Hội luận Champa II: Vấn đề giáo dục - đào tạo cho thế hệ trẻ Chăm Print
Written by Ja Karo   
Friday, 24 August 2012 20:40
sinh vien 10
Sinh viên Chăm học đánh ginang

Thiết nghĩ chăm lo giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ Chăm là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng nguồn nhân lực để phát triển cộng đồng Chăm. Chúng tôi tham gia Hội luận về chủ đề này với những hiểu biết và đánh giá mang tính chủ quan của cá nhân. Xin lắng nghe những ý kiến thảo luận và phản hồi từ Hội Luận Champa II vào ngày 1-9-2012 tại San Jose (Hoa Kỳ) để học hỏi và cùng nhau góp phần xây dựng cộng đồng Chăm ngày một phát triển.

 

 

Tại sao người Chăm không còn thiết tha đề ra những phương án hầu xây dựng thế hệ trẻ người Chăm,

một lực lượng dân sự rất cần thiết cho sự phát triển xã hội?

 

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực con người là chiếc chìa khóa quan trọng để phát triển kinh tế văn hóa xã hội của một quốc gia nói chung và cộng đồng Chăm nói riêng. Giáo dục và đào tạo có vai trò nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển cộng đồng. Với thực tế cộng đồng Chăm bé nhỏ với những nét văn hoá đặc sắc lại đang sống chung với một cộng đồng khổng lồ người Kinh bao quanh thì giáo dục lại càng có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng Chăm trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình cũng như giúp đào tạo thế hệ trẻ đủ đức, đủ tài kế tục sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Chăm.

 

A. Đặc điểm tình hình


1. Thuận lợi

 

Tại Việt Nam hôm nay:

• Học sinh-Sinh viên Chăm được hưởng chung các chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo dành cho các dân tộc thiểu số.

 

• Đội ngũ cán bộ giáo dục Chăm ngày một phát triển. Đặc biệt một số cán bộ giảng dạy người Chăm ở bậc Đại học rất tâm huyết và trách nhiệm trong việc dìu dắt thế hệ trẻ Chăm.

• Một số sinh vên Chăm tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài trở về cống hiến cho đất nước nói chung và cộng đồng Chăm nói riêng. Đây cũng là tấm gương cho thế hệ trẻ Chăm cố gắng và phấn đấu.

 

• Người Chăm luôn phát huy truyền thống hiếu học. Nhiều gia đình còn khó khăn nhưng vẫn cố gắng cho con ăn học; học sinh sinh viên Chăm có nhiều tấm gương sáng vượt khó trong học tập.

 

2. Khó khăn

 

• Hầu hết học sinh - sinh viên Chăm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên còn nhiều thiếu thốn và không có đủ điều kiện học tập tốt.

 

• Cơ cấu tổ chức làng Chăm bị phá vỡ nên việc giáo dục con em của các chức sắc trong làng Chăm bị hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho luật tục Chăm bị mai một dần dần.

 

• Chưa có nhiều dự án, chương trình học bổng, hỗ trợ ưu tiên cho học sinh - sinh viên Chăm học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ.

 

• Chỉ có một hội sinh viên Chăm ở Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh. Ở các trường đại học khác, chưa thành lập được Hội sinh viên Chăm do nhiều lý do khách quan khác nhau.

 

B. Các hội đoàn trong nước có ảnh hưởng đến công tác giáo dục

 

Sau khi Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm bị đình chỉ vào năm 2010, thì trong nước chỉ còn hai hội (nhóm) người Chăm ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục thế hệ trẻ Chăm.

 

nhac-cu-cham-15-1
Lể khai mạc lớp nhạc cụ Chăm

  

1). Nhóm thứ nhất

 

Nhóm thứ nhất là nhóm nghệ thuật văn chương hay còn gọi nhóm Tagalau. Nhóm này tập trung các cây bút về văn thơ, đã tạo ra một sân chơi nghệ thuật cho cộng đồng Chăm. Bằng ngòi bút nghệ thuật văn chương, các thành viên của nhóm này đã giới thiệu và đóng góp cho kho tàng nghệ thuât văn học Chăm hàng trăm bài thơ, ca, bình luận, nhận định,...nhằm khắc họa cuộc sống xã hội của cộng đồng Chăm trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bên cạnh ý nghĩa tạo sân chơi nghệ thuật, các bài viết này còn ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục thế hệ trẻ qua nội dung, ý nghĩa các bài thơ, bài văn. Qua đó người đọc càng thêm lòng tự hào về truyền thống của dân tộc mình, phát huy những giá trị tinh hoa, phẩm chất tốt đẹp của con người Chăm qua nhiều thế hệ từ đó phấn đấu rèn luyện, làm tốt công việc hiện tại và có niềm tin và ước mơ tươi đẹp ở một ngày mai. Tuy nhiên ngoài một số bài viết hay, tích cực có ý nghĩa giáo dục sâu sắc thì trong đó vẫn còn một số bài viết có nội dung phản giáo dục đáng bàn như: nêu ra các khuyết tật của dân tộc Chăm là «Cục bộ, tính khí tiêu cực, thiếu khoa học, lánh đời và trốn xã hội, sĩ hão, không biết giúp nhau, nhát gan, không trung dung, tính đổ thừa, không bền chí» (Phú Trạm, 2003. “Văn hóa - Xã hội Chăm”, trang 111-116); hay cho rằng người Chăm có «Bản chất tị hiềm nhau, bản chất dốc phách, bản chất thiếu khiêm tốn, bản chất háo danh, bản chất thiếu tính nhân ái, bản chất thiếu tính sòng phẳng, bản chất không dám nói trước mặt nhau» (Nguyễn Văn Tỷ, 2004. “Tập san Tagalau”. Số 4, trang 130-134); hoặc gán cho phụ nữ Chăm là một tập thể thác loạn tình dục: "... thích thì cho, thì làm. Sau tảng đá ngoài rừng, ngay gốc cây trong vườn...” (Phú Trạm, 2006. “Chân Dung Cát”, trang 63). Cũng trong tác phẩm Chân Dung Cát, Phú Trạm cho rằng những công trình xây dựng đền tháp trong lịch sử Champa chỉ là trò chơi phi nhân tính: "Tháp Cánh Tiên, Dương Long hay cả Thánh địa Mỹ Sơn chỉ là trò chơi vô tội vạ của vua chúa thừa quyền hành nhưng thiếu đầu óc, vắt kiệt sức dân để phô trương cái tôi phi nhân tính” (tr. 174). Phú Trạm cũng không ngần ngại chê bai cả vua Chế Mân là nhân vật chơi gái: "Chế Mân còn dám cắt hai châu Ô, Lý để chơi gái nữa” (tr. 112). Thiết nghĩ những nội dung này nên để lịch sử phán xét, không nên dùng ngòi bút nghệ thuật văn chương phác họa một hình ảnh không chút tốt đẹp và phi giáo dục về văn hóa Champa.

 

2). Nhóm thứ hai

 

Nhóm thứ hai là nhóm trí thức Chăm ở các trường Cao đẳng, Đại học, các Cơ quan Nhà nước và ở các làng Chăm. Nhóm này gồm các trí thức có bằng cấp ở trình độ cao, là các Cán bộ - Giảng viên ở các trường cao đẳng đại học tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài việc dìu dắt và quan tâm đến các thế hệ sinh viên Chăm khi tham gia học tập và nghiên cứu ở các trường cao đẳng đại học nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho con em Chăm, nhóm này còn tham gia các công trình nghiên cứu khoa học trong nước về đề tài Champa để góp chung cùng cộng đồng tiếng nói khoa học bảo tồn di sản văn hóa dân tộc mình. Các bài báo khoa học công bố kết quả nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học là sản phẩm thường thấy của nhóm này. Tuy không “rộn rịp” và “rôm rả” như nhóm nghệ thuật văn chương “Tagalau” nhưng các sản phẩm khoa học của nhóm này thường phải thông qua hội đồng khoa học kiểm duyệt do đó có giá trị khoa học và thực tiễn; có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ rất lớn. Khi đứng trước những vấn đề về xã hội Chăm còn nhiều tranh cãi, nhóm này nghiên cứu và đưa ra quan điểm của mình trước cộng đồng một cách khoa học và nghiêm túc. Ví dụ trường hợp việc tranh cãi về dạy chữ Chăm Akhar Thrah truyền thống hay dạy chữ Chăm do BBSSCC đề xướng. Nhóm này đã cho ra đời tác phẩm “ Ngôn ngữ Chăm – thực trạng và giải pháp” (2011). Đây là cuốn sách chuyên đề, gồm 13 tác giả, chủ yếu là người Chăm gốc, viết về nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến thực trạng ngôn ngữ Chăm mà cộng đồng Chăm đang quan tâm. Các tác giả gồm: GS-TS Thành Phần; TS. Phú Văn Hẳn; TS. Lý Tùng Hiếu; TS. Bá Trung Phụ; TS Trương Văn Món; ThS. Quảng Đại Tuyên; ThS. Đàng Năng Hòa; Ths. Bá Văn Quyến; Đồng Văn Dinh; Sử Văn Ngọc; Thập Liên Trưởng; Đàng Năng Tú; Đàng Năng Quốc Thuận là đội ngũ trí thức Chăm tiêu biểu tham gia biên soạn tác phẩm trên góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Chăm.

 

C. Nguyên nhân ảnh hưởng đến việc học tập của Sinh viên Chăm

 

1). Khó khăn về kinh tế

 

Hiện nay có nhiều sinh viên Chăm phải bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn; hoặc vừa học vừa làm thêm để tự trang trải trong cuộc sống. Hơn nữa, học sinh – sinh viên đóng rất nhiều khoản phí khác ngoài học phí như thư viện, phòng máy tính, sinh hoạt lớp,...

 

2. Chưa có nhiều dự án đào tạo dành riêng cho học sinh – sinh dân tộc thiểu số nói chung và Chăm nói riêng

 

Ở trong nước, hiện nay học sinh – sinh viên Chăm được hưởng chính sách cộng điểm ưu tiên cho thí sinh là người dân tộc thiểu số trong việc thi tuyển sinh đại học chứ chưa có một chương trình đào tạo nguồn dành riêng cho học sinh – sinh viên Chăm. Do đó cơ hội thi đậu vào các trường cao đẳng của học sinh Chăm còn hạn chế.

 

Về chương trình học bổng du học, trước đây có một số sinh viên Chăm được du học theo nguồn quỹ học bổng Ford tài trợ, Đây là Chương trình Học bổng Quốc tế (IFP) hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Được thành lập vào năm 2001 và tính đến tháng giêng năm 2008 đã có 156 du học sinh Việt Nam trong đó có 09 sinh viên Chăm được nhận học bổng này. Nhưng kể từ khi trường hợp du học sinh Quảng Đại Cẩn (dân tộc Chăm) tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ theo chương trình học bổng Ford tài trợ (học xong trốn ở lại Mỹ) không trở về nước phục vụ cho cộng đồng đã làm mất uy tín và ảnh hưởng đến những sinh viên Chăm thế hệ sau khó được tuyển chọn tiếp theo. Đây là trường hợp duy nhất trong tổng số du học sinh theo chương trình Ford tài trợ ở Việt Nam học xong trốn ở lại nước ngoài.

 

3. Hoạt động sinh viên Chăm bị công an giám sát

 

Hội sinh viên Chăm ở các trường Đại học khó thành lập do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là về mặt an ninh. Một số ví dụ sau mô tả điều này.

 

• Ở Đại Học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, theo một nguồn cho biết nhân viên thư viện là công an được phân công theo dõi các hoạt động của sinh viên dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm nói riêng. Trường hợp khác, nhân dịp tham dự lễ hội Katê Chăm do chi hội Chăm tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, một cán bộ Chăm đã gặp nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh đến dự. Trong lúc nói chuyện, hỏi thăm về chương trình giảng dạy chữ Chăm truyền thống Akhar thrah và chữ Chăm Ban Biên Soạn thì một sinh viên nói rằng : “Xin lỗi bác, tụi con không nói được, vì nói ra bất cứ chuyện gì về Chăm thì sau đó công an sẽ biết hết! Những việc nhạy cảm này con đã bị công an hỏi thăm rồi!”

 

• Cũng trong dịp mừng năm mới Rija Nargar Chăm 2011 tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, một số sinh viên Chăm Đại học Tây Nguyên vào tham dự lễ hội này khi trở về thì bị công an mời làm việc và hăm dọa bằng nhiều hình thức với ngôn từ thiếu văn hóa điều này gây bất bình trong Sinh viên.

 

Từ những sự việc trên cho thấy, Công an an ninh theo dõi chặt chẽ các hoạt động của nhóm sinh viên Chăm ở các trường Đại học. Điều này gây nên cảm giác hoang mang, lo lắng trong cộng đồng sinh viên Chăm mà các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm cần phải quan tâm và có giải pháp để giúp sinh viên Chăm được yên tâm học tập và rèn luyện như bao sinh viên khác.

 

D. Một số định hướng nâng cao chất lượng

giáo dục- đào tạo thế hệ trẻ Chăm

1). Phát triển di sản văn hóa Chăm

 

Cần tạo điều kiện và cơ sở vật chất cho các Chức sắc trong làng để dạy con em Chăm trong việc gìn giữ luật tục Chăm, duy trì tiếng nói, chữ viết Chăm.

 

Giáo dục con em trong gia đình, dòng họ bởi các chức sắc Chăm có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Chăm đồng thời giáo dục cho các em về truyền thống hiếu học, giúp các em có động cơ học tập đúng đắn và cố gắng phấn đấu học tập đạt kết quả cao nhất. Việc dạy và học chữ Chăm truyền thống cần được khôi phục và duy trì.

 

chamranam.com
Bảo vệ luận án Ts. của sinh viên Chăm 

 

2. Đào tạo cán bộ nguồn

 

Cần có dự án đào tạo cán bộ nguồn cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Thiết nghĩ một số lĩnh vực chuyên biệt như: Kỹ sư, Luật sư, Bác sĩ, Giáo viên, Ngôn ngữ, Văn hóa học,... là rất cần thiết cho cộng đồng. Tuy nhiên do địa bàn khó khăn nên việc đào tạo nguồn nhân lực tại chổ sẽ là giải pháp tốt nhất cho các cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và cộng đồng Chăm nói riêng. Hiện nay với chế độ ưu tiên cộng điểm tuyển sinh cho dân tộc thiểu số vẫn chưa đảm bảo cho sự công bằng vì số lượng sinh viên dân tộc trúng tuyển vào trường Đại học còn rất ít. Vì vậy nên chăng có những chương trình hay dự án riêng để đào tạo nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số.

 

3. Gây quỹ học bổng nước ngoài

 

Tiếp tục tranh thủ các chương trình dự án, quỹ học bổng nước ngoài để đưa con em Chăm du học là vấn đề cần thiết. Cần có chương trình chuẩn bị về ngoại ngữ cũng như những điều kiện khác cho con em Chăm để có cơ hội du học theo các chương trình học bổng trong và ngoài nước. Tiếp tục tranh thủ các nguồn học bổng để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ở nước ngoài để phục vụ cho cộng đồng Chăm trong tương lai là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ Chăm. Hiện nay các Trung tâm nghiên cứu về Champa học được các chuyên gia rất quan tâm, đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ Chăm. Các thế hệ đi trước cần thông tin rộng rãi đến học sinh – sinh viên Chăm và định hướng, tư vấn, dìu dắt thế hệ sau tiếp bước tạo nên sự tiếp nối không ngừng trong các vấn đề nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Champa.

 

4. Tạo quỹ khuyến học

 

Cần phải tạo quỹ khuyến học trong cộng đồng Chăm trong và ngoài nước để khuyến khích con em Chăm vượt khó phấn đấu trong học tập. Hiện nay học sinh – sinh viên Chăm gặp rất nhiều khó khăn do đời sống kinh tế gia đình thu nhập thấp so với mặt bằng chung của xã hội Việt Nam. Do đó với tinh thần tương trợ lá lành đùm lá rách, cộng đồng Chăm nên tạo một quỹ khuyến học động viên tinh thần vượt khó học tập cho con em Chăm. Quỹ này nên dành cho khối học sinh Trung học Phổ thông và Cao đẳng, Đại học nhằm giúp các em trang trải trong quá trình học tập.

 

5. Mở rộng tầm hoạt động của tổ chức sinh viên

 

Cũng nên mở rộng Hội sinh viên Chăm và có nhiều chương trình, hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện vì cộng đồng.

 

Chi hội sinh viên Chăm Tp. Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động rất tích cực trong việc duy trì dạy và học Tiếng Chăm, các lớp nhạc cụ truyền thống và chủ trì tổ chức các lễ hội Chăm cho sinh viên. Để phong trào ngày càng phát triển, chi hội cần phát huy vai trò của mình trong việc mở rộng các Hội sinh viên Chăm ở các trường Cao đẳng, Đại học trong cả nước. Cần tạo điều kiện để sinh viên Chăm được tham gia các lễ hội truyền thống Chăm cũng như tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ , thể dục thể thao của tuổi trẻ. Đây cũng là dịp để sinh viên Chăm có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ trong cộng đồng. Đồng thời qua đó giáo dục cho sinh viên Chăm ý thức đoàn kết và tinh thần tình nguyện vì Cộng đồng Chăm, góp phần đào tạo họ trở thành những người có đủ đức, đủ tài để sau này chính đội ngũ này gánh vác trọng trách bảo tồn và phát triển cộng đồng Chăm trong tương lai. Trong dịp Lễ hội Rija Nagar, Katê, Ramadan hàng năm, Chi Hội Chăm Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Đặc biệt Lễ hội Rija Nagar 2012, được tổ chức tại Cần Giờ với những màn sân khấu hóa, diễn xướng tái diễn các nghi lễ trong lễ hội Chăm rất độc đáo và ấn tượng cùng với những giọt mưa đầu năm trong lễ hội báo hiệu cho một năm mưa thuận gió hòa. Các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước nên có những quỹ hỗ trợ cho hoạt động của các Hội sinh viên Chăm để tạo điều kiện cho các Hội hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, các Cán bộ- Giảng viên Chăm ở các trường Cao đẳng, Đại học cần là đầu tàu gương mẫu chỉ đạo các hoạt động này đồng thời là chỗ dựa tinh thần cũng như đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho sinh viên yên tâm tham gia các tổ chức hội đoàn trong điều kiện khó khăn về an ninh như đã trình bày trên.

 

6. Tạo điều kiện để sinh viên Chăm tham gia các công trình nghiên cứu khoa học

 

Cần tạo điều kiện để sinh viên Chăm tham gia các dự án hoặc công trình nghiên cứu khoa học về chủ đề liên quan đến công tác bảo tồn và phát triển cộng đồng Chăm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đào tạo một thế hệ trẻ Chăm có hiểu biết sâu sắc về cộng đồng mình cũng như nâng cao năng lực học tập và nghiên cứu cho sinh viên.

 

*

 

Tóm lại, cần có giải pháp và chương trình giáo dục đào tạo thế hệ trẻ Chăm phù hợp, chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển Cộng đồng Chăm trong tương lai là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Cần tập trung nhân lực, tài lực, trí lực và tâm lực của cộng đồng Chăm trong và ngoài nước cho công tác này.