Ninh Thuận chuyển 62 cuốn sách cổ Chăm sang Hà Nội Print
Written by BBT Champaka.info   
Sunday, 02 June 2013 04:35
10

Ngày 29-5-2013, Nguyễn Trung, phóng viên báo điện tín Nhadan.org.vn loan báo rằng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lễ bàn giao một số sách cổ Chăm cho Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia II thực hiện việc tu bổ, bồi nền theo đề án “Sưu tầm tài liệu quý, hiếm trong và ngoài nước”.

  

Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia II là cơ quan thuộc Bộ Nội Vụ đã tiếp nhận 62 cuốn sách cổ được viết tay bằng chữ Chăm có niên đại cách đây khoảng 150 năm, nhưng không cho biết ai là người đưa ra giả thuyết này. Theo Nguyễn Trung, sách này gồm có 30 cuốn viết trên giấy dó (1.770 trang), 12 cuốn viết trên lá buông (746 trang) và 20 cuốn viết trên giấy bao xi-măng (1.050 trang). Ngoài ra, còn nhận xử lý, bảo quản 281 cuộn micro phim chụp thư tịch.

  

Nguyễn Trung còn cho biết sách cổ Chăm này “chứa đựng nhiều nội dung mang giá trị về văn hóa, lịch sử, văn thơ, tín ngưỡng tôn giáo, nghi thức thực hành các nghi lễ của đồng bào Chăm được lưu giữ lâu năm trong cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận mà đơn vị sưu tầm được trong nhiều năm qua”. Có chăng đây chỉ là sự phỏng đoán mà thôi, vì cho đến hôm nay, người ta không biết 62 cuốn sách cổ Chăm đưa về Hà Nội có nội dung nói gì?

 

Điều cần nhấn mạnh ở đây, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận hôm nay là Trung Tâm Văn Hóa Chăm do linh mục Moussay hình thành vào năm 1968, nơi tập trung rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Chăm. Một số tài liệu này đã được chụp hình gởi về Viện Viễn Đông Pháp mà nôi dung đã được ghi chú trong tác phẩm Thư Tịch Sách Chăm Cổ Tại Pháp do Gs. P-B Lafont và Ts. Po Dharma thực hiện và xuất bản vào năm 1977.

 

Sau năm 1975, Trung Tâm Văn Hóa Chăm của linh mục Moussay trở thành cơ quan văn hóa của Tỉnh Ninh Thuận. Kể từ đó, người ta không biết thế nào là thực trạng sách cổ Chăm do linh mục Moussay sưu tầm. Sau năm 1975, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cũng có chương trình sưu tầm thêm sách cổ Chăm. Tiếc rằng cơ quan này cũng không công bố nội dung của những sách cổ này để rồi hôm nay người ta không biết một chi tiết gì về nội dung những sách Chăm cổ nằm trong Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận. Thêm vào đó, chính quyền Ninh Thuận cũng không cho phép người Chăm tham khảo tài liệu này, với lý do là sách chưa được kiểm duyệt.

 

20
Lễ bàn giao sách tại Ninh Thuận (Ph. nhandan.org)

 

Theo Đàng Năng Thọ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận : “Do điều kiện bảo quản của đơn vị còn hạn chế, cho nên các thư tịch cổ đã bị xâm hại bởi môi trường, khí hậu, côn trùng, có một số bị hư hỏng. Việc bàn giao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II xử lý kỹ thuật, tu bổ, bồi nền để nâng cao chất lượng bảo quản là rất cần thiết”.

 

Báo Nhân Dân cũng cho biết Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Nguyễn Văn Quân, tuyên bố rằng: “Công tác tu bổ số lượng thư tịch cổ nói trên sẽ hoàn tất vào cuối năm 2013, sau đó sẽ giao lại toàn bộ cho Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận tiếp tục bảo quản”. Đây là lời hứa mà dân tộc Chăm đã ghi nhận. Nhưng liệu sách cổ Chăm này có cơ hội trở về Phan Rang hay không, thì đó là vấn đề mà dân tộc Chăm cần xem xét lại.

 

Bảo quản sách cổ Chăm là chương trình cần thiết nằm trong chính sách bảo tồn di sản văn hóa Chăm của nhà nước Việt Nam. Nhưng trước khi thực hiện việc tu bổ, bồi nền sách Chăm cổ, thì ít ra Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận phải công bố trước tiên nội dung tất cả những sách cổ Chăm được lưu trử trong Trung Tâm nói gì và chấp nhận cho phép để sinh viên và các nhà nghiên cứu Chăm có cơ hội tham khảo và đọc những tác phẩm này. Nếu không, sách cổ Chăm trở thành tài sản riêng tư của tỉnh Ninh Thuận, chứ không phải là di sản văn hóa của dân tộc Chăm nữa.

 

Cũng vì lợi nhuận, chính quyền Ninh Thuận buộc vị thần linh Chăm là Po Klaong Garai và Po Rome phải làm thuê cho chương trình du lịch để lấy tiền. Viện lý do là sách chưa kiểm duyệt, chính quyền Ninh Thuận đưa sách cổ Chăm vào lao tù như một tội phạm, ngân cấm người Chăm không có quyền đến thăm viếng và ngưỡng mộ di sản văn hóa của họ.