Trả lời cho Đắc Văn Kiết về chính sách VNCH đới với người Chăm và Tây Nguyên Print
Written by BBT Champaka.info   
Saturday, 06 August 2016 14:11
dac van 10
Đắc Văn Kiết

Ngày 3-8-2016, Linh Dang có chia sẻ trên facebook bài viết của Đắc Văn Kiết mang tựa đề: “Dân Tộc Bản Địa Việt Nam qua Hiến Pháp …Việt Nam Cộng Hòa”. Đây là bài viết có nội dung đứng đắng và nghiêm túc liên quan đến qui chế đặt biệt mà chính quyền Sài Gòn đã ban cho một số dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Chăm và Tây Nguyên dưới thời đệ nhị Việt Nam Công Hoà. Nhưng trong bài viết này có một số điểm sai lầm, thiếu phần chính xác và không trung thực, cần nên chỉnh sửa lại.

 

1). Tác giả viết rằng:

Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 đã khích lệ nhiều Quốc gia trên thế giới ban hành chánh sách nâng đỡ đặc biệt đối với các sắc tộc thiểu số bản địa tại nước họ.

Đây chỉ là sự suy đoán của tác giả thì đúng hơn, vì Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền gồm có 30 điểu khoản không bao giờ nhắc đến vần đề “sắc tộc thiểu số” hay “bản địa”. Có chăng tác giả nhằm lẫn với Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Dân Tộc Thiểu Số ban hành vào ngày 18-12-1992.

 

2). Tác giả viết rằng:

Hiến pháp nền đệ nhị VNCH đã minh định rõ ràng về quyền của các sắc tộc thiểu số bản địa qua các điều 02, điều 24, điều 66, và điều 97. Tác gỉa còn giải thích thêm “Các sắc tộc thiểu số VN " hay còn gọi là " Đồng bào thiểu số VN " ghi trong hiến pháp VNCH chính là " Dân Tộc Bản Địa VN ".

Đây là lối suy luận mang tính cá nhân của tác giả mà thôi, vì hiến pháp VNCH không bao giờ xử dụng thuật ngữ “bản địa” trong văn kiện pháp lý này. Hai cụm từ mà hiến pháp VNCH thường lập đi lập lại, đó là: “đồng bào thiểu số” và “sắc tộc thiểu số”, nhưng không đưa ra một khái niệm rỏ ràng để định nghĩa thế nào là ý nghĩa của cụm từ “thiểu số” để rồi từ đó người ta không thể trả lời thế nào là sự khác biệt trong hiến pháp VNCH về quyền cơ bản của con người giữa những người thiểu có mặt trên lãnh thổ Việt Nam như người Hoa, Ấn, Nùng, Tày, Mường, Tháil, người Tây Nguyên, Chăm và Khmer Krom ?.

 

dac vab 20-1

 

3). Tác giả viết:
Gọi là Dân Tộc Thiểu số VN (…) họ là những công dân ở các quốc gia có chủ quyền …. đến làm ăn sinh sống và định cư tại Việt Nam … như người Ấn, Hoa, Khờ Me.

Đây là phương pháp lý luận phi lịch sử, mang nội dung mâu thuẩn, kỳ thị chủng tộc và đi ngược lại với Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Dân Tộc Bản Địa ra đời 2007.

Khmer Krom là nhóm người xuất thân từ quê cha đất tổ của họ ở đồng bằng sông Cửu Long trước ngày Nam Tiến của dân tộc Việt, chứ không phải từ quốc gia khác sang định cư trên lãnh thổ Việt Nam. Chính vì nguyên nhân đó, VNCH không có quyền xếp loại Khmer Krom vào thành phần dân tộc thiểu số như người Ấn và Hoa, tức là nhóm người từ nước khác du nhập vào Việt Nam.

 

4). Tác giả viết:

Người Khmer Krom không được hưởng qui chế riêng biệt qua sắc luật 033/67 dành cho " Các Sắc tộc bản địa Việt Nam " như Thượng Tây nguyên miền Nam; Thượng di cư từ Bắc vào, và sắc tộc Chăm.

Nếu nói về nguồn gốc lịch sử, thì người Thượng di cư từ Bắc vào (Nùng, Tày, Mường, Thái) không thể là dân tộc bản địa của VNCH được. Vì họ là người sinh đẻ trên khu vực nằm ở miền bắc, thuộc một quốc gia khác mang tên Cộng Hoà Xã Hội Việt Nam.

Người Khmer Krom xuất thân từ quê hương thân thương của họ ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng không có quyền hưởng “qui chế sắc tộc” của VNCH, trong khi đó người Nùng, Tày, Mường, Thái là dân tộc từ miền Bắc di cư vào nam, nhưng được vinh dự hưởng qui chế sắc tộc này. Chính đó là những mâu thuẩn mang màu sắc chính trị trong hiến pháp VNCH.  

 

5). Tác giả viết rằng:

Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Dân Tộc Bản Địa ra đời vào ngày 13/9/2007 gồm tất cả 31 điều khoản.

Câu này phải đính chính lại: Tuyên Ngôn về Quyền của Dân Tộc Bản địa gồm có 46 điều khoản chứ không phải 31 điều khoản. Có chăng tác giả không đọc nội dung của Tuyên Ngôn này?

 

6). Tác giả viết rằng:

Mới đây, Tuyên ngôn về quyền của Dân tộc Bản địa ra đời 2007 gồm tất cả 31 [ phải sửa lại 46] điều khoản tổng quát. Theo tôi, 31 [phải sửa lại 46] điều khoản đó cũng gói ghém lại trong các điều 02, 24, 66 và 97 của Hiến Pháp VNCH ngày 01/4/1967, cũng như trong sắc luật 033/67 của VNCH mà thôi.

Đây là phong cách lý luận nhằm tôn vinh chế độ VNCH thì đúng hơn. Vì rằng Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Dân Tộc Bản Địa tập trung gần 15 trang giấy bao gồm 46 điều khoản cấu thành một yếu tố pháp lý để bảo vệ quyền cơ bản của người bản địa, đó là quyền “tự quyết” và quyền “tự quản” trên “lãnh thổ đất đai” có biên giới riêng, chứ không phải quyền được hưởng vài qui chế lặt vặt như Bộ Phát Triển Sắc Tộc, Hội Đồng Sắc Tộc, Ty Phát Triển Sắc Tộc, Trường Trung Học, v.v. mà chế độ VNCH đã dành cho người Chăm và Tây Nguyên.  

Đứng trên phương diện lịch sử mà phân tích, các điều 02, 24, 66 và 97 của Hiến Pháp VNCH chỉ là những điều khoảng gói ghém lại những gì đã ghi trong qui chế “Dân Tộc Thượng Miền Nam Đông Dương” (Populations Montanardes du Sud-Indochinois, viết tắt là PMSI) do chính quyền Pháp ký tại Saigon ngày 27-5-1946, sau này trở thành qui chế “Xứ Thượng Miền Nam” (Pays Montagnards du Sud, viết tắt là PMS), còn gọi là “Hoàng Triều Cương Thổ” do hoàng đế Bảo Đại ký tại Đà Lạt ngày 21-5-1951 và trong Hiệp Ước Harman liên quan đến qui chế đặc biệt dành cho dân tộc Chăm ký vào ngày 25-8-1883 tại Huế dưới thời Pháp thuộc.

 

7). Tác giả viết:

Những hoài bão và ước vọng của các anh em Sắc Tộc Bản Địa đang thiết tha vận động ở Liên Hiệp Quốc về " quyền của Sắc Tộc Bản Địa " cũng không sai và đáng trân trọng, vì những " quyền lợi " hay gọi là những " đặc ân " đối với sắc dân thiểu số Bản địa qua Hiến Pháp ngày 01/4/1967 của nền đệ nhị VNCH.

Lời kêu gọi của Đắc Văn Kiết ủng hộ cho cuộc đấu tranh của anh em Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc là hành động đáng trân trọng. Nhưng mục tiêu đấu tranh của họ không liên hệ gì với những “đặc ân” đối với “sắc dân thiểu số qua Hiến Pháp ngày 01/4/1967 của nền đệ nhị VNCH” như Đắc Văn Kiết nêu ra.

 

8). Tác giả viết:

Tôi đã một lần nói với một bác sĩ Việt Nam có tiếng tăm ở Hoa Kỳ rằng: " Dân Tộc Bản Địa Champa " đâu cần phải xin " Tự Trị ". Để khi nào Việt Nam thực sự văn minh, tiến bộ và giàu mạnh như nước Mỹ, Úc, Canada v. v... thì họ tự động cho "Tự Trị " thôi.

Đây là lời nhận định mang tính tiêu cực, không phù hợp cho lắm với những tiến trình đấu tranh đòi quyền dân tộc bản địa trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Đây là hai thí dụ điển hình:

Mã Lai là quốc gia độc lập vào năm 1957 có tiềm năng kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và đa chủng tộc, rất gần gủi với mô hình xã hội của Việt Nam. Tại sao Mã Lai không ngần ngại ban cho người dân bản địa ở hai khu vực Sabah và Sarawak vào năm 1963 quyền “tự trị”, có lãnh thổ riêng, quốc hội, thủ tướng và bộ trưởng riêng, ngoại trừ bộ quốc phòng, an ninh và ngoại giao nằm trong tay của chính phủ liêng bang.

 

dac-van-20-2

 

Phi Luật Tân (Philippines) cũng là quốc gia có tiềm năng kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và đa chủng tộc so với Việt Nam nhưng còn nghèo nàn hơn Việt Nam là khác. Để giải quyết những xung đột giữa chính quyền trung ương với dân tộc bản xứ, Cộng Hoà Phi Luật Tân (Philippines) chấp nhận trao cho dân tôc bản địa Bangsamoro quyền tự trị ở khu vực Mindanao, có quốc hội riêng, thủ tướng riêng để thực thi quyền tự quyết và tự quản trong khu vực của họ phù hợp với hiến pháp của quốc gia này.

Tóm lại, công nhận quyền tự quyết và tự quản của một dân tộc bản địa phù hợp với Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc không phát xuất từ yếu tố “văn minh, tiến bộ và giàu mạnh” của một quốc gia như tác giả Đắc Văn Kiết đã nêu ra mà là phát xuất từ hai yếu tố:

 

• Yếu tố thứ nhất: chủ nghĩa chính trị

Yếu tố này tuỳ thuộc vào chính sách của chế độ có chấp nhận nói lên sự thật lịch sử của người bản xứ và tôn trọng quyền cơ bản của người bản địa hay không? Kể từ đó, ban cho người bản địa quyền “tự quyết và “tự quản” phù hợp với Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc không liên hệ gì đến mức độ “văn minh, tiến bộ và giàu mạnh” của quốc gia nơi có dân bản địa, mà là tuỳ thuộc vào quan điểm và nhận định của các nhà lãnh đạo của quốc gia này có lương tâm để chia sẽ những thống khổ của dân tộc bị đô hộ hay không?

 

dac van 20-1

 

Mã Lai và Phi Luật Tân chỉ là hai quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhưng đã chấp nhận quyền của dân tộc bản địa trên quốc gia mình là bằng chứng điển hình. Và lời tuyên bố của bà Thái Anh Văn, Tổng Thống Đài Loan, nhân dịp lễ “xin lỗi” dân tộc bản địa ngày 1-8-2016 cho rằng

“Sự thành công của một dân tộc [đa số] không thể xây dựng trên sự đau khổ của dân tộc khác [ám chỉ người bản địa]”

là một tấm gương sáng để cho các quốc gia láng giềng noi theo, trong đó có Việt Nam.

 

• Yếu tố thứ ha: ý thức hệ đấu tranh của dân bản xứ

Yếu tố này tuỳ thuộc vào vai trò và nghĩa vụ của dân tộc bản địa đối với quyền cơ bản của mình có ghi rỏ trong Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc. Các tổ chứx quốc tế không thể buộc nhà nước Việt Nam phải thự thi những điều khoản trong Tuyên Ngôn dành cho người bản xứ, nếu 3 dân tộc bản địa Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom không nhận lãnh vai trò và nghĩa vụ đấu tranh để đòi quyền lợi của mình. Cuộc đấu tranh của dân tộc bản địa ở Mã Lai và Phi Luật Tân đã mang lại thành công không phát xuất từ lòng ưu ái của chính quyền đối với dân bản xứ, mà là phát xuất từ ý thức hệ đấu tranh của người bản địa tại hai quốc gia này qua phương pháp khác nhau.

 

dac van 20-3

 

Cuộc cách mạng đòi quyền bản địa ở Phi Luật Tân là cuộc đấu tranh bạo động, dùng súng đạn để làm công cụ chiến đấu, đã gây ra hơn 100 ngàn người thiệt mạng kể từ nằm 1970, trong khi đó người bản địa Mã Lai không dùng bạo lực để đòi quyền lợi của mình, mà là ý thức hệ đoàn kết giữa những người bản xứ qua các tổ chức hội đoàn và đảng phái chính trị để làm công cụ đấu tranh. Ba đảng phái của dân bản xứ ở Mã Lai mang tên là đảng “Liên Minh Dân Tộc Bản Địa Truyền Thống” (United Traditional Bumiputera), đảng “Liên Minh Dân Tộc Sarawak” (Sarawak’s United People Party) và đảng “Liên Minh Dân Tộc Sabah” (United Sabah Party) chiếm 20 ghế trong quốc hội của Liên Bang Mã Lai là động cơ chính yếu trong cuộc đấu tranh đòi quyền bản địa tại quốc gia này.

Các tổ chức Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom đang đấu tranh đòi quyền bản địa không thể làm gì được trức sức ép của chế độ cộng sản hôm nay, nếu không có sự đồng tình và làn sóng ủng hộ của các tầng lớp trí thức, các sinh viên và thanh niên trong và ngoài nước. Lịch sử đấu tranh của Fulro là thí dụ điển hình. Cũng nhờ sự vùng dậy của phong trào Fulro vào năm 1964, chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận ban hành những qui chế đặt biệt dành cho dân tộc Chăm và Tây Nguyên. Sau 1975, tổ chức Fulro bị Khmer Đỏ tiêu diệt không còn hoạt động nữa. Kể từ đó chế độ Hà Nội không ban cho người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom một qui chế đặt biệt gì và vẫn chưa công nhận người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom là thành phần bản địa, mặt dù Việt Nam là quốc gia đã ký trên Tuyên Ngôn về Quyền của Dân Tộc Bản Địa.

 

dac-van-30-4

 

Kết Luận

 

Phải công nhận rằng bài viết của Đắc Văn Kiết có nội dung nghiêm túc, đã mang lại cho độc giả nhiều tin bổ ích về chính sách của VNCH đối với dân tộc Chăm và Tây Nguyên.

Nhưng mục tiêu của bài này chỉ nhằm chứng minh rằng người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom là “dân tộc bản địa” đã được công nhân trong hiến pháp của VNCH, không cần phải đòi hỏi nữa. Tiếc rằng đây chỉ là sự suy đoán cá nhân của tác giả, vì hiến pháp VNCH chỉ xếp người Chăm và Tây Nguyên là thành phần “đồng bào thiểu số” hay “sắc tộc thiểu số”, chứ không bao giờ nhắc đến “đồng bào bản địa” hay “sắc tộc bản địa” như Đắc Văn Kiết đưa ra.

Và trong bài viết, Đắc Văn Kiết còn có chiều hướng tôn vinh chế độ VNCH đã ban cho dân tộc Chăm và Tây Nguyên nhiều ân huệ quí báu nào là hình thành Bộ Phát Triển Sắc Tộc, Ty Phát Triển Sắc Tộc, Hội Đồng Sắc Tộc, Trường Trung Học, Ký Túc Xá, v.v. nhưng tác giả không bao giờ nhắc đến công lao của các chiến sĩ Fulro đã hy sinh xương máu kể từ năm 1964 trong cuộc đấu tranh yêu cầu chính quyền Sai Gòn phải trao trả lại quyền tự trị của hai dân tộc này phù hợp với qui chế Hoàng Triều Cương Thổ ký vào năm 1951 và Hiệp Ước Harman vào năm 1883. Không có phong trào đấu tranh của Fulro, thì VNCH không bao giờ ban những ân huệ đó cho đổng bào Chăm và Tây Nguyên như Đắc Văn Kiết đưa ra. Vì rằng, nhà viết sử phải có nghĩa vụ tôn trọng sự thật của lịch sử chứ không có quyền mếu mó nội dung những gì đã xảy ra trong lịch sử.

Muốn cho nhà nước Việt Nam thực thi Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Dân Tộc Bản Đia, thì dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom không còn giải pháp khác, ngoài việc dấn thân vào cuộc vận động đấu tranh để đòi quyền lợi của mình. Và cuộc đấu tranh này có thành công hay không, nó tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý thức hệ đoàn kết trong nội bộ của 3 dân tộc này; tuỳ thuộc vào sức hy sinh của từng dân tộc và tuỳ thuộc vào chiến lược đưa ra làm thế nào để nhà nước Việt Nam công nhận người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom là thành phần dân tộc bản địa chứ không phải là tập thể dân tộc thiểu số như chính quyền Hà Nội thường đưa ra quảng cáo trong và ngoài nước.

 

Sau đây là nguyên văn bài viết của Đắc Văn Kiết

 

Dân Tộc Bản Địa Việt Nam qua Hiến Pháp ngày 01-4-1967

của nền Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa

Tác giả: Đắc Văn Kiết
- Cựu Trưởng Ty Phát Priển Sắc Tộc / Việt Nam Cộng Hòa
- Cựu Hội Viên Hội Đồng Sắc Tộc Trung Ương Việt Nam Cộng Hòa (VNCH )


California, Hoa Kỳ ngày 1 tháng 8 năm 2016


Theo tinh thần bản " Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền : Universal declaration of Human rights " của Liên Hiệp Quốc được thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 đã khích lệ nhiều Quốc gia trên thế giới ban hành chánh sách nâng đỡ đặc biệt đối với các sắc tộc thiểu số bản địa tại nước họ.
Tại Việt Nam, Hiến pháp nền đệ nhị VNCH ngày 01/4/1967 đã minh định rõ ràng về quyền của các sắc tộc thiểu số bản địa qua các điều 02, điều 24, điều 66, và điều 97 như sau:


Điều 02:
Quốc gia chủ trương sự bình đẳng giữa các công dân không phân biệt nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, đảng phái. Đồng bào thiểu số được đặc biệt nâng đỡ để theo kịp đà tiến hóa chung của dân tộc.


Điều 24:
1. Quốc gia công nhận sự hiện hữu của các sắc tộc thiểu số trong cộng đồng Việt Nam.
2. Quốc gia tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào thiểu số. Các tòa án phong tục phải được thành lập để xét xử một số các vụ án phong tục giữa các đồng bào thiểu số.
3. Một đạo luật sẽ qui định những quyền lợi để nâng đỡ đồng bào thiểu số.

 

Điều 66:
Phó Tổng Thống là Chủ tịch Hội đồng các sắc tộc thiểu số, Hội đồng văn hóa giáo dục và Hội đồng kinh tế xã hội quốc gia.


Điều 97:
1. Hội đồng các sắc tộc có nhiệm vụ cố vấn chánh phủ về các vấn đề liên quan đến đồng bào thiểu số.
2. Với sự chấp thuận của Quốc Hội, Hội đồng các sắc tộc cử đại diện thuyết trình trước Quốc Hội về các vấn đề liên hệ.

Qua các điều khoản Hiến pháp ngày 01/4/1967 /VNCH đã minh định nêu trên; trước khi nói đến : " Dân Tộc Bản Địa Việt Nam, " tôi xin trình bày các " cụm từ " sau đây :
- Dân Tộc thiểu số Việt Nam (VN. )
- Đồng bào thiểu số VN.
- Các sắc tộc thiểu số VN.
Cả ba " cụm từ " nêu trên thường hay dùng lẫn lộn vì đều cho là ý nghĩa giống nhau về phương diện tổng luận; nhưng khi xét về sự khác biệt giữa " Thực thể " và " Thực tế ", cả ba cụm từ trên được xác định rõ ràng qua hai thành phần sau đây:


Thành phần thứ nhất:
- Gọi là " Dân Tộc Thiểu số VN " ( không phải là dân tộc bản địa ):
Họ là những công dân ở các quốc gia có chủ quyền hiện hữu trong cộng đồng thế giới. Vì lý do nào đó đến làm ăn sinh sống và định cư tại Việt Nam, và trở thành công dân nước Việt. Thành phần này gọi là " Dân Tộc Thiểu Số ", không phải là dân tộc bản địa, như: Người Việt gốc Ấn; Người Việt gốc Hoa; Người Việt gốc Khờ Me; và họ không được hưởng qui chế riêng biệt qua sắc luật 033/67 do điều 24 Hiến pháp qui định. Bởi vì họ từ nơi khác đến định cư ở Việt Nam, nên không phải là " Dân Tộc Bản Địa. "
Riêng người Việt gốc Khờ Me, tuy họ sinh ra và lớn lên ở những tỉnh miền Tây từ lâu đời và cũng là quê hương của tổ tiên họ; nhưng bây giờ họ còn có quốc gia Campuchia, có chủ quyền hiện hữu; nên chỉ được thành lập một " Tổng Nha Miên Vụ " riêng biệt cho họ. Tuyệt nhiên, người Việt gốc Khờ Me không được hưởng qui chế riêng biệt qua sắc luật 033/67 cho " Các Sắc tộc bản địa Việt Nam " như: Thượng Tây nguyên miền Nam; Thượng di cư từ Bắc vào, và sắc tộc Chăm.

 

Thành phần thứ hai:
- Gọi là: " Các sắc tộc thiểu số VN " hay còn gọi là: " Đồng bào thiểu số VN. " Thành phần này chính là " Dân Tộc Bản Địa VN. "

Họ là những người thuộc các sắc dân khác nhau như:
- Thượng Tây nguyên miền Nam: Radhé, KaHo, Banar, Jarai, m'nông, Stiêng, v. v...
- Thượng miền Bắc di cư vào: Nùng, Tày, Mường, Thái, v. v...
- Sắc dân CHĂM ( Thần dân của Vương Quốc Champa cổ)

Mỗi Sắc tộc trên đều có một nguồn cội văn hóa truyền thống riêng, nguồn gốc lịch sử riêng,... Nhưng tổ tiên của những thành phần này đã có mặt tại giải đất Việt Nam ngày nay từ lâu đời, có công khai sơn phá thạch, và sinh cư ở đây trước người Việt Nam đến. Thành phần này gọi là " Đồng bào thiểu số " hay " Các Sắc tộc thiểu số VN " và họ chánh là " Dân Tộc Bản Địa Việt Nam. "

Cho dù dưới thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn chưa nói đến cụm từ " Dân Tộc Bản Địa " vì sự nhậy cảm liên quan đến " Tự Trị ", chánh phủ không muốn có tình trạng " một quốc gia trong một quốc gia ". Tuy nhiên, qui chế riêng biệt qua sắc luật 033/67 dành cho thành phần này như một hình thức " Tự quản " về nhiều lãnh vực trong sinh hoạt quốc gia qua những quyền lợi đặc biệt của " Dân Tộc Bản Địa " sau đây:

 

Về quyền lập pháp:
Các sắc tộc Thượng Tây nguyên, Thượng miền Bắc, và Sắc tộc Chăm đều có đại diện tại Quốc Hội lưỡng viện như: Thượng nghị sĩ, Dân biểu Quốc Hội, và Nghị Viên Hội đồng Tỉnh.


Về quyền hành pháp:
1. Có Hội Đồng các Sắc tộc do Phó Tổng Thống làm Chủ tịch. Hội Đồng sắc tộc có nhiệm vụ cố vấn cho chánh phủ về những vấn đề liên quan đến " Các sắc tộc thiểu số Bản địa " toàn quốc.
2. Bộ Phát Triển Sắc Tộc (PTST), người sắc tộc làm Tổng Trưởng; có quyền hành như các Tổng Trưởng của các Bộ khác trong nội các chánh phủ.


Tổng Trưởng Bộ PTST là " Quản lý viên kinh phí quốc gia " dành cho Bộ này và không lệ thuộc vào một Bộ nào trong quốc gia.
Kinh phí hằng năm của Bộ PTST sau khi được Quốc Hội Lưỡng viện chấp thuận, sẽ được dùng vào việc nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh và mọi nhu cầu cần thiết khác dành cho " Dân Tộc Bản Địa ".


- Tại các Tỉnh toàn quốc có dân số " Các sắc tộc thiểu số " đông đảo đều có thành lập Ty Phát Triển Sắc Tộc để thi hành chánh sách của chánh phủ dành cho các Sắc Tộc Thiểu Số Bản Địa; và tại các quận lỵ đều có Chi PTST và một trung tâm " Canh Mục " để làm thí điểm canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc do đoàn " Cán bộ Xây dựng Sơn Thôn " phụ trách.


- Các Trưởng Ty PTST có quyền tuyển dụng nhân viên hành chánh và cán bộ bán quân sự gọi là " Cán bộ Trường Sơn " hay là " Cán bộ Xây dựng Sơn thôn " để chuyển lên Bộ PTST hợp thức hóa bằng một " Quyết định " mà không cần phải qua ý kiến của Tỉnh Trưởng sở tại.


- Những Dự án Tự túc Phát Triển Xã Thôn Sắc tộc thiểu số đều do " Cán bộ Xây dựng Sơn Thôn " phụ trách dưới sự điều khiển của Ty PTST, không lệ thuộc vào Tỉnh đoàn " Cán bộ Xây dựng nông thôn " của Tỉnh, chỉ dành phục vụ cho người Kinh.


- Các Ty PTST có Ký Túc Xá nuôi ăn ở cho học sinh sắc tộc thiểu số Bản địa. Từ các nơi Thôn, Xã, Huyện đến học bậc Trung học ở Tỉnh. Sau khi học xong Trung học, sẽ vào Thủ đô Sài Gòn ở tại Ký Túc Xá " Tân Quí Đông " (Khánh Hội) dành cho các sinh viên sắc tộc Bản địa theo học các phân khoa Đại học.


- Ty PTST xét cấp học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học gốc sắc tộc bản địa; mở các lớp " Bình dân giáo dục " để thanh toán nạn mù chữ cho đồng bào các sắc tộc và can thiệp với các Ty Sở và các cơ quan khác trong toàn Tỉnh liên hệ về tất cả những vấn đề liên quan đến đời sống các sắc tộc thiểu số Bản địa tại Tỉnh nhà.


- Cũng như các Trưởng Ty: Hành chánh, Nội An, Nông nghiệp, Tài chánh, Học chánh, Thuế vụ, Thông tin, Điền địa, Xã Hội v. v... phụ trách giảng dạy về lãnh vực của mỗi Ty Sở. Trưởng Ty PTST cũng phụ trách giảng dạy cho Xã Trưởng, Ấp Trưởng toàn Tỉnh Kinh cũng như Thượng hiểu biết về chánh sách của chánh phủ đối với Sắc tộc Bản địa tại Trung Tâm Tu Nghiệp Công Chức Tỉnh. Mục đích để các viên chức xã ấp hiểu biết về chánh sách hầu phối hợp thi hành.


- Một Trung Tâm Huấn Luyện tại PleiKu dưới sự quản lý của Bộ PTST, có nhiệm vụ huấn luyện đào tạo " Cán bộ bán quân sự " gọi là " Cán bộ Xây dựng Sơn Thôn " về việc sử dụng các loại vũ khí bán quân sự, và hiểu biết về chiến thuật cơ bản để phối hợp giữ gìn an ninh xã ấp sắc tộc thiểu số Bản địa cũng như huấn luyện họ có kỹ năng tổng quát về việc xây dựng xã thôn sắc tộc. Số cán bộ này sau khi huấn luyện rồi, sẽ tăng cường cho các Ty PTST điều hành và sử dụng.


Các Định Chế đặc biệt khác


a/- Về hành chánh chánh trị:
- Vài Tỉnh trên Cao nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt đều do người thiểu số sắc tộc Tây nguyên làm Tỉnh Trưởng.
- Hầu hết các Tỉnh trên Cao nguyên đều có Phó Tỉnh Trưởng Thượng Vụ do người sắc tộc Tây nguyên đảm trách.
- Tại các quận có hầu hết là sắc dân thiểu số bản địa, đều do người Sắc tộc thiểu số bản địa giữ chức vụ quận Trưởng. Các Vị quận Trưởng này được kim luôn Tòa Hòa giải để xử những việc tố tụng liên quan đến phong tục tập quán, văn hóa truyền thống giữa người sắc tộc bản địa với nhau.
- Các sắc dân bản địa tại các tỉnh trên cao nguyên đều có Tòa Án Phong Tục Thượng, do chánh án người Thượng đảm trách.
- Các Xã thôn của sắc tộc thiểu số bản địa đều do người sắc tộc bản địa điều hành và tự quản với nhau dù họ ở trên vùng Cao nguyên hay đồng bằng.
- Về phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ mẹ đẻ, y phục truyền thống bản địa đều được tôn trọng.


b/- Về Kinh Tế:
- Các Sắc tộc thiểu số vẫn được hưởng chánh sách ruộng đất ban hành qua đạo luật số 57 ngày 22-10-1957 qui định nông dân chỉ trả địa tô cho địa chủ 25%, còn 75% cho tá điền được hưởng trọn vẹn. Lúa sản xuất được trả theo diện tích canh tác để trả địa tô, nhưng nếu tá canh cần cù chăm bón làm tăng năng xuất thêm, thì phần năng xuất tăng cao này, tá canh được hưởng hoàn toàn, không phải trả địa tô. Chánh sách này đã giúp cho nông dân CHĂM có đời sống no đủ hơn.


- Chánh sách " Người cày có ruộng " thời đệ nhị Cộng Hòa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được ban hành vào năm 1970 cũng đã giúp cho sắc dân bản địa CHĂM có thêm ruộng đất canh tác gieo trồng, và những nông dân CHĂM " trực canh " được làm chủ mãnh đất của mình.


- Ruộng vườn, đất đai tư nhân cũng như những phần đất đai ruộng vườn hương hỏa, được kế thừa của sắc tộc bản địa, đều thuộc quyền sở hữu của họ. Chánh phủ không được quyền chiếm hữu, trưng thu, trưng dụng.


- Đối với sắc dân thiểu số bản địa Tây nguyên, đời sống " du canh du cư " của họ sau này gặp khó khăn trước sự di dân ào ạt của người Kinh bởi chánh sách của Ngô Đình Diệm. Đến đời đệ nhị Cộng Hòa qua sắc luật 033/67 đã hợp thức " bằng chứng khoán " đất gia cư cho mỗi gia đình Thượng bản địa 7 sào để làm nhà và trồng hoa màu phụ cho gia đình. Mỗi buôn làng được cấp cho một vùng kinh tế riêng biệt với số diện tích tùy theo mật độ dân số mỗi buôn làng. Vùng kinh tế này rộng bao la bao gồm núi rừng, sông ngòi, đất đồng bằng, gọi là " Khu vực sinh sống chính " giống như vùng " Main Living Area " của dân da đỏ ở Hoa Kỳ mà Quốc Hội Mỹ đã thông qua đạo luật Wheeler - Howard vào năm 1934 có vùng đất riêng và sống theo truyền thống của họ.


Riêng sắc dân bản địa CHĂM không có " Khu Vực Sinh Sống Chính " cho mỗi làng xóm vì sắc tộc CHĂM không có sống du canh du cư như Thượng miền Nam.


c/- Về Giáo dục và Đào tạo nhân viên:


- Chương trình Thổ ngữ ở Tây nguyên và Chiêm ngữ của sắc dân CHĂM được phát huy và chấp thuận cho các con em sắc tộc ở bậc tiểu học được học tiếng mẹ đẻ của mình.


- Các em học sinh trung học được cộng thêm 3 điểm trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, Tú tài I và Tú tài toàn phần.


- Các học sinh sắc tộc bản địa tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp được theo học sĩ quan trừ bị, thay vì phải có bằng Tú tài I như học sinh người Kinh. Cũng có học sinh sắc tộc bản địa có bằng Tú tài I, họ yêu đời binh nghiệp tình nguyện vào sĩ quan Thủ Đức.


- Học Viện Quốc gia hành chánh dành tỷ lệ 10% cho các sinh viên sắc tộc bản địa toàn quốc ( Qua một cuộc khảo thí chung với sinh viên người Kinh; sau đó cho 10 sinh viên có điểm cao trong tổng số sinh viên sắc tộc bản địa dự thi được nhập học).


- Các nghành nghề thuộc cấp: Cán sự y tế, Cán sự công chánh, Cán sự kiến trúc, Cán sự canh nông, v. v... Nữ hộ sinh Quốc gia các học sinh sắc tộc bản địa được phép dự thi và tranh thắng với nhau để nhập học.


- Các phân khoa đại học chuyên nghiệp như: Y Khoa, Kỷ thuật Phú Thọ, Đại học Sư Phạm, Kỷ sư công chánh, kỷ sư canh nông, Công nghệ, kiến trúc, v. v... Các sinh viên sắc tộc bản địa được Bộ PTST can thiệp cho theo học với một tỷ lệ nhất định nào đó do Bộ giáo dục quyết định.


- Ban Tham sự hành chánh: Ngoài 10% cho các sinh viên sắc tộc bản địa tự tranh thi tính điểm với nhau , sau đó nhập học chung với sinh viên người Kinh; Học viện Quốc gia Hành Chánh còn mở các khóa đào tạo Ngạch Tham sự:


- Ban Tham sự ( gọi là Ban Cao nguyên ) dưới thời đệ nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm.
- Ban Tham sự ( gọi là Khóa đặt biệt ) dưới thời đệ nhị Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu.
Ngoài ra còn có các Trường đào tạo sau đây dành cho các sắc tộc bản địa:
- Trường Thiếu sinh quân Cao Nguyên PleiKu.
- Trường Kỷ Thuật Y-ÚT Ban Mê Thuộc.
- Trường Sư Phạm Cao nguyên Đà Lạt
- Trường Trung học Pô Kloong Phan Rang
- Một Trung Tâm Văn Hóa CHĂM Phan Rang được chánh phủ cho phép linh mục người Pháp: Gérard Moussay thành lập để nghiên cứu, dịch thuật, và phát huy ngôn ngữ văn tự CHĂM, và còn là nơi trưng bày triễn lãm những sắc nét văn hóa và tín ngưỡng bản địa truyền thống của sắc tộc CHĂM.


Tóm lại các sắc tộc thiểu số bản địa, qua Hiến pháp ngày 01 tháng 4 năm 1967 được nâng đỡ đặc biệt qua sắc luật 033/67 như đã trình bày. Các sắc tộc bản địa tự do sinh hoạt và tham gia những tổ chức đảng phái chánh trị như người Kinh trong cộng đồng dân tộc; tự do mưu cầu phát triển kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật v. v... Và " Tự quản " về nhiều lãnh vực trong sinh hoạt quốc gia một cách hợp hiến, hợp pháp để tạo sự Hòa đồng và đồng tiến xã hội. Hòa đồng trong dị biệt (Tôn trọng sự khác biệt) chứ không phải Hòa đồng để Đồng hóa.


Mới đây, Tuyên ngôn về quyền của Dân tộc Bản địa được thông qua bởi Hội Đồng Liên Hiệp Quốc theo nghị quyết số: 61/295 ngày 13/9/2007 gồm tất cả 31 điều khoản tổng quát. Theo tôi, 31 điều khoản đó cũng gói ghém lại trong các điều 02, 24, 66 và 97 của Hiến Pháp VNCH ngày 01/4/1967, cũng như trong sắc luật 033/67 của VNCH mà thôi.


Duy có điều 04 trong Nghị Quyết số: 61/295 của Liên Hiệp Quốc vào ngày 13/9/2007 là " Quyền Tự Trị ". Điều này Hiến Pháp VNCH ngày 01/4/1967 chưa đề cập đến được vì sự nhậy cảm của vấn đề và ê ngại sẽ có tình trạng " một quốc gia trong một quốc gia ".


Hơn nữa trong phần mở đầu của Bản Tuyên Ngôn theo Nghị Quyết số 61/295 ngày 13/9/2007 cũng công nhận rằng: Tình hình của các Dân Tộc Bản Địa là khác nhau, tùy theo khu vực và quốc gia; cũng như công nhận rằng: cần phải cân nhắc những đặc điểm khác biệt giữa các quốc gia, khu vực và nhiều yếu tố cơ sở, lịch sử và văn hóa.


Do đó, tôi nghĩ các thể chế chánh trị của các chánh quyền hiện hữu và kế tiếp ở Việt Nam, nếu được tiếp tục thực hiện những quyền của các sắc tộc thiểu số bản địa theo như Hiến Pháp ngày 01/4/1967 của nền đệ nhị VNCH là diễm phúc lắm rồi. Còn muốn tiến xa hơn nữa, cũng cần có thời gian và hoàn cảnh thực tế hiện hữu của Việt Nam.


Tôi đã một lần nói với một bác sĩ Việt Nam có tiếng tăm ở Hoa Kỳ rằng: " Dân Tộc Bản Địa Champa " đâu cần phải xin " Tự Trị ". Để khi nào Việt Nam thực sự văn minh, tiến bộ và giàu mạnh như nước Mỹ, Úc, Canada v. v... thì họ tự động cho "Tự Trị " thôi.


Đằng này đối với đất nước và xã hội Việt Nam bây giờ, ai cũng thấy đó: Thù trong, giặc ngoài, còn nghèo khổ, rách nát, xã hội suy đồi, nhân tâm ly tán. Nhưng dù sao những hoài bão và ước vọng của các anh em Sắc Tộc Bản Địa đang thiết tha vận động ở Liên Hiệp Quốc về " quyền của Sắc Tộc Bản Địa " cũng không sai và đáng trân trọng, vì những " quyền lợi " hay gọi là những " đặc ân " đối với sắc dân thiểu số Bản địa qua Hiến Pháp ngày 01/4/1967 của nền đệ nhị VNCH đã bị lịch sử sang trang một cách bi thảm và đầy chua xót . /.