Giảm nghèo dân tộc thiểu số Việt Nam: Động lực từ doanh nhân trẻ Print
Written by Paka Jatrang   
Tuesday, 18 June 2013 06:18
10
Đàng Năng Hòa và Thành Phần

“Giảm nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số: Động lực từ doanh nhân trẻ” là bài tường thuật của Paja Jatrang đăng trên web www.gulpataom.com ngày 16-6-2013. Đây là buổi tọa đàm được tổ chức tại Nhà Văn Hóa Sinh Viên (TP. Hồ Chí Minh) tập trung hơn 300 sinh viên sắc tộc trong đó có sinh viên Chăm.

 

Theo Paka Jatrang buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ loạt tọa đàm về phát triển bền vững do Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và Viện liên kết và trao đổi Quốc tế Trí Việt phối hợp tổ chức. Trong buổi tọa đàm có hai diễn giả người dân tộc Chăm là Pgs. Ts Thành Phần (Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam Đông Nam Á, Đại học Quốc gia TP.HCM) và Pts. Đàng Năng Hòa (Giảng viên Khoa xã hội học – công tác xã hội – Đông Nam Á học, Trường ĐH Mở TP.HCM) cùng các diễn giả là người dân tộc Mường, Ê- đê, Khmer.

 

Buổi tọa đàm được tổ chức với mục đích nêu lên thực trạng và phân tích những khó khăn trong việc thúc đẩy tuổi trẻ dân tộc trở thành doanh nhân đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế của cộng đồng; lưu ý các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động xã hội, các doanh nghiệp, thanh niên nói chung và thanh niên dân tộc nói riêng cũng như dư luận về một thách thức xã hội đi đôi với tăng trưởng kinh tế chung, và khuyến khích những sáng kiến, biện pháp có thể hiện thực hóa ý tưởng “ươm mầm” doanh nhân trẻ người dân tộc (kinh phí, kiến thức, kinh nghiệm, tư vấn, cơ chế chính sách,…).

 

Theo Paka Jatrang, tỉ lệ đói nghèo trong nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số giảm 8% trong vòng 5 năm qua từ 57,2% (2007) xuống còn 49,2% (2012). Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập giữa các vùng dân tộc thiểu số với các khu vực khác trên cả nước vẫn còn lớn. Những năm 2010-2012, còn khoảng một nửa đồng bào dân tộc thiểu số sống dưới mức tối thiểu-cao gấp 3 lần tỉ lệ đói nghèo trung bình của cả nước.

 

phan 20
Ts. Thành Phần và Pts. Đàng Năng Hòa trong buỗi tọa đàm (Ph. P. Jatrang)

 

Về cộng đồng dân tộc Chăm, họ sống tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Ninh-Bình Thuận, và rải rác một số tỉnh thành như Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh… Đa phần đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nạn di dân vào các thành phố lớn ngày càng đông, một số hộ gia đình đồng bào Chăm vẫn còn thiếu đất canh tác, và nhất là rào cản trong nhận thức hòa nhập xã hội trong bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay.

 

Phát biểu trong buổi tọa đàm, Pgs. Ts. Thành Phần cho rằng chính mỗi bản thân chúng ta là động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế. Theo ông, nhiều đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra là phải đầu tư đúng lúc, đúng nơi, phù hợp với hoàn cảnh, với văn hóa của từng nơi, và phải có sự đồng thuận của cộng đồng. Điều này cũng không riêng gì đối với đồng bào Chăm. Ông tâm sự, ngoài những rào cản nêu trên, đồng bào thiểu số nói chung, dân tộc Chăm nói riêng còn gặp phải rào cản của thái độ nghi ngờ-tức nghi ngờ năng lực, vì thế chúng ta phải khắc phục điểm yếu này. Diễn giả Thành Phần nhấn mạnh, sinh viên các dân tộc thiểu số [và cả Chăm] không nên suy nghĩ theo kiểu cần có sự ban-cho, mà phải tự vươn lên bằng chính sức mạnh của bản thân.

 

Diễn giả Pts. Đàng Năng Hòa cho rằng đào tạo con người mới là vấn đề quan trọng. Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực ở các vùng dân tộc thiểu số chưa cao. Bà Đặng Thị Bích Châu (dân tộc Mường), Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Hoàn Cầu cho rằng “con người ta hơn nhau là ở cái đầu, các bạn sinh viên không nên tự ti, rụt rè chỉ vì mình là người dân tộc thiểu số”. Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) cho rằng, các bạn trẻ dân tộc thiểu số phải biết mình là ai? mình có khát vọng gì ? Để từ đó, các bạn phải thay đổi tư duy và mạnh dạn bước tới để hiện thực hóa khát vọng của mình trong tương lai.

 

Xin bấm vào đây để xem: Nguyên văn bài viết của Paka Jatrang

 

20-2
Ảnh lưu niệm với sinh viên Chăm (Ph. P. Jatrang)