Vai trò nam giới trong chế độ mẫu hệ Chăm Print
Written by Đạo Văn Chi   
Tuesday, 05 January 2016 09:11
chi 10
Đạo Văn Chi

Gần mấy thập niên qua, chế độ mẫu hệ đã trở thành đề tài gây ra nhiều tranh luận trong xã hôi Chăm. Một số người thì cho rằng: “Mẫu hệ = mẫu quyền + mẫu cư” trong khi đó những nhà nghiên cứu thì có quan điểm khác biệt:  “Mẫu hệ = phụ quyền + mẫu cư.  Bài viết này chỉ là phần tóm lược những quan điểm đã đưa ra hầu xác định lại thế nào là vai trò nam giới trong mẫu hệ Chăm hôm nay.

 

*

 

Chế độ mẫu hệ là hình thái tổ chức xã hội mà hậu duệ được tính theo họ mẹ . Đây là qui chế tổ chức xã hội dựa vào huyết thống của người mẹ đã có mặt từ lâu đời các nước trên thế giới. Tại Việt nam, chế độ mẫu hệ còn tồn tại trong xã hội của một số dân tộc nói tiếng Mã Lai Đa Đảo, như dân tộc Chăm, Raglai, Churu, Ede, Jarai....

 

Cũng cần phải minh định rằng chế độ mẫu hệ của người Chăm là hình thái xã hội đã có mặt tại vương quốc Champa hàng ngàn năm về trước, không có mối liên hệ gì đến truyền thuyết của Po Ina Nagar (thánh mẫu của vương quốc), chỉ ra đời vào thế kỷ thứ 9. Po Ina Nagar không phải là tên thật của bà, mà là chức phong do vua chúa Champa dành cho nữ thần Bhargavati, phu nhân của đấng Shiva là một nữ thần  xuất phát  từ  Ấn độ,  hiện có đền thờ ở Nha Trang.  

 

chi 20-1

 

Với góc nhìn từ một cộng đồng có nền văn hóa khác biệt đối với dân tộc Chăm, người ta thường  đưa ra khái niệm cho rằng mẫu hệ là chế độ mà người mẹ hay người phụ nữ nắm quyền. Hoặc hiểu theo lối siêu hình, mẫu hệ có qui chế trái ngược với phụ hệ, tức là thể chế dành hết mọi quyền lực cho người cha, tức là nam giới. Hai cách hiểu này xuất phát từ hiện tượng "giao thoa văn hoá", trong đó phong tục truyền thống của dân tộc Chăm thường xác định qua lăng kính của cộng đồng tộc người có nền văn hoá khác biệt. Từ nguyên nhân đó, khi nói đến chế độ mẫu hệ của dân tộc Chăm, một số tài liệu nghiên cứu về văn hóa Chăm thường nhắc đến “mẫu quyền” để rồi từ đó họ đưa ra một khái niệm: “Mẫu hệ = Mẫu quyền + mẫu cư”. Đây là nhân định mang tính cách suy diễn khập khiễng đối nghịch với chế độ Phụ quyền là Mẫu quyền, nó  hoàn toàn đi ngược lại với qui luật mẫu hệ được lưu truyền trong xã hội Chăm hiện nay. Vì rằng, trong chế độ mẫu hệ Chăm hiện nay , người phụ nữ chỉ có quyền làm chủ trên trài sản và con cái sinh ra sau ngày kết hôn; quyền chăm sóc gia đình, nối dõi dòng tộc và thờ cúng tổ tiên, trong khi người đàn ông có trách nhiệm quản lý gia đình và đóng vai trò trong mọi sinh hoạt của xã hội. Triết lý sống này được thể hiện qua câu chăm ngôn trích từ tác phẩm Ariya Chăm Muk Sruh Palei. “Likei dơng di mưsuh, kamei dơng di mưnưk”

 

Tạm dịch “Phận của đàn ông là chiến đấu, phận của đàn bà là sinh nở”  (Đàn ông chịu trách nhiệm chiến đấu, đàn bà chịu trách nhiệm sinh đẻ).

 

Trong chế độ mẫu hệ Chăm, mặc dù người chồng không có quyền trên tài sản, nhưng là chủ gia đình mang tính cách tinh thần và đóng vai trò trong mọi tổ chức chính trị, tôn giáo và xã hội. Chính vì nguyên nhân đó, không có người phụ nữ nào lên nắm quyền điều hành quốc gia trong quá trình lịch sử của các vương triều Champa. Theo định chế tổ chức tiều đình Champa, ngai vàng thuộc về bà hoàng hậu.  Kể từ đó, quyền nối ngôi không nằm trong qui chế cha truyền con nối mà do gia đình Hoàng gia quyết định, có thể là con, con rể, anh, chú, bác, v.v. của bà hoàng hậu.

 

Trong xã hội Chăm hôm nay, người đàn ông Chăm nắm quyền điều hành gia đình vể mặt tinh thần, không bao giờ lo việc bếp núc, chăm sóc con cái, thường ăn trên măm cơm với bạn bè trong khi đó người vợ chỉ chờ ăn những đồ còn thừa trong buổi tiệc. Không bao giờ quét nhà dọn bếp, nhưng đàn ông Chăm còn dùng vũ phu đối bà vợ mà không ai giám can. Không bao giờ giữ tiền của, nhưng đàn ông có quyền quyết định chi tiêu tài chánh không bao giờ hỏi ý kiến vợ của mình, v.v. Dựa vào hình thái tổ chức xã hội của mẫu hệ Chăm, các nhà nghiên cứu cho rằng dân tộc Chăm theo chế độ: “mẫu hệ, mẫu cư nhưng phụ quyền”.

 

chi 20-2

 

Tóm lại, chế độ mẫu hệ Chăm là một hình thái tổ chức gia đình trong đó người mẹ nắm toàn quyền trên tài sản của gia đình do cặp vợ chồng tạo dựng sau ngày kết hôn, từ con cái, nhà cửa, gia súc, đất đai, vàng bạc, v.v. Hay nói một cách khác,  quyền thừa kế tài sản thuộc về người đàn bà, nhưng chế độ mẫu hệ Chăm  không phủ nhận vai trò của nam quyền, hạ thấp đàn ông và suy tôn nữ quyền, đề cao phụ nữ, như suy nghĩ đơn giản của một số người đã nêu ra. Mẫu hệ ở đây luôn đi đôi với vai trò rất quan trọng của đàn ông. Sự cộng sinh giữa mẫu hệ với nam quyền là một cơ chế đặc biệt đã giải thích cho sự tồn tại lâu bền của hệ thống tổ chức gia đình của dân tộc Chăm ngày nay.

 

Tài liệu tham khảo :

-       Ts Phú Văn Hẳn: Mẫu hệ Chăm ngày nay (www Web Chamunesco)

-       Inrasara: Chế độ Mẫu hệ Chăm (www inrasara.com)

-       Ts. Po Dharma: Chế độ Mẫu hệ Chăm nhìn qua Tư liệu Hoàng gia Champa (web Champaka.info)

-       Ts Po Dharma : Chế độ mẫu hệ Mã Lai-Champa  (web  Champaka.info)

-       Ts Lý Tùng Hiếu: Nam quyền trong chế độ Mẫu hệ ở Việt nam (www web Khoa Van hoa  ĐHQG Tp HCM .Trường Đại học KHXH và Nhân văn)

 

chi 20-3