Công chúa Thái Lan gặp lại Ts. Po Dharma tại Paris vào tháng 3-09 Print
Written by BBT Harak Champaka   
Tuesday, 20 March 2012 03:32
princesse
Công chúa Thái Lan

Maha Chakri Sirindhorn là công chúa Thái Lan đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong gia đình hoàng gia của vương quốc này. Là một nhà khoa học chuyên về nền văn minh cổ ở khu vực Ðông Nam Á, học cùng lớp với Ts. Po Dharma tại Ðại Học Sorbonne Paris, công chúa Maha Chakri Sirindhorn rất am tường về lịch sử Champa và cũng là người từng quen biết cộng đồng người Chăm hiện đang sinh sống tại Việt Nam hôm nay.

 

Thái Lan có liên hệ gì với Champa

Là chủ nhân của một vương quốc rất phồn thịnh nằm ở bán đảo Ðông Dương có diện tích gần 514 000 km2 và vào khoảng 65 triệu dân, công chúa Maha Chakri Sirindhorn có sự quan tâm đặc biệt đối với dân tộc Chăm hôm nay vì các nguyên nhân sâu xa của nó. Trong quá trình lịch sử, Champa thường gọi vương quốc Thái Lan là Nagar Siam (Siam La), tức là địa danh chung để ám chỉ các vương quốc Dun Sun (thế kỷ thứ III-V), Dvaravati (thế kỷ thứ VI-XI), Srivijaya (thế kỷ thứ XII), Sukhothai (thế kỷ XIII), Ayutthaya (thế kỷ XV). Kể từ năm 1939, vương quốc Siam La thay đổi danh xưng mang tên là Thailand (Thái Lan).

Nói đến Thái Lan, thì người ta phải nói đến sự hiện diện của cộng đồng Champa tại thủ đô Ayutthaya vào thế kỷ thứ 15, đã từng liên kết với dân tộc Mã Lai trong các biến cố chính trị trọng đại tại vương quốc này. Nói đến Thái Lan, thì người ta thường nghĩ đến cốt chuyện huyền thoại của một phụ nữ trong gia đình hoàng tộc Champa vì ăn trái lựu của quốc gia Thái Lan, mà bà thụ thai sinh ra một chàng trai anh dũng, sau này trở thành một vị thánh anh linh mang tên là Cei Dalim mà dân tộc Chăm hôm nay vẫn còn thờ cúng qua biểu tượng của Po Klaong Garai, một vị vua huyền sử của tiểu vương quốc Panduranga.

 

Cộng đồng Chăm tại Bangkok

Nói đến Thái Lan, người ta cũng không quên nhắc đến làng Ban Khrua nằm ngay trong thủ đô Bangkok, nơi tập trung hơn 5000 người Chăm, xuất thân từ đoàn quân của vua Po Ceng Cei Brei (1783-1786) bị quân Thái Lan bắt tại khu vực Châu Ðốc và Tây Ninh vào năm 1812. Mặc dù là nhóm tù binh, nhưng cộng đồng người Chăm ở đây lúc nào cũng bày tỏ lòng trung thành của mình đối với chính quyền Bangkok. Chính vì thế, họ được nhà vua Thái Lan trọng dụng và thường giao cho họ quyền bảo vệ an ninh cho gia đình hoàng gia của vương quốc này. Bên cạnh vai trò quân sự và an ninh, cộng đồng người Chăm ở Bangkok còn để lại một dấu ấn trong yếu tố văn hóa và kinh tế của Thái Lan, đó là ngành nuôi tầm và dệt tơ lụa, một thổ cẩm do dân tộc Chăm ở làng Ban Khrua truyền lại để rồi hôm nay Thái Lan trở thành một quốc gia công nghệ phát triển ngành tơ lụa nổi tiếng trên thế giới.

 

Công chúa viếng thăm làng Chăm Phan Rang

Ðể đánh dấu cho sự gắn bó văn hóa đối với vương quốc Champa trong quá trình lịch sử, công chúa Maha Chakri Sirindhorn quyết định đến thăm Palei Caklaing (thôn Mỹ Nghiệp), làng nghề thổ cẩm của dân tộc Chăm thuộc tỉnh Ninh Thuận nhân dịp chuyến công du của bà tại Việt Nam vào tháng 2 năm 1993. Sau chuyến viếng thăm này, bà ta có nhã lời mời một phái đoàn người Chăm thuộc Palei Caklaing (thôn Mỹ Nghiệp) sang dự đại hội về ngành tơ lụa do bà ta tổ chức tại Bangkok vào năm 1994. Nhân dịp này, gia đình Lâm Gia Tịnh là người đại diện cho dân tộc Chăm sang Thái Lan để tham gia chương trình văn hóa này.

 

Ngày hội ngộ với Ts. Po Dharma tại Paris

 

po dharma
Po Dharma với y phục Tiến Sĩ

 

Sau hai thập niên xa cách, công chúa Maha Chakri Sirindhorn gặp lại Ts. Po Dharma tại Paris, nhân dịp bà sang Pháp để nhận bằng Tiến Sĩ Danh Dự (Docteur honoris causa) do Viện Viễn Ðông Pháp trao tặng vào ngày 19 tháng 3 năm 2009. Ðây là một buổi lễ long trọng tập trung hầu hết các vị Giáo Sư, Phó Giáo Sư và các chuyên gia khoa học thuộc Viện Viễn Ðông, có sự hiện diện của ông Patrick Hetzel, tổng giám đốc của Bộ Ðại Học Pháp và ngài Ðại Sứ Toàn Quyền Thái Lan tại Paris.Trước khi sang thăm viếng làng Chăm vào năm 1993, công chúa Maha Chakri Sirindhorn cũng là người học cùng lớp vào những năm 1980-1982 về bia ký Phạn Ngữ tại đại học Sorbonne (Paris) với ông Po Dharma, người Chăm đỗ bằng tiến sĩ đầu tiên vào năm 1986 và cũng là Phó Giáo Sư tại Viện Viễn Ðông Pháp kể từ năm 2003; một nhân vật có hai cuộc đời: cuộc đời làm lính Fulro (1968-1972) và cuộc đời hiến thân cho công trình bảo tồn di dản lịch sử và nền văn minh Champa kể từ năm 1972 cho đến hôm nay.

Nhân cuộc gặp gỡ này, Pgs. Po Dharma đã gởi đến công chúa Maha Chakri Sirindhorn lời khen ngợi chân thành và niềm hy vọng rằng bà ta sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa và di sản lịch sử Champa đang trên đà bị thoái hóa, vì sức ép quá mãnh liệt của một cộng đồng khổng lồ dân tộc Việt tổng cộng hơn 85 triệu người.

 

luu niem
Công chúa (chính giữa) - Po Dharma (bên phải)

 

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 40, ngày 11-3-2010)