Đại Hội Champa 2015: Một số vấn đề tồn động trong xã hội Chăm Print
Written by Ja Karo (độc giả trong nước)   
Monday, 18 May 2015 17:19
ja karo 18-5-2015

Trong bài viết trước, căn cứ các tài liệu chính thống của Đảng và Nhà nước thì trong 10 năm qua, các vấn đề tồn đọng trong cộng đồng Chăm được tổng kết là như nhau, chưa có vấn đề gì giải quyết triệt để; điểm chính vẫn là tỷ lệ đói nghèo cao hơn mức trung bình và tình hình an ninh trật tự  tiềm ẩn nhiều xung đột. Như vậy, Chính sách dành cho cộng đồng Chăm chưa có gì đột phá mặc dù theo báo cáo có rất nhiều tỷ đồng từ ngân sách đã được chi.

 

 

Trên các báo lề dân, và các mạng khác thì những vấn đề tồn đọng của cộng đồng Chăm trong vài năm gần đây là gì? Bài viết này tổng hợp một số tin tức và sự kiện đáng quan tâm trong cộng đồng Chăm trong thời gian gần đây:

 

1. Đất đai

 

Đất đai tổ tiên người Chăm bị Nhà nước quản lý và sử dụng theo mục đích riêng không vì sự phát triển kinh tế của người Chăm. Dẫn đến thiếu đất nông nghiệp trầm trọng, từ đó kéo theo nạn đói nghèo, túng quẩn;

 

Đất ruộng để cúng Tháp (đất công), đất Thánh đường, đất dòng họ, đất rẫy,… là những khu đất có chủ nhưng đã bị nhà nước tịch thu, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì các nghi lễ thờ cúng vì không có kinh phí.

 

Đất đai, mồ mã tổ tiên Chăm bị chiếm dụng bất hợp pháp mà chính quyền không giải quyết triệt để, gây bức xúc trong dư luận.

 

Chính quyền Bình Thuận tiếp tục lừa gạt dân Chăm xã Phan Hòa, chiếm dụng đất động cát mà bà con Chăm đang sử dụng để trồng rừng. Việc chiếm dụng đất có chủ đang canh tác và giao cho dự án trồng rừng là sai với chủ trương văn bản 661 của Chính phủ và sai với Luật đất đai.

 

Năm 2014, nhà nước khởi công dự án nhà máy điện hạt nhân trên vùng đất Chăm (Ninh Thuận) tiềm ẩn nguy cơ diệt chủng, mặc dù có rất nhiều tiếng nói người dân đề nghị di dời dự án này ra khỏi vùng đất bản địa Chăm.

 

Một số dự án, nhà máy gây ô nhiễm nặng nề trên vùng đất Chăm, mà cuộc biểu tình ở Tuy Phong - Bình Thuận phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân vào ngày 14-15.4.2015 là ví dụ điển hình. Từ đây có thể dẫn đến việc di cư, chuyển người Chăm đi vùng khác, mất đất bản địa, mất làng mạc, văn hóa và dễ bị chia cắt không thể phát triển bền vững.

 

2. Kinh tế

 

Người Chăm chủ yếu làm nghề nông, vườn, rẫy,… Sau năm 1975, tất cả đất đai người Chăm bị Nhà nước tịch thu. Người Chăm không còn đất đai phát triểm kinh tế, nông nghiệp lạc hậu; nạn thất nghiệp tràn lan. Cơ hội việc làm cho người Chăm không nhiều. Chủ yếu làm thuê, làm mướn kiếm sống.

 

Các làng nghề truyền thống bị mai một do hàng nhái, hàng giả tràn lan thị trường; Bên cạnh đó không có nguồn vốn hỗ trợ dạy nghề cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề.

 

Sinh viên ra trường thất nghiệp tràn lan; tệ nạn chạy việc, hối lộ phổ biến gây bất bình dư luận và là rào cản của rất nhiều con em nhà nghèo có trình độ chuyên môn nhưng không được sử dụng.

 

3. Văn hóa

 

Văn hóa Chăm không được bảo tồn, văn hóa mẫu hệ mai một; luật tục bị phá vỡ, tệ nạn trộm cắp, rượu chè, đánh nhau phổ biến.

 

Ca nhạc, nghệ thuật múa bị lai căng, pha tạp. Điệu múa Apsara bị biến thể với những trang phục lõa thể, phản cảm; Phim về văn hóa Chăm “Tiếng trống Paranang” bị xuyên tạc, phản ánh không đúng với văn hóa Chăm, gây bất bình trong cộng đồng Chăm.

 

Chính quyền đưa Tượng Phật vào Nghĩa trang người Chăm ở thôn Chất Thường, nguy cơ gây xáo trộn và xung đột văn hóa tín ngưỡng Chăm - Việt.

 

Công nhận di tích Đàn Tiên Nông (thờ cúng thần Nông của Văn hóa Việt) không có cơ sở khoa học và lịch sử. Quyết định xây Đàn Tiên Nông trên vùng đất ở giữa làng Chăm gây tiềm ẩn xung đột văn hóa và tôn giáo nghiêm trọng. Trong khi đó có rất nhiều Tháp Chăm trên động cát chạy dọc biển đến Phan Thiết bị sụp đổ do kẻ xấu phá hoại và đào cắp tượng quý thì chính quyền không có chính sách tôn tạo, trùng tu di tích.

 

Nghĩa trang Chăm bị chiếm dụng vô tội vạ, không gian nghĩa trang bị vây chiếm bởi những hộ dân bất hợp pháp, cả các cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng các hoạt động thờ cúng tâm linh, gây phẫn nộ và bất bình trong dân chúng.

 

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận không phải do người Chăm làm lãnh đạo; Ban Biên soạn sách chữ Chăm (BBSSCC) bị giải thể gây khó khăn trong công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa ngôn ngữ Chăm.

 

4. Giáo dục

 

Trẻ em Chăm vẫn tiếp tục học chữ viết lai căng của Ban Biên soạn, không được học chữ viết truyền thống của cha ông, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến phản bác vấn đề này.

 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị Tổ chức về Hội thảo chữ viết Chăm từ năm 2007, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hội thảo về chữ viết Chăm chính thức được tổ chức.

 

Trẻ em Chăm đi học phải nộp học phí từ cấp tiểu học, chưa có chính sách ưu tiên miễn học phí cho người dân tộc bản địa.

 

Sinh viên ra trường thất nghiệp, Giáo viên ra trường không có chỗ dạy; Trường Po Klaong do người Chăm xây dựng nay bị chiếm dụng và sử dụng sai mục đích;

 

Chính sách bổ nhiệm lãnh đạo trong các trường học vùng Chăm có nhiều bất cập và vô lý; tỷ lệ người Chăm lãnh đạo rất ít. Nhiều trường học trong làng Chăm không phải do người Chăm làm Hiệu trưởng, mặc dù có rất nhiều Thầy cô giáo Chăm đủ tiêu chuẩn về nghiệp vụ, đạo đức và năng lực quản lý.

 

5. Tôn giáo, Tín ngưỡng

 

Người Chăm theo tín ngưỡng Balamon (Cham Ahier) không có nơi thờ tự vì Tháp đã bị chiếm dụng làm khu du lịch. Người Chăm vào Tháp thực hiện nghi lễ tín ngưỡng hàng ngày cũng phải mua vé.

 

Chức sắc Chăm không còn được quyền tự do thờ cúng trong tháp. Đến các ngày lễ lớn như lễ Yuer Yang (tháng 4 Chăm lịch), lễ Katé (tháng 7 Chăm lịch), lễ Cambur (tháng 9 Chăm lịch) và lễ Peh Ba-mbang Yang “lễ mở cửa tháp” (tháng 11 Chăm lịch) thì phải làm giấy tờ xin phép chính quyền các cấp, rất nhiêu khê và phiền phức. Vụ việc Ngày 4-2-2014, người Chăm tiến hành làm lễ Peh Ba-mbeng Yang “lễ mở cửa tháp”. Tiếc rằng, “lễ mở cửa tháp” chưa tiến hành, thì chính quyền Ninh Thuận cho phép mở toang cửa tháp để phục vụ cho khách du lịch trong dịp tết Nguyên Đán của người Kinh. Đây là hành động “vô văn hóa”, đã làm tổn thương đến truyền thống tâm linh của dân tộc Chăm, chà đạp lên di sản tín ngưỡng của dân tộc bản địa mà cộng đồng người Chăm không thể chấp nhận.

 

Chính quyền Ninh Thuận cho phép mang hình tượng chữ Vạn (văn hóa Việt) để trên đầu Po Klaong Garai, đây là một hành động khủng bố đời sống tâm linh của người Chăm, mặc dù đền Po Klaong Garai không phải là di tích lịch sử hoang phế mà là một quần thể văn hoá và tín ngưỡng do người Chăm thờ phượng dưới sự chỉ đạo của hội đồng chức sắc Chăm Balamon được Nhà nước công nhận.

 

Thánh đường Chăm ở Tánh Linh bị đóng cửa trong mùa Ramadan 2014 vì Sư cả không đồng quan điểm với chính quyền. Điều này gây bất bình trong cộng đồng Hồi giáo trong và ngoài nước vì lễ Ramadan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Chăm Bani.

 

Hội đồng chức sắc Chăm ra đời lại đặt dưới sự quản lý của Sở Nội vụ, mang tính chất hành chính hóa công vụ, không còn là nơi sinh hoạt tôn giáo tôn nghiêm theo lễ tục. Hội đồng chức sắc Chăm Ninh Bình Thuận đã giải quyết nhiều vụ việc không hợp lòng dân, chỉ đơn thuần thực thi chỉ đạo của Sở Nội vụ để có lợi cho chính quyền mà chưa quan tâm đến những vấn đề thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của người dân.

 

Kết Luận:

 

Như vậy trên các báo lề dân và một số trang mạng không chính thống, những tồn động trong xã hội Chăm ở các lĩnh vực đât đai, kinh tế, văn hóa, giáo dục và tín ngưỡng được phơi bày một cách cụ thể, có nhân chứng, vật chứng không chung chung như các báo lề Đảng đưa tin. Những tồn đọng trong xã hội Chăm cho thấy một chiều hướng rất bi quan về sự phát triển của xã hội Chăm trong thời gian tới. Một khi đời sống tâm linh, tín ngưỡng bị xâm phạm nghiêm trọng; văn hóa bị lai căng pha tạp lên ngôi dễ dàng cho sự đồng hóa; đất đai tài sản của tổ tiên không còn quyền sở hữu của người Chăm; Kinh tế kiệt quệ kèm theo một thế hệ trẻ không được giáo dục truyền thống đầy đủ, đúng hướng thì đó là những dấu hiệu cho thấy một xã hội Chăm đang nguy kịch, không lối thoát. Cũng cần nói thêm, một khi cơ cấu tổ chức xã hội Chăm trong từng thôn (palei) không còn thì việc bảo tồn và phát triển văn hóa, xã hội Chăm dường như bế tắt.

 

Tài liệu tham khảo:

Chăm Bani yêu cầu Ninh Thuận phải ngưng chiếm đoạt mồ mả ...

Chính quyền Ninh Thuận đưa tượng Phật vào nghĩa trang người Chăm...

Nhân UPR, đặt vấn đề trả lại tháp cho người Chăm thờ tự ...

Việt Nam buộc "thần linh" Chăm làm thuê cho khách du lịch

"Đất ruộng của Tháp" ngày ấy và bây giờ?

Vấn đề lấn chiếm đất người Chăm: I. Khu mồ mả Chăm Tuy Phong- Binh Thuận ...

Vấn đề chiếm đất người Chăm: II. Miếu Tiên Nông, huyện Bắc Bình-Bình Thuận ...

Vấn đề chiếm đất người Chăm: IV. Đàn Tiên Nông, quyết định UBND bất chấp dư luận ...

Tỉnh Bình Thuận chiếm đoạt đất đai người Chăm bất hợp pháp.

Những dấu hiệu bất thường ở ngôi chùa Bửu Sơn – Phan Thiết ...

Nên hủy bỏ chương trình điện hạt nhân để Ninh Thuận ...

Bình Thuận: Người biểu tình đụng độ công an - BBC ...