Những đặc trưng của Hồi Giáo ở Champa Print
Written by jashaklikei (sinh viên trong nước)   
Saturday, 21 March 2015 08:01
jashak

Trước thế kỷ thứ XV, Champa là một quốc gia theo Ấn Độ giáo và Phật giáo (Đại thừa – Mahayana) nhưng từ sau thế kỷ XVI, Hồi giáo du nhập vào Champa, thông qua thế giớí Mã Lai[1] và dần dần chiếm một vị thế quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Chăm. Trong quá trình tiếp nhận tôn giáo mới này, người Chăm đã cải biến tôn giáo này thành một thứ tôn giáo bản địa,

khác hoàn toàn Hồi giáo chính thống... và mang những đặc trưng riêng có của mình.

 

 

Trong quá trình nghiên cứu về Hồi giáo ở Champa cũng như Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm Awal ngày nay[2] không ít các nhà nghiên cứu thường không phân biệt một cách rõ ràng các đặc trưng của Hồi giáo ở Champa và người Chăm ngày nay. Thành ra, trong những công trình nghiên cứu của mình họ thường nói đến tính bản địa hay tính không chính thống, nhưng không giải thích rõ tính bản địa biểu hiện ở những đặc trưng nào, tính không chính thống biểu hiện ở những đặc trưng nào. Và có lúc không phân biệt được đâu là đặc trưng của tính bản địa, đâu không phải là đặc trưng của tính bản địa, đâu là các đạc trưng khác.

 

Chúng tôi xin nêu ra một vài ví dụ để giải thích nhận định trên của mình. Chẳng hạn trong công trình Văn hóa Chăm (phần viết về Hồi giáo) nhóm tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp nhận định: “...Sự xuất hiện của tầng lớp tu sĩ là đăc điểm... góp phần nói lên rằng Bàni là thứ Hồi giáo... ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa bản địa...”[3]. Như vậy, theo nhóm tác giả này, sự xuất hiện tầng lớp tu sĩ là một biểu hiện của tính bản địa, tức là cái riêng có của địa phương hoàn toàn khác biệt với Hồi giáo trên thế giới, nhưng theo nghiên cứu của mình, chúng tôi thấy rằng một bộ phận Hồi giáo trên thế giới Shia ( tập trung chủ yếu ở Iran) vẫn có một tầng lớp tu sĩ được gọi là Ayatollah có vai trò gần tương tự như các Po Acar của cộng đồng Chăm Awal ngày nay. Vậy thì không thể nói sự xuất hiện một tầng lớp tu sĩ Po Acar chỉ là biểu hiện của dấu ấn bản địa.

  

Từ đó khi viết về Hồi giáo Chăm, các tác giả thường nêu ra các đặc trưng của Hồi giáo ở người Chăm Awal trên các bình diện như: tầng lớp tu sĩ, kiến trúc thánh đường, cách thức thực hiện giáo luật, sự duy trì tính chất mẫu hệ... rồi kết luận rằng tôn giáo của người Chăm Awal là một thứ Hồi giáo bản địa, nhưng không xác định được những đặc trưng trên không chỉ là ảnh hưởng của truyền thống bản địa mà còn của nhiều yếu tố khác[4]

 

Trong thực tế, Hồi giáo ở Champa và người Chăm Awal ngày nay có nhiều đặc điểm, những trong những đặc điểm ấy không phải đặc điểm nào cũng là biểu hiện của tính bản địa... Bài viết này sẽ nghiên cứu về những đặc điểm tạo nên tính đặc thù của Hồi giáo ở Champa (từ sau Tk XVI), cũng như nghiên cứu về Hồi giáo trong cộng đồng Chăm Awal ở Ninh-Bình Thuận ngày nay, trên cơ sở tổng hợp những tích cực và thiếu sót của những nghiên cứu đi trước cũng như quá trình điền dã thực tế trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm Awal tại Việt Nam. 

  

Nhưng tư liệu ghi chép về Champa sau thế kỷ XVI, là thời kỳ tồn tại và phát triển của Hồi giáo ở Champa cho đến ngày hầu như không có nhiều, phần lớn là các tác phẩm văn học, bùa chú bằng tiếng Chăm ghi chép rất tản mạn và hầu hết các tư liệu ấy không có nhiều. Do đó để phác họa lại diện mạo Hồi giáo ở Champa sau thế kỷ XVI thì không còn cách nào khác là phải nghiên cứu văn hóa cộng đồng người Chăm Awal ngày nay. Từ đó chúng tôi nhận ra một số đặc trưng tiêu biểu của Hồi giáo Champa trên nét tương đồng về lịch đại và đồng đại với người Chăm Awal ngày nay.  

  

1). Hồi giáo Champa là sự pha trộn giữa hệ phái Shia và Sufism

 

Hồi giáo sau khi Mohamad qua đời được chia ra thành hai hệ phái là Sunni và Shia. Hồi giáo Sunni chiếm tỷ lệ gần 90% tín đồ Hồi giáo thế giới, tức là phái hoàn toàn dựa vào mặc khải của Mohamad, tin rằng các Khalip (thủ lĩnh) là người kế thừa Mohamad của Ảrập. Khác với Phật giáo hay Kitô giáo, dòng Hồi giáo Sunni không có tổ chức tăng lữ hay tu sĩ làm nhiệm vụ cầu cúng, lễ tự. Mỗi tín đồ tự tu tập theo quy định của tôn giáo, họ chỉ cầu nguyện tại thánh đường vào ngày thứ sáu hằng tuần, với sự điều hành của một người chủ lễ và đồng thời là người giúp việc cho thánh đường gọi là Iman.  Ngày nay cộng đồng Sunni này xuất hiện ở hầu hết Trung Đông, Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á...

 

Trong khi hệ phái Shia chỉ chiếm 10%, ngày này tập trung chủ yếu ở Iran.  Hệ phái này tin rằng người kế vị mặc khải Mohamad là con rể của mình tên là Nabi Ali, chồn của Fatimah, con gái của Mohamad. Do đó ngày nay người Shia ngoài tôn thờ  Mohamad, còn tôn vinh Ali và Fatimad là thánh... Hệ thống tổ chức Hồi Giáo trong hệ phái Shia hoàn toàn khác biệt vối phái Sunni. Tất cả tín đồ Hồi Giáo của phái Shia thường đặt dưới quyền điều hành và hướng dẩn bởi một cộng đồng chức sắc mang tên là Ayatollah, có hệ thống tổ chức và uy quyền riêng, có nhiệm vụ hướng dẫn, truyền bá, nghiên cứu, chuyển tải mọi triết lý và quy luật Hồi Giáo đến mọi người. Họ có qui chế riêng, thường tập trung trong những thánh đường riêng để nghiên cứu và tu niệm, và có đồng phục riêng. Những Ayatollah choàng khăn đen trên đầu là các vị tu sĩ xuất thân từ dòng họ của thánh Ali. Những Ayatollah mặc áo trắng là tu sĩ xuất than từ các bậc xã hội thông thường.

 

Hồi giáo ở Champa dù được du nhập và có nhiều nét tương đồng với Mã Lai, nhưng đã bị biến đổi rất nhiều so với Hồi giáo trên thế giới. Sản phẩm trực tiếp của sự du nhập này chính là cộng đồng Chăm Awal. Đây là một cộng đồng Hồi giáo đã bị biến thể và bản địa hóa đi rất nhiều. Trong khi Hồi giáo ở Mã Lai thuộc hệ phái Sunni, thì Hồi giáo ở Champa lại có nhiều điểm tương đồng với giáo phái Shia.

 

Cụ thể, Hồi giáo ở Champa ngoài tôn thờ Mohamad, còn tôn thờ cà Ali và Fatimad. Trong các văn bản Chăm còn lưu giữ ngày nay cũng cho thấy người Chăm Awal đã xem Ali và Fatimad là hai vị thần được tôn sùng và cầu khấn trong các lễ hội dân gian của cộng đồng. Trong tháng lễ Ramawan tại các thánh đường Chăm, các tu sĩ Chăm Awal ngoài đọc kinh ca ngợi Mohamad, còn đọc kinh ngợi ca Ali, Fatimad…[5]

 

Ngoài ra, người Chăm Awal còn có một hệ thống tu sĩ với các hàm giáo phẩm nhất định, tương tự như các Ayatollah của hệ phái Shia, đó là hệ thống Po Acar. Những vị Po Acar này thường mặt sắc phục màu trắng, choàng khăn trắng, có tua đỏ hai bên, đầu cạo trọc, không để râu, sau lưng có đeo hai túi vải hình dương vật (dua baoh klu) đại diện Nam tính trong khi các tu sĩ Basaih của cộng đồng Chăm Ahier đại diện cho nữ tính (các Basaih để tóc dài, để râu và đeo túi vải có hình tượng âm vật). Các Po Acar là những người nam được lựa chọn trong cộng đồng phải thông hiểu kinh kệ và qua những lễ thức lên chức đặc biệt, trong đời sống thường nhật phải có những kiêng cữ nhất định...

  

Ngày nay, tương ứng với mỗi làng cư trú của người Chăm Awal thì có một hệ thống chức sắc nhất vậy, và mỗi hệ thống này gắn liền với một thánh đường của làng. Mỗi hệ thống Po Acar gồm có nhiều cấp bậc theo thứ tự từ cao xuống thấp là:

 

• Cả sư (Po Gru), người đứng đầu thánh đường, quyết định ngày tháng và chủ trì các nghi lễ tại tư gia và cộng đồng;

• Imam là người thông thuộc nhiều kinh kệ;

• Katip thực hiện các nghi lễ trong thánh đường;

• Madin người điều khiển các buổi lễ đọc kinh phụ trợ cho Imam;

• Po Acar, là những người mới gia nhập giới tu sĩ và đang theo học kinh kệ của đạo[6].

 

Các Po Acar ngoài vai trò nghiên cứu, học tập, tu niệm và truyền đạt giáo lý, như các Ayatollah, còn là người thực hiện các nghi lễ tại tư gia như tang ma, cưới hỏi..., các nghi lễ của cộng đồng như cầu mùa, tảo mộ và vào tháng chay niệm Ramawan (Ramadan) họ phải vào thánh đường thực hiện chay tịnh trong vòng 30 ngày thay cho các tín đồ Awal, không được về nhà và chỉ ăn cơm vào lúc mặt trời lặn...

 

Mặc khác, khi nghiên cứu về cộng đồng Hồi giáo Champa mà hậu duệ là người Chăm Awal, chúng tôi còn nhận thấy họ mang nhiều yếu tố của dòng Sufism hay có thể tạm gọi là Hồi giáo Mật tông. Đây là dòng Hồi giáo ít được biết đến, thường thiên về chiều hướng thần bí và bùa trú của Hồi giáo, dòng này ngày nay tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á và Trung Quốc, phát triển lên đến đỉnh cao ở các cộng đồng theo đạo Hồi ở Tân Cương, hay phía Đông Ấn Độ...

 

Hồi giáo Champa như đã nói được tiếp nhận từ thế giới hải đảo Đông Nam Á, do đó Hồi giáo ở Champa cũng mang nhiều yếu tố bùa chú và thần bí tương tự như dòng Hồi giáo Sufism. Chẳng hạn, ngày nay dù người Mã Lai hay Chăm Awal đã có niềm tin với Allah nhưng họ vẫn lưu hành các loại văn chương, bùa trú để đuổi tà ma. Bên cạnh đó, người Chăm còn tiếp biến kinh Koran của Hồi giáo, từ một kinh sách chuyên về những điều răn dạy và thực hành tôn giáo của tiên tri Mahamad, thành những bài kinh có vai trò thần bí như kinh cầu được mùa, kinh xua đuổi tà ma, cầu phước lành, kinh đọc để thần linh chứng dám hôn lễ, lễ trưởng thành, hay kinh cầu siêu và mời gọi cho những người đã khuất...

 

Như vậy, có thể thấy Hồi giáo ở Champa sau thế kỷ XV có nhiều nét tường đồng với dòng Hồi giáo Shia như tôn thờ cả Mohamad và cả Ali, Fatimad, ngoài ra họ còn có một hệ thống chức sắc tôn giáo – các Po Acar để phục vụ cho các lễ thức tôn giáo của cộng đồng. Mặc khác, Hồi giáo ở Champa, thông qua quan sát cộng đồng Cham Awal ngày nay, cũng mang nhiều yếu tố thần bí như dòng Hồi giáo Sufism, thậm chí yếu tố này còn được tiếp biến lên mức thần bí hơn nữa.

 

Như vậy, có thể thấy đặc trưng đầu tiên của Hồi giáo ở Champa là Hồi giáo Shia, chứa đựng nhiều yếu tố Sufi, nhưng người Chăm không tiếp thu hoàn toàn các yếu tố đặc trưng của các dòng này mà tiếp biến nó một cách sáng tạo bằng chứng là dù có hệ thống chức sắc, nhưng các Po Acar của người Chăm có vai trò lớn hơn so với các Ayatollah của Shia, các yếu tố thần bí của Chăm cũng có nhiều dị biệt so với Sufi như đã nói... Để có được những đặc thù này thì người Chăm khi tiếp thu Hồi giáo đã tiến hành bản địa hóa tôn giáo này, sự bản địa hóa Hồi giáo chính là đặc trưng thứ hai của Hồi giáo Champa.

 

2). Hồi giáo mang nhiều dấu ấn bản địa

 

Khi đã nói đến tính bản địa của tín ngưỡng và tôn giáo Chăm nói riêng và của vùng Đông Nam Á nói chung người ta thường nói đến tín ngưỡng nông nghiệp (thường phổ biến ở các cư dân Đông Nam Á lục địa) hay tín ngưỡng thờ thần biển (thường phổ biến ở cư dân Hải đảo). Trong tín ngưỡng của người Chăm hai yếu tố thờ thần lúa và thần biển luôn luôn kết hợp thể hiện qua các nghi lễ truyền thống như Rija Nagar, Rija Praong, cầu đảo (Pakau sah)… mang đậm tính chất nông nghiệp cầu mưa thuận gió hòa…Tính bản địa còn thể hiện ở tín ngưỡng thờ đa thần, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, lên đồng, lên bóng (shaman giáo) và phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên đã khuất và đặc biệt yếu tố bản địa của người Chăm còn thể hiện qua chế độ mẫu hệ, một tính chất đặc trưng của nhóm cư dân Mã Lai – Đa Đảo ở Đông Nam Châu Á…

 

Trong quá trình tiếp nhận và cải biến các tôn giáo, trong đó có Hồi giáo, người Chăm không từ bỏ đi những tín ngưỡng bản địa truyền thống, chính vì vậy mặc dù tôn thờ Awloah (Allah), Mohamad, Ali… họ vẫn thờ cúng những vị thần bản địa vốn là những vị thần có công với đất nước, dân tộc như Po Klaong Garai, Po Rame, Po Riyak (thần sóng biển), Po Tang Ahoak… thờ cúng ông bà tổ tiên, thực hiện những lễ nghi cộng đồng mang dấu ấn nông nghiệp… Và duy trì truyền thống mẫu hệ của nhóm người Mã Lai – Đa Đảo.

 

Trước hết, khi Hồi giáo du nhập vào Champa, người Chăm đã biến đổi truyền thuyết sáng thế của người Chăm từ xa xưa thành truyền thuyết mới phụ hợp với cộng đồng Hồi giáo, tạo nên một nhân sinh quan mới của người Chăm Awal. Nếu như trước đây Po Ina Nagar (Bà chúa xứa sở) là người sáng tạo ra thế giới và vạn vật thì giờ đây xuất hiện thêm Po Kuk lại là người sáng tạo ra thế giới, ông sai các vị thần như Po Ina Nagar, Po Awloah (Allah), Mohamad... cùng tạo nên thế giới...[7]

 

Ngày nay trong cộng đồng Chăm đều lưu truyền hai truyền thuyết sáng thế này, chính vì thế người Chăm nói chung (cả Awal và Ahier) đều xem Po Awlaoh, Mohamad, Ali, Fatimad.... là các vị thần mới trong hệ thống thần linh của mình. Người Chăm có hai hệ thống thần linh là thần linh cũ gồm Po Ina Nagar, Po Klaong Garai... Còn có hệ thống thần linh mới gồm Po Awlaoh, Mohamad, Ali, Fatimah...

 

Nếu người Chăm Ahier xem Po Inagar là vị thần lớn nhất, thì người Chăm Awal xem Po Awloah (Allah) là vị thần đứng đầu các vị thần, trong các nghi lễ nông nghiệp như lễ cầu đảo (Rija Nagar) được tổ chức vào đầu năm người Chăm (cả Awal và Ahier) đều dâng lễ cho các vị thần dù là thần cũ hay mới. Trong các nghi lễ cộng đồng được tổ chức tại thánh đường như Ramawan, Suk Yeng (lễ ngày thứ sáu - ba năm một lần) người Chăm Awal đều cầu nguyện và dâng lễ cho tất cả các vị thần mới đứng đầu là Po Awloah.

 

Đây là một điểm khác biệt hoàn toàn so với cộng đồng Hồi giáo chính thống trên thế giới, nếu như Hồi giáo trên thế giới là tôn giáo độc thần, chỉ chấp nhận Allah là đấng duy nhất được tôn thờ, xem ngài như Thượng đế[8] thì người Chăm lại xem Allah mà họ gọi là Po Awlaoh chỉ là một vị thần đứng đầu các chư thần, đây là tín ngưỡng đa thần và người Chăm cũng chỉ có tư duy mờ nhạt về một Thượng đế duy nhất như Hồi giáo hay Thiên chúa giáo... Mặc khác, nếu như cộng đồng Hồi giáo thế giới không thờ cúng người đã chết, thì người Chăm Awal vẫn hằng năm đi tảo mộ và cúng vái người ông bà tổ tiên vào các ngày Ramawan hay các lễ của tư gia...

 

Tiếp đến, người Chăm Awal vẫn còn duy trì nhiều tập tục, nghi lễ dân gian mang đậm dấu ấn bản địa như các hệ thống lễ nghi nông nghiệp, trong hệ thống đó, các Po Acar là người trực tiếp tham gia hoặc chủ trì (bên cạnh các tu sĩ Chăm Ahier) các nghi lễ nông nghiệp chẳng hạn như: lễ cầu đảo (Palau Sah) thường tổ chức vào tháng 4 lịch Chăm, cho cả cộng đồng Chăm, trong lễ này các Po Acar tham dự và thực hiện tiểu lễ rước gậy thánh của Mohamah từ thánh đường đên cửa sông, biển và tiến hành dọc kinh Koran, cầu khấn mưa xuống cho mùa màng tốt tươi; sau lễ này là lễ chặn nguồn nước mà nội dung chính cũng là rước gậy thánh đến cửa sông, cầu khấn Allah, nhưng nội dung lại là cầu xin dừng cho mưa nhiều, gây lũ lụt phá hoại mùa màng...[9].

 

 Đặc biệt, các tu sĩ Po Acar cũng là người chủ trì chính trong buổi lễ Rija Proang..., Lễ Rija Proang là nghi lễ quan trọng trong chùm lễ hội Rija của người Chăm, mang đậm dấu ấn Hồi giáo, lễ này do dòng tộc tổ chức với mục đích cầu mong thần liinh và tổ tiên phù hộ cho gia đình hay để tạ ơn trong những dịp thăng quan, tiến chức hay được mùa màng. Trong nghi lễ này, các Po Acar phải là người đầu tiên bước vào nhà lễ, khai kinh cầu Po Awloah, vì thần được cúng chính trong nghi lễ, để mở đầu buổi lễ và trong suốt diễn trình lễ Po Acar phải thực nghi thức cắt cổ dê, đọc kinh liên tục để cầu Po Awloah, Mohamad…[10]

 

Ngoài sự duy trì đa thần giáo, thờ cúng tổ tiên và thực hiện các lễ nghi dân gian, Hồi giáo Champa còn mạng đậm tính bản địa qua sự duy trì yếu tố mẫu hệ. Xã hội Champa truyền thống và Chăm ngày nay là một xã hội mạng đậm dấu ấn mẫu hệ, con gái có trách nhiệm nối dòng tổ tiên, con gái út phải chăm sóc cho cha mẹ và giữ từ đường, phụ trách thờ cúng ông bà, con gái đi hỏi cưới con trai; con trai không có quyền thừa kế tài sản, con trai lớn lấy vợ phải về ở rể nhà gái, và khi mất đi phải quay về nằm trong nghĩa trang của dòng họ mẹ...[11]

 

Trong khi cộng đồng Hồi chính thống trên thế giới hầu như theo chế độ phụ hệ, trong kinh Koran còn có những tín điều phân biệt với phụ nữ, đề cao vai trò của người đàn ông, ví dụ như tục đa thê của người Islam trong kinh Koran ghi rõ: "Đàn ông là trụ cột (của gia đình) trên đàn bà bở vì Allah đã ban cho người này sức lực hơn người kia và vởi vì họ dung tài sản của mình để cấp dưỡng cho gia đình. Do đó người đàn bà đức hạnh nên phục tùng chồng … Và đối với những người đàn bà thất tiết hãy cảnh cáo họ…, và đánh họ (nhẹ tay) (4;34)[12]

 

Cộng đồng Chăm Awal mặc dù ảnh hưởng Hồi giáo, nhưng vẫn theo chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong các mối quan hệ xã hội như xã hội Chăm truyền thống. Biểu hiện của tinh chất mẫu hệ thể hiện ở huyết thông theo dòng mẹ: con gái Chăm Awal là người kế thừa gia sản của mẹ, làm chủ gia đình có phận sự thờ cúng tổ tiên vào các ngày lễ như Ramawan...; con trai Chăm Awal không được thừa kế, lấy vợ cũng phải ở rễ nhưng khi chết đi phải trở về chôn cất trong nghĩa trang dòng họ mẹ, gọi là các Gahul (nghĩa trang)...

 

Tương tự vậy, trong nghi lễ trường thành của người con gái gọi là Karơh quan trọng, được thực hiện cầu kỳ và  nhiều nghi thức hơn là lễ Katah của người con trai, đây là điều đôi lập so với các nước Hồi giáo trên thế giới, vì ở các nước ấy lễ trưởng thành của con trai (Khotah) với nghi thức cắt bao vi đầu diễn ra long trọng hơn. Nghi lễ nhập Gahul (nghĩa trang) của phụ nữ cũng diễn ra với nhiều tiểu tiết và được chú trọng hơn người đàn ông...

 

Việc duy trì các tín ngưỡng dân gian như thờ đa thần, thờ cúng ông bà tổ tiên, thực hiện các nghi lễ nông nghiệp và duy trì chế độ mẫu hệ trong đời sống và xã hội... Chinh là những tính chất bao trùm lên nền văn hóa cộng đồng Hồi giáo ở Champa sau thế kỷ XV và cộng đồng người Chăm Awal ngày nay, và chính đó, là đặc trưng cơ bản nhất của Hồi giáo ở đây, để cho nó không còn bản chất của Hồi giáo chính thông nữa mà được biến cải thành Hồi giáo bản địa. Tính bản địa chính là dấu ấn nổi bật của nền văn hóa Chăm nói chung và cộng đồng người Chăm Awal nói riêng.

 

3). Kết luận

 

Ở trên chúng tôi vừa sơ lược trình bày về một số đặc trưng của Hồi giáo ở Champa, mà ngày nay biểu hiện rõ nét trong cộng đồng người Chăm Awal tập trung ở miền Trung Việt Nam. Trong đó, chúng tôi tạm thời nêu ra hai đặc trưng cơ bản của Hồi giáo ở Champa và Chăm Awal ngày nay là: Sự pha trộn giữa giáo phái Shia và Sufim và các dấu ấn bản địa được biểu hiện thông qua sự tiếp nhận Hồi giáo nhưng duy trì tục thờ đa thần, trong đó không xem Po Awloah là một thượng đế mà chỉ là một vị thần linh đứng đầu trong số các vị thần. Mặc khác, họ còn duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thục hành các nghi lễ cộng động mạng đậm tính bản địa như các nghi lễ nông nghiệp, tục thờ thần sống biển.... Và đặc biệt là sự duy trì một truyền thống mẫu hệ (phụ quyền) trong sinh hoạt cộng đồng. 

 

Những đặc trưng trên chỉ là những nhận thức bước đầu của chúng tôi trong quá trình nghiên cứu về sự du nhập và hình thành Hồi giáo ơ Champa thông qua cộng dồng Chăm Awal, hậu duệ của những người Chăm theo Hồi giáo từ thế kỷ XVI. Chính vì thế, nghiên cứu này cần được cung cấp thêm nhiều nguồn bổ sung và góp ý để đề tài tiếp tục được mở rộng, do đó trong tương lai hy vọng sẽ có nhiều công trình hoàn thiện hơn được ra đời liên quan đến chủ đề này.

 

This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it



[1] Trong bài viết này chúng tôi sử dụng danh từ Chăm Awal thay cho Chăm Bàni và Chăm Ahier thay cho Chăm Bàlamôn. Theo chúng tôi, hai danh từ Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn không thể hiện đúng bản chất của hai cộng đồng này vì người Chăm ngày nay dù tiếp thu Bàlamôn giáo và Hồi giáo những đã biến thể đi rất nhiều và mang rất nhiều dấu ấn bản địa, nên sử dụng hai danh từ trên là không thể hiện đúng bản chất của hai cộng đồng. Trong khi đó, Awal và Ahier là hai thuật ngữ quen thuộc thường được sử dụng trong các sách vở bằng tiếng Chăm của các trí thức Chăm cao tuổi.

[2] Xem thêm: P-Y. Manguin: L’Introduction de l’Islam au Campa, BEFEO LXVI, Paris, 1979, pp. 255 – 287; Sakaya, Tiếp Cận Một Số Vấn Đề Văn Hóa Champa, Nxb Tri Thức, HN, 2013,  tr. 97 – 101;...

 

[3] Phan Xuân Biên – Phan An – Phan Văn Dốp, Văn hóa Chăm, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 304.

 

[4] Có thể xem: Phan Văn Dốp, “Tôn giáo trong xã hội của người Chăm ở Việt Nam”, Kinh tế - Văn hóa dân tộc Chăm, kỷ yếu hội thảo của Viện đào tạo mở rộng, TP.HCM, 1992, tr. 110 – 113; Hoàng Minh Đô (chủ biên), Bá Trung Phụ, “Đạo Bàni của người Chăm ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12/2007, tr. 52 – 56; “Tôn giáo trong cộng đồng người Chăm ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/ 2012. Nguyễn Thị Thanh Văn, “Hồi giáo của người Chăm ở Việt Nam – những yếu tố bản địa”, trong Tạp san Tagalau số 15, Nxb. Văn học, Hà Nội, Hà Nội, 2014, tr. 92 – 99, ...

 

[5] Sakaya (2013), sđd, tr. 97.

                                                                             

[6] Bá Trung Phụ: Đạo Bàni Của Người Chăm Ở Việt Nam, Tạp chí Ngiên Cứu Tôn Giáo, số 12 – 2007, tr. 54 - 55.

 

[7] Sakaya, sđd, tr. 101 - 102.

 

[8] Hosen Mohamad, Năm nền tảng Islam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 2.

 

[9] Sakaya, Lễ hội của người Chăm, Nxb. Văn hóa Dân tộc, HN, 2003, tr. 55 – 59.

 

[10] Sakaya, Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, sđd, tr. 190 – 191.

 

[11] Nguyễn Khắc Ngữ, Mẫu Hệ Chàm, Nxb Trình bày, Saigon, 1967, tr. 105 – 112;  Phú Văn Hẳn, “Vài biến đổi trong người Chăm mẫu hệ ngày nay”, trong Những vấn đề văn hóa – xã hội người Chăm ngày nay, Nxb. Trẻ, TP. HCM, 2014, tr. 36 – 38.

 

[12] Hassan Bin Abdul Karim (chuyển ngữ và biên soạn), Thiên kinh Quran bản dịch ý nghĩa và nội dung Việt ngữ, của Trung tâm ấn loát Quốc vương Ảrập ấn hành, 2004, tr. 84.