Hội Luận Dân Tộc Bản Địa 14-9-2013: Bản Tường Trình Print
Written by Tài Đại An   
Monday, 30 September 2013 23:54
an 10
Tài Đại An

Vào buổi chiều ngày 14 tháng 9 năm 2013 tại San Jose, California thời tiết bên ngoài rất đẹp, 72 độ F. Khung cảnh bên trong hội trường ... cũng rất đẹp mắt, từ những biểu tượng đặt trên bàn tiếp tân đến những hình ảnh treo trên tường với điệu vũ truyền thống quen thuộc chào mừng quan khách của các cô thiếu nữ, đủ nói lên tính cách văn hóa bản địa của một dân tộc. Đặc biệt, những trang phục đủ sắc màu của quý bà quý cô với nét mặt và nụ cười thật rạng rỡ.  Điều này đã nói lên, tâm hồn của họ đang mở rộng để trông ngóng một cái gì đó về sự thực của quá khứ lịch sử dân tộc cũng như mong muốn nhận diện tư cách bản địa của dân tộc mình.

 

Người đến tham dự khá đông, ngồi chật cả hội trường và dứng tràn ra ngoài hành lang. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban tổ chức, con số hiện diện chưa phải là mức thỏa đáng, vì rằng ngoài những lý do chính đáng như đau ốm, bận đi làm cuối tuần, còn một số khác, có lẽ vì quá xấu hổ với lịch sử mất nước của dân tộc mình chăng? Hay là họ không muốn được nhận diện tư cách “Dân Tộc Bản Địa” của mình? Bởi vì, nếu sợ làm mếch lòng Chính phủ VN, thì hoàn toàn không hợp lý vì buổi hội luận xác định rất rõ không xâm phạm chủ quyền của bất cứ nước nào, không chống đối bất cứ Chính phủ hay tổ chức nào. Buổi hội luận chỉ thảo luận trong phạm vi tôn trọng Hiến Pháp VN và tinh thần bản Tuyên Ngôn của LHQ về Dân Tộc Bản Địa. Còn nếu có ai đó bảo rằng, có thành kiến với một vài cá nhân trong Ban Tổ Chức, thì chính bản thân họ đã thể hiện rõ là con người không rộng lượng và thiếu khả năng suy xét, bởi lẽ, nếu chỉ vì lý do cá nhân mà bỏ qua một việc làm có lợi chung cho xã hội cho dân tộc thì con người đó quá tự tôn bản thân thấp hèn của mình hơn là số đông bà con đồng tộc.

 

Sau phần ra mắt sách Lịch sử Champa của tác giả Po Dhrma được xem là rất hào hứng, buổi hội luận đã diễn ra rất sôi nổi do ông Tài Đại An hướng dẫn thảo luận qua đề tài “Các vấn đề liên quan đến Dân Tộc Bản Địa tại Việt Nam” với thành phần tham dự rất hùng hậu: Hai đại diện dân tộc Kinh, một gốc người Khmer Krom, một thay mặt cho dân tộc Tây Nguyên và hai hội luận viên là người Cham.

 

Sau phần giới thiệu thành phần tham dự và đưa ra một số quy ước và phương thức thảo luận, người điều hợp đã xác định: Để tranh thủ thời gian, đồng thời tránh tình trạng lạc đề, chúng ta chỉ nên giới hạn phạm vi không gian là nước Việt Nam, chỉ thảo luận xung quanh những tiêu đề mà Ban Tổ Chức đã đề ra. Đưa ra những phân tích rõ ràng về thuật ngữ Dân Tộc Bản Địa, chứng minh một cách cụ thể qua các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, phong tục tập quán... để xác minh ba dân tộc Khmer Krom, Tây Nguyên và Cham là Dân Tộc Bản Địa tại VN . Căn cứ vào thực trạng sinh sống của ba dân tộc trên để xác định nhu cầu hiên tại của họ phù hợp với tinh thần của bản Tuyên Ngôn của LHQ năm 2007 về Dân Tộc Bản Địa. Tuyệt đối tôn trọng chủ quyền và Hiến pháp của nước VN. Bằng lời lẽ cứng rắn của mình, người điều hợp xác định rằng: Trong nhiều bản văn của Chinh phủ VN và các bài tham luận của một số đại biểu xác nhận, có sự hiện hữu của VĂN HÓA BẢN ĐỊA. Trước khi đặt câu hỏi đầu tiên, ông ta khẳng định, nếu không có DÂN TỘC BẢN ĐỊA thì người mẹ nào đẻ ra văn hóa bản địa? Khi trả lời câu hỏi, tại sao đồng bào dân tộc trong nước không lên tiếng cho tư cách và quyền lợi chính đáng của dân tộc mình, ông ta nói : Sức mạnh của đàn bà là sự phẫn nộ, sức mạnh của con nít là tiếng khóc. Một bé sơ sinh khóc mà người mẹ không kịp cho bú đã là khó chịu lắm rồi. Đằng này, một đứa bé đang khát sữa mà không dám khóc thì quả là quá khốn khổ! Có một vài tiếng nấc từ phía các bà. Buổi hội luận được chính thức bắt đầu bằng những nỗi xúc động đó. Các câu hỏi được lần lượt đưa ra cho từng vị tham dự. Hầu hết các câu hỏi được giải thích một cách cặn kẻ và thông suốt từ những hội luận viên hiểu biết tường tận vấn đề.

 

20

Các đại biểu của buổi hội luận. Trái sang phải: Từ Công Nhượng (Thư ký), Musa Po Rome,

Nay Rong, Tài Đại An, Tan Dara Thach, Hoàng Thế Dân, Po Dharma, Nguyễn Công Bằng

 

Sau đây là phần tóm tắt:

 

1) Thuật ngữ Dân Tộc Bản Địa: Khác với Dân Tộc Thiểu số, là dân tộc từ nơi khác đến sinh sống tại một quốc gia có chủ quyền, Dân Tộc Bản Địa là tộc người mà tổ tiên của họ đã sống lâu đời trên một lãnh thổ trước khi một dân tộc khác đến xâm chiếm.

 

2). Ba khối dân tộc Khmer Krom, Tây Nguyên và Cham hội đủ các yếu tố về chiều dài lịch sử với những di tích lịch sử rất rõ nét, có phong tục tập quán rất đặc sắc, có ngôn ngữ rất riêng...Để được công nhận là dân tộc bản địa tại Việt nam theo đúng ý nghĩa của nó.

 

3). Chính sách của Chính phủ đối với Dân Tộc Bản Địa tại VN liên quan đến đất đai, hỗ trợ kinh tế, giáo dục cũng như bảo tồn di sản văn hóa, ngôn ngữ truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các dân tộc bản địa.

 

4). Các điều khoản đề cập trong bản Tuyên Ngôn LHQ về Dân Tộc Bản Địa không đi ngược với Hiến Pháp nước VN, nhưng rất phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu thực tế của ba khối sắc dân nêu trên. Đặc biệt là các điều khoản nổi bật sau đây:

 

a). Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Theo quyền đó, họ được tự do quyết định vị thế chính trị và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của họ (Điều3)

 

b).Trong khi thực hiện quyền tự quyết, các dân tộc bản địa có quyền tự trị hay tự quản trong những vấn đề liên quan đến các công việc nội bộ và địa phương của họ, cũng như những cách thức và phương tiện để hỗ trợ về tài chính việc thực hiện những chức năng tự trị của họ (Điều 4)

 

c). Các quốc gia phải có cơ chế hữu hiệu để phòng ngừa và khắc phục những hành động có tác dụng tước đoạt đất đai, lãnh thổ, tài nguyên, các giá trị văn hóa hay bản sắc dân tộc của họ hay ép buộc chuyển dân hay đồng hóa (Điều 8)

 

d). Các Dân Tộc Bản Địa không bị ép buộc di dời khỏi những vùng đất đai hay lãnh thổ của họ (Điều 10)

 

5).Các dân tộc bản địa có quyền thực hiện và khơi dậy những truyền thống văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán, ngôn ngữ chữ viết của họ (điều 11)

 

6). Các dân tộc bản địa có quyền tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề có ảnh hưởng tới những quyền của họ, thông qua các đại diện do họ tự lựa chọn theo những thủ tục riêng của họ (điều 18)

 

7). Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết và xây dựng những ưu tiên và chiến lược để thực thi quyền phát triển của họ (điều 23)

 

8). Các dân tộc bản địa có quyền duy trì những mối quan hệ tâm linh riêng biệt đối với đất đai, lãnh thổ, sông nước, vùng bờ biển và những tài nguyên khác do họ sở hữu (điều 25)

 

9). Các dân tộc bản địa có quyền sở hữu, sử dụng, phát triển và kiểm soát những đất đai, lãnh thổ và tài nguyên mà họ đã sở hữu, chiếm hữu (điều 26)

 

10). Các dân tộc bản địa có quyền được bồi hoàn, được hoàn trả, được đền bù công bằng, thỏa đáng đối với những đất đai, lãnh thổ và tài nguyên thuộc quyền sở hữu của họ (điều 28)

 

11). Các dân tộc bản địa có quyền được bảo tồn và bảo vệ môi trường và năng suất của những đất đai, hay lãnh thổ và tài nguyên của họ (điều 29)

 

12). Không được triển khai các hoạt động quân sự trên đất đai và lãnh thổ của những dân tộc bản địa, trừ khi vì lợi ích công cộng, hoặc được sự đồng ý hoặc được yêu cầu bởi dân tộc bản địa (điều 30)

 

13). Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết định và xây dựng những ưu tiên và chiến lược để phát triển hoặc sử dụng đất đai, lãnh thổ và các nguồn tài nguyên khác của họ (điều 32)

 

14). Các dân tộc bản địa có quyền phát triển và duy trì những cấu trúc thiết chế và các phong tục, tâm linh, truyền thống, thủ tục, tập tục riêng của họ (điều 34)

 

15). Các quốc gia phải thông qua tham vấn và hợp tác với những dân tộc bản địa nhằm tiến hành các biện pháp thích hợp, kể cả những biện pháp lập pháp để đạt được các mục tiêu của Tuyên Ngôn (điều 38)

 

Cuộc thảo luận đang diễn ra sôi nổi đến mức Ban Tổ Chức cho phép nghỉ giải lao mà khán thính giả vẫn còn ngồi lại để nghe đọc một vài câu trong tập thơ cổ Cham nói lên biểu tượng về nòi giống Cham là “cây Trầm hương” phur giluw và biểu tượng của tinh thần dân tộc Cham là “ Phur Ralai”, một loại cây thường mọc nơi con sông lớn, cả lùm cây nằm rạp xuống mỗi khi gặp nước lũ và đứng bật dậy khi nước rút, nói lên tinh thần bất khuất của một dân tộc.

 

Sau khi thông qua bản dự thảo kiến nghị và những lời cám ơn chân tình của Ban tổ chức, buổi hội luận kết thúc trong sự luyến tiếc của mọi người, già trẻ, trai gái đã say sưa ngồi nghe cho đến giây phút cuối.

 

California ngày 14-9-2013

 

hoi truong
Hội trường ngày 14-9-2013