Quan điểm của Ts. Po Dharma về Đại Hội Champa lần II-2015 Print
Written by Ts. Po Dharna   
Wednesday, 22 April 2015 01:07
dai hoi 2015-1
Ts. Po Dharma

Ngày 24-5-2015 đánh dấu buổi lễ khai mạc Đại Hội Champa lần II-2015 tại hội trường của đại học Davis, California, Hoa Kỳ. Đại hội này có chủ đề: “Hồi sinh lại vấn đề Champa: Chuyển hướng từ quá khứ đến tương lai” do IOC-Champa tổ chức về mặt pháp lý, với sự bảo trợ của 3 viện nghiên cứu thuộc đại học Davis, California và Hội Đồng Phát Triển Văn Hoá Xã Hội Champa có trụ sở ở Hoa Kỳ. Nhân dịp đại hội 2015, BBT Champaka.info xin Ts. Po Dharma đưa ra quan điểm của ông về diễn đàn này. Đây là nguyên văn bài viết của Ts. Po Dharma.

 

Đại Hội Champa lần II-2015

Niềm hy vọng cho ngày hội ngộ của dân tộc Chăm

 

Ts. Po Dharma

 

Dân tộc Chăm là cộng đồng tộc người bản địa đã có mặt trên địa bàn Việt Nam và Campuchia hơn 20 thế kỷ qua. Biến cố chính trị ở Đông Dương vào năm 1975 đã đưa đẩy một số người Chăm sang định cư ở châu Mỹ và châu Âu. Hoa Kỳ là quốc gia đón nhận đông đảo nhất cộng đồng người Chăm tập trung chủ yếu ở tiểu bang California và Wasington State. Theo ước tính của một số nhà nghiên cứu, Chăm Châu Đốc chiếm tỷ lệ cao nhất ở Hoa Kỳ, tiếp theo là Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, và sau cùng là Chăm Campuchia.

 

Sống lưu vong tại hải ngoại, dân tộc Chăm không ngừng khởi xướng những phong trào đấu tranh để bảo vệ di sản truyền thống và nguồn gốc lịch sử của họ, qua các tổ chức hội đoàn thường dựa vào hai chủ đề: bảo tồn văn hoá Champa và tín ngưỡng Hồi Giáo. Mỗi hội đoàn đều có nội qui riêng và mục tiêu riêng, có mô hình sinh hoạt mang tính cách độc lập. Đa số hội đoàn Chăm tại Hoa Kỳ thường tập trung những thành viên có chung một tín ngưỡng hay xuất thân từ một khu vực hành chánh khi còn ở Việt Nam hay Campuchia. Chăm Islam thường gia nhập vào tổ chức Islam trong khi đó Chăm Ninh Thuận thường tập trung những thành viên Chăm xuất thân từ tỉnh Ninh Thuận, v.v. là những thí dụ điển hình. Những sinh hoạt mang tính cách địa phương và lòng tin vào tôn giáo không phải là bản sắc riêng của dân tộc Chăm, mà là mô hình chung của tất cả tổ chức xã hội dân sự trên thế giới.

 

Xã hội Chăm cần có tiếng nói của nhiều hội đoàn

 

Đứng trên phương diện xã hội mà phân tích, sự ra đời của nhiều hội đoàn người Chăm ở hải ngoại là một niềm phấn khởi và đáng hoan hô. Đây là vấn đề vô cùng cần thiết trong tiến trình phát triển xã hội. Vì mục tiêu của mỗi hội đoàn Chăm ở hải ngoại cũng nhằm góp phần vào các công tác yểm trợ, giúp đỡ người Chăm đồng hương để phát triển các chương trình xã hội, bảo tồn di sản văn hoá và đời sống tâm linh của dân tộc này. Theo quan điểm tôi, một xã hội không có tiếng nói của nhiều hội đoàn sẽ trở thành một xã hội bế tắt và dễ bị thống trị bởi một tập đoàn chính trị nào đó, tức là xã hội xây dựng theo chủ thuyết cộng sản, ngăn cấm mọi sinh hoạt của các tổ chức phi chính phủ.

 

So với cộng đồng người Việt, người Chăm ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại chỉ có vài tổ chức hội doàn: IOC-Champa, Hội Đồng Phát Triển Văn Hoá và Xã Hội Champa, Hội Bảo Tồn Văn Hoá Champa, Hội Văn Hoá Truyền Thống Champa, Hội Văn Hoá và Nghệ Thuật Champa, Hội Thanh Niên Chăm Palei Ram, Hội Muslim Chăm, v.v. Đây là những tổ chức dân sự mang tính cách thiện nguyện, nhưng không ngừng đóng góp rất nhiều công lao cho tiến trình phát triển xã hội Chăm tại hải ngoại. Mỗi hội đoàn đều có chương trình hoạt động riêng, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn nằm trong chiều hướng góp phần xây dựng xã hội, bảo tồn văn hoá và tín ngưỡng của dân tộc này. Đây là những công trình bổ ích và quí giá, đáng được ghi trên trang sử. Nếu Hội Văn Hoá Truyền Thống Champa có trụ sở ở Sacramento và Hội Bảo Tồn Văn Hoá Champa có trụ sở ở San Jose thường tổ chức Kate và Rija hàng năm để bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc Chăm, thì IOC-Champa cũng không ngừng tập trung vào công tác chuyển tải di sản lịch sử và văn hoá Champa đến mọi người qua công trình xuất bản tập san Champaka do tổ chức Champaka có trụ sở ở Pháp thực hiện và Hội Đồng Phát Triển Văn Hoá và Xã Hội Champa cũng đã từng vận động đấu tranh cho quyền của người Chăm bản địa và sẳn sàng hổ trợ hay bảo trợ cho bất cứ hội đoàn nào đấu tranh cho phong trào văn hoá và xã hội Champa, v.v.

 

Tính tiêu cực của xã hội Chăm đa hội đoàn

 

Tại các cuốc gia tân tiến, tổ chức hội đoàn là vấn đề cần thiết để góp phần vào công trình phát triển xã hội. Nhưng tôi cũng không quên rằng một xã hội có lắm hội đoàn và nhiều tổ chức thiện nguyện cũng là yếu tố tiêu cực có thể làm trì hoản đi sự phát triển của cộng đồng và thường gây ra bao khủng hoảng trong xã hội đó. Thực trạng của cộng đồng Chăm tại hải ngoại hôm nay là bằng chứng điển hình.

 

Ai cũng biết, dân tộc Chăm đang gánh chịu bao biến cố đau thương gần 4 thập niên qua: Tài sản và đất Chăm đai bị chiếm đoạt; chủ quyền của người Chăm trên di tích lịch sử Champa bị tước đoạt; Đền tháp Chăm bị bao vây để thu tiền khách du lịch; Ngôn ngữ chữ viết Chăm cũng bị cải cách một cách vô lý; Lịch sử Champa bị ngăn cấm trong các trường lớp; Lò hạt nhân bắt đầu hình thành trong địa phận của người Chăm; Quyền làm người Chăm bản địa không được công nhận; Dân tộc Chăm đang lâm vào cảnh nghèo đói và bần cùng; Thanh niên Chăm không còn niềm tin để nhận lấy trách nhiệm đối với dân tộc, v.v.

 

Và ai cũng biết, các hội đoàn Chăm tại hải ngoại cũng đã từng đóng góp công lao, dù ít hay nhiều, vào cuộc vận động bảo vệ quyền lợi của dân tộc này. Tiếc rằng những công trình đấu tranh của họ thường phát triển trong phạm vi quá giới hạn và chỉ nằm trong biên giới của từng hội đoàn, trong khi đó một số vấn đề trọng đại của dân tộc Chăm mà tôi vừa nêu ra, rất cần có tiếng nói chung và hợp tác chung của tất cả hội đoàn. Sự liên kết giữa hội đoàn Chăm là yếu tố “quyết định” trong mọi tổ chức dân sự nhằm phô trương ý thức hệ đoàn kết của dân tộc để đối phó với những những biến cố đã xảy ra, qua các kháng nghị thư, các hội thảo chuyên đề về dân tộc hay những bài viết nhằm trình bày quan điểm chung của tiếng nói người Chăm tại hại ngoại. Cũng vì không có sự liên kết giữa hội đoàn, những công trình đấu tranh cho xã hội Chăm đã trở thành công tác nhất thời, tạm bợ và chỉ lưu hành trong nội bộ của từng hội đoàn.

 

Gần 3 thập niên qua, xã hội Chăm ở hải ngoại đang trải qua bao cơn khủng hoảng không lối thoát, phát xuất từ xã hội Chăm có nhiều hội đoàn, nhưng phần ai náy sống, đường ai náy đi, không có tiếng nói chung một khi danh dự và quyền lợi của dân tộc bị đe doạ và cũng không cương lĩnh chung về số phận của dân tộc Chăm trong thế kỷ thứ 21 này. Đây là sự thật của lịch sử mà không ai có quyền chối cải. Nhưng theo tôi, sự khủng hoảng này không phát xuất từ xu hướng khác biệt về tư tưởng chính trị: “anh theo cộng hoà, tôi theo cộng sản”, mà là phát sinh từ tư duy tiêu cực về ý thức hệ đoàn kết dân tộc, tức là không chấp nhận qui luật tôn trọng lẫn nhau, thông cảm cho nhau, liên kết với nhau hay chung vai sát cánh với nhau để đối phó với những biến cố đã xảy ra có thể làm tổn thương đến quyền lợi của dân tộc. Và sự khủng hoảng này còn phát sinh từ một yếu tố khác có nguồn gốc rất đa dạng và phức tạp, mang tính cách cá nhân và gia đình, thường kéo theo sự ra đời của phe nhóm đã làm cản trở đi niềm tin liên kết với nhau dưới mái nhà Champa chung. Đây không phải là thực trạng riêng tư của dân tộc Chăm mà là hiện tượng chung của bất cứ xã hội nào xuất thân từ các quốc gia chậm tiến trên thế giới. Tiếc rằng cộng đồng Chăm tại hải ngoại quá ít oi, thành ra mọi sự phân tán trong xã hội đã biến thế hệ trẻ và thanh niên Chăm thành cộng đồng tiêu cực, sống co cụm lại trong không gian của gia đình và hội đoàn của mình, để rồi quên đi một yếu tố quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội, đó là ngoài công tác bảo vệ cho gia đình và hội đoàn của mình, thế hệ trẻ và thanh niên Chăm còn có nghĩa vụ bảo vệ cho dân tộc và quê hương Chăm đổ nát này.

 

Mặc dù không có sự liên kết và hợp tác với nhau để thực hiện chung một dự án nào đó, nhưng hầu hết các bậc đàn anh, trí thức và thanh niên Chăm tại hải ngoại không bao giờ bày tỏ tính hận thù đối với người đồng tộc hay chủ trương chia rẻ dân tộc. Ngược lại, họ lúc nào cũng quí mến nhau, nhân ngày lễ hội hay đình đám và thường bày tỏ niềm khao khác về tình đoàn kết giữa người Chăm, nhưng chưa cơ hội để thực hiện. Đây cũng là điều đáng mừng cho xã hội Chăm hôm nay: Người Chăm đồng tộc thường hay chia cách nhau và nghi ngờ lẫn nhau chung quanh đường lối đấu tranh cho dân tộc, khưng không bao giờ gây hận thù với nhau.

 

Gần 3 thập niên qua, sự chia cách giữa hội đoàn Chăm đã để lại cho cộng đồng Chăm một ít vết thương đáng buồn. Nhưng dù là vết thương chính trị hay vết thương xã hội đi nữa cũng cần có cơ hội chính đáng để hàn gắn lại. Hoa Kỳ và Trung Quốc không bao giờ chấp nhận ngồi chung một bàn kể từ năm 1949. Cũng nhờ cơ hội viếng thăm của đội bóng bàn Hoa Kỳ sang Trung Quốc vào năm 1971, hai nước chấp nhận nối kết lại mối bang giao ôn hoà. Xã hội Chăm cũng không thể thoát ra khỏi qui luật này. Muốn hàn gắn lại sự xa cách giữa hội đoàn Chăm, thì xã hội Chăm cũng cần có cơ hội chính đáng hầu giải toả những sự khác biệt giữa tổ chức của người Chăm tại hải ngoại.

 

Đại Hội Champa lần II-2015: niềm hy vọng cho ngày hội ngộ của dân tộc

 

Năm 2007, đánh dấu “Đại Hội Champa lần thứ nhất” để kỷ niệm 175 năm Champa bị xoá bỏ trên bản đồ. Đây là biến cố lịch sử quan trọng và cũng là cơ hội quí giá để dân tộc Chăm xây dựng lại ngày hội ngộ và hàn gắn lại những sự chia cách giữa hội đoàn, nhưng không đạt đến kết quả mỹ mãn, vì có nhiều yếu tố rất phức tạp trong giai đoạn đầu mà dân tộc Chăm chưa có dịp hiểu nhau chung quanh vấn đề “ý thức hệ lịch sử” hay khái niệm về “quyền lợi chung của dân tộc”.

 

Tháng 5 năm 2015 đánh dấu ngày ra đời của “Đại Hội Champa lần thứ hai” tại đại học Davis, California, Hoa Kỳ, nhân ngày ra mắt tác phẩm “Vương quốc Champa: địa dư, dân cư và lịch sử” của Gs. P-B. Lafont do Jay Scarborough chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Đây là diễn đàn dành cho thanh niên Chăm trên thế giới để bàn về vai trò của họ đối với số phận của dân tộc Chăm hôm nay và trách nhiệm của họ trong công trình định hướng và chỉ đạo những phong trào đấu tranh trong tương lai để bảo vệ danh dự, quyền lợi và di sản văn hoá của dân tộc trong thế kỷ thứ 21 này.

 

dai hoi 2015-2

 

Dù đại hội này do IOC-Champa tổ chức trên mặt pháp lý, nhưng ban tổ chức và chương trình của đại hội hoàn toàn nằm trong tay của thế hệ thanh niên, đặt dưới sự điều hành của cô Julie Thi Underhill và Azizah Ahmad, với sự hổ trợ của cô Asma, và Amina, bốn phụ nữ Chăm tốt nghiệp từ đại học Hoa Kỳ và xuất thân từ 3 miền khác nhau: Panduranga, Châu Đốc và Campuchia. Điều này đã chứng minh rằng Đại Hội Champa 2015 không phải là đại hội của IOC-Champa và cũng không phải là đại hội của cô Julie Thi Underhill như một số người đã hiểu lầm, mà là Đại Hội do bàn tay thanh niên Champa tổ chức để bàn về vai trò của mình đối với dân tộc và trách nhiệm của mình đối với di sản lịch sử.

 

Đối với tôi, Đại Hội Champa 2015 là một biến cố quan trọng chưa từng xảy ra trong xã hội Chăm. Lầu đầu tiên trong lịch sử, diễn đàn Champa không do bậc đàn anh tổ chức, mà là do thế hệ thanh niên Chăm đứng ra đảm trách và qui hoạch chương trình. Và đây cũng là lần thứ 2 trong lịch sử (lần thứ nhất tại đại học Berkeley, California, 1990 do IOC-Champa tổ chức), Đại Hội Champa 2015 sẽ diễn ra tại hội trường của đại học Davis (California) dưới sự bảo trợ và tài trợ kinh phí của đại học này. Vai trò của 4 cô thanh nữ Chăm lãnh trách nhiệm tổ chức Đại Hội Champa 2015 là gương sáng cho thế hệ mai sau nhằm chứng minh rằng tục ngữ Chăm: “con trai có vai trò chiếu đấu, còn phụ nữ chỉ biết lo về bếp nút” (likei deng di masuh kamei deng di manâk), không còn giá trị nữa.

 

Đại Hội Champa 2015 còn là “ngày di sản lịch sử Champa” của dân tộc, qua lễ ra mắt tác phẩm bằng tiếng Anh mang tựa đề “Lich Sử Vương Quốc Champa”. Tác phẩm này viết bằng tiếng Pháp sau này dịch sang tiếng Việt. Bản tiếng Anh là tác phẩm dành cho thế hệ trẻ Chăm định cư ở nước ngoài không biết Pháp và tiếng Việt. “Lich Sử Vương Quốc Champa” là tác phẩm do IOC-Champa xuất bản dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Phát Triển Văn Hoá Xã Hội Champa.

 

Hy vọng rằng lễ ra mắt tác phẩm “Lịch sử Champa” trong ngày Đại Hội, dù ngắn gọn trong 2 hay 3 phút, nhưng sẽ diễn ra trong bầu không khí “nghiêm trang” để nói lên tinh thần của dân tộc Chăm luôn luôn tôn kính các bậc tiền nhân đã hy sinh vì đất nước để xây dựng tiến trình lịch sử của vương quốc Champa.

 

Một khi Đại Hội Champa 2015 là diễn đàn dành của thanh niên, thì đại hội này rất cần có sự hiện diện và sự yểm trợ của tất cả thanh niên Chăm trên thế giới và các hội đoàn Chăm có mặt tại Hoa Kỳ. Vì mục tiêu của Đại Hội chỉ nhằm khôi phục lại lực lượng thanh niên Chăm hầu chứng minh rằng các bậc đàn anh Chăm và thế hệ thanh niên Chăm hôm nay sẳn sàng bỏ quên tất cả những buồn phiền trong quá khứ để nối kết lại tình đoàn kết dân tộc và xây dựng lại mối liên hệ giữa những người đồng tộc có chung một dòng máu của lịch sử để làm một chút gì cho quê hương đổ nát.

 

Theo tôi, dân tộc Chăm có quyền không đồng tình với một số quan điểm của ban tổ chức Đại Hội Champa 2015, nhưng dân tộc Chăm không thể từ chối tham gia đại hội này. Vì rằng, sự hiện diện của người Chăm trong ngày đại hội không biểu tượng cho sự thua trận hay thắng trận của hội đoàn nào trong phong trào đấu tranh cho dân tộc, mà là nghĩa vụ của người Chăm mất nước đối với sự sống còn của dân tộc. Kể từ đó, chung vai sát cánh với nhau để cùng nhau tôn vinh tên gọi “Champa” tại hội hội trường của đại học Davis-California vào ngày 24-5-2015 là mục tiêu chính yếu nhằm giải thích tại sao người Chăm phải có mặt trong đại hội.

 

dai hoi 2015-3

 

 

* *

 

Lịch sử Champa là tổng thể của những cuộc đấu tranh liên tục của dân tộc, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu các bậc tiền nhân Champa đã từng hy sinh cả xương máu để xây dựng lịch sử của quốc gia này trong hàng chục thể kỷ, thì dân tộc Chăm hôm nay không thể quay lưng với Đại Hội 2015, được xem như là một biến cố trọng đại nhằm biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc Chăm đối với bậc tiền bối đã làm nên lịch sử của vương quốc Champa. Kể từ đó, tham gia Đại Hội Champa 2015 là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người Chăm không còn quê hương tổ quốc đối với sự sống còn của dân tộc Chăm trong thế kỷ thứ 21 này.

 

Với tư cách là cứa con của dân tộc Chăm, tôi sẽ có mặt trong ngày Đại Hội Champa 2015, dù diễn đàn này do hội đoàn Chăm nào đứng ra tổ chức đi nữa. Sự hiện diện của tôi không nhằm quảng cáo cho tên tuổi của ban tổ chức hay tôn vinh thanh danh của hội đoàn nào, mà là nghĩa vụ của một người Chăm “mất nước” trong cuộc góp phần với những người đồng tộc cùng chung một dòng máu của lịch sử Champa, để làm một chút gì cho quê hương đổ nát.

 

Hy vọng rằng Đại Hội Champa 2015 sẽ là niềm hy vọng cho ngày hội ngộ của tất cả hội đoàn và thanh niên Chăm tại hải ngoại để quên đi những buồn phiền trong quá khứ hầu định hướng lại một giải pháp chung cho định mệnh của dân tộc Chăm trong thế kỷ thứ 21.