Quốc tế hóa vấn đề Champa : Giải pháp phát triển bền vững Print
Written by Ja Karo (độc giả trong nước)   
Tuesday, 19 May 2015 09:31
ja karo 6-5-15-10

Từ các bài viết tổng hợp về xã hội Chăm vừa qua cho thấy: đã 40 năm qua từ ngày chính quyền Hà Nội quản lý, các tồn đọng trên đã kéo dài dai dẳng mặc cho người dân đã nhiều lần lên tiếng.

 

Gần đây, khi mạng internet càng phổ biến, người Chăm đã tiếp cận được nguồn thông tin nhất là lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng Chăm mà nguồn tài liệu chính thống trong nước rất hạn chế. Từ đây những thế hệ trẻ Chăm càng ý thức hơn về việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển cộng đồng của mình. Cũng cần phải khẳng định rằng, cộng đồng Chăm trong nước hiện nay là công dân Việt Nam. Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm trong việc quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Chăm bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế bền vững. Trong hoàn cảnh và điều kiện hết sức khó khăn lúc này, nhất là cách nhìn nhận chưa thật sự đứng từ phía chính quyền trong nước do tính chất nhạy cảm về lịch sử về vương quốc Champa trong quá khứ và dân tộc thiểu số Chăm trong hiện tại. Do đó, bài viết này đưa ra một số suy nghĩ về giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững cộng đồng Chăm thông qua kênh quốc tế hóa.

 

1). Nguyên nhân tồn đọng kéo dài, không giải quyết triệt để

 

Cần mạnh dạn nêu rõ những nguyên nhân chính sau:

• Chính quyền chưa thật sự quan tâm sâu sát đến vấn đề phát triển cộng đồng Chăm. Các chính sách dành cho Chăm trên văn bản, giấy tờ là chủ yếu. Sự hưởng lợi từ chính sách cho cộng đồng Chăm là không nhiều, nên mặc dù chính sách đã thực hiện hơn mười năm mà tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn cao.

• Không có nhiều người Chăm trong bộ máy chính quyền hiện tại, nên không có tiếng nói mạnh mẽ để giải quyết những khó khăn hay tham gia những quyết sách dành cho dân tộc Chăm.

• Không có một tổ chức độc lập nào đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người Chăm.

 

Cộng đồng Chăm sống trong cảnh bị bao vây của một tập thể khổng lồ người Kinh và chính quyền đầy quyền lực; trong khi đó văn hóa truyền thống người Chăm dần bị mai một, kinh tế kiệt quệ và một thế hệ trẻ có chiều hướng lai căng, đồng hóa.

 

Nói tóm lại, một khi chính quyền không có những chính sách phù hợp để phát triển cộng đồng Chăm, thì khó mà người Chăm có thể phát triển bền vững được.

 

2). Giải pháp: Quốc tế hóa vấn đề Chăm để bảo tồn và phát triển

 

Như đã phân tích trên đây, những tồn đọng trong xã hội Chăm đã kéo dài từ rất lâu, đã hơn mấy chục năm nay và dường như đi vào bế tắt, và có chiều hướng trầm trọng hơn.

 

Dó đó để bảo tồn và phát triển cộng đồng Chăm, một tộc người bản địa đã từng có một vương quốc độc lập và một nền văn hóa rực rỡ nhưng đã bị xóa tên bản đồ vào năm 1832 do cuộc Nam tiến và tộc người còn lại bị xói mòn văn hóa và nguy cơ đồng hóa, cần phải có sự can thiệp quốc tế.

 

Các chương trình hành động lúc này cần tập trung:

 

2.1). Công tác truyền thông

 

Tiếp tục kế thừa sự thành công của công tác tuyên truyền, vận động trong những năm vừa qua, tiếp tục khuyến khích các bài viết, đưa tin về xã hội Chăm trong và ngoài nước để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc, ra sức giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm.

 

Bên cạnh Champaka, nên có những website phản ánh xã hội Chăm phong phú và đa dạng hơn nữa, chuyên môn sâu hơn nữa (cả tiếng Anh, Chăm, Việt) để không chỉ trao đổi, cung cấp thông tin mà làm cơ sở cho các nhà nghiên cứu quốc tế tìm hiểu về văn hóa, lịc sử Chăm.

 

2.2). Vấn đề đấu tranh đòi quyền bản địa cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để lên diễn đàn quốc tế.

 

Trong nước, khó có thể làm điều này. Do đó các hội đoàn nước ngoài tiếp tục bổ sung hồ sơ, tranh thủ các diễn đàn quốc tế để trình bày, tạo sự chú ý của các tổ chức quốc tế; nếu cần thiết hội đủ điều kiện, có bằng chứng vi phạm quyền bản địa quá mức thì có thể kiện ra tòa quốc tế vì Luật bản địa đã ra đời.

 

Đây là vấn đề cốt lõi có thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan như đất đai, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Kinh nghiệm cho thấy vấn đề “Đóng cửa thánh đường ở Tánh Linh – Bình Thuận (7/2014); nếu không có đoàn Islam quốc tế đến thăm Việt Nam vào dịp này cùng với sự đưa tin phản ánh kịp thời của truyền thông thì khó có thể giải quyết thuận lợi cho người Chăm.

 

2.3). Vấn đề đấu tranh nhân quyền

 

Được biết hiện nay Hoa Kỳ đang rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam. Tổng thống Obama đã gặp gỡ Điếu Cày, yêu cầu tự do báo chí bị bỏ tù 7 năm ở VN; Hạ viện Mỹ cũng đã gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến;   Phong trào đấu tranh nhân quyền trong nước cũng đang dâng cao. Phong trào vận động cho Nhân quyền 2015 đã rộng khắp. Do đó vấn đề về nhân quyền và tự do tín ngưỡng của người Chăm cần được đưa ra lúc này. Phải trả lại các Tháp Chăm cho người Chăm thờ tự, quản lý như mọi tôn giáo khác ở Việt Nam;

 

2.4). Tiếp tục phát triển các dự án dạy học chữ Chăm truyền thống

 

Di sản quý giá nhất mà cha ông để lại cho dân tộc Chăm là chữ viết Chăm cùng với khối sử liệu Chăm mà hiện nay bị thất lạc hoặc lưu trữ ở nhiều nơi. Nếu người Chăm giữ gìn và sử dụng chữ Chăm truyền thống sẽ rất thuận lợi cho công tác bảo tồn văn hóa và chống nguy cơ đồng hóa.

 

Chữ Chăm truyền thống là chữ viết do cha ông để lại không có ký tự “paoh gak” như Ban Biên Soạn đã từng chủ trương.

 

Hiện nay trong nước Chính quyền vẫn tiếp tục yêu cầu học chữ viết cải biên của Ban Biên soạn, điều này không thể chống lại được.

 

Tuy nhiên hiện nay người học có thể tự học chữ viết Chăm truyền thống, thông qua các kênh khác như video, youtube,…Do đó Đại Hội Champa 2015 cần thống nhất về chữ viết truyền thống và tiếp tục các video dạy học Tiếng Chăm theo xu hướng quốc tế (Chăm – Chăm ; Chăm – Anh; Chăm – Việt); Trước đây Champaka có các video clip dạy học Tiếng Chăm truyền thống; cần tiếp tục phát huy.

 

2.5). Phát triển thương mại quốc tế các sản phẩm Chăm

 

Các doanh nghiệp và người Chăm nước ngoài nên tạo điều kiện cho các sản phẩm Chăm truyền thống trong nước được xuất khẩu, như Gốm Bầu trúc; thổ cẩm Chăm, điêu khắc Chăm,… được xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này nếu phát triển vừa giúp tạo công ăn, việc làm trong nước vừa quảng bá sản phẩm, văn hóa Chăm ra bên ngoài.

 

2.6). Tìm kiếm các học bổng cho sinh viên Chăm

 

Với tình hình giáo dục đào tạo trong nước có nhiều bế tắc; Sinh viên Chăm tốt nghiệp không có việc làm; một phần do cơ chế, một phần do đào tạo kém chất lượng. Do đó cần có những nguồn đào tạo thế hệ trẻ Chăm thông qua các nguồn quỹ quốc tế hoặc các nguồn quỹ phát triển tôn giáo để người Chăm có đủ trình độ tiếp cận và giao lưu quốc tế với bên ngoài.

 

Kết luận

 

Các giải pháp quốc tế hóa vấn đề Champa nếu làm tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng Chăm. Thế giới sẽ biết nhiều hơn về cộng đồng Chăm và Liên Hiệp Quốc có thể sẽ can thiệp cho chính phủ Việt nam thực hiện quyền bản địa đối với dân tộc Chăm như nhiều nước khác đã thực hiện; Các lĩnh vực kinh tế xã hội khác khi được nâng tầm quốc tế hóa sẽ tạo điều kiện cho người Chăm có cơ hội phát triển vươn lên. Chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ nếu được nâng tầm quốc tế hóa sẽ ngày càng có nhiều chuyên gia Chăm trên nhiều lĩnh vực. Từ đó góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể phụ trách và dẫn dắt cộng đồng Chăm phát triển nhanh và bền vững.

 

Bài viết này rất mong các bạn trẻ người Chăm đang ở nước ngoài tăng cường và hiệp lực để tạo nên sức mạnh trong các giải pháp quốc tế hóa nhằm góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng Chăm phát triển bền vững.