Phê bình tác phẩm: “Từ điển Chăm-Việt-Anh” của Sakaya Print
Written by Ts. Po Dharma (EFEO)   
Thursday, 04 December 2014 03:08
tu dien 10 copy

Từ điển Chăm-Việt-Anh, Việt-Chăm-Anh là công trình nghiên cứu của Ts. Sakaya và nhóm cộng tác thuộc Trung Tâm Unesco Nghiên Cứu và Bảo Tồn Văn Hoá Chăm, được ấn loát tại Nhà Xuất Bản Trí Thức (Tp. HCM) vào năm 2014, gồm có 768 trang trong đó phần Chăm-Việt-Anh có 355 trang.

 

Ngay trong lời mỡ đầu, tác giả cho biết nguồn tư liệu chính của Từ điển Chăm-Việt-Anh phát xuất từ hai tác phẩm Từ Điển Chăm-Pháp của ông E. Aymonier và A. Cabaton (1906) và Từ Điển Chăm-Việt Pháp của G. Moussay (1972) và có đôi lời như sau: “Nhân đây, chúng tôi xin kính cẩng (sic) nghiên mình tưởng nhớ công lao của những bậc tiền bối đã ra đi như E. Aymonier, A. Cabaton, G. Moussay, Thiên Sanh Cảnh, Trượng Tốn... đã để lại những cuốn từ điển có giá trị cho chúng tôi kế thừa”

 

Lời tuyên bố này đã chứng minh rằng Sakaya lả một nhà nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, lúc nào cũng tôn trọng “bản quyền trí tuệ” của bậc tiền bối (E. Aymonier và G. Moussay) đã để lại cho hậu thế kế thừa hai cuốn từ điển Chăm có giá trị.

 

Đọc qua nội dung của tác phẩm, người ta biết rằng Sakaya không phải là người biên soạn Từ điển Chăm-Việt-Anh mà là người có công dựa vào các mục từ đã có sẳn trong hai cuốn tự điển của E. Aymonier và G. Moussay để trình bày lại Từ điển Chăm-Việt-Anh qua phương pháp rất là khoa học, đơn giản và dể hiểu. 

 

Bên cạnh những từ vựng có sẳn trong tác phẩm của E. Aymonier và G. Moussay,  chúng tôi tin rằng Sakaya có đưa vào Từ điển Chăm-Việt-Anh một một số mục từ mới. Tiếc rằng tác giả không ghi dấu hiệu riêng biệt, thành ra người ta không thể biết đâu là từ vựng phát xuất từ tác phẩm E. Aymonier và G. Moussay và đâu là mục từ mới mà Sakaya đã đưa vào.

 

Theo nguyên tắc, từ điển là kim chỉ nam của một ngôn ngữ. Chính vì thế, mỗi mục từ trong tự điển phải mang ý nghĩa chính xác, có phần phân tích ngữ pháp (danh từ, động từ, tĩnh từ, v.v.), kèm theo một vài thí dụ ghi rỏ xuất xứ của nó phát xuất từ tác phẩm nào? Dựa vào định nghĩa này, Từ điển Chăm-Việt-Anh của Sakaya chỉ nằm trong thể loại Từ Vựng Chăm-Việt-Anh thì đúng hơn, vì tác phẩm chỉ nêu ra danh sách các mục từ kèm theo ý nghĩa của nó, nhưng không có thí dụ và phần phân tích ngữ pháp.   

 

Dù rằng Từ điển Chăm-Việt-Anh chỉ là tác phẩm dựa vào nguồn tư liệu của E. Aymonier và G. Moussay, nhưng công trình và phương pháp trình bày của Sakaya rất là công phu, nghiêm túc. Kể từ đó, Từ điển Chăm-Việt-Anh của Sakaya đã trở thành một tác phẩm hũu ích và có giá trị về mặt khoa học.

 

I). Từ điển Chăm-Việt-Anh

 

Bên cạnh những gía trị khoa học mà Từ điển Chăm-Việt-Anh đã mang lại cho độc giả, chúng tôi cũng không bỏ qua một số lỗi lầm và xơ xót nằm trong tác phẩm này.

 

1). Nguồn gốc mục từ

 

Trong tiếng Chăm cũng như tiếng Mã, một từ vựng viết như nhau, nhưng có nguồn gốc khác nhau. Chính vì thế, người ta phải phân ra thành những đơn vị mục từ khác nhau. Thí dụ:

 

Haluw-1 (Mã Lai:  hulu) = nguồn

Haluw-2 (Mã Lai: alu) = cái chày

 

Baluw-1 (Mã Lai: bulu) = lông

Baluw-2 (Mã Lai: balu) = hoang, goá phụ

 

Tiếc rằng trong Từ điển Chăm-Việt-Anh, tác giả không chia đơn vị mục từ theo nguồn gốc khác nhau của từ vựng, mà là theo ý nghĩa khác nhau trong một từ vựng. Thí dụ:

 

Trang 258, tác giả viết:

Mbek-1 = uốn – mbek mbuk = uốn tóc

Mbek-2 = vuốt – mbek bilau kang = vuốt râu.

 

Trang 238, tác giả viết:

Magei-1 = rung – magei phun = rung cây

Magei-2 = lung lây – tagei magei = rang lung lây

Magei-3 = nháy – magei ma = nháy mắt

Magei-4 = có gợn – aia magei = nước có rợn

 

Đứng trên qui luật của từ điển, magei có nhiều nghĩa khác nhau chứ không phải có nhiều gốc từ khác nhau. Thành ra, magei không thể tách ra thành 4 đơn vị mục từ khác nhau được. Đây là cách trình bày từ mbek và magei theo qui luật của tự điển:

 

Mbek, 1). uốn –  mbek mbuk = uốn tóc; 2). vuốt – mbek bilau kang = vuốt râu

Magei, 1). rung – magei phun = rung cây. 2). lung lây – tagei magei = răng lung lây. 3). nháy – magei ma = nháy mắt. 4). có gợn – aia magei = nước có rợn

 

 2) Định nghĩa mục từ

 

Phải công nhận rằng, Từ điển Chăm-Việt-Anh có phần phân tích ý nghĩa của từ vựng rất công phu và trong sáng. Nhưng bên cạnh đó, độc giả thường gặp rất nhiều từ vựng chứa đựng ý nghĩa không chính xác, mang tính cách suy đoán, nhất là từ vựng có nguồn gốc Phạn ngữ và Mã Lai ngữ. Thêm vào đó, một số từ vựng thường mang ý nghĩa quá đơn sơ và ngắn gọn, đã làm giảm đi giá trị của đơn vị mục từ.  

 

a). Định nghĩa từ vựng thiếu chính xác

 

Đây là một số thí dụ điển hình:

 

Bangsa = quốc gia, tổ quốc. Tiếc rằng bangsa (Phạn ngữ: vamsa, Mã Lai: bangsa) có nghĩa đầu tiên của nó ám chỉ cho “gia đình”, nghĩa thứ hai là “dân tộc” và sau cùng là “quốc gia, tổ quốc”.

 

Lam-bil = phản bội – kamei siam thaik lam-bil pasang = đàn bà nhan sắc hay bội bạc chồng. Tiếc rằng hai từ vựng kamei siam thaik và lam-bil trong câu này cần phải cứu xét lại.

 

Hầu hết người Chăm Việt Nam cho rằng: kamei siam thaik = đàn bà nhan sắc và lam-bil = phản bội, trong khi đó người Chăm Campuchia có quan điểm hoàn toàn khác hẳn: kamei siam thaik = đàn bà nết na và lam-bil = trung thành, gắn bó.

 

Cũng cần nhấn mạnh ở đây, trong ngôn ngữ Chăm có hai từ vựng rất gần gủi về cách phát âm,  nhưng có ý nghĩa trái chiều:

– Labir (Mã Lai: lebur) = vô ơn, phản bội

– Lam-bil (Mã Lai: hampir) = gần gủi, trung thành.

 

Muốn biết lam-bil mang ý nghĩa “trung thành” hay “phản bội”, thì người ta phải đọc lại những tục ngữ Chăm Campuchia sau đây:

 

– Kamei siam binai labir phun kraik / kamei siam thaik lam-bil pasang = đàn bà nhan sắc phản bội cây lim (ám chỉ cho Po Romé) / đàn bà nết na lúc nào cũng gần gủi với chồng.

– Tok kamei siam thaik oh thei tok kamei siam binai = nên cưới đàn bà có nết na chứ không ai cưới đàn bà nhan sắc

– siam binai kamlai daok dalam rup = đàn bà nhan sắc thường có đàn quỉ quái trong tim.

– paga siam lam-bil haraik / kamei siam thaik lam-bil pasang = hang rào tốt trung thành với dây leo / đàn bà nết na trung thành với chồng 

 

 Bốn thí dụ vừa nêu ra đã cho thấy

– kamei siam thaik có nghĩa “đàn bà có nết na tốt” chứ không phải “đàn bà nhan sắc”

– lam-bil có nghĩa “trung thành” chứ không phải là “phản bội”

 

Kuramat = Long vương. Tiếc rằng, kuramat (Mã Lai: keramat) có nghĩa “thiêng liêng, linh thiêng”. 

 

Cadua =  nuôi – raong pabuei cadua = nuôi heo rẻ. Tiếc rằng cadua (gốc từ dua = hai) có nghĩa là “chia đôi”. Câu này phải dịch: nuôi heo chia làm đôi.

 

Jawa = Jawa. Tiếc rằng, trong tiếng Chăm, từ Jawa không ám chỉ cho hòn đảo Jawa ở Indonesia, có mà là có ý nghĩa:

1). Dân tộc Mã Lai Đa Đảo: Ulang Jawa Haok = từ điển của thuỷ thủ Mã Lai Đa Đảo

2). Hồi Giáo: tuei Jawa = theo Hồi Giáo

3). Sau thế kỷ thứ 19, Jawa cón ám chỉ cho người Ấn Độ theo Hồi Giáo. Tiếng Việt: người Chà Và.

 

Ten tu = chân lý. Tiếc rằng, tentu phải viết gắn liền (Mã Lai: tentu),  có nghĩa là chắc chắn, bảo đảm.

 

Than auen = sấm đầu năm. Tiếc rằng, than auen ám chỉ cho “nỗi buồn”. Thí dụ: taleh than aen wek hai pacei (Sah Sakei, câu 16).  = xin hoàng tử nên quên đi những nỗi buồn.

 

Tham purana = sung sướng. Đây là gốc Phạn ngữ: sampurana – Mã Lai: sempurna, viết đúng chính tả: thampurrana hay sampurna, có nghĩa: “hoàn hảo, nguyên vẹn, đầy đủ, phù hợp”. Thí dụ:  tuk wak thampurrana = giờ khắc phù hợp, tốt.

 

Paoh catuei = sấm ký. Tiếc rằng paoh catuei (gốc từ Mã Lai: pantun) là một thể thơ dùng để miêu tả sự việc hay biến cố qua phong cách trào phúng hay châm biếm mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu ý nghĩa của nó.

 

Bican bino = hồi tưởng. Tiếc rằng bican bino có nghĩa là phán đoán, xét xử. 

 

Bên cạnh những từ vựng mang lỗi lầm về ngữ nghĩa, tác giả còn thêm một số từ vừa mới chế biến không liên hệ gì với ngôn ngữ Chăm. Thí dụ:

 

Panraong anaih = thiếu tướng

Panraong matah = trung tướnng

Panraong praong = đại tướng

 

b).  Định nghĩa từ vựng quá đơn sơ

 

Đây là một thí dụ điển hình:

 

Caga (trang 71), tác giả chỉ nêu ra một nghĩa duy nhất =  chuẩn bị – mayaw caga pah takuh = mèo chuẩn bị chụp chuộc. Tiếc rằng caga (Mã Lai: jaga) còn có nhiều nghĩa vá chức năng khác nhau trong ngôn ngữ Chăm:

 

A). Động từ

– Chuẩn bị – jaga jien nao Baigon (Moussay) = chuẩn bị tiền đi Sài Gòn).

– Giữ gìn – caga adhar mang anak, palibaih ka anâk (Ariya Gleng Anak, câu 97) = giữ gìn phước đức trong tương lai để con cháu được nhờ.

– Ghép với từ pieh > pieh caga: Để dành, dự trử – piéh caga ka lapa tian (Aymonier) = dự trử để khi đói.

–  Ghép với khik > khik caga: bảo tồn – khik caga krung krâc muk kei = bảo tồn di sản do cha ông để lại.

 

Xin mở ngoặc ở đây: Một số người Chăm thường nhằm lẫn cụm tử mang ý nghĩa  "bảo tồn". Nói đến bảo tồn, tiếng Chăm có thuật ngữ = khik caga. Nhưng người Chăm viết thành khik paga = giữ hàng rào hay "giữ và rào". Điển hình nhất là tên gọi:  Trung tâm Unesco Nghiên Cứu và Bảo Tồn Văn Hoá Chăm = Bathak Unesko ruah duah saong khik paga bhap Ilimo Cam. 

 

Đọc qua câu này, người Chăm có thể hiểu:  Trung Tâm Unesco chọn lựa tìm kiếm và giữ hàng rào văn hoá Chăm. Đáng ra cây này phải viết: Bathak Unesko roh duah saong khik caga bhap Ilimo Cam.

 

B). Danh từ

– Ghép với từ likhah > likhah caga = lễ cưới

 

C). Giới ngữ (locution prépositive)

Trong tiếng Chăm, caga còn là giới ngữ mang ý nghĩa “với mục tiêu, để”. Thí dụ: Ngap jiéng ruak caga urang pok lasei mai huak = giả bộ đau để người ta mang cơm cho ăn.

 

3). Không tôn trọng qui luật “pak praong”

 

Trong hệ thống Akhar Thrah Chăm, “pak praong” còn gọi là “pak po” có qui luật rỏ ràng và cố định, đó là tất cả những từ vựng khởi đầu bằng “pak praong” như pak = số 4, pamatai = giết, patrun = cho xuống, pakacah = thi đua, v.v. phải có “hua baluw”. Và qui qui luật này đã từng áp dụng trên hàng ngàn trang của Tư Liệu Hoàng Gia Champa viết từ năm 1702. Và từ điển Chăm-Pháp của E. Aymonier xuất bản vào năm 1906 cũng tôn trong qui luật này.

 

Năm 1972, G. Moussay cùng với một số trí thức Chăm xoá bỏ qui luật “hua baluw” trên “pak praong” trong từ điển Chăm-Việt-Pháp, nhưng không nêu ra một lý do chính đáng nào.

 

Năm 2014, Từ điển Chăm-Việt-Anh của Sakaya lập lại những lỗi lầm trong từ điển G. Moussay, bằng cách xoá bỏ “hua labuw” trên phụ âm “pak proang”.

 

Xoá bỏ “hua baluw” trên “pak praong” là vấn đề cần cứu xét lại. Vì đây là di sản qui luật chính tả trong ngôn ngữ chữ viết Chăm được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

4). Cần xét lại cụm từ: “bi” và “pa”

 

Trong “Từ điển Chăm-Việt-Anh” của Sakaya, người ta thấy ở trang 226 có mục từ bihacih = cho sạch, bihu = cho được. Trang 207 có mục từ pacadu = cho chùng, pacalah = phân chia, pajaleh = hạ bệ, v.v. Những mục từ này khởi đầu bằng chữ “bi” và “pa”. Đây là hai từ vựng nan giải nhất, đã từng gây nhiều tranh cải trong giới văn tự học (philologie), tức là nhà nghiên cứu chuyên về chữ viết trên văn bản.

 

Trong tiếng Chăm, chữ “bi” và “pa”, thường đứng trước hàng ngàn túc từ hay động từ để ám chỉ “cho, thật”.  Theo kết luận của đa số nhà văn tự học, “bi” và “pa” phải nằm trong đơn vị mục từ độc lập và riêng rẻ, kèm theo phần giải thích về vai trò của nó trong ngữ pháp Chăm. Theo quan điểm của chúng tôi,

 

• Bi, là giới từ (préposition) đứng trước hàng ngàn túc từ hay một số động từ (như hu, mboh...) để trở thành “trạng từ” (adverbe) mang ý nghĩa “hơn, cho, thật”. Thí dụ:

 

– drah = nhanh > bidrah = cho nhanh

– siam = đẹp > bisiam = thật đẹp

– gheh = khéo léo > bigheh = thật khéo léo

 

• Pa có hai chức năng khác nhau

 

Pa là giới từ (préposition), có giá trị như “bi”, thường đứng trước hàng ngàn túc từ để trở thành trạng từ (adverbe) mang ý nghĩa “hơn, cho, thật”. Thí dụ:

 

– drah = nhanh >  padrah = cho nhanh

– siam = đẹp >  pasiam = cho đẹp, v.v.

– gheh = khéo léo > pagheh = thật khéo léo

 

Pa là tiền tố (préfixe), thường gắn liền với hàng ngàn động từ để biến động từ này thành bị động, mang ý nghĩa “ cho, làm cho”. Thí dụ:

 

– Huak = ăn > pahuak = cho ăn

– Ndih = ngủ > pa-ndih =cho ngủ

– Trun =xuống > patrun = cho xuống, v.v.

 

Chính vì nguyên nhân đó, các từ như bihacih = cho sạch, pahuak = cho ăn, pa-ndih = cho ngủ, v.v. không phải là đơn vị mục từ riêng biệt và độc lập, mà là đơn vị nằm trong mục từ gốc của nó. Hay nói một cách khác, muốn tìm từ pahuak, pa-ndih v.v., thì độc giả phải đi tìm từ gốc của nó là huak, ndih, v.v. = ăn. Nếu không theo phương pháp này, từ điển Chăm phải nêu ra hàng ngàn mục từ khởi đầu bởi chữ “bi” và “pa”, như:

 

bidrah (cho nhanh),

bisiam (cho đẹp),

bi-njep (cho đúng)

...

pa-ndih (cho ngủ),

pahuak (cho ăn),

pa-nduec (cho chạy), v.v.

 

5) Lỗi lầm chính tả

 

Theo nguyên tắc, tự điển là kim chỉ nam của qui luật chính tả. Tiếc rằng, Từ điển Chăm-Việt-Anh, đã để lại cho độc giả quá nhiều lỗi chính tả mà chúng tôi xin nêu ra một vài thí dụ sau đây:

 

Car mil = kính. Từ này phải viết dính liền với nhau: cermil hay carmil (Mã Lai: cermin).

Tama graing = tai nạn. Từ này phài viết dính liền với nhau: Tamagraing

Jabar = bảo vệ. Tiếc rằng từ này phải viết: kabal (mal. Kebal)

Pan Darang = Panduranga. Từ này phải viết dính liền với nhau: pandarang

Bikan kana = làm khó dể.  Từ này phải viết: bican ina

Bikar = đò vật. Từ này phải viết: pakar

 

6). Phiên âm Latinh

 

Theo tác giả, phiên âm Latinh trong “Từ điển Chăm-Việt-Anh” là qui luật phiên âm của Viện Viễn Đông Phap. Trong qui luật này, Viện Viễn Đông Pháp dùng gạch nối ( - ) để tách rời những phụ âm đi chung với 3 phụ âm sau đây: Nda, Mba và Nja. Qui luật gạch nối này chỉ nhằm giúp những ai không thông thạo tiếng Chăm muốn tìm hiểu tiếng Chăm thì đúng hơn. Thí dụ: Ka-ndong (dư), nếu không có gạch nối người ta có thể là “kan dong”, chỉ có thế thội.

 

Trong tác phẩm của Sakaya, những từ như  Ca-mbuai (mồm), Ka-ndaong (dư), Ka-njaok (gáy), v.v. đều có gạch nối, trong khi đó trang 77, mục từ cambaoh (táp), cambak (lan truyền), v.v. không có gạch nối. Bên cạnh đó, một số mục từ như ca-maong (bẹ, trang 77), da-ngih (không bằng long, trang 145), bang-sa (quốc gia, trang 228), v.v.  lại có gạch nối, nhưng tác giả không đưa ra lý do tại sao?

 

7). Thứ tự chữ cái trong tự điển

 

Chữ Chăm là hệ thống ký tự có nguồn gốc từ Phạn ngữ. Chính vì thế, bản chữ cái Akhar Thrah Chăm thường khởi đầu như sau:

 

Nguyên âm:     a, i, u, e, ai, o

Phụ âm:           Ka, kha, ga, gha, nga,

Ca, cha, ja, jha, nya,

v.v.

 

Tiếc rằng, Từ điển Chăm-Việt-Anh khởi đầu bằng ký tự phụ âm: ka, kha, ga, gha, nga, v.v. và sau cùng là nguyên âm:  a, i, u, e, ai, o, nhưng tác giả không giải thích tại sao có sự đảo lộn này.

 

Trong tự điển E. Aymonier, nguyên âm nằm trong mục từ thường xếp theo hệ thống Phạn ngữ. Thí dụ, phụ âm Ka khởi đầu theo thứ tự của nguyên âm: K+ i, K+ ei, K+ u, K+ ai, K+ o, K+ ao, v.v. Trong khi đó Từ điển Chăm-Việt-Anh khởi đầu bởi: K+ ai, K+ ao, K+i, K+ o, v.v, nhưng tác giả không giải thích tại sao?

 

Sự đảo lộn thứ tự của mục từ trong tự điển đã gây ra bao khó khăn cho người tra kiếm. Thí dụ muốn tìm chữ “kiép” (con ếch), người ta biết nó nằm trong mục từ Ka, nhưng không biết nằm ở đâu, để rồi cuối cùng phải dò từ đầu đến cuối.

 

8). Số lượng từ vựng

 

Theo tác giả, phần Chăm-Việt của tự điển có vào khoảng 7232 mục từ. Và chỉ số 7232 mục từ này không đi quá xa so với số lượng mục từ trong tự điển của E. Aymonier (khoảng 7200 từ), G. Moussay (khoảng 4600 từ), Bùi Khánh Thế (khoảng 5000 từ).

 

Theo chúng tội,  số lượng 7232 mục từ trong tác phẩm cần phải xét lại. Vì rằng, hàng loạt từ vựng, đáng ra chỉ xếp vào một đơn vị mục từ, nhưng tác giả tách ra thành nhiều đơn vị mục từ khác nhau bằng cách dựa vào sự khác biệt của ý nghĩa. Thí dụ trang 238, tác giả viết:

Magei-1 = rung – magei phun = rung cây

Magei-2 = lung lây – tagei magei = rang lung lây

Magei-3 = nháy – magei ma = nháy mắt

Magei-4 = có gợn – aia magei = nước có rợn

 

Trên nguyên tắc, magei chỉ nằm trong một đơn vị mục từ, nhưng tác giả xếp thành 4 mục từ khác nhau. Chính đó là nguyên nhân phải tính lại số lượng mục từ trong Từ điển Chăm-Việt-Anh.

 

9). Tài liệu tham khảo

 

Trong tác phẩm, Sakaya nêu ra một số tài liệu mà tác giả đã tham khảo để dùng cho Từ điển Chăm-Việt-Anh, như Akayét Dewa Mano (dwm), Akayét Inra Patra (ip), Ariya Sah Pakei (sp), v.v. Tiếc rằng trong từ điển này, người ta chỉ thấy vài ba thí dụ phát xuất từ tác phẩm có ghi trong phần “tài liệu tham khảo”. Bằng chứng cụ thể, trong phần phụ âm Ka từ trang 16 đến trang 47, người ta không thấy một thí dụ nào phát xuất từ tác phẩm Akayét Dewa Mano, Akayét Inra Patra , v.v. Sự thiếu xót này có thể làm cho độc giả hiểu lầm  rằng Sakaya không đọc Akayét Dewa Mano,  Akayét Inra Patra, Ariya Sah Pakei, v.v. nhưng chỉ ghi vào cho có lệ mà thôi. Đây cũng là phương pháp khoa học thường xảy ra hàng ngày trong nhiều tác phẩm xuất bản ở Việt Nam.

 

10). Hội đồng chỉnh sửa bản thảo

 

Trong lời mở đầu, tác giả cho biết bản thảo của Từ điển Chăm-Việt-Anh, được gởi cho 30 trí thức Chăm chỉnh sửa lại. Tiếc rằng trọng tâm của vấn đề biên soạn từ điển “Chăm-Việt” không phải là số lượng 30 trí thức Chăm xem lại bản thảo, mà là phải đánh giá họ là ai: nhà nghiên cứu chuyên về nguồn gốc lịch sử của ngôn ngữ chữ viết Chăm hay chuyên gia về từ điển học? Có chăng họ chỉ là trí thức Chăm biết nói tiếng Chăm và đọc tiếng Chăm rất thông thạo, nhưng họ không phải là người chuyên về lịch sử ngôn ngữ và chữ viết Chăm, thành ra họ không tìm ra những sơ xót trong Từ điển Chăm-Việt-Anh mà chúng tôi vừa nêu ra. Biết đọc tiếng Chăm và hiểu nguồn gốc lịch sử của ngôn ngữ chữ viết Chăm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

 

tu dien 20

 

II. Từ điển Việt-Chăm-Anh

 

Tiếng Chăm là ngôn ngữ nằm trong gia đình ngôn ngữ Đa Đảo rất gần gủi với tiếng Mã. Và ai cũng biết, tiếng Mã là ngôn ngữ rất giàu mạnh về số lượng gốc từ và có hệ thống cấu trúc từ vựng vô cùng khoa học và chính xác. Thí dụ:

 

Tahu (Chăm: thau) = biết (gốc từ). Từ nguồn gốc “tahu”, tiếng Mã cho phép nảy sinh ra hàng loạt từ khác:

 

– Bertahu = được biết

– Berpengetahuan = có trình độ hiểu biết

– Mengetahui = biết, phát hiện

– Ketahuan = sự biết, sự phát hiện

– Perngetahuan = trí tuệ

– Ketidaktahuan = sự cù lần, sự đần độn

– Tahu-menahu = không cần biết

 

Mặc dù tiếng Mã là ngôn ngữ rất giàu mạnh, nhưng tiếng Mã cũng là ngôn ngữ không cho phép phiên dịch một cách dễ dàng một số thuật ngữ nước ngoài, nhất là thuật ngữ mang tính cách trừu tượng hay liên quan đến tổ chức xã hội và khoa học. Sự trở ngại này không phát xuất từ người Mã thiếu khả năng phiên dịch, mà là qui luật ngôn ngữ của tiếng Mã không cho phép chế biến một cách dể dàng những từ vựng mới không có trong kho tàng văn chương của họ. Để giải quyết vấn đề, vương quốc Mã Lai đành chịu vây mượn từ vựng nước ngoài (nhất là tiếng Anh, Á Rập) mà dân tộc Mã đã từng xử dụng trong cuộc sống hàng ngày để làm giàu mạnh cho ngôn ngữ của mình. Thí dụ điển hình:

 

• Thuật ngữ khoa học

 

Elektrik  = điện (Anh: electric)

Televisyen  = đài truyền hình (Anh: television)

Radio  = đài phát thanh (Anh: radio)

Téléfon  = điên Thoại (Anh: telephone)

Komputer )= máy vi tính (Anh: computer)

Satelit  = vệ tinh (Anh: satelite)

Roket  = hoả tiển (Anh: roket)

 

• Thuật ngữ xã hội

 

Ekonomi  = kinh tế (Anh: economic)

Social  = xã hội (Anh: social)

Parti = đảng phái (Anh: party)

Politik  = chính trị (Anh: political)

Presiden  = chủ tịch (Anh: president)

Doktor = bác sĩ (Anh: doctor)

Universiti  = đại học (Anh: university)

Fakulti  = phân khoa (Anh: faculty)

Profesor  = giáo sư (Anh: professor)

 

Theo qui luật của liên bang Mã Lai,  sự chế biến từ vựng mới cho tiếng Mã không phải là công trình mang tính cách nhân, mà là công tác của một hội đồng khoa học do nhà nước bổ nhiệm, tập trung nhiều chuyên gia các ngành để cứu xét lại từ vựng vừa mới phát minh có phù hợp với qui luật ngôn ngữ Mã hay không? hay dân tộc Mã có thể tiếp thu từ vựng vừa mới chế tạo hay không?  Một khi hội đồng khoa học đã chấp nhận, nhà nước mới quyết định đưa từ mới này vào tự điển quốc gia của họ.

 

Đối với dân tộc Chăm,  công trình chế biến từ vựng mới cho tiếng Chăm cũng nhắm vào mục tiêu giúp người Chăm hiểu ý nghĩa từ vựng vừa mới phát minh.  Nếu người Chăm không hiểu ý nghĩa từ vựng vừa mới chế biến thì công trình chế biến trở thành: người chế biến từ vựng mới chỉ dành cho chính bản thân họ dùng, vì người Chăm không hiểu tác giả muốn nói gì?

 

Tiếng Chăm là ngôn ngữ nằm trong gia đình của tiếng Mã. Chính vì nguyên nhân đó, tiếng Chăm cũng không thoát ra khỏi qui luật phiên dịch từ vựng nước ngoài sang tiếng Chăm. Muốn tiến đến mục tiêu, người Chăm phải học phương pháp của dân tộc Mã bằng cách thành lập một hội đồng phiên dịch và phát minh những từ vựng mới cho Akhar Thrah Chăm. Đây là phương pháp duy nhất mà người Chăm phải chấp nhận cho công trình chế biến những từ vựng mới.

 

Năm 2004, Inrasara xuất bản ‘Từ điển Việt-Chăm” cũng nhắm vào mục tiêu chế tạo thuật ngữ mới cho ngôn ngữ Chăm. Tiếc rằng sự phát minh này chỉ là dự suy đoán mang tính cách cá nhân của Inrasara. Chính vì nguyên nhận đó:  Inrasara phát minh những từ mới cho Inrasa hiểu, vì người Chăm không hề nghe đến thuật ngữ đó. Thí dụ:

 

Anh dũng = chahda (phiên âm truyền thống là: cahya). Tiếc rằng cahya có nghĩa là “huy hoàng, lộng lẫy, rạng rỡ, ngời sáng”

Anh hùng  = pïicïhăc xaina (phiên âm đúng phải là là: bijakchaina). Tiếc rằng bijakchaina (Phạn ngữ và Mã Lai = bijaksana) = sự khôn ngoan, sự thông minh, lanh lợi.

Nhân nghĩa = karmat (viết đúng chính tả phải là kuramat). Tiếc rằng kuramat (Á Rập và Mã Lai = keramat) = thánh thiện, thiêng liêng,

Tự học = éng bac. Ðây là phiên dịch sai lầm vì người Chăm không ai dùng “éng bac” mà là “bac éng” = tự học

Đại Học = bac praong và Tiểu Học = bac asit. Ðây cũng là phong cách chế biến khôi hài, vì rằng trong tiếng Chăm, “bac praong” có nghĩa là đọc lớn tiếng và “bac asit” có nghĩa là đọc nhỏ tiếng.

 

Nối gót Inrasara, Sakaya cũng xuất bản 2014 tác phẩm Từ điển Việt-Chăm-Anh. Đây cũng là công trình phiên dịch thuật ngữ tiếng Việt sang tiếng Chăm, mang tính cách cá nhân, không thông qua một hội đồng khoa học nào. Chính vì nguyên nhân đó, Từ điển Việt-Chăm-Anh chứa đựng hàng loạt từ vựng (nhất là từ vựng trừu tượng và kỷ thuật) vừa mới chế tạo hoàn toàn dựa vào sự suy đoán riêng tư của Sakaya, vì người Chăm không hiểu ý nghĩa của từ vựng vừa mới phiên dịch này. Đây là vài thí dụ điển hình nằm trong phụ âm B.

 

– Bảo tồn = khik paga. Người Chăm hiểu khik paga = giữ hàng rào

– Bảo hộ = daning paceng. Người Chăm hiểu daning paceng = vách hay phên dùng để che

– Bảo tàng = gileng khik krung. Người Chăm hiểu gileng khik krung = kho để chứa những dấu tích

– Bẩm sinh = bhil ca-mbait dalam awal. Người Chăm không hiểu câu này muốn  nói gì, vì ngôn ngữ Chăm không có từ “bhil” và “ca-mbait”.

– Biên giới = jih nagar. Người Chăm hiểu jih nagar = mi quốc gia

– Biên soạn = tuek tuah. Người Chăm không hiểu tuek tuah là gì?

– Biểu quyết = palaik palam. Người Chăm không hiểu từ này muốn nói gì? Và palam không có trong tiếng Chăm. Có chăng, tác giả muốn nói kalam = ngòi bút?

– Bộ binh = takai masuh. Người Chăm hiểu takai masuh = dùng chân để đấm đá

– Bộ trưởng = Po Di. Người Chăm hiểu Po Di = tảng đá nằm chính giữa trong nghĩa trang (kut) của người Chăm Bà La Môn.

– Bổn phận = than pajan. Người Chăm hiểu than pajan = thân phận

– Bức tranh = ganu. Người Chăm không hiểu ganu là gì, mặc dù từ này có trong từ điển của Bùi Khánh Thế

– Bước ngoặc = gawang yam. Người Chăm không hiểu gawang yam là gì?

 

 

*

 

Tại các quốc gia tân tiến, tự điển là kim chỉ nam của ngôn ngữ, được xem như là di sản thiêng liêng của dân tộc. Chính vì nguyên nhân đó, không ai có quyền biên soạn từ điển mà không có sự đồng ý của nhà nước. Mã Lai là quốc gia điển hình đã qui định rằng mọi vấn đề liên quan đến ngôn ngữ Mã Lai phải tham khảo trong Kamus Dewan, tức là tự điển quốc gia Mã Lai. Không ai có quyền biên soạn từ điển đi ngược lại với nội dung của  Kamus Dewan.

 

Dân tộc Chăm là cộng đồng không có quốc gia và cũng không có tổ chức khoa học. Kể từ đó, mỗi cá nhân đều có quyền biên soạn từ điển Chăm theo quan điểm riêng tư của họ. Đây là vấn đề phức tạp có thể làm tổn thương đến di sản ngôn ngữ và chữ viết Chăm mà không ai co thể đo lường được hậu quả của nó  trong thế kỷ thứ 21 này.

 

Mặc dù Từ điển Chăm-Việt-Anh của Sakaya có một số lỗi lầm và xơ sót, nhưng đây là tác phẩm có giá trị, nhất là phương pháp trình bày đơn giản, trong sáng, để hiểu và khoa học, sẽ giúp cho độc giả hiểu thêm về lịch sử của ngôn ngữ chữ viết Chăm.

 

Liên quan đến phần “Việt-Chăm-Anh”, đây cũng là công trình phiên dịch từ vựng Việt-Chăm rất quí giá, nhất là những từ vựng phổ thông mà dân tộc Việt và Chăm xử dụng hang ngày. Tiếc rằng trong phần này, tác giả vấp phải quá nhiều lỗi lầm trong công tác phát minh những từ vựng mới mang tính cách trừu tượng hay từ vựng liên quan đến tổ chức xã hội và khoa học.

 

mon 10
Sakaya