Hội Thảo về nghệ thuật ca múa nhạc Chăm ngày 8-6-2013 Print
Written by BBT Champaka.info   
Sunday, 09 June 2013 17:14
hoi thao 10

Theo web Chamunsesco.com, một hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca múa nhạc Chăm trong quá trình hội nhập hiện nay" đã diễn ra vào ngày 8-6-2013 tại Hội trường Nhà khách Chính phủ, Tp Hồ Chí Minh. Hội thảo khoa học này được tổ chức bởi Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Chăm, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại số 06-08, đường 20, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh.

 

 

Hội thảo có tất cả 22 bài tham luận của các học giả là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nhạc sĩ, ca sĩ, biên đạo múa …. đến từ một số trường đại học, viện nghiên cứu, nhạc viện và bảo tàng trong nước. Tổng số khách mời hội thảo là 120 đại biểu.

Theo nguồn tin từ TP. HCM được trao đổi trên mạng xã hội, người ta được biết Hội thảo khoa học này được tổ chức có quy mô với sự tham gia của các nhà nghiên cứu đầu ngành về âm nhạc-nghệ thuật như TS SHINE Toshihiko, NSND Đặng Hùng, TS Nguyễn Thanh Hà…, các nhà khoa học-tri thức hàng đầu người Chăm như PGS. TS Thành Phần, TS. Bá Trung Phụ, TS. Phú Văn Hẳn, NSƯT-NS Amư Nhân, ThS Đàng Năng Hòa, ThS Đổng Văn Dinh, Biên đạo múa Lâm Tấn Bình, các vị chức sắc tôn giáo của các tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận.

 

Hội thảo đã thảo luận 4 nhóm chủ đề:

 

• Nghệ thuật biểu diễn ca múa Nhạc Chăm ở Châu Á

• Nghệ thuật múa Chăm

• Nghệ thuật ca múa nhạc Chăm ở Việt Nam hiện nay

• Vấn đề đào tạo và phát triển âm nhạc Chăm

 

Đây là hội thảo mang tầm bao quát và có giá trị khoa học cao do Trung tâm Unesco Chăm tổ chức lần đầu tiên đã thành công tốt đẹp và có sự đóng góp rất lớn cho sự định hướng bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca múa nhạc Chăm trong hiện tại và tương lại.

 

Bên lề của hội thảo, một số độc giả cho rằng trong tên gọi của Trung Tâm Unesco Chăm dịch sang chữ Chăm : Bathak Unésko Ruah Duah Saong Khik Paga Bhap Ilimo Cam, có hai thuật ngữ mà độc giả Chăm không hiểu nghĩa :

 

unesco 9-6-2013

 

Ruah Duah, người Chăm có thể hiểu « chọn lựa và tìm kiếm ». Nếu nói đến việc nghiên cứu và sưu tầm, người Chăm thường dùng từ Rueh Duah

 

Khik Paga, người Chăm có thể hiểu hai nghĩa « giữ hàng rào» hay « giữ và rào ». Nếu nói đến việc bảo tồn tài sản, di sản, v.v., người Chăm thường dùng thuật ngữ Khik Caga.

 

Trong tiếng Chăm, Caga có hai xuất xứ khác nhau:

 

Caga, gốc Phạn ngữ (jaga) có nghĩa "chuẩn bị, đề phòng". Thí dụ: Caga klaik mbeng "chuẩn bị ăn cắp"/

Caga, gốc Mã ngữ (jaga)  có nghĩa " bảo tồn, giữ gìn". Thí dụ: Khik Caga Bhum Bhaok (bảo tồn đất đai), Khik Caga Adat Ca-mbat (giữ gìn phong tục tập quán), v.v.

 

Hy vọng Trung Tâm Unésco Cam sẽ xem lại hai thuật ngữ này. 

 

Cũng nhờ Trung Tâm Unesco Chăm, người Chăm hôm nay được biết thuật ngữ Ilimo trong tiếng Chăm không ám chỉ cho "văn hóa" mà là "sự hiểu biết". Muốn nói đến văn hóa, thì người Chăm thường dùng Bhap Ilimo như Trung Tâm Unesco Chăm đã đề ra. 

 

giay moi