Phản hồi bài viết về vấn nạn sinh viên Chăm của tác giả Ja My Print
Written by Ja Alin (độc giả trong nước)   
Sunday, 03 August 2014 06:02
ja alin

Giai điệu tự hào: Có thiệt nhiều lúc chúng ta cần sống cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Dẫu biết rằng ta đã mất quá nhiều thứ: đất nước, văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ… và rất nhiều thứ khác kể cả văn hoá con người trong thời kỳ đồng hoá đến hội nhập hôm nay. Chẳng trách ai cả chỉ vì định mệnh có phần. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, định mệnh duyên phận của một nước một quốc gia cũng như định mệnh con người. Và như vậy có nghĩa rằng Champa không thể tồn tại thời oanh liệt với khoa học kỹ thuật (qua kỹ thuật xây dựng tháp), văn hoá, ngôn ngữ, con người…là đỉnh cao mãi được. Mà định mệnh bắt họ phải tạm diệt vong (tạm để chuẩn bị cho một khởi đầu mới hoàn thiện hơn, có lẽ). Như vậy con người hiện đại mới bắt nhịp cho kịp với nhịp điệu nhận thức. Nhưng máu trong tim người đi tới đâu cũng trở về tim. Đó là quy luật của thiên nhiên, quy luật của một vòng tuần hoàn: mất rồi được, được lại mất. Cũng như tôi, đã có thời gian thu nhập rất khẩm với trang trại mini gà thả vườn, tha hồ ăn nhậu trên bàn tiệc toàn thịt gà những thịt gà. Và giờ chẳng có cánh gà chiên nào mà gặm. Ôi, nghiệt ngã thay cái thời oanh liệt. Nhưng đó là bước ngoặc để có một đà dặm kinh nghiệm hơn cho việc chăn nuôi sau này của đời tôi.

 

Vài cảm nhận

 

Tất cả là quá khứ và chúng ta có thể cầm chừng được những giọt nước mắt nếu không muốn hồi khứ. Nhưng những thần dân Champa ơi! Chúng ta đừng buồn mãi hay trách cứ mãi ai khi chúng ta chẳng muốn ngẩn cao đầu nhìn trước ngó sau thấy toàn xe là xe người là người mà bước đi thật vững vàng trên những con đường đầy chông gai. Bởi rằng bên cạnh mất mát đó chúng ta vẫn còn, còn văn hoá và con người. Một dòng máu Chàm đang điều hoà trong hệ tuần hoàn của những cơ thể hốc hác nhưng đầy nghị lực.

 

Đúng như những gì Ja My đã viết. Các cử nhân Chăm của các trường Đại học ra trường chẳng có việc làm và vô cùng phẫn nộ cho số phận. Còn muốn có việc làm thì phải “ đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nhưng nếu phủ nhận “nhất thế nhì thân” thì coi như “ tiền mất tật mang”. Trả nợ cả đời nghèo nàn ba mẹ chẳng hết, thế là họ không còn hứng thú với việc học tập của con em dù kết quả học lực hạnh kiểm của con em mình chẳng chê vào đâu. Và chúng ta biết rằng người Chăm có thân thế bây giờ của xã hội này là ít và có chăng họ phải là những “con rối” thời đại. Thất vọng đứa con trước thành ra vô vọng đứa con sau. Và tôi cũng chẳng ngoại lệ, đang thất nghiệp đều đều sau nhiều năm mãn trường. Có đứa cháu rất đam mê và rất có chí học tập đang là gánh nặng của chị tôi.

 

Nói để quên và quên để không nhớ không đau. Hãy quên đi nhé, tự dặn buồn lòng mình để khỏi ngó ngàng gì đến công chức viên chức nào cả. Nhưng tôi học để biết và biết để nhận diện vấn đề. Đứa cháu tôi cũng hướng đó theo tôi. Để cuộc sống không ngừng tụt hậu ta phải tập nhận biết mọi điều sai trái trên đời dẫu không mang lợi cho ta. Nhưng trước hết “dân ta phải biết sử ta” dù chẳng tìm thấy dự liệu giáo dục nào ghi và ta phải tìm tòi. Tôi luôn mong rằng khoảng chục năm sau hay nhiều thêm chút nữa cũng chẳng sao. Chức sắc Chăm thực thụ là một tri thức. Tri thức về mọi mặt và luôn là tấm gương của xã hội như tiền sử Champa đã có rồi. Và thời nay họ có thể trò chuyện bằng ba ngôn ngữ: Chăm, Anh, Việt. Còn thế hệ trẻ Chăm trong bộ trang phục truyền thống dân tộc trong mỗi độ Ka tê trên tháp cũng được như vậy.

Tôi cũng luôn mong rằng cũng khoảng thời gian ấy. Trên cánh đồng một vụ khô khan trông nước trời một người chăn bò hay cày ruộng, cấy mạ hay làm gieo… họ cũng có trong tay bằng cử nhân Đại học.

 

Như vậy cuộc sống cũng như nở hoa bốn mùa trong các xó xỉnh những làng Chăm nghèo nàn rồi. Có bằng cấp không phải để làm công chức hay viên chức gì đó. Mà để ta sống đẹp đời hơn và có văn hoá ứng xử tốt hơn. Bao nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ thần dân Champa hiện tại cũng có tinh thần hiếu học không kém tiền nhân họ ( được thể hiện qua tác phẩm truyện cổ “tìm thầy học bán vợ”). Tôi tin rằng với sự suy nghĩ và tinh thần hiếu học của người Chăm bây giờ họ sẽ làm được điều đó. Vì sự lạc quan tôi chắc chắn sẽ không muộn.

 

Ja Alin