Phê bình: Ngữ Pháp Chăm của G. Moussay xuất bản tại VN năm 2015 Print
Written by Ts. Pgs. Po Dharma   
Tuesday, 01 September 2015 07:08
moussay 10
 G. Moussay

Ngữ Pháp Tiếng Chăm (Nhà Xuất Bản Văn Hoá-Nghệ Thuật, TPHCM, 2015, 328 trang) là công trình dịch sang tiếng Việt của tác phẩm G. Moussay (Grammaire de la langue Cam) do nhà xuất bản Indes de Savantes ấn hành tại Paris vào năm 2006. Ban chuyễn ngữ sang tiếng Việt là cựu dân biểu Lưu Quang Sang, thạc sĩ Nguỵ Văn Nhuận (đại học Sorbonne, Paris) và thạc sĩ Lưu Quang Sáng (Hoa Kỳ).

 

 

Grammaire de la langue Cam (Ngữ Pháp Tiếng Chăm) của G. Moussay là một trong những dự án nghiên cứu nằm trong chương trình “Champa và Thế Giới Mã Lai” của Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) có trụ sở tại Kuala Lumpur, đặt dưới sự bảo trợ khoa học của Gs. P-B. Lafont và dưới quyền điều hành của Po Dharma từ năm 1988, tập trung nhiều chuyên gia khoa học Pháp, Mã Lai và Trung Quốc. Qua phiên hợp vào năm 2000 tại Kuala Lumpur, chương trình “Champa và Thế Giới Mã Lai” phải dành mọi nổ lực để thực hiện những dự án ưu tiên hầu phát triển ngành Champa học trong các đại học trên thế giới. Đây là những dự án ưu tiên đã đề ra vào năm 2000:

 

Lịch sử cổ đại, cận đại và hiện đại Champa. Trách nhiệm chương trình: Gs. P-B. Lafont, Pgs. Po Dharma, Gs. Danny Wong Tze Ken, Ts. Nicolas Weber (đã xuất bản 4 tác phẩm)

 

Ảnh hưởng Mã Lai trong nền văn hoá Chăm. Trách nhiệm chương trình: Pgs. Po Dharma và Ts. G. Moussay (đã xuất bản 6 tác phẩm)

 

Champa và thế giới Mã Lai. Trách nhiệm chương trình:  Gs. P-B. Lafont, Pgs. Po Dharma, Ts. Mak Phoen (đã xuất bản 2 tác phẩm)

 

Ngữ pháp Chăm. Trách nhiệm chương trình: G. Moussay với sự cộng tác của Po Dharma và Nguyễn Văn Tỷ (đã xuất bản 2006)

 

Tài liệu hoàng gia Champa. Trách nhiệm chương trình: Pgs. Po Dharma và Ts. Nicolas Weber (sẽ ra mắt vào năm 2016)

 

Lịch sử văn học Chăm. Trách nhiệm chương trình: Pgs. Po Dharma (đang tiến hành)

 

Từ điển Chăm phổ thông: Trách nhiệm chương trình: Pgs. Po Dharma (đang tiến hành)

 

Thể theo lời yêu cầu của phiên hợp năm 2000, tất cả công trình nghiên cứu của “Champa và Thế Giới Mã Lai” sẽ do nhà xuất bản Indes Savantes ấn hành tại Paris và có quyền chuyển ngữ sang tiếng Việt để đăng trong Champaka, tập san nghiên cứu đặt dưới sự bảo trợ tinh thần của Gs. P-B. Lafont và Linh Mục G. Moussay, hầu giúp người Chăm có thể tiếp thu những tin tức về vương quốc Champa. Bốn tác phẩm mang tên: Nhà Nguyễn và Champa vào thế kỷ 17-18 (Gs. Danny Wong Tze-Ken), Lịch sử Fulro ( Pgs. Po Dharma), Vương Quốc Champa: Địa dư, Dân cư và Lịch sử (Gs. P-B. Lafont), Vương Quốc Champa: Lịch sử 33 năm cuối cùng (Pgs. Po Dharma) đã đăng trong tập san Champaka số 5, 7, 11 và 12  là những thí dụ điển hình.

 

*

 

“Champa và thế giới Mã Lai” là trung tâm không thiếu những nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử và nền văn minh Champa. Nhưng nói đến ngữ pháp, thì người ta phải nói đến Linh Mục G. Moussay, người duy nhất chuyên về ngữ pháp học. Nếu không có Ngài, thì không ai có đủ khả năng để đứng ra biên soạn Ngữ Pháp Chăm. Cũng vì nguyên nhân đó, Gs. P-B. Lafont đề nghị G. Moussay phải là người chịu trách nhiệm để biên soạn Ngữ Pháp Chăm, với sự hợp tác của:

 

• Ts. Po Dharma, chịu trách nhiệm giúp Linh Mục G. Moussay về những thí dụ trích từ  văn bản viết bằng Akhar Thrah Chăm liên quan đến Dalukal, Ariya, Akayet, Ampem, v.v

 

• Nguyễn Văn Tỷ được sự tài trợ của EFEO sang Mã Lai hầu giúp G. Moussay những thí dụ không có trong văn bản viết bằng tiếng Chăm

 

• Gs. Lafont và Ts. Mak Phoeun chịu trách nhiệm đọc bản thảo tiếng Pháp. Po Dharma chịu trách nhiệm kiểm soát lại những thí dụ viết bằng chữ Chăm.

 

Sau mấy đợt làm việc ở trung tâm Champa (Kuala Lumpur) do Viện Viễn Đông tài trợ, G. Moussay đã hoàn thành công trình Ngữ Pháp Chăm ấn hành vào năm 2006.

 

moussay bia 2
Ngữ pháp tiếng Chăm xuất bản ở Paris 2006

 

 

Ngữ pháp là chủ đề chưa phát triển cho lắm trong ngành nghiên cứu về Champa. Nói đến cách cấu trúc tiếng Chăm, thì người ta phải nhắc đến E. Aymonier, tác giả đầu tiên có giới thiệu sơ qua về ngữ pháp Chăm (“Grammaire de la langue chame”. Saigon, 1889). Người tiếp theo là Bùi Khánh Thế (BKT) đã xuất bản tác phẩm Ngữ Pháp Tiếng Chăm (Hà Nội, 1996). Nhưng đây không phải là ngữ pháp Chăm mà là công trình của một nhà ngôn ngữ học nhằm phân tích cách phát âm của tiếng Chăm thì đúng hơn.

 

Vì không biết tiếng Chăm, BKT chỉ dựa vào người Chăm nói rồi ghi lại cách phát âm để phân tích cách cấu trúc của tiếng Chăm, kéo theo bao lỗi lầm để rồi người Chăm đọc, nhưng không biết tác giả viết tiếng gì trên thế giới này, thí dụ (trang 74):

 

• anak mata (con ngươi), BKT viết thành: nưk mta

• thang bac (nhà trường), BKT viết thành: thang pàyq

• kalik juak (dép), BKT viết thành: kliq cwuậk

• ngap dhar (làm phước), BKT viết thành: ngạq thận

 

Và chỉ cần nhìn qua hai thí dụ sau đây, độc giả  đánh giá ngay Bùi Khánh Thế là nhà ngôn ngữ học chứ không phải là nhà ngữ pháp học.

 

• Trang 107, Bùi Khánh Thế xếp từ abih (hết) và blaoh (rồi) vào thể loại “động từ”, nhưng trên thực tế đây là “trợ động từ” (xem G. Moussay, trang 238 và 246).

 

• Trang 110, Bùi Khánh Thế cho rằng: siam (đẹp), praong (lớn), klak (cũ), v,v. thuộc thể loại “tính từ”.Tiếc rằng, tiếng Chăm cũng như tiếng Mã Lai Đa Đảo không bao giờ có “tính từ” như tiếng Việt.  Theo qui luật của tiếng Chăm, các từ siam (đẹp), praong (lớn), klak (cũ), v.v. không phải là tính từ mà là “động từ trạng thái” (verbe d’état), tức là từ nối liền với chủ từ không qua trung gian một động từ nào, thí dụ: Sang praong (nhà lớn), trong khi đó, câu tiếng Việt thì khác hẳn: “nhà thì lớn”, tức là có động từ “thì” nằm ở giữa.

 

Ngữ Pháp Chăm của G. Moussay ra mắt vào năm 2006 là công trình hoàn toàn khác biệt. Tác phẩm này có dàn bài rất gần gủi với  ngữ pháp Minangkabau, dân tộc Mã ở Sumatra-Indonesia (Cahier d'Archipel n°14, 1981), cấu thành một chìa khoá cơ bản để phân tích tiếng Chăm nằm trong gia đình ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo.  Đây là công trình nghiên cứu vô cùng quí giá, không những dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về ngôn ngữ Chăm, mà còn dành cho người Chăm có cơ hội tiếp xúc với qui luật cấu trúc tiếng nói của họ.

 

Ngữ pháp Chăm của G. Moussay là kim chỉ nam về cách trúc của ngôn ngữ Chăm, chia làm 6 chương mục, mang tánh cách phổ thông của qui luật ngữ pháp mà người ta thường thấy ở các nước Tây Phương:

 

I). Hệ thống âm vị học

II). Hệ thống hình thái học

III). Cú pháp câu

IV). Nhóm danh từ

V). Nhóm động từ cơ sở

VI) Các từ biến đổi

VII). Danh sách các từ dụng cụ (Mots-outils), tức là từ dùng để nối câu, như min, mayah, kayua, ….

 

Tóm lại, Ngữ Pháp Chăm của G. Moussay là công trình nghiên cứu có giá trị cao về mặt khoa học mà tôi không muốn đưa ra lời bình luận, vì tôi là một thành viên nằm trong dự án này.

 

Giới thiệu và phê bình

Công tác chuyễn ngữ sang tiếng Việt của Ngữ Pháp Tiếng Chăm

 

Công tác chuyển ngữ những tác phẩm khoa học là một vấn đề trọng đại, đòi hỏi một kinh nghiệm và tuân theo một nguyên tắc riêng. Mọi sự thiếu xót hay sai lầm trong phần phiên dịch của một tác phẩm có thể làm tổn thương đến uy tín và danh giá của tác giả, mặc dù người dịch sai lầm chứ không phải tác giả viết sai lầm. Chính vì nguyên nhân đó, những công trình chuyễn ngữ các sách khoa học tại Âu Châu thường đòi hỏi ai là người chịu trách nhiệm về mặt khoa học của công trình phiên dịch này, chứ họ không cần biết ai là người dịch tác phẩm.

 

moussay bia 1
Ngữ pháp tiếng Chăm xuất bản ở VN năm 2015

 

Ngữ Pháp Chăm của G. Moussay là tác phẩm phiên dịch sang tiếng Việt do cựu dân biểu Lưu Quang Sang, Pts. Nguỵ Văn Nhuận và Pts. Lưu Quang Sáng thực hiện. Đứng về phương diện dịch thuật, thì chúng tôi không có gì để bình luận ở đây, vì Lưu Quang Sang là người tốt nghiệp từ trường Pháp ở Việt Nam và Nguỵ Văn Nhuận cũng là người tốt nghiệp từ đại học Sorbonne, Paris. Đây là công trình vô cùng công phu vá có giá trị. Chẵng những phải dịch sang tiếng Việt, ban dịch thuật phải đánh lại toàn bộ thí dụ viết bằng tiếng Chăm trong tác phẩm.

 

Bên cạnh những ưu điểm về phương pháp dịch thuật vừa nêu ra, tác phẩm này đã vấp phải một số sai lầm mà chúng tôi xin nêu ra ở đây.

 

1). Vấn đề pháp lý của bản quyền

 

Ngữ Pháp Tiếng Chăm là tác phẩm viết bằng tiếng Pháp do G. Moussay thực hiện, nhưng nằm trong chương trình “Champa và Thế Giới Mã Lai” của Viện Viễn Đông Pháp có trụ sở ở Kuala Lumpur và do nhà xuất bản Indes Savantes ấn hành tại Paris vào năm 2006. Theo qui luật của Cộng Hoà Pháp, tác phẩm này có 3 bản quyền riêng biệt:

 

• Nhà xuất bản Indes Savantes sở hửu “bản quyền pháp lý”, có ghi rỏ trên trang đầu của tác phẩm

•  Viện Viễn Đông Pháp sở hửu “bản quyền khoa học”, vì tác phẩm này là dự án nằm trong chương trình nghiên cứu của EFEO.

• G. Moussay sở hửu “bản quyền trí tuệ”, vì Ngài là tác giả.

 

Muốn tác phẩm này được dịch sang tiếng Việt hay bất cứ tiếng nào để ấn hành, thì sách này phải có sự đồng ý cả 3 bên: G. Moussay, Indes Savantes và EFEO. Sau ngày từ trần vào năm 2012, bản quyền trí tuệ “Ngữ Pháp Chăm” của G. Moussay thuộc về gia đình của Ngài. Đây cũng là trường hợp tượng tự như tác phẩm Lịch sử Champa của Gs. P-B. Lafont, người đã từ trần vào năm 2008, thành ra chúng tôi phải xin phép bà Ts. Lê Thị Ngọc Ánh, phu nhân của ông, để dịch tác phẩm này sang tiếng Anh vào năm 2013.

 

moussay-giay phep
Giấy phép xuất bản

 

Đứng về phương diện pháp lý, G. Moussay là tác giả của Ngữ Pháp Chăm, nhưng Ngài cũng không có quyền chuyển nhượng bản quyền Ngữ Pháp Chăm cho cơ quan khác mà không có sự đồng ý của Indes Savantes và EFEO. Tiếc rằng NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật đứng ra ấn hành Ngữ Pháp Chăm tại TPHCM, nhưng không có lời nào bàn về giấy phép xin bản quyền của tác phẩm. Ngay trong lúc tôi viết bài này, Viện Viễn Đông Pháp và nhà xuất bản Indes Savantes cho biết không có nhận văn thư gì của NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật để xin bản quyền. Sự thiếu xót này có thể đưa độc giả nghi rằng NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật đã chiếm đoạt bản quyền của tác phẩm, không cần xin phép. Đây là điều cấm kỵ tại Cộng Hoà Pháp.

 

2). Quảng cáo hình ảnh trái phép

 

Ngữ Pháp Chăm là công trình phiên dịch sang tiếng Việt, tức là trình bày lại tác phẩm này bằng tiếng Việt đúng với nội dung của tác phẩm nguyên thuỷ, ngoại trừ hình bìa có thể thay đổi tuỳ theo địa phương và hoàn cảnh. Tiếc rằng NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật tự tiện đăng một tấm hình trên bìa sau, trong đó có cựu dân biểu Lưu Quang Sang và phu nhân, Dominique Nguyên và Lê Thị Ngọc Ánh đang viếng thăm G. Moussay ở bệnh viện.

 

moussay nha thuong

Lưu Quang Sang và phu nhân, Dominique Nguyen và Lê Thị Ngọc Ánh

thằm G. Moussay ở bệnh viện

 

Ngữ Pháp Chăm là tác phẩm khoa học nằm trong chương trình của Viện Viễn Đông Pháp, không có quyền đăng tải những hình ảnh mang tính cách quảng cáo cho cá nhân hay hàng hoá tiêu thụ. Nếu đăng hình Lưu Quang Sang trên bìa sách thì người ta cho đó lá có lý, vì ông là người phiên dịch, với điều kiện là NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật phải đăng cả hình của Nguỵ Văn Nhuận và Lưu Quang Sáng. Tiếc rằng, hình trên bìa sách lại có hình phu nhân của Lưu Quang Sang, Dominique Nguyen và Lê Thị Ngọc Ánh, tức là 3 nhân vật không có mối liên hệ gì với tác phẩm Ngữ Pháp Chăm. Điều này đã chứng minh rằng  NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật lợi dụng không gian của tác phẩm khoa học để quảng cáo cho tên tuổi cá nhân của Lưu Quang Sang và 3 người khác. Đây là hành động mà luật pháp ngân cấm triệt để tại Cộng Hoà Pháp.

 

3). Đánh chữ Chăm sai lầm

 

Là một tác phẩm khoa học, Ngữ Pháp Chăm thường phân tích vần đề dựa vào thí dụ viết bằng tiếng Latinh và Akhar Thrah Chăm. Tiếc rằng, khi tái bản sách này bằng tiếng Việt, NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật đã để lại hàng loạt những sai lầm về Akhar Thrah Chăm. Thí dụ:

 

• Trang 24: abih baoh panuec (nói hết lời), NXB đánh chữ Chăm thành “abih baoh bih”.

• Trang 30: ngik (chiêm sẻ), NXB đánh chữ Chăm thành “nagik

• Trang 32: hajan (mưa), NXB đánh chữ Chăm thành “jalan”; manyâk (dầu), đánh chữ Chăm thành “mayâk”

• Trang 33: matuaw (thuận lợi), đánh chữ Chăm thành “matuawa

• Trang 41: lingiw (ngoài), đánh chữ Chăm thành “lingiwa”, v.v

 

Những sai lầm vừa nêu ra đã làm tổn thương đến danh giá của Linh Mục G. Moussay. Vì người đọc không tiếp cận với tác phẩm gốc viết bằng tiếng Pháp, cứ tưởng rằng G. Moussay viết chữ Chăm sai chính tả, nhưng trên thực tế, chính NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật là cơ quan đánh sai lầm chữ viết Chăm. 

 

moussay trang 32jpg
Chữ Chăm đánh sai ở trang 32

 

4). Xử dụng thuật ngữ không chính xác và khó hiểu

 

Ai cũng biết, ngữ pháp học là bộ môn xuất phát từ ngôn ngữ Châu Âu, không thịnh hành cho lắm trong nền giáo dục ở Đông Nam Á. Và bộ môn này chứa đựng hàng trăm thuật ngữ riêng, không thể dịch ra tiếng địa phương (tiếng Việt, Mã, Khmer…) một cách dễ dàng. Nếu quốc gia Mã Lai và Indonesia chọn giải pháp giữ nguyên những từ chuyên môn của ngữ pháp bằng tiếng Anh hay Hoà Lan để áp dụng vào bộ môn, thì Việt Nam lại chọn giải pháp dịch toàn bộ những thuật ngữ này sang tiếng Việt. Thí dụ:

 

• Syntaxe. Mã Lai giữ nguyên từ “sintaks”, trong khi đó VN dịch là “cú pháp”

• Sujet – prédicat. Mã Lai giữ nguyên từ “subjek-predikat”, trong khi đó VN dịch là “chủ ngữ-vị ngữ”

• Locution abverbial. Mã Lai giữ nguyên từ “frasa abverbial”, trong khi đó VN dịch là “cụm trạng từ”, v.v.

 

Tại Việt Nam hôm nay, cách phiên dịch những thuật ngữ nằm trong ngữ pháp không có một qui luật rỏ ràng. Nó tuỳ  thuộc vào  chế độ (Cộng Hoà hay Xã Hội Chủ Nghĩa) và còn tuỳ theo quan điểm của từng tác giả, v.v. Thí dụ, verbe d’état, nhóm chuyển ngữ (Lưu Quang Sang, Nguỵ Văn Nhuận và Lưu Quang Sáng) dịch là “động từ bị động”, trong khi đó Bùi Khánh Thế (1996, trang 110) dịch là “động từ trạng thái”, v.v. Chính vì nguyên nhân đó, những người không quen với bộ môn ngữ pháp, đã gặp phải bao khó khăn để hiểu nội dung của tác phẩm Ngữ Pháp Chăm đo NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật ấn hành vào năm 2015.

 

6). Không tôn trọng phong cách trình bày của tác phẩm

 

Ngữ pháp Chăm là một công trình khoa học. Khi phiên dịch tác phẩm này sang tiếng Việt, nhà xuất bản phải tuân theo cách trình bày tác phẩm theo khuôn khổ của sách khoa học, từ chủ đề-tiểu đề, chữ đứng-chữ nghiêng cho đến trang chẳn-trang lẽ, v.v. trong một tác phẩm. Tiếc rằng, cách trình bày của Ngữ pháp Chăm không tuân theo một qui luật nào cả, thí dụ:

 

• Trang 19 . Trong tác phầm nguyên thuỷ, “Bản ghi các thể thức phiên âm…” là chủ đề nối liền với bản phiên âm. Tiếc rằng NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật lại tách rời nó với bản phiên âm.

 

• Trang 25. Chữ Ariya và Dalukak viết nghiêng và gạch thêm ở dưới. Đây là việc làm hoàn toàn đi ngược lại với qui luật trình bày trong tác phẩm khoa học. Vì chữ Ariya và Dalukak là tiếng Chăm, viết nghiêng là đủ, không cần gạch thêm ở dưới nữa.

 

• Tất cả chủ đề và tiểu đề trong tác phẩm Ngữ Pháp Chăm đều ghi bằng tiếng Việt. Ngược lại trang 79, một vài tiểu đề lại kèm theo tiếng Pháp. Thí dụ, tiểu đề “Nghi vấn xen kẽ” có kèm theo tiếng Pháp: “interrogation alternative”; Tiểu đề “Phát biểu nghi vấn” có kèm tiếng Pháp: “énoncé interrogatifs, và viết tiếng Pháp cũng sai, phải sửa lại: énoncé interrogatif.

 

• Trong tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của G. Moussay có phần mục lục (trang 281-286) vô cùng chi tiết nhằm giúp đọc giả tìm kiếm dễ dàng những chương mục trong sách. Tiếc rằng, NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật lại xoá bỏ phần mục lục này để rồi quên đi đây là tác phẩm khoa học chứ không phải là tập thơ của những người làm thi sĩ.

 

5).  Tự tiện chế tạo thêm chương mục mới

 

Ngữ Pháp Chăm viết bằng tiếng Pháp là tác phẩm của G. Moussay không có chương “Tài liệu tham khảo”. Tiếc rằng, trong tác phẩm tiếng Việt, NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật  tự tiện chế biến thêm một chương mới gọi là “Tài liệu tham khảo” (trang 237) trong đó có ghi thêm hai nhân vật: Nguyễn Thành Thông (Từ điển Pháp-Việt, 2001) và Hoàng Long-Quang Hùng (Từ điển tiếng Việt, 2008) mà Linh Mục G. Moussay không bao giờ nhắc đến. Đây là phong cách làm việc phản  khoa học, lợi dụng công trình của G. Moussay để thêm bớt chương mục nhằm quảng cáo tên tuổi bạn bè của mình, hoàn toàn đi ngược lại với qui luật bản quyền tại Cộng Hoà Pháp.

 

7). Không tôn trọng ý nghĩa của một số câu văn trong bản góc

 

Nói chung, công trình dịch thuật của Ngữ Pháp Tiếng Chăm rất là nghiêm túc, nhưng có một vài chổ, ban dịch thuật thường chế biến câu tiếng Việt theo quan điểm riêng của mình, như trang 18 chẳng hạn:

 

• Nói về Từ Điển Chăm của Bùi Khánh Thế, G. Moussay viết rằng:

 

Le dictionnaire lui-même est une reprise intégrale du dictionnaire du Centre culturel cam de Phanrang. NXB Văn hoá-Nghệ thuật dịch là “Nội dung quyển từ điển Chăm-Việt [của Bùi Khánh Thế] không khác nội dung từ điển của Trung tâm Văn Hoá Chàm Phan Rang”. Nhưng trên thực tế, câu này phải dịch là:  “Từ điển [của Bùi Khánh Thế] chỉ là công trình sao chép lại toàn bộ tự điển của Trung tâm Văn Hoá Chàm Phan Rang”, hay nói một cách khác, Bùi Khánh Thế không làm gì cả, chỉ chép lại những từ có sẳn trong tự điển Chăm-Việt-Pháp của G. Moussay để làm tài sản của mình.

 

• Nói về nhóm hình thành cách phiên âm chữ Chăm ở Pháp, G. Moussay có nhắc đến một số tác giả như Po Dharma. Ban phiên dịch tự tiện thêm trong dấu ngoặc: Po Dharma (Quảng Đại Đủ). Đây là cách phiên dịch hơi thiếu nghiêm túc. Trên nguyên tắc, người dịch không có quyền thêm Quảng Đại Đủ vào câu này, vì tác phẩm G. Moussay không bao giờ nhắc đến Quảng Đại Đủ. Thêm vào đó, tên này cũng viết sai luôn, phải chỉnh sửa lại: Quảng Văn Đủ thì đúng hơn.

 

Có nên thâu hồi sách để chỉnh sửa lại những sai lầm?

 

Grammaire de la langue Cam (Ngữ Pháp Chăm) do NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật chuyễn ngữ sang tiếng Việt vào năm 2015 là công trình vô cùng bổ ích nhằm giúp độc giả tiếng Việt tiếp cận với cách cấu trúc ngôn ngữ Chăm. Đây không phải là cuốn tiểu thuyết mua vui, mà là tác phẩm khoa học nằm trong chương trình “Champa và Thế Giới Mã Lai” của EFEO do Linh Mục G. Moussay thực hiện. Chính vì nguyên nhân đó, chúng tôi nghĩ rằng NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật phải tôn trọng triệt để nội dung cũng như cách trình bày trong tác phẩm nguyên gốc viết bằng tiếng Pháp, bằng cách thâu hồi sách Ngữ Pháp Chăm đã in ra để điều chỉnh lại những sai lầm sau đây:

 

1). Chỉnh sửa lại toàn diện những chữ Chăm đánh sai chính tả. Vì đây là Ngữ Pháp Chăm, tức là kim chỉ nam của ngôn ngữ, không thể nào có lỗi lầm về qui luật chính tả của Akhar Thrah Chăm được.

 

2). Xoá bỏ tấm hình Lưu Quang Sang, phu nhân Lưu Quang Sang, Dominique Nguyen và Lê Thị Ngọc Ánh nằm ở trang bìa sau. Vì 4 người này không liên hệ gì đến tác phẩm Ngữ Pháp Chăm của G. Moussay hay chương trình “Champa và Thế Giới Mã Lai” của Viện Viễn Đông Pháp, cơ quan bảo trợ khoa học cho tác phẩm này.

 

3). Xoá bỏ 3 tên tác giả: Nguyễn Thành Thông (Từ điển Pháp-Việt, 2001) và Hoàng Long-Quang Hùng (Từ điển tiếng Việt, 2008) ở trang 237, tức là 3 nhân vật mà Linh Mục G. Moussay không bao giờ nhắc đến trong Ngữ Pháp Chăm. Theo nguyên tắc, NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật không có quyền sửa đổi nội dụng của tác phẩm này mà không có sự đồng ý của G. Moussay.

 

4). Phục hồi lại phần “mục lục” trong tác phẩm để độc giả tìm kiếm dễ dàng những chương mục trong Ngữ Pháp Chăm

 

5).  Những thuật ngữ trong tác phẩm nên lòng tiếng Pháp vào dấu ngoặc, như: Nghi vấn xen kẽ (interrogation alternative), Phát biểu nghi vấn (énoncé interrogatif), v.v. để độc giả hiểu dể dàng hơn thế nào là ý nghĩa của thuật ngữ viết bằng tiếng Việt dùng trong tác phẩm này.

 

6). Phải ghi rỏ giấy phép để dịch tác phẩm “Grammaire de la langue Cam” sang tiếng Việt, nếu không độc giả hiểu lầm là NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật đã chiếm đoạt  “bản quyền trí tuệ” của G. Moussay, “bản quyền pháp lý” của Indes Savantes và “bản quyền khoa học” của EFEO.

 

Theo chúng tôi, thu hồi tác phẩm Ngữ Pháp Chăm đã ấn hành hầu chỉnh sửa lại những sai lầm vừa nêu ra là mục tiêu đáng lám, nhằm:

 

• Bảo vệ danh giá của G. Moussay, vì những lỗi chính tả trong tác phẩm do ban dịch thuật và NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật gây ra, chứ không phải do G. Moussay vấp phải những sai lầm đó.

 

• Bảo tồn uy tín của EFEO với tư cách là cơ quan bảo trợ khoa học của tác phẩm

 

• Tôn trọng luật bản quyền của Indes Santes có ghi rỏ trên trang đầu của cuốn sách:

 

“Toute reproduction ou représentation intégrale ou partielle, par quelque procédé que ce soit, des pages publiées dans le présent ouvrage, faite sans autorisation de l’éditeur est illicite et constitue une contrefaçon…” Mọi sự tái bản hay sao chép lại, dù dưới hình thức nào đi nữa, toàn bộ hay một phần, những gì đã viết trên trang của tác phẩm này, nhưng không có sự đồng ý của nhà xuất bản, là trái với pháp luật và cấu thành một hành động gian trá…

 

* *

 

Tóm lại, G. Moussay là người “có công” đối với công trình bảo tồn di sản ngôn ngữ và chữ viết Chăm hơn 4 thập niên qua. Hôm nay, NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật biến G. Moussay trở thành người “có tội” đối với di sản văn hoá Chăm, cũng vì công tác chuyễn ngữ tác phẩm của Ngài sang tiếng Việt chứa đựng bao lỗi lầm chính tả của Akhar Thrah Chăm, chưa nói đến cách trình bày thiếu nghệ thuật, xoá bỏ cả phần “mục lục” và tự tiện đưa vào tác phẩm hình ảnh của Lưu Quang Sang và phu nhân, Nguyễ Đố và Lê Thị Ngọc Ánh, không liên hệ gì với Ngữ Pháp Chăm. 

 

Và sự ra đời của tác phẩm này do NXB Văn Hoá-Nghệ Thuật ấn hành tại Việt Nam càng làm đau lòng thêm cho người thứ hai đã qua đời, đó là Gs. Lafont. Trước khi từ trần, Gs. Lafont đã yêu cầu rằng Ngữ Pháp Chăm cũng như những tác phẩm khác nằm trong chương trình của “Champa và Thế Giới Mã Lai” có quyền được chuyễn ngữ sang tiếng Việt, nhưng phải do Champaka ấn hành, tức là nhà xuất bản duy nhất của dân tộc Chăm ở hải ngoại, nhưng đặt dưới sự bảo trợ tinh thần của ông.