Nhận định về văn hóa internet của người Chăm Print
Written by Jaya Anaih   
Sunday, 06 April 2014 18:18
jaya anaih 10

Ngày 3-4-2014, tác giả Jaya Anaih có đăng bài viết trên web Gulpataom mang tựa đề : « Văn hóa inetnet của người Chăm » nhằm trình bày vai trò thông tin của mạng web đối với cộng đồng Chăm hôm nay và phân tích những hiện tượng tiêu cực của mạng web đã làm đảo lộn truyền thống văn hóa và xã hội của dân tộc Chăm do cha ông để lại. Trong bài viết, Jaya Anaih phân tích một cách trung thực  và nghiêm túc thế nào là vai trò và quyền lực của Internet trong bối cảnh xã hội Chăm hôm nay. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại chúng tôi xin trích lại nội dung bài viết của Jaya Anaih.

 

 

Internet : từ lợi ích về thông tin đến sự phiền toái hàng ngày

 

Theo Jaya Anaih :

« Internet là công cụ của con người, phục vụ con người trong cuộc sống thời hiện đại, giúp con người gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cái click chuột, hai người ở hai châu lục có thể biết tình hình sức khỏe, công việc, cuộc sống của nhau mà không cần phải chờ đợi mấy tháng trời cho một lá thư bằng giấy gửi đường bưu điện như ngày xưa (…) Bên cạnh những lợi ích trên, internet còn mang đến cho con người không ít phiền toái, mất thì giờ. Sự đa chiều của thông tin, đôi khi là “hỗn loạn” khiến người truy cập phải có đủ độ tỉnh táo để lựa chọn những thông tin cần thiết và bổ ích cho bản thân »

 

Internet : công cụ bôi nhọ giữa người Chăm

 

Trong bài viết, Jaya Anaih đưa ra nhận định như sau :

 Với người Chăm, internet không còn là thứ xa xỉ và cao sang gì nữa, mức độ tiếp cận thông tin của họ ngày một tăng dần, bằng chứng là nhiều người Chăm xem internet là một công cụ giúp họ trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của họ (…). Sự đa dạng thông tin là như thế, nhưng cách chọn lựa thông tin tin của người Chăm và mục đích sử dụng nó có phù hợp hay chưa. Thực tế cho thấy, ngoài việc sử dụng cho việc truyền tải thông tin, internet đang biến những người Chăm trở thành cây bút chống phá, bôi nhọ lẫn nhau. Vì không chấp nhận, lắng nghe quan điểm của nhau, họ đã biến internet thành chiến trường với những ngôn từ mạ lỵ, chửi rủa nhau không thương tiếc mà chúng ta quen gọi là “bút chiến”

 

Internet : mật khu của chiến sĩ nặc danh chống phá đối tượng thù địch

 

Nhìn qua những hiện tượng đã xảy ra trên Internet, Jaya Anaih cho rằng :

“Bút chiến” người Chăm bắt đầu xuất hiện bằng những email nặc danh, đây được xem là công cụ hữu hiệu cho những kẻ thích “ném đá dấu tay” với những người không cùng quan điểm. Champaka đã đưa lên trang web của mình hàng loạt email nặc danh là một bằng chứng cho thấy tình hình “bút chiến” vẫn còn rất ác liệt.

 

Chỉ cần lướt qua một email nặc danh do Po Tao gửi cho bà con, dung lượng chỉ khoảng năm trăm từ nhưng chứa trong đó hơn năm mươi phần trăm là ngôn từ của chợ búa, của những kẻ ngoài đường xó chợ thường hay dùng. Câu hỏi tại sao, trong thời đại mà con người được xem là chủ thể của thế giới, có thứ hạng cao cấp nhất trong hệ thống xếp bậc của loài động vật trong vũ trụ này, thì tại sao con người vẫn còn dành cho nhau những ngôn ngừ lỗ mãng và bất lịch sự quá đáng đến thế.

 

Internet và vai trò của đàn anh Chăm

 

Trong bài biết, Jaya Anaih đưa ra nhận định như sau về bậc đàn anh:

Công cuộc bảo tồn văn hóa của người Chăm là công cuộc dài lâu và đỏi hỏi tính thống nhất, bậc đàn anh đi trước phải làm tấm gương để thế hệ sau dõi theo. Thế nhưng, khi lang thang vài trang mạng hay khi check email cá nhân thì họ chỉ nhận được kết quả là những bài viết chửi rủa và nhục mạ nhau, lập đi lập lại, ngày này qua tháng nọ, không thấy một sự thay đổi tiến bộ nào. Văn hóa sử dụng internet của người Chăm chỉ đến cấp độ đó hay sao ? Với những gì bậc tiền bối để lại, giới trẻ Chăm sẽ phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ chia rẽ bè phái, vì mỗi người sẽ chọn cho mình một quan điểm riêng, cộng với cái tôi rất cao của người Chăm, điều này rất dễ dẫn đến việc tiếp tục tạo ra những nhóm đối lập quan điểm với nhau, tiếp tục tạo ra tình trạng “bút chiến” ác liệt và không lối thoát dành cho cộng đồng trí thức Chăm.

 

Internet : vũ khí chia rẻ dân tộc Chăm

 

Jaya Anaih cũng không quên nhận định về mối liên hệ giữa Inernet và ý thức hệ đoàn kết của dân tộc Chăm hôm nay :

Cộng đồng Chăm rất thiểu số so với đa số cộng đồng người Kinh, chính vì thế chúng ta không thể biện minh cho việc tạo ra chiến trường “bút chiến” là giải pháp để giải quyết những vấn đề chưa thống nhất. Người Chăm rất ít, số trí thức Chăm lại càng ít hơn, đã thiểu số mà không biết đoàn kết thì tất yếu dẫn đến thất bại.

 

Bởi trên con đường thành công của cộng đồng luôn đòi hỏi tính đoàn kết. Khi đoàn kết, con người có thể xí xóa cho nhau những lỗi vặt nhỏ nhặt, người Chăm có câu “đóng cửa dạy nhau” là thế. Nhiều người đặt câu hỏi, với người Chăm thì đoàn kết là một thứ gì đó rất xa xỉ và hoàn toàn vượt tầm với của họ ? Nhiều người cho là như vậy, nhưng riêng tôi thì lại khác. Người Chăm đoàn kết hơn bất cứ dân tộc nào khác, thử đi tham dự một đám tang hay cưới hỏi của người Chăm thì biết, họ xem việc giúp nhau trong đám hội là nghĩa vụ và bổn phận của mình, không cần ai nhắc nhở, họ gọi đó là “daong gep”. “Daong gep” trở thành nét đẹp truyền thống của họ. Đó là chúng ta đang nói đến cộng đồng Chăm bé nhỏ ngoài đời thực. Còn trên trang mạng xã hội, internet thì sao ? Các trí thức có học hỏi được điều này ở bà con Chăm hay không thì tình hình “bút chiến” đã cho chúng ta câu trả lời.

 

Internet : diễn đàn bút chiến giửa người Chăm

 

Sau cùng, Jaya Anaih cho rằng Internet trở thành công cụ cho chiến trường bút chiến giữa người Chăm :

Một khi chúng ta không còn sự tỉnh táo để tiếp cận thông tin và đối thoại với nhau trên internet nữa thì chúng ta phải chấp nhận những tác dụng ngược của nó mang lại. Chúng ta đang thấy giới trí thức Chăm đang lơ là việc tận dụng lợi ích của internet. Thay vì dùng internet để truyền tải thông tin văn hóa, góp phần bảo tồn nét đặc sắc của dân tộc mình thì họ đang biến nó thành công cụ để giải quyết mâu thuẫn quan điểm. Chúng ta cho rằng internet là công cụ của con người, con người có thể điều khiển nó theo mục đích của mình, thực chất đó là một lầm tưởng tai hại.

 

Một khi con người không còn tỉnh táo để sử dụng internet nữa thì nó biến con người chúng ta thành những công cụ, những công cụ chỉ biết đấu đá, chửi rủa nhau mà không mang lại một kết quả tốt đẹp nào cả. Thay vì hô hảo phải bảo vệ cho bằng được di sản Champa, thì ngay bây giờ, hãy thay đổi suy nghĩ trong việc sử dụng internet trước đã. Chúng ta đang sa vào vũng lầy của “bút chiến” mà đối thủ của ta không ai khác là đồng tộc, là anh em họ hàng, là những con người cùng chảy một dòng máu Champa từ nghìn đời nay.

 

Đôi lời kết luận

 

Bài viết của Jaya Anaih có đôi lời kết luận như sau :

Văn hóa sử dụng internet của người Chăm là một phạm trù rộng và nhận diện nó bằng nhiều khía cạnh, đa góc độ. Intener đa dạng, người sử dụng nó phải biết chọn lựa thông tin và biết rõ mục đích sử dụng của mình. Người Chăm đang cần bậc đàn anh, giới trí thức sử dụng nó ở khía cạnh có văn hóa và tích cực hơn. Thay vì suốt ngày chửi rủa nhau, thì hãy cho nhau những bài học, quan điểm hay vạch ra đường lối để phát triển dân tộc Chăm, về kinh tế và cả mặt xã hội. Đó là điều mà cộng đồng Chăm cần hơn bao giờ hết.

 

Jaya Anaih

Panduranga 2/4/2014

 

Bài đọc thêm:

 

• Email nặc danh của Po Tao ngày 29-3-2014 nhằm tôn vinh Inrasara về ngôn ngữ Chăm

• Email nặc danh của Sử Thị Thúy Diễm ngày 6-4-2014 nhằm trù dập Dương Chi Mai, con của cựu thiếu tá Dương Tấn Sở