Cuộc đấu tranh của dân tộc bản địa tại Hoa Kỳ Print
Written by BBT Harak Champaka   
Tuesday, 20 March 2012 06:59
glacier-park.blogspot.com
Dân da đỏ Hoa Kỳ (Ph. blogspot.com)

Sự ra đời của Tuyên Ngôn Quyền Dân Tộc Bản Ðịa (The Declaration on the Rights of Indigenous Peoples) được biểu quyết vào ngày 13-7-2007 trong hội nghi thường niên của Liên Hiệp Quốc tập trung 144 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam đã đánh dấu một khúc quanh mới trong mối liên hệ giữa dân tộc bản địa và các quốc gia có chủ quyền nơi có dân bản địa. Quí độc giả có thể tìm đọc bản Tuyên Ngôn này bằng tiếng Anh trong web Liên Hiệp Quốc:

http://www.un.org/esa/socdev/unpfii/en/drip.html

Ai cũng biết, vấn đề chiếm đoạt đất đai của dân tộc bản địa tại Hoa Kỳ trở thành một vụ tranh chấp triền miên kéo dài gần một thế kỷ qua. Hoa Kỳ là quốc gia có vào khoảng 4 triệu người dân bản địa mà người ta thường gọi là “Dân Da Ðỏ”.

Năm 1996, dân tộc bản địa Blackfeet nằm trong khu vực Montana đưa chính phủ liên bang Hoa Kỳ ra trước pháp lý về tội chiếm đoạt gần 23 triệu mẫu đất đai của dân bản địa kể từ năm 1887 thuộc quyền sở hữu cá nhân hay của cộng đồng dân bản địa này để xây dựng nông trường trồng trọt và chăn nuôi, khu vực khai thác dầu hỏa, v.v. Trong vụ án này, dân tộc bản địa buộc nhà nước Hoa Kỳ phải bồi thường cho họ 47 tỷ đola, nhưng vào năm 2008 tòa thượng thẩm của liên bang Hoa Kỳ chỉ chấp nhận 455 triệu đola mà thôi.

 

Cuộc vận động thành công đầu tiên của dân bản địa tại Hoa Kỳ

Nhân dịp ra tranh cử tổng thống, ông Barack Obama hứa là sẽ giải quyết hồ sơ liên quan đến vụ tranh chấp đất đai của dân bản địa tại Hoa Kỳ. Kể từ đó, vụ án giữa dân bản địa và chính phủ liên bang Hoa Kỳ càng đi vào con đường quyết liệt hơn.

Vào ngày 8-12-2009, tòa thượng thẩm Hoa Kỳ xét lại vụ án này và đưa ra bản tuyên cáo buộc chính phủ liên bang phải chấp nhận 3 tỷ 400 triệu đola để bồi thường đất đai cho dân tộc bản địa. Qua sự thỏa thuận giữa đôi bên, chính phủ Hoa Kỳ dành một số tiền là 1 tỷ 400 triệu đola để bồi thường trực tiếp cho 300 000 dân bản địa sinh sống trong khu vực Montana; 2 tỷ đola dành cho dự án mua lại những mảnh đất đã trở thành sở hữu riêng tư của người Mỹ da trắng để trao trả lại cho dân bản địa và 600 triệu đola đầu tư vào chương trình học bổng dành cho con em dân tộc này.

Ðây là một “vụ án lịch sử” trong lịch trình đấu tranh giữa dân tộc bản địa và quốc gia có chủ quyền kể từ một thế kỷ qua. Sự thành công này cũng nhờ sự quan tâm của Tổng Thống Barack Obama và nhất là từ sự ra đời của Tuyên Ngôn Quyền Dân Tộc Bản Ðịa ký kết vào ngày 13-7-2007 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

 

Ðâu là tương lai của dân tộc bản địa Chăm

Ðứng trên phương diện nguồn gốc chủng tộc và yếu tố lịch sử, cộng đồng Chăm không thể xếp vào thành phần dân tộc thiểu số hay dân tộc ít người mà là dân tộc bản địa sinh ra từ lòng đất của quê cha đất tổ có một chiều dài lịch sử nằm trên lãnh thổ của vương quốc Champa bị nhà nước Việt chiếm đóng qua các cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt. Sau ngày mất nước vào năm 1832, triều đình Huế chấp nhận ban cho dân tộc Chăm một lãnh thổ riêng gọi là “khu thổ dân” có biên giới rõ rệt và một quy chế đặc biệt gọi là “qui chế thổ dân” được áp dụng cho đến Ðệ Nhị Cộng Hòa.

Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam quyết định đơn phương tịch thu toàn diện đất đai thuộc về sở hữu cá nhân và cộng đồng người Chăm để biến dân tộc này trở thành một tập thể vô sản. Sau ngày ra đời của chính sách “đổi mới”, nhà nước hô hào khẩu hiệu trao trả lại đất đai cho người Chăm, nhưng khẩu hiệu này chỉ đem lại một kết quả quá phủ phàng: đất đai của người Chăm cũng chưa trao trả, tiền bồi thường chỉ được thực hiện cho có lệ, trong khi đó các hãng tư nhân tiếp tục trưng dụng hàng ngàn mẫu đất đai của người Chăm để xây dựng những khu kinh tế, hãng xưởng, v.v. Dự án xây dựng “ruộng muối” ở khu vực Cà Ná, Phan Rang là thí dụ điển hình.

Dân bản địa của Hoa Kỳ chưa đầy 300 000 người được hưởng gần 3 tỷ 400 triêu đôla tiền bồi thường đất đai. Dân tộc bản địa Chăm hôm nay có vào khoảng 135 000 người đã nhận được bao nhiêu từ nhà nước Việt Nam về tiền bồi thường đất đai của họ Ðó là vấn đề đáng suy ngẫm.

Nếu nhà nước Việt Nam không quan tâm đến vấn đề đất đai bị chiếm đóng, có chăng dân tộc Chăm hôm nay chưa nghe đến hay chưa nghĩ đến thế nào là quyền của họ đã ghi rõ trong bản Tuyên Ngôn Quyền Dân Tộc Bản Ðịa ra đời vào ngày 13-7-2007. Chính đó là trọng tâm vấn đề mà tổ chức Champaka và Ts. Po Dharma thường kêu gọi giới trí thức Chăm tại hải ngoại nên đầu tư tối đa vào cuộc vận động để đòi qui chế dân tộc bản địa dành cho người Chăm hơn là quảng cáo cho văn chương thành lập “Chính Phủ Chăm Lưu Vong” hay “Chính Phủ Chăm Lâm Thời”, v.v.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 40, ngày 11-3-2010)