012 00:34
thi truong
Madison Nguyễn

Ngày 17-9-2011 đánh dấu sự ra đời tác phẩm của Gs. Ts. P-B. Lafont (đại học Sorbonne, Paris) mang tựa đề Vương Quốc Champa: Ðịa Dư, Dân Cư và Lịch Sử, đăng trên tập san Champaka số 11 do IOC-Champa ấn hành dưới sự bảo trợ của Hội Ðồng Phát Triển Văn Hóa-Xã Hội Champa (viết tắt là Hội Ðồng Phát Triển Champa).

Ðây là công trình nghiên cứu mang tánh cách tổng thể bao gồm nhiều chủ đề từ yếu tố địa dư, văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, chữ viết, v.v. cho đến hệ thống tổ chức xã hội, chính trị và quân sự của quốc gia này trong suốt chiều dài của lịch sử.



Buổi lễ ra mắt của tác phẩm này đã đánh dấu một khúc quanh mới trong bối cảnh xã hội hôm nay. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Champa tiếp thu một tác phẩm mang tính cách khoa học và khách quan viết về lịch sử Champa, một vương quốc có nền văn minh và văn tự nằm ở miền trung Việt Nam đã bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới vào năm 1832. Kể từ đó, ngày 17-9-2011 không còn là buổi lễ ra mắt sách trong nghĩa rộng của nó mà là ngày hội tụ của tất cả bà con Champa nhằm bày tỏ niềm hân hoan của họ để đón mừng Ngày Lịch Sử Champa thì đúng hơn. Ðó là cảm tưởng chung của tất cả bà con Chăm có mặt trong buổi lễ.


Buổi lễ ra mắt tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa đã diễn ra vào ngày 17-9-2011 tại hội trường của thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, do Hội Ðồng Phát Triển Champa tổ chức, đặt dưới sự khai mạc của bà Madison Nguyễn, Phó Thị Trưởng của thành phố San Jose, có sự hiện diện của bà Ts. Lê Thị Ngọc Ánh, phu nhân của Gs. P-B. Lafont, từ Pháp sang tham dự.

 

CHƯƠNG TRÌNH BUỔI LỄ

Buổi lễ ra mắt sách đã diễn ra trong bầu không khí rất là trang nghiêm và long trọng qua bài diễn văn chào mừng quan khách có nội dung rất là súc tích của ông Thành Phú Bá, đại diện cho ban tổ chức. Tiếp theo là phần giới thiệu tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa do ông Hassan Poklaun trình bày ngắn gọn nhưng rất đầy đủ chi tiết. Ông Hassan Poklaun cũng là người chuyển ngữ tác phẩm này bằng tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Ðiều đáng chú ý trong buổi lễ là sự hiện diện của Ts. Lê Thị Ngọc Ánh, phu nhân của Gs. Ts. P-B. Lafont từ Pháp sang tham dự để trình bày đôi lời trên diễn đàn về cảm tưởng của bà đối với tác phẩm. Tiếp theo là diễn văn khai mạc của bà Madison Nguyễn, Phó Thị Trưởng thành phố San Jose. Sau cùng là phần chụp ảnh kỷ niệm chung trong bầu không khí rất là hân hoan và thân mặt.

hoi truong

Hội trường

Sau buổi lễ ra mắt sách là chương trình hội luận mang chủ đề Vai trò của lịch sử Champa trong tiến trình hình thành lịch sử Việt Nam, tập trung 5 nhân vật tiêu biểu trong cộng đồng Việt Nam (ông Nguyễn Công Bằng, nhà văn Ngô Viết Trọng, Ts. Trương Bổn Tài, Ls. Nguyễn Tâm, ông Hoàng Thế Dân) và 3 đại biểu xuất thân từ cộng đồng Champa (Musa Porome, Mục sư Cường Ðiệu, bà Dương Chi Mai). Buổi hội luận này đặt dưới sự điều hợp của Pgs. Ts. Po Dharma, Viện Viễn Ðông Pháp.

 

BẢN TUYÊN DƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ SAN JOSE

Nhân dịp buổi lễ ra mắt tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa, Ủy Ban Lãnh Ðạo của thành phố San Jose đưa ra biểu quyết trao tặng cho Hội Ðồng Phát Triển Champa, một bản Tuyên Dương (Commendation) về công trình hoạt động của tổ chức này nhằm bảo tồn di sản văn hóa Champa và góp phần vào các công tác xây dựng xã hội dành cho công đồng Chăm định cư ở Hoa Kỳ. Ðối với thành phố San Jose, Hội Ðồng Phát Triển Champa là một tổ chức cộng đồng đáng được quan tâm, vì Ðại Hội Champa khóa I vào năm 2007 đã diễn ra tại thành phố San Jose, đặt dưới sự chủ tọa của ông Reed Chuck, Thị Trưởng của thành phố này.

Hội Ðồng Phát Triển Champa là tổ chức hội đoàn Champa đầu tiên trên thế giới được trao tặng Bản Tuyên Dương chính thức từ một tổ chức chính quyền của Hoa Kỳ. Ðây là điều đáng khích lệ trong cuộc vận động đấu tranh bảo tồn cho sự tồn vong của dân tộc Champa trong thế kỷ thứ 21 này.

 

THÀNH PHẦN THAM DỰ CỦA DÂN TỘC CHĂM

Buổi lễ ra mắt tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa tập trung hầu hết các vị bô lão, thành phần trí thức và thanh niên Chăm nằm trong tổ chức của IOC-Champa, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa và Hội Palei Baoh Dana (thông Chất Thường). Sự hiện diện của một số nhận vật tiêu biểu trong cộng đồng Chăm như Ðắc Văn Kiết, Bá Trung Xin, Ðạt Lãnh, Kiều Ðại Thọ, Thiên Sanh Phân, v.v. và cộng đồng Tây Nguyên như Mục Sư Cường Ðiệu, Y Klong, v.v. là một niềm vinh dự lớn lao cho ban tổ chức. Ngược lại, các thành viên của Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa do cựu dân biểu Lưu Quang Sang sáng lập không có mặt trong hội trường, ngoại trừ ông Xuân Thạch tham gia buổi lễ với tư cách cá nhân, nhưng đã đóng góp công lao rất quí giá trong chương trình của ngày 17-9-2011. Ðiều đáng chú ý nhất là Hội Văn Hóa và Nghệ Thuật Champa do ca sĩ Chế Linh sáng lập có viết văn thư chúc mừng ngày ra mắt sách, nhưng sau cùng ông ta lại từ chối đến tham dự buổi lễ. Riêng về ông Quảng Ðại Cẩn cũng viết thư hoan hô sự ra đời của Lịch Sử Champa, nhưng ông ta không có mặt trong hội trường và cũng không mua một cuốn sách để ủng hộ cho buổi lễ.

trao qua
A. Từ  tặng quà cho Ts. Lê Thị Ngọc Ánh (phu nhân của Gs. Lafont) và bà Madison Nguyễn

Hầu hết quí bà con Chăm có mặt đều cho rằng ngày 17-9-2011 là ngày hội ngộ của cộng đồng Champa trên thế giới nhằm đón mừng sự ra đời của tác phẩm lịch sử viết về quê hương Champa thân thương của họ. Ðối với họ, đây là buổi lễ mang tính cách lịch sử đã đưa họ trở về cội nguồn của đứa con Champa vong quốc hầu ghi nhận những công lao của các bậc tiền nhân đã hy sinh bao xương máu để xây dựng quốc gia này trong suốt chiều dài của lịch sử để rồi hôm nay họ rất tự hào về danh xưng Champa, mà họ xem đó như yếu tố thiêng liêng không thể tách rời ra khỏi đời sống tâm linh của họ. Theo quan điểm của quí bà con Chăm tham gia buổi lễ, sự hiện diện của họ chỉ nằm trong qui luật chung của loài người: “uống nước phải nhớ đến nguồn”, ngoại trừ một vài thành phần trong xã hội Chăm, vì quá tôn vinh chủ thuyết cá nhân và phe nhóm, để rồi quay lưng với di sản lịch sử của vương quốc này.

Sự hiện diện đông đảo của bà con Chăm trong buổi lễ đã chứng minh rằng đa số thành phần trí thức và thanh niên Chăm tại hải ngoại hôn nay đã quyết tâm đập phá chiêu bài hận thù cá nhân, loại trừ mọi tư tưởng gia đình trị và cô lập mọi chủ trương phe nhóm, để ngồi chung bên nhau với danh nghĩa là thành viên xuất thân từ một nguồn gốc chung của lịch sử, không phân biệt màu da, tôn giáo, địa phương, quan điểm chính trị, v.v. hầu bảo vệ danh dự và quyền lợi chung của dân tộc.

Qua các cuộc tiếp xúc với các thành viên tham dự buổi lễ, hầu hết bà con Chăm cho rằng sự hiện diện của họ trong ngày ra mắt tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa không mang ý nghĩa nhằm qui phục tổ chức nào hay tôn vinh cá nhân nào, v.v. như một số trí thức Chăm đứng ra quảng cáo, mà là nghĩa vụ cao cả của họ đối với lịch sử Champa, tức là đối với di sản tinh thần mà các bậc tiền nhân Champa đã xây dựng bằng xương máu trong suốt chiều dài của lịch sử, chỉ có thế thôi.

 

SỰ HIỆN DIỆN CỦA CỘNG ÐỒNG VIỆT NAM

Bên cạnh cộng đồng Chăm còn có sự hiện diện đông đảo của nhiều nhân vật tiêu biểu trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, đại diện cho các tổ chức đấu tranh dân chủ, cơ quan báo chí, truyền thanh và truyền hình. Sự hiện diện của họ bên cạnh dân tộc Champa trong buổi lễ ra mắt tác phẩm đã chứng minh rằng lịch sử Champa không phải là thể loại văn chương hận thù dân tộc, mà là yếu tố nằm trong tiến trình hình thành lịch sử Việt Nam và làm tăng thêm vẻ đẹp cho nền văn minh đa dạng của quốc gia này. Kể từ đó, lịch sử Champa không phải là di sản riêng tư của dân tộc Champa mà là di sản chung của Việt Nam không thể nằm bên lề trang sử của dân tộc Việt, đáng được phổ biến trong các trường lớp và quảng bá sâu rộng trong mọi tầng lớp của quần chúng hầu tạo thêm niềm thông cảm giữa hai dân tộc để cùng nhau xây dựng quốc gia Việt Nam tự do, dân chủ và hòa bình.

luu niem
Hình lưu niệm