Phụ nữ Chăm tại hải ngoại trong vai trò điều hành Đại Hội Champa 2015 Print
Written by Ja Karo (độc giả trong nước)   
Wednesday, 06 May 2015 21:50
ja karo 6-5-15-10

Ja Karo là cây bút người Chăm trong nước đã từng viết nhiều bài về thực trạng xã hội Chăm có nội dung rất nghiêm túc, qua phong cách lý luận vừa khách quan vừa trong sáng và dựa trên những yếu tố vững chắc để chứng minh cho lời nói của mình. Nhân ngày diễn đàn của thanh niên Champa 2015, Ja Karo đưa ra vài nhận định về vai trò của phụ nữ Chăm nắm vai trò tổ chức Đại Hội Champa 2015 mà chúng tôi xin đăng sau đây:

 

 

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐẠI HỘI CHAMPA LẦN THỨ II

Tổ chức ngày 24-5-2015 tại đại học Davis, California, Hoa Kỳ

Ja Karo

 

Chỉ còn hơn hai tuần nữa là Đại Hội Champa lần thứ II-2015 tại Đại học Davis, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu phiên khai mạc. Khác với những kỳ đại hội trước, chủ trì hội nghị không phải là những hội, đoàn với những đấng nam nhi quen thuộc, mà là bốn nữ trí thức Chăm, tuổi đời còn rất trẻ, tốt nghiệp từ các đại học ở Hoa Kỳ, có xuất thân nguồn gốc từ ba miền khác nhau: Chăm miền trung Panduranga, Chăm miền nam Châu Đốc và Chăm ở Cambodia. Nhiều người đặt câu hỏi cho sự khác biệt này lẫn đưa ra những dự đoán ở tương lai về những thuận lợi và khó khăn. Bài viết này cũng không ngoài mục đích đó.

 

1). Thuận lợi

 

Truyền thống văn hóa mẫu hệ của người Chăm trong xã hội hiện đại

 

Với truyền thống văn hóa mẫu hệ, người phụ nữ Chăm có vai trò đặc biệt trong gia đình, dòng họ không chỉ về quyền thừa kế và quản thủ tài sản mà còn trong các lễ nghi quan trọng theo tục lệ người Chăm. Hơn nữa theo truyền thuyết, dân tộc Champa tôn xưng Nữ thần Po Ina Nagar là “Thần mẹ của xứ sở”, người đã khai sáng ra giang sơn gấm vóc của dân tộc Champa. Po Ina Nagar là nữ thần khai hóa dân tộc Champa, dạy cho họ biết phép trị nước an dân, biết phương cách sản xuất lúa chiêm, lúa nước, biết cách dẫn thủy nhập điền để phát triển kinh tế và cách thức trồng bông dệt vải, mang đến cho dân tộc Champa một cuộc sống ấm no, sung mãn.

 

Như vậy, dưới góc độ văn hóa mẫu hệ, bốn nữ trí thức Chăm chủ trì Đại hội và phụ trách phong trào thanh niên Chăm lần này tuy là khác biệt nhưng vẫn có những thuận lợi về mặt văn hóa. Hơn nữa các nữ trí thức Chăm là những người trẻ có trình độ, được giáo dục và đào tạo bài bản ở Hòa Kỳ; Họ cũng đã từng có kinh nghiệm tham gia diễn đàn quốc tế ở Liên Hiệp Quốc về “Quyền Tự Do Tôn Giáo và Tín Ngưỡng của Dân Tộc Thiểu Số” được tổ chức tại Geneva vào ngày 27-28 tháng 11 năm 2013; nên chắc chắn có đủ bản lĩnh, đạo đức và trí tuệ cùng với sức mạnh của truyền thống văn hóa mẫu hệ sẽ giúp họ có thêm uy tín và niềm tin trong cộng đồng để lãnh đạo phong trào thanh niên Chăm.

 

Cũng cần nói thêm vấn đề bình đẳng giới ngày nay đã phát triển; trên thế giới hiện nay, Thủ tướng Đức, Tổng thống Nam Hàn, hay đứng đầu một số quốc gia khác là nữ. Điều này cho thấy phụ nữ Chăm cũng có đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ mà Đại Hội đề ra.

 

Vai trò của phụ nữ Chăm trong việc giải quyết các khủng hoảng và xung đột

 

Những khủng hoảng trong xã hội Chăm trong và ngoài nước kể từ sau năm 1975 đến nay có quá nhiều vấn đề nổi cộm. Có thể kể đến như:

 

- Sự chia rẽ sâu sắc giữa các hội đoàn Chăm ở hải ngoại khi không cùng tiếng nói trong việc bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng trong suốt thời gian qua đã làm cho xã hội Chăm có nhiều ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận, bằng mặt nhưng không bằng lòng, làm giảm đi sức mạnh đoàn kết tập thể.

 

- Trên diễn đàn thông tin thì thấy rõ sự khích bác, chống phá lẫn nhau giữa người đồng tộc. Có thể thấy đó là một nhóm sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được hưởng lợi từ phía chính quyền Việt Nam như về thăm quê hương, không bị quấy phá về an ninh,…; còn một nhóm thì kiên định bảo tồn những giá trị văn hóa và lịch sử Chăm của cha ông và liên tục bị một lực lượng núp bóng dưới “bom thư nặc danh” chửi bới, phỉ báng và nhục mạ mà Champaka đã tổng hợp và phân tích trên nhiều bài viết gần đây.

 

- Các cộng đồng Chăm trong nước cũng bị chia cắt , xáo trộn và gặp nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa, giáo dục… nhưng chưa có một tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân bản địa theo luật quốc tế. Thực trạng về đất đai bản địa không được giao quyền cho người Chăm; Đền tháp phục vụ cho du lịch nhưng không đảm bảo việc giữ gìn tôn tạo cho nghiêm trang và thiêng liêng theo tín ngưỡng thần quyền; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận bị xâm phạm; văn hóa Chăm bị mai một, xáo trộn không được đầu tư bảo tồn và phát triển hợp lý; tệ nạn xã hội tràn lan; hệ lụy nghèo đói, bần cùng, túng quẩn gia tăng trong cộng đồng Chăm dẫn đến hiện tượng di cư kiếm sống của một bộ phận thanh niên và phụ nữ; từ đó văn hóa mẫu hệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nguy cơ đồng hóa ngày một ngày hai là điều khó tránh khỏi.

 

Với những khủng hoảng liệt kê trên đây, có thể nói nhiệm vụ nặng nề đang đặt lên đôi vai của những người phụ trách các Hội Đoàn Chăm trong và ngoài nước. Tuy nhiên với vai trò nữ phụ trách phong trào thanh niên Champa lần này sẽ thuận lợi hơn trong việc hòa hợp, hòa giải giữa các hội đoàn; tránh những xung đột không đáng có để cùng nhau xây dựng một xã hội Chăm đoàn kết và thịnh vượng hơn trong tương lai.

 

Một vấn đề cần lưu ý là thế hệ các nữ trí thức Chăm trẻ này sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên ít bị ảnh hưởng đến chính quyền trong nước nên họ dễ dàng công tâm giải quyết sự việc mà không ngại vướng bận những rào cản như các thế hệ cha anh trước đây.

 

ba mien julie ba mien azizah
Julie Thi Underhill Azizah Ahmad
ba mien amina ba mien asma
Asma Amina

 Bốn phụ nữ Chăm nắm vai trò tổ chức Đại Hội Champa 2015

 

2). Khó khăn và giải pháp

 

Mặc dù có những thuận lợi như đã nêu trên, tuy nhiên chắc chắc các nữ trí thức Chăm điều hành đại hội lần này cũng không tránh khỏi những thách thức.

 

Sự khác biệt giữa các thế hệ Chăm

 

Các thế hệ Chăm gốc ra hải ngoại từ Việt Nam đến nay đã lớn tuổi, do đó tư duy về bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm đôi khi có khác biệt với giới trẻ. Vì vậy để có sự dung hòa và chuyển giao giữa các thế hệ, các nữ trí thức Chăm cũng cần phải có thời gian để tiếp cận và chuyển giao; khiêm tốn học hỏi, tranh thủ những kinh nghiệm của thế hệ cha anh đi trước để tạo sự đồng thuận lớn trong cộng đồng.

 

Thách thức với chính quyền trong nước và nhóm ẩn danh

 

Mặc dù ở hải ngoại nhưng cộng đồng Chăm cũng bị nhiều sự chi phối và ảnh hưởng của chính quyền trong nước. Sự nhìn nhận về nữ dân tộc thiểu số của chính quyền Việt nam vẫn còn thiển cận; văn hóa mẫu hệ của người Chăm có nhiều khác biệt với chế độ phụ hệ của người Việt. Do đó trong những trường hợp đối thoại cần thiết, chắn chắn không tránh khỏi những rào cản về văn hóa và phía chính quyền.

 

Một kinh nghiệm cũng từng thấy là sự chống phá của một nhóm ẩn danh trong bóng tối với hàng loạt “bom thư nặc danh” trong thời gian qua, chắc chắn sẽ tìm cách tiếp tục quấy rối cộng đồng Chăm. Tuy nhiên với các nữ trí thức trẻ Chăm hải ngoại với nhãn quan và nhận thức của xã hội văn minh, tiến bộ thì điều này chắc rằng sẽ không ảnh hưởng mấy nếu so với các bậc cao niên Chăm đã bị tấn công trong thời gian qua. Và có lẽ với họ những cuộc đối thoại nghiêm túc mới có giá trị.

 

Do đó, các nữ trí thức Chăm cũng cần trang bị thêm kiến thức về luật pháp quốc tế và kỹ năng ngoại giao. Tuy nhiên với các trí thức nữ Chăm ở Mỹ như các cô Julie Thi Underhill, Azizah Ahmad, Asma, Amina đã từng tham gia các diễn đàn quốc tế chắc chắn sẽ vượt qua thách thức này.

 

Kết luận

 

Những phân tích trên đây cho thấy văn hóa mẫu hệ Chăm và việc bốn nữ trí thức Chăm tham gia điều hành Đại hội lần này đã khẳng định thêm về vai trò của phụ nữ Chăm trong việc ổn định và phát triển xã hội Chăm trong quá khứ và hiện tại. Mặc dù trong xã hội Chăm, nam giới vẫn thường đảm đương những chức vụ quan trọng nhưng sự đổi ngôi lần này cho thấy phụ nữ Chăm sẵn sàng xuất hiện và cống hiến, giúp ích cộng đồng trong những trường hợp cần thiết. Sự xuống cấp và khủng hoảng của xã hội Chăm trong suốt 40 năm qua, có phải đây là cơ hội cho các nữ trí thức Chăm xuất hiện để phụ trách phong trào thanh niên Chăm lúc này?

 

Sự đặc biệt này đánh dấu một bước ngoặc lịch sử trong việc phát triển cộng đồng Chăm trong thế kỷ 21 và mở ra nhiều kỳ vọng cho những thế hệ trẻ Chăm khắp nơi trên toàn thế giới ý thức về cội nguồn dân tộc và những định hướng mới cho tương lai.

Ngày 5/5/2015

 

thu ngo 2015-20-1