Trao đổi với Thập Niên Trưởng về “Vấn đề chữ Thrah của người Chăm” Print
Written by Pts. Putra Podam (Đại học Công nghệ Malaysia)   
Thursday, 23 March 2017 00:49
po dam 10
Putra Podam

Putra Podam là bút danh của Văn Ngọc Sáng, Chăm Phan Rí, giảng viên của đại học công nghệ Ban Mê Thuột. Ông là người tốt nghiệp phó tiến sĩ về công nghệ thông tin tại đại học Thái Lan. Hiện giờ, Putra Podam là thí sinh tiến sĩ của Đại học Công nghệ Malaysia (UTM – Malaysia) chuyên về “ Truyền bá ngôn ngữ chữ viết Chăm qua hệ thống công nghệ thông tin”.

 

Qua công trình nghiên cứu, Putra Podam đã thành công thiết kế phần mềm để xây dựng Tự Điển Chăm online, font chữ Chăm, chuyển hoá từ chữ latinh sang akhar thrah một cách trực tiếp (tức là viết chữ Chăm theo hệ thống latin sau đó phần mền chuyển sang trực tiếp akhar thrah), video học tiếng Chăm,v.v. Tất cả những thành quả này, độc giả có thể tìm thấy trên mang web Kauthara.org do Putra Podam sáng lập:

http://kauthara.org/

Cũng nằm trong chương trình nghiên cứu về ngôn ngữ và chữ viết Chăm, Putra Podam có đôi lời trao đổi với Thập Niên Trưởng về bài biết mang tựa đề “Vấn đề chữ Thrah của người Chăm” đăng trong tác phẩm “40 năm nghiên cứu văn hóa Chăm” qua mạng facebook mà chúng tôi xin trích lại.

 

TRAO ĐỔI BÀI VIẾT:
VẤN ĐỀ CHỮ THRAH CỦA NGƯỜI CHĂM

Putra Podam
Đại học Công nghệ Malaysia (UTM – Malaysia)
Email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it

 

“Vấn Đề Chữ Thrah Của Người Chăm” là bài viết của Thập Liên Trưởng đăng trong tác phẩm mang tựa đề “40 năm nghiên cứu văn hóa Chăm” do Nhà xuất bản Văn hóa Dân Tộc ấn hành năm 2015, trang 289-302. Đây là bài khảo luận nhằm giới thiệu nguồn gốc và hệ thống chữ viết Chăm, qua đó tác giả phân tích chi tiết tính ổn định của hệ thống Akhar Thrah qua hệ thống ngữ âm, hệ thống từ vựng và cấu tạo từ, phân tích sâu sắc những bất ổn của Akhar Thrah sau năm 1975 qua hệ thống phụ âm cuối, hệ thống âm chính cũng như sư bất ổn trong việc sử dụng từ ngữ. Qua đó để có cơ sở đánh giá việc dạy và học tiếng Chăm trong nhà trường dạy chữ Chăm hiện nay, để có cơ sở đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết Chăm không những trên cơ sở lý thuyết mà còn ứng dụng trên thực tiễn. Tuy nhiên, bài viết trên còn có một số nhận định chưa phù hợp với nguồn gốc và quá trình phát triển về chữ viết Chăm phát xuất từ Phạn ngữ, cũng như một số khái niệm về sự khác biệt giữa tiếng nói (spoken language) và chữ viết (written language) trong ngôn ngữ Chăm. Để tăng thêm tính khoa học cho bài nghiên cứu của tác giả, chúng tôi mạo muội trao đổi một số vấn đề mà tác giả đã bàn luận trong bài viết.

 

po dam 20-1
Putra Podam (chính giữa)

 

MỘT SỐ TRAO ĐỔI VỀ NỘI DUNG BÀI VIẾT

 

A). NGUỒN GỐC CHỮ VIẾT CHĂM

 

1). Trang trang 289, đoạn đầu tác giả cho rằng “…ông R.C.Majumdar công bố vào năm 1932 …chữ viết của Champa xuất xứ từ miền bắc Ấn Độ, thế nhưng 3 năm sau ông K.A.N Satri lại cho rằng chữ viết Champa xuất xứ từ miền mam Ấn Độ.”

 

Quan điểm của chúng tôi:
Chữ viết Chăm xuất phát từ miền bắc Ấn Độ hay miền nam Ấn Độ do một số nhà nghiên cứu đưa ra là vấn đề không quan trọng. Thực tế, vương quốc Champa đã có một loại chữ viết gọi chữ Chăm cổ dùng để khắc trên bia đà từ thế kỷ thứ 2 đến đến thể kỷ thứ 15. Chữ Chăm cổ này có nguồn gốc từ chữ Devanagari, được sử dụng hầu hết ở miền bắc Ấn Độ.

 

2). Trang 289, đoạn cuối tác giả cho rằng: “Người Champa sử dụng chữ viết Ấn Độ chủ yếu để khắc văn bia, sớm nhất là bia Võ Cạnh (…) và vào triều đại vua Po Rame, hình dạng chữ viết mới ra đời, người Chăm gọi là akhar Thrah”.

 

Quan điểm của chúng tôi:
Người Chăm (thần dân vương quốc Champa) không sử dụng chữ viết Ấn Độ mà là chữ Chăm cổ để khắc văn bia. Chữ Chăm cổ là loại chữ viết có nguồn gốc từ chữ viết Devanagari của Ấn Độ. Chữ Chăm cổ lần đầu tiên xuất hiện trên bia Võ Cạnh ở Khánh Hòa vào thế kỷ thứ 2 (Filliozat Jean,1969). Hầu hết các bia đá Champa kể từ thế kỷ thứ 2, người ta dùng chữ Chăm cổ để viết tiếng Phạn (chứ không phải là chữ Phạn). Kể từ thế kỷ thứ 4, Champa bắt đầu dùng chữ Chăm cổ để viết tiếng Chăm mẹ đẻ trên bia đá. Bia Đông Yên Châu ở Trà Kiệu vào thế kỷ thứ 4 là thí dụ điển hình (G. Coedes, 1939).

 

3). Trang 290, đoạn hai theo dòng mạch này, tác giả cho rằng: “…Akhar Thrah tuy bắt nguồn từ Brahmi (Ấn Độ), nhưng đã “lột xác” thành loại hình chữ viết chỉ có ở người Chăm…”

 

Quan điểm của chúng tôi:
Akhar Thrah Chăm không bắt nguồn từ chữ Brahmi của Ấn Độ, mà là bắt nguồn từ chữ viết Chăm cổ dùng trên bia đá. Và chữ viết Chăm cổ có nguồn gốc từ chữ Devanagari trong khi đó chữ viết Devanagari mới là chữ viết bắt nguồn từ chữ Brahmi của Ấn Độ.

 

po dam 20-2

 

B). HỆ THỐNG CHỮ VIẾT CHĂM

 

Trong phần này tác giả trình bày gồm 3 phần như: ổn định hệ thống phụ âm đầu đơn và đôi, ổn định hệ thống phụ âm cuối và ổn định hệ thống nguyên âm (từ trang 291 đến trang 293)

 

1). Ổn định hệ thống phụ âm đầu đơn và đôi.

Trang 291, tác giả cho rằng Akhar Thrah buổi đầu có 41 chữ cái, trong đó có 35 phụ âm và 6 nguyên âm và nhị trùng âm.
• Hệ thống nguyên âm gồm 5 ký tự: a, i, u, e, o
• Nhị trùng âm gồm 2 ký tự: ai, ao
• Hai phụ âm Pa Praong và Sa Praong, tác giả tách ra khỏi hệ thống phụ âm chữ viết Chăm.

 

Quan điểm của chúng tôi:
• Hệ thống nguyên âm Akhar Thrah Chăm luôn luôn có 6 ký tự: a, i, u, e, ai, o
• Hệ thống phụ âm của Akhar Thrah phải có pa praong và sa praong, không thể tách rời ra được
• “Ai” trong hệ thống nguyên âm của Akhar Thranh chỉ có một ký tự. Chính vì thế, “ai” này không phải là nhị trùng âm như ao, ei, aow…

 

2). Ổn định hệ thống phụ âm cuối.

Khi bàn về phụ âm cuối ở trang 292, tác giả cho rằng: “Hệ thống phụ âm cuối Akhar Thrah gồm: ka, nga, ca, nya, ta, na, pa, ma, ra, la, wa, sa, ha. Trong hệ thống phụ âm cuối có phụ âm cuối nya nay không còn sử dụng,...”

 

Quan điểm của chúng tôi:
Trong hệ thống chữ viết Chăm, nya không bao giờ dùng để làm phụ âm cuối như tác giả trình bày.

 

3). Tiếp theo ở bảng đầu tiên, trang 293, tác giả nhận định: Ngâk matai có hai biến thể, đó là Ngâk hadiip trong chữ viết Krang (con hến) và Ngâk mâtai trong chữ Tong (vựa lúa)

 

Quan điểm của chúng tôi:
Trong hệ thống chữ viết Chăm, hai phụ âm cuối của từ Krang (hến) và Tong (vựa lúa) đều là Ngâk mâtai. Vì, theo quy luật hệ thống Phạn ngữ, phụ âm cuối (akhar matai) là phụ âm không mang âm “a”, chỉ có thế thôi.

 

C). TỪ VỰNG VÀ CẤU TẠO TỪ

 

1). Ổn định về từ vững

Đoạn đầu (trang 294), tác giả đưa ra khái niệm rằng loại từ 1 tiếng (từ đơn), từ 2 tiếng (có 1 Lang Likuk – tiền tố) và từ 3 tiếng (có 2 Lang Likuk – tiên tố). Ví dụ: từ 3 tiếng là từ có 2 Lang Likuk –tiền tố như: Baranâng, Danaok,… Cũng trong trang 294, tác giả liệt kê Lang Likuk – Tiền tố akhar Thrah gồm: ka, ga, ca, ja, ta, da, na, pa, ba, ma, ya, ra, la wa, sa, ha, a , i, u.

 

Quan điểm của chúng tôi:
Trước hết, tác giả cần phân biệt rõ ràng: Lang likuk và Tiền tố là hai vấn đề khác nhau trong chữ viết Chăm.

• Lang Likuk là âm đầu tiên của một từ vựng. Ví dụ:
Lang likuk của từ palei (thôn) là pa; Lang likuk của từ sakarai (lịch sử) là: sa.

• Tiền tố (prefix) là ký tự dùng ghép vào đàng trước của một từ để tạo ra một từ mới. Thí dụ:
- huak (ăn) > pahuak (cho ăn): pa là tiền tố.
- takai (chân) > matakai (có chân): ma là tiền tố.

Trong tiếng Anh, có một số tiền tố như: un- (unhappy), im- (impossible), in- (independent)

Trong Akhar Thrah Chăm, người ta chỉ tìm thấy vài tiền tố như, ka, ma, pa, sa, ta,… Ví dụ: dua (hai) > kadua (thứ hai), gru (thầy giáo) > magru (học),
thau (biết) > pathau (thông báo), huak (ăn) > pahuak (cho ăn), tian (bụng) > satian (cùng cha mẹ), ...

 

2). Âm vị trong chữ Chăm

Đoạn 2 (trang 300), tác giả khẳng định: “Có người cho rằng chữ Akhar Thrah trong thư tịch cổ không phân biệt âm ngắn, âm dài của tiếng Chăm thì thật sai lầm, vì rằng từ tiếng Chăm Akhar Thrah chỉ có ít từ vựng giống nhau, đọc khác nhau…Trong ngôn ngữ viết, Lang Likuk tiếng Chăm đóng một vai trò rất quan trọng trong việc: Nhận diện từ, Khu biệt nghĩa. Ví dụ:

-Từ Ula: Thanh ngang, nghĩa tiếng Việt là “con rắn”, Lang Likuk là nguyên âm “u”.
-Từ “Jala”: Thanh huyền, nghĩa tiếng Việt là “trưa”, Lang Likuk là phụ âm “Ja”.

 

Quan điểm của chúng tôi:

Trong phần này, tác giả chưa phân biệt được thế nào tiếng nói và thế nào chữ viết.

• Tiếng nói là cách phát âm để người nghe có thể hiểu được. Một khi là cách phát âm, thì trong tiếng nói có nhiều ký hiệu âm dài, âm ngắn, ầm cao, âm thấp, v.v.

• Chữ viết là hệ thống ký tự không dùng để phiên âm tiếng nói, mà để qui định luật chính tả của một từ vựng trong tiếng nói, nhưng không cần thiết phải giải thích cách phát âm này. Thí dụ:

• Puec (đọc). Trong tiếng nói, người ta thưòng phát âm là poc, nhưng khi viết thì phải có paoh thek và takai kuak.

• Bulan (tháng). Trong tiếng nói, người ta thường phát âm là blan, mlan, nhưng khi viết thì phải có hai vần bu + lan (bulan)

Ngôn ngữ Chăm hay bất cứ ngôn ngữ của dân tộc nào đều rơi vào một qui luật chung: Tiếng nói có thay đổi theo không gian và thời gian, nhưng chữ viết thì luôn luôn cố định.

 

po dam 20-3

 

KẾT LUẬN

 

Phương pháp nhận định cũng như sự phân tích chưa phù hợp trong bài viết “Vấn đề chữ Thrah của người Chăm” của Thập Liên Trưởng với mong muốn cung cấp thêm cứ liệu khoa học nhằm rõ thêm những vấn đề liên quan đến đặc điểm, nguồn gốc và quá trình phát triển về chữ viết và hệ thống Phạn ngữ, cũng như một số khái niệm về chữ viết Chăm. Từ điều này có thể khẳng định, đối với mỗi dân tộc, chữ viết được hình thành và phát triển trong một quá trình lịch sử lâu dài. Chữ viết là phương tiện truyền lại kinh nghiệm, tri thức cho thế hệ sau, cấu thành biểu trưng bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành di sản văn hóa dân tộc. Chữ viết của mỗi một dân tộc được hình thành và phát triển theo quá trình thăng trầm lịch sử của dân tộc đó. Sự biến đổi không ngững của đời sống xã hội trở thành tác nhân làm giàu cho vốn từ vựng cũng như khẳng định lịch sử phát triển không ngừng của chữ viết của các dân tộc trên toàn cầu. Sự nhìn nhận chưa thấu đáo hoặc sai lệch sẽ là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ làm mai một di sản chữ viết.

Để nhìn nhận, nghiên cứu về chữ viết của người Chăm một cách khách quan, khoa học, cần căn cứ vào các luận cứ:

• Thứ nhất, căn cứ vào luật hệ thống Phạn ngữ;
• Thứ hai, căn cứ vào văn bản hoàng gia Champa viết từ năm 1702 đến thời Gia Long
• Thứ ba, căn cứ vào tài liệu có giá trị mà các Nhà khoa học đã nghiên cứu.

Những cứ liệu này không chỉ là tư liệu quan trọng để khẳng định đặc điểm, nguồn gốc, lịch sử phát triển chữ viết của người Chăm mà còn là cứ liệu quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn chữ viết Chăm một cách toàn diện hơn. Hy vọng, những chia sẻ của chúng tôi với tác giả không chỉ là những gợi mở để làm sáng tỏ hơn những vấn đề tác giả đã đề cập trong bài viết mà còn là cơ sở để chúng ta tiếp tục trao đổi, chia sẻ một cách khách quan, khoa học về học thuật ngôn ngữ, chữ viết Chăm trong xu hướng hội nhập như hiện nay.

 

Malaysia 20/3/2017
Putra Podam