Hội Luận Champa II: Bản tường trình phần I Print
Written by Pgs. Ts. Po Dharma   
Thursday, 06 September 2012 20:41
01 bieu ngu 10

Hội Luận Champa lần thứ II do Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa tổ chức vào ngày 1-9-2012 đã diễn ra trong bầu không khí rất cởi mở và trên tinh thần xây dựng tại hội trường cổ kính Le Petit Trianon Theatre, San Jose, Hoa Kỳ. Hội luận lần này tập trung nhiều thành phần trí thức Chăm tham dự, trong đó có một số thành viên IOC-Champa,

Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa, Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa và một số anh em từ Washington State.

Hội Luận Champa lần thứ II mang chủ đề “Làm thế nào để dân tộc Chăm còn tồn tại trong thế kỷ 21” là đề tài tổng quát. Đây là cơ hội để tập trung định giá những vấn đề còn tồn tại có thể đưa xã hội Chăm vào con đường khủng hoảng và biến dân tộc Chăm thành một tập thể tộc người bị đồng hóa lai căng trong thế kỷ thứ 21 này.

 

Ngay trong lời mở đầu của hội luận, Ban tổ chức đã nhấn mạnh rằng:

 

Gần 3 thập niên qua, dân tộc Chăm đã và đang gánh chịu bao biến cố thăng trầm mà không ai có thể đo lường được thế nào là định mệnh sống còn của họ trong thế kỷ thứ 21 này.

Biến cố chính trị vào năm 1975 đã tàn phá trong chốc lát mọi giá trị truyền thống của dân tộc Chăm để thay vào đó một mô hình xã hội mới, không còn định nghĩa như là không gian liên đới giữa những thành viên tự nhận diện mình là dân tộc Chăm cùng chung một nguồn gốc lịch sử của vương quốc Champa nữa, mà là không gian liên đới giữa những phe nhóm kết hợp với nhau qua mối liên hệ bàn bè, thân tộc, địa phương, tôn giáo và chủ thuyết chính trị. Kể từ đó, xã hội Chăm trở thành một tập thể tộc người không tổ chức, không nhà lãnh đạo tinh thần và cũng không có viễn tượng tương lai rõ ràng. Chính đó là mối nguy cơ có thể đưa dân tộc Chăm vào con đường diệt vong, không phải vì súng đạn hay chính sách diệt chủng, mà là bị đồng hóa bởi sức ép của một tập thể khổng lồ hơn 85 triệu người của dân tộc lớn nắm toàn quyền trong quốc gia Việt Nam đa chủng tộc.


Sự tan rã của giá trị truyền thống xã hội Chăm sau năm 1975 đã gây ra bao vết thương lở lói trong xã hội Chăm mà nguyên nhân chính yếu phát sinh từ những sự xung đột mang tính cách cá nhân liên quan đến khái niệm về bản sắc văn hóa và yếu tố lịch sử Champa. Từ sự nảy sinh bất đồng quan điểm về ý thức hệ đoàn kết giữa các hội đoàn và phe nhóm đã kéo theo bao làn sóng chia rẽ trong nội bộ để rồi hôm nay dân tộc Chăm không còn khả năng để định hướng tương lai cho sự sống còn của mình. Chính vì nguyên nhân đó, Hội Luận Champa lần thứ II là diễn đàn nhằm đưa ra những quan điểm mang tính cách xây dựng và những giải pháp mang tính cách thiết thực hầu làm thế nào để dân tộc Chăm còn tồn tại trong thế kỷ 21 này.

 

Ban điều hành Hội luận Champa lần thứ II gồm có  bà Dương Chi Mai, cô Regina Kieu, Thành Phú Bá, Musa Porome, Từ Công Nhường và Qasim Tu, đặt dưới sự điều hợp của Pgs. Ts. Po Dharma (Viện Viễn Đông Pháp).

Khởi đầu của buổi hội luận là diễn văn khai mạc của ông Andry Tu, chủ tịch Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa, sau đó lời cảm tưởng của ông Thành Phú Bá và Kiều Đại Thọ, đại diện cho giới bô lão.

Ngay trong lời mở đầu, Pgs. Po Dharma cho biết sự hiện diện của ông trong hội trường không mang tư cách là thành viên của hội đoàn Chăm tại hải ngoại, mà là nhà khoa học độc lập hầu điều hợp buổi hội luận này.

 

Năm vấn đề đã đưa ra bàn thảo trong ngày hội luận, đó là:

 

 I. Nạn nghèo đói và phong trào di dân


Dân tộc Chăm là tập thể chuyên sống về nghề nông. Trước năm 1975, tất cả cánh đồng phì nhiêu và núi rừng nằm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hoàn toàn do người Chăm khai thác. Dân tộc Kinh trong hai tỉnh này không quan tâm đế việc khai thác ngành nông nghiệp và sản phẩm thiên nhiên của rừng núi.

Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam trưng dụng tất cả đất đai của dân tộc Chăm để chia đều cho tất cả dân cư sinh sống trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, kể cả người Kinh di cư vào. Kể từ đó, dân tộc Chăm trở thành một tập thể vô sản theo định nghĩa của xã hội chủ nghĩa.

 

01a phuong
Vũ khai mạc Hội Luận

 

Không còn đất đai để canh tác, không còn núi rừng để nương thân, không công ăn việc làm để nuôi bản thân và gia đình và cũng không hưởng một nguồn lợi bao cấp nào từ phía chính quyền, dân tộc Chăm phải lâm vào nạn nghèo đói bần cùng, kéo theo làn sóng di dân sang thành phố lớn để tìm công ăn việc làm. Kể từ đó, họ trở thành đối tượng tuyển dụng cho một số công ty thuê nhân công với giá rẻ tiền. Một số chủ nhân người Kinh thường dùng quyền lực của mình để bóc lột sức lao động người Chăm. Đặc biệt là phụ nữ Chăm luôn giữ vai trò quan trọng trong gia đình theo chế độ mẫu hệ, nay phải rời bỏ làng quê theo làn sóng di dân để tìm kiếm kế sinh nhai. Một số trường hợp phải chấp nhận làm nghề không phù hợp cho lắm với thuần phong mỹ tục của dân tộc mình. Do đó phụ nữ Chăm là nạn nhân đáng lo ngại nhất trong làn sóng di dân này.

 

Giải pháp:


Để trả lời cho vấn đề này, các đại biểu của Hội Luận đưa ra kết luận rằng nạn nghèo đói của dân tộc Chăm là vấn đề trọng đại nhưng cộng đồng Chăm không thể tự giải quyết được vấn nạn này mà chỉ có nhà nước Việt Nam mới có đủ quyền lực và khả năng để giúp dân tộc Chăm thoát ra khỏi nạn nghèo đói. Chính vì thế, Hội Luận đưa ra những đề nghị như sau:

 

1). Yêu cầu nhà nước Việt Nam quan tâm giải quyết vấn đề nghèo đói của dân tộc Chăm và có chính sách phát triển kinh tế ưu tiên của quốc gia. Tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp phát triển các hãng xưởng trong khu vực người Chăm hầu giúp dân tộc này có công ăn việc làm.

 

2). Yêu cầu Nhà nước Việt Nam dành ưu tiên cho con em người Chăm vào các khóa đào tạo nghề thiết thực như: điện cơ, điện tử, sửa chữa điện thoại, máy vi tính, sửa xe, thợ mộc, thợ hồ, thư ký, nữ công, v.v. có mối liên hệ trực tiếp với thị trường kinh tế để họ có cơ hội tìm công ăn việc làm.

 

3). Mong rằng các hội đoàn người Chăm trong và ngoài nước nên quan tâm đến thực trạng kinh tế của dân tộc Chăm bằng cách tiếp tục đề ra những giải pháp thiết thực qua các buổi hội luận hoặc các bài viết đăng trên mạng web hầu giúp dân tộc Chăm có cơ hội tiếp thu những phương hướng làm thế nào để dân tộc Chăm thoát ra khỏi nạn nghèo đói.

 

II. Vấn đề an ninh xã hội và nạn cướp bóc tại nông thôn

 

Gần 3 thập niên qua, dân tộc Chăm đang sống trong bối cảnh phập phồng lo sợ, không còn làm chủ trên định mệnh của mình, vì hai lý so sau đây.

 

1). Chính sách ngầm nghi ngờ và chụp mũ

 

Cho đến hôm nay, dân tộc Chăm không ai nghĩ đến vấn đề phục quốc và cũng không có tổ chức người Chăm nào trong và ngoài nước chủ trương chống phá Nhà nước Việt Nam, ngoại trừ cá nhân ông Thành Đài đứng ra thành lập Chính Phủ Chăm Lưu Vong tại hải ngoại, nhưng ông đã khai tử mô hình chính trị này. Dân tộc Chăm hôm nay không ngừng lên tiếng phản đối những bất công trong xã hội mà họ là nạn nhân của thời cuộc, đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, góp phần tham gia vào công tác bảo tồn di sản sản văn hóa, xây dựng cộng đồng, trao đổi với nhau về các chuyên ngành học thuật, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày, v.v.. Tiếc rằng, mọi sinh hoạt của dân tộc Chăm trong và ngoài nước đều bị nghi ngờ là hành động chống phá nhà nước, thường bị cơ quan an ninh mời tới cơ quan để điều tra, chất vấn, hạch hỏi, chụp mũ, v.v. Tất cả Chăm kiều khi trở về quê hương thăm gia đình cũng bị cơ quan an ninh đến tận nhà để dò hỏi, chất vấn.

 

01b ban nhac 20
Ban nhạc cổ truyền

 

Chính sách nghi ngờ, chụp mũ này đã đưa đẩy dân tộc Chăm vào cuộc sống lúc nào cũng lo âu và bất an , có cảm giác rằng Nhà nước Việt Nam không xem dân tộc Chăm là công dân của quốc gia Việt Nam đa chủng tộc, mà là thành phần phản động, chống phá nhà nước. Trong khi đó người Chăm chỉ mong có cuộc sống bình yên và được đối xử bình đẳng như những dân tộc khác trong cộng đồng đa sắc tộc ở Việt Nam.

 

Giải pháp:

 

Ảnh hưởng của chính sách ngầm về sự nghi ngờ và chụp mũ này còn làm cho dân tộc Chăm có cảm giác như sống trong không gian bị kiềm kẹp, không còn niềm tin để định hướng tương lai của mình. Trước hoàn cảnh này, các đại biểu của hội luận đưa ra những đề nghị như sau:

 

a). Yêu cầu nhà nước Việt Nam không nên xếp dân tộc Chăm vào thành phần phản động, mà là công dân đáng được tôn trọng và bình đẳng trong quốc gia Việt Nam đa chủng tộc. Vì rằng, không có một tổ chức người Chăm nào trong và ngoài nước chủ trương chống phá Nhà nước Việt Nam

 

b). Yêu cầu nhà nước Việt Nam xóa bỏ chính sách ngầm về nghi ngờ, chụp mũ những người Chăm vô tội hầu giúp họ tìm lại một niềm tin đối với Đảng và Nhà nước. Các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, các cơ quan an ninh cần tạo mối quan hệ gần gũi và cư xử đúng mực với quần chúng nhằm giúp họ yên tâm trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

 

2). Tình trạng cướp bóc

 

Gần một thập niên qua, nạn cướp bóc, trộm cắp, băng nhóm phá rối trật tự an ninh đang thao túng trong làng người Chăm. Băng nhóm trộm cả trâu bò, heo lợn, gà vịt…; dùng cả dao búa để đe dọa cướp bóc một cách công khai như đập phá nhà cửa bà con Chăm để lấy của cải, tài sản. Chính đó là nguyên nhân đưa đẩy các làng Chăm vào không gian hỗn loạn, làm cho bà con Chăm không còn yên tâm để phát triển cuộc sống kinh tế của họ.

 

Giải pháp:


Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu của hội luận đề nghị rằng:

 

a). Yêu cầu nhà nước Việt Nam tìm mọi giải pháp để dẹp tan băng nhóm cướp bóc đang thao túng trên địa bàn dân cư của dân tộc Chăm hôm nay.

 

02 tu cong anh
Andry Tu, chủ tịch Hội Đồng Phát Triển 

 

b). Kêu gọi bà con Chăm phải có nghĩa vụ giáo dục các thành viên trong gia đình của mình không nên tham gia vào việc trộm cấp và cảnh giác với các băng nhóm cướp bóc, vì đây là hành vi phạm pháp luật, không phù hợp với bản sắc truyền thống của dân tộc Chăm.

 

c). Kêu gọi các tổ chức, hội đoàn trong thôn xóm tìm các phương án để gây dựng phong trào tương thân tương trợ, hầu chống lại những tệ đoan xã hội này.

 

III. Đào tạo thế hệ trẻ để xây dựng lực lượng dân sự


Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, giáo dục và đào tạo là chính sách hàng đầu của nhà nước nhằm xây dựng một lực lượng dân sự để phục vụ cho sự phát triển xã hội và kinh tế của mỗi quốc gia.

Tại các quốc gia tân tiến, chỉ số sinh viên vào đại học hàng năm có mức độ trung bình là 3,5 % của tổng số dân cư. Dân tộc Pháp có 65 triệu dân. Chính vì thế, tổng số sinh viên vào đại học hàng năm có khoảng 2.3 triệu người.

Việt nam là quốc gia đang trên đà phát triển, có số lượng 1.9 triệu sinh viên đại học vào niên khóa 2009-2010, tức là 2.1% trên tổng số 90 triệu dân. Nếu dựa vào chỉ số 2.1 % này, thì số lượng sinh viên Chăm trong các trường đại học tại Việt Nam hôm nay phải là 2100 người, tức là vào khoảng 500 sinh viên Chăm vào đại học cho mỗi niên khóa. Tiếc rằng dân tộc Chăm có dân số hơn 100 ngàn người nhưng số lượng sinh viên nằm trong các đại học hôm nay chưa đến 300 người tức là 0,3 % trong khi đó sinh viên người Kinh chiếm 2.1%. Chính đó là sự chênh lệch quá cao giữa số lượng sinh viên người Kinh và sinh viên Chăm.

Sự hạn chế về số lượng sinh viên Chăm không xuất phát từ bản chất người Chăm không cố gắng học hành mà là từ hoàn cảnh nghèo đói của xã hội Chăm, từ bối cảnh địa bàn dân cư hẻo lánh, xa cách phố phường, từ sự chênh lệch trong hệ thống giáo dục giữa thôn quê và thành thị và nhất là từ chính sách của nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến hoàn cảnh kinh tế và xã hội của tập thể dân tộc bản địa. Việc đánh giá trình độ học vấn của con em người Chăm ngang hàng với con em người Kinh là chưa phù hợp, vì trong thực tế đa số con em người Chăm học hết lớp 12 vẫn còn một số khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt.

 

03 hoi luan

Từ trái sang phải: Thành Phú Bá, Dương Chi Mai, Regina Kieu, Po Dharma

Từ Công Nhường, Musa Porome, Qasim Tu

 

Xuất thân từ vùng nông thôn hẻo lánh, buổi sáng đi học chiều về còn phụ giúp gia đình, nương rẫy, con em người Chăm khó mà theo kịp con em người Kinh trong trường lớp. Sau ngày tốt nghiệp lớp 12, con em người Chăm phải thi vào đại học như con em người Kinh. Chính sách thi tuyển này chưa tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho con em người Chăm vào đại học, mặc dù nhà nước Việt Nam có chế độ ưu tiên cộng thêm vài điểm dành cho thí sinh dân tộc thiểu số.

Một số con em người Chăm có may mắn hơn được trúng tuyển vô đại học, nhưng có một số sinh viên phải xếp áo quay về quê làng vì không đủ tiền để tiếp tục học hành. Hầu hết gia đình người Chăm hôm nay có mức thu nhập hàng tháng chưa đầy 1 triệu đồng, trong khi đó chi phí cho một sinh viên học hành trong thành phố phải tốn hơn 2 triệu đồng một tháng. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao dân tộc Chăm hôm nay chỉ có 300 sinh viên (0.3%) trong đại học thay vì 2100 người nếu tính theo tỷ lệ 2.1% mà nhà nước Việt Nam đã dành cho sinh viên người Kinh.

Tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, như liên bang Mã Lai, những sinh viên trúng tuyển vào đại học, nếu gia đình nghèo khó, có quyền vay tiền nhà nước để tiến thân sau đó sẽ hoàn trả lại cho nhà nước một khi có công ăn việc làm. Riêng về sinh viên gốc thiểu số, nhà nước Mã Lai áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt (tiếng Pháp: discrimination positive, tiếng Anh: affirmative action) mà các quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ thường áp dụng, bằng cách tuyển chọn sinh viên gốc thiểu số theo tỷ lệ dân cư của từng dân tộc. Đây là chính sách nhằm giúp đỡ tất cả dân tộc trong một quốc gia đa chủng cùng phát triển hầu né tránh những bất công trong xã hộị.

Thi tuyển vô đại học là vấn đề vô cùng khó khăn, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên Chăm còn phải đương đầu với những khó khăn khác. Đó là khó tìm được việc làm hoặc phải làm việc trái ngành đào tạo. Đó là chưa nói đến khó khăn trong việc xem xét lý lịch khi tuyển dụng còn rất phổ biến ở Việt Nam.

Một hiện tượng thực tế ở Việt Nam hiện nay là muốn tìm được công ăn việc làm, các ứng viên thường phải đút lót cho các “quan tuyển dụng” tốn kém hơn vài chục triệu đồng. Điều này đã trở thành luật bất thành văn. Dân tộc Chăm là tập thể nghèo đói, thế thì làm sao họ có đủ phương tiện để góp phẩn vào qui chế đút lót mặc dù không công khai, nhưng ai cũng biết điều đó.

 

Giải pháp:

 

Để giải quyết những vấn đề này, các đại biểu của hội luận đưa ra những để nghị như sau:

 

a). Yêu cầu nhà nước Việt Nam đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt (discimination positive – Affirmative action) dành cho con em dân tộc Chăm trong việc thi tuyển vào các khóa đào tạo cấp đại học tính theo tỷ lệ 2.1 % áp dụng cho con em người Kinh. Có như thế số lượng sinh viên Chăm mới tăng lên 2100 người thay vì 300 người như hiện nay.

 

b). Yêu cầu nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên Chăm vay mượn tiền học tập, sau đó sẽ hoàn lại cho nhà nước một khi có công ăn việc làm. Nếu không, các hộ nông dân với mức thu nhập chưa đầy 1 triệu đồng mỗi tháng, không có cách nào để tài trợ cho con em Chăm vào đại học.

 

06 hoi truong
Hội trường của hội luận

 

c). Kêu gọi bà con Chăm ở nước ngoài nên đầu tư tiền bạc để giúp đỡ con em trong gia đình của mình có cơ hội lên cấp đại học, hay sang nước ngoài du học; thành lập các quỹ khuyến học hầu tạo điều kiện đễ giúp đỡ con em có gia đình quá nghèo khó.

 

d). Kêu gọi các cơ quan cấp học bổng trong và ngoài nước nên dành ưu tiên cho dân tộc Chăm một số học bổng để họ tiến thân trong các trường lớp ở nước ngoài.

 

e) Kêu gọi sinh viên và học sinh Chăm phải kiên trì với bất cứ giá nào để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình trong suốt thời gian khóa học.