Nguyên nhân nào đã gây ra cái chết cho Ban Biên Soạn Print
Written by Abd. Karim   
Sunday, 05 February 2012 03:23
karim 4
Abd. Karim

Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC) là một cơ quan vô cùng quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ chữ viết Chăm, được thành lập vào năm 1978 theo Quyết định số 104/QÐUB ngày 23/5/1978 của UBND tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận ngày nay). Tổ chức này được xem như là cơ quan cao nhất mà nhà nước Việt Nam dành cho cộng đồng người Chăm sau 1975. Năm 2010, công việc biên soạn sách giáo khoa của BBSSCC bị đình chỉ.

Như vậy là sau gần 32 năm tồn tại, BBSSCC đã bị xóa sổ. Ðây là cái chết âm thầm và lặng lẽ “không kèn, không trống”, là một nỗi đau cho toàn thể cộng đồng Chăm, là một mất mát to lớn sau cái chết của Trường Trung Học Po Klong vào năm 1975.




Sai lầm nghiệp vụ



Dân tộc Chăm là cộng đồng có một nền văn minh và văn tự lâu đời ở khu vực Ðông Nam Á. Dân tộc này đã để lại cho hậu thế một di sản văn học, cùng các văn bản liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng dân gian rất đáng kể, như các Akayet, Ariya, Paoh Catuai, Dalukal, Damnay, Panuec Adaoh, Panuec Pandit, Panuec Pandao, Ngap Rija, Kaleng v.v.. chưa kể đến các kinh kệ của các Po Car, Po Gru, Basaih, Po Adhia và hàng ngàn văn bản hành chánh có cả ấn triện của hoàng gia Champa, cũng như các văn kiện khác.



Việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ chữ viết truyền thống Chăm là sưu tầm, bảo quản, giới thiệu và quảng bá rộng rãi các văn kiện, các áng văn học mà vương quốc Champa đã để lại cho hậu thế.



Việc biên soạn sách giáo khoa cho con em người Chăm học chỉ là công trình dựa trên ngôn ngữ chữ viết Akhar Thrah Chăm truyền thống đã có sẵn. Dựa trên các văn bản này, BBSSCC chỉ chọn lựa, trích dịch, soạn thảo cho thích hợp, đóng thành sách làm tài liệu giảng dạy và tuyệt nhiên không phải là đi sáng tạo một loại ngôn ngữ chữ viết mới, gọi là chữ “cải biên” dù là chữ viết này dựa trên chữ viết Akhar Thrah Chăm truyền thống.



Những người làm công tác biên soạn của BBSSCC đã sai lầm khi đi sửa ngôn ngữ chữ viết Akhar Thrah Chăm truyền thống, trong khi chưa am hiểu đặc tính và sự ổn định của quy luật của ngôn ngữ này. Chưa am tường nhưng BBSSCC lại dám cho rằng, hệ thống chữ viết Akhar Thrah Chăm truyền thống là bất ổn định, phi logic rồi đem cái nguyên tắc xa lạ chụp lên hệ thống ngôn ngữ chữ viết Akhar Thrah Chăm truyền thống, như : “một kí hiệu chỉ có một cách đọc; viết giống nhau thì phát âm như nhau …”, hay tự ý thêm “balau” vào một số từ; lượt bỏ “dar sa” trong một số “traoh ao”; thay một số phụ âm cuối “k” bằng âm “g” mà họ không cần biết đúng sai như thế nào, bất chấp mọi hậu quả có thể làm xáo trộn và phá huỷ hệ thống ngôn ngữ Akhar Thrah Chăm truyền thống có từ đời vua Po Rome (1627-1651).



Trong quá trình biên soạn sách giáo khoa, BBSSCC cũng đã quên đi vấn đề hệ trọng, đó là “chữ viết” lúc nào cũng ổn định, trong khi “tiếng nói” là tùy thuộc từng vùng hay địa phương mà nó có những phát âm phân biệt. Chính vì thế, BBSSCC không có quyền sử dụng cách phát âm hàng ngày của dân tộc Chăm để làm qui luật cho chữ viết, như ngap thành ngak, nduec thành ndoc và, v.v.. Ðiều sai lầm này đã minh chứng cho mọi người thấy trình độ hiểu biết về ngôn ngữ học của BBSSCC là rất giới hạn.


Nhiệt tâm không được coi trọng


Trước những sai lầm của BBSSCC, Ts. Po Dharma, nhân danh một thành viên trong ủy ban bảo tồn di sản văn hóa tinh thần của dân tộc thiểu số Việt Nam do Unesco thành lập vào năm 1994 có cuộc họp mặt với ông Nguyễn Văn Tỷ, Trưởng Ban BBSSCC và Thành Phú Bá, một nhân sĩ người Chăm khi họ viếng thăm Kuala Lumpur vào năm 2001, nhằm yêu cầu ban BBSSCC chỉnh sửa lại những sai lầm trong sách giáo trình của cơ quan này.

Tôi là người trong cuộc nên cũng biết rõ cuộc viếng thăm này. Ðến nay tôi vẫn còn nhớ lời nói của ông Nguyễn Văn Tỷ, khi ông ta cho rằng công tác chỉnh lý những sai lầm trong sách giáo trình chữ Chăm rất khó cho ông ta, vì nhà nước Việt Nam sẽ cho rằng Nguyễn Văn Tỷ là người không biết chữ Chăm, nhưng lại dám đứng ra soạn thảo sách giáo trình tiếng Chăm. Vã lại ông ta cũng sắp hết làm trưởng ban BBSSCC rồi, thành ra nên mời ông Lộ Minh Trại, trưởng ban mới của BBSSCC để bàn về việc này.

Po Dharma mời ông Lộ Minh Trại, trưởng Ban BBSSCC và ông Ðàng Năng Quạ, một nhân sĩ người Chăm đến thăm Malaysia vào năm 2002 để giải quyết một lần nữa về sự khủng hoảng ngôn ngữ chữ viết Chăm. Trong phiên họp chính thức tại văn phòng của Viện Viễn Ðông Pháp tại Kuala Lumpur, gồm có ông Ðàng Năng Quạ, Lộ Minh Trại, Po Dharma, cô Báo Thị Hoa và tôi, mọi người đều công nhận rằng sách giáo trình dạy tiếng Chăm của BBSSCC không phù hợp với Akhar Thrah Chăm truyền thống. Lộ Minh Trại có hứa là sẽ chỉnh lý lại những sai lầm này.

Thế nhưng, từ năm 2002 cho đến 2005, BBSSCC không đính chính trở lại cho đúng với nguyên trạng ngôn ngữ chữ viết Akhar Thrah Chăm truyền thống. Ðầu năm 2006, nhân dịp hội thảo tại Osaka (Nhật Bản) về vấn đề ngôn ngữ chữ viết tại khu vực Châu Á đặt dưới quyền bảo trợ của Unesco, Ts. Po Dharma đã nêu ra thực trạng ngôn ngữ chữ viết Chăm sau năm 1975, trong đó có bàn đến những sai lầm trong sách giáo trình của BBSSCC. Sau cuộc hội thảo tại Osaka, Lộ Minh Trại yêu cầu Po Dharma mở một cuộc hội thảo chuyên về ngôn ngữ chữ viết Chăm để BBSSCC có lý do mà chỉnh sửa chữ viết “cải biên” sai lầm của cơ quan này.

Với sự tài trợ ngân sách của Nhật Bản, Pháp và Unesco, Po Dharma cho mở một hội thảo khoa học với chủ đề “Lịch sử Ngôn ngữ và Chữ viết Chăm” ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 21 và 22-9-2006, tập trung 15 nhà khoa học Chăm từ Pháp, Mỹ, Mã Lai, Nhật và Việt Nam đến tham dự. Cuộc hội thảo khoa học về ngôn ngữ chữ viết ở Kuala Lumpur đã giải toả một cách thỏa đáng về vấn đề ngôn ngữ chữ viết Chăm. Tiếc rằng, sự hiện diện của Lộ Minh Trại và BBSSCC trong hội thảo không nhằm vào mục đích để chỉnh sửa sai lầm chữ viết “cải biên” như họ đã đưa ra, mà là nhằm vào mục đích khác.

 

Một sự lợi dụng bất thành

Thực tế, ông Lộ Minh Trại và BBSSCC yêu cầu Po Dharma mở hội thảo về ngôn ngữ chữ viết Chăm không phải để có lý do chỉnh sửa chữ viết “cải biên” sai lầm của BBSSCC, mà là để lợi dụng diễn đàn này tuyên truyền cho hệ thống ngôn ngữ chữ “cải biên” của BBSSCC, tìm cách thuyết phục và buộc các nhà khoa học tham gia hội thảo chấp nhận hệ thống ngôn ngữ chữ viết của BBSSCC mà thôi.

Tại sao BBSSCC lại có suy nghĩ này? Bởi vì, BBSSCC đánh giá khá thấp các nhà khoa học Chăm tham dự hội thảo “Lịch sử Ngôn ngữ và Chữ viết Chăm”. Họ nghĩ rằng, các nhà khoa học như Ts. Po Dharma, Ts. Thành Phần, Ts. Phú Văn Hẳn, Pts. Trương Văn Món, ông Abd. Karim, Dominique Nguyễn, v.v.. chưa am tường gì nhiều về ngôn ngữ chữ viết Chăm. Nhưng khi vào hội thảo, BBSSCC mới thật sự bất ngờ vì thấy rằng những người mà họ đánh giá còn non kém về chữ Chăm thật sự là những nhà nghiên cứu am tường về ngôn ngữ chữ viết Akhar Thrah Chăm truyền thống.

Qua các bài phân tích của hội nghị, BBSSCC mới thấy hệ thống chữ “cải biên” có rất nhiều điều bất cập. Hệ thống chữ “cải biên” của BBSSCC khác xa với hệ thống Akhar Thrah Chăm truyền thống. Công trình của BBSSCC cũng đã phân chia ngôn ngữ viết Chăm trở thành hai nhóm khác biệt. Ðiều này cũng đi ngược với lợi ích và mục tiêu mà nhà nước Việt Nam đã đề ra trong việc giảng dậy tiếng Chăm. Dân tộc Chăm cũng không thể chấp nhận, “cùng một dân tộc và một tiếng nói nhưng lại có hai hệ thống chữ viết khác nhau”. Cuối cùng, hội thảo đi đến thống nhất chỉ có Akhar Thrah Chăm truyền thống là ngôn ngữ chính yếu và là ngôn ngữ phổ thông của người Chăm hiện nay, và không ai có quyền cải biên hay biến đổi hệ thống ngôn ngữ này khi chưa có sự đồng ý của toàn thể giới chức sắc và cộng đồng người Chăm.

Tất cả đại biểu của cuộc hội thảo đều nhất trí với kết luận này và mọi người đều ký tên vào biên bản, kể cả BBSSCC. Do vậy mà chẳng ai biết được BBSSCC chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng”. Ðó là lý do tại sao BBSSCC lại tiếp tục phát động chiến dịch tranh chấp vô bổ về vấn đề ngôn ngữ chữ viết Chăm mà họ tự đặt tên là “Chiến Trường Akhar Thrah” kéo dài từ cuối năm 2006 cho đến hôm nay.

 

BBSSCC tự chọn “tử lộ”

Ðể mở đầu cho chiến dịch chống lại kết quả hội thảo Kuala Lumpur 2006. Ngày 07-2-2007 BBSSCC mở Hội Nghị Ngôn Ngữ Chữ Viết và Sách Giáo Khoa Tiếng Chăm Cấp Tiểu Học ở Phan Rang, Ninh Thuận, có sự hiện diện của bà Ðặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo.

Ðể thông tin đến bà Thứ Trưởng rằng chữ viết “cải biến” của BBSSCC được nhiều người ủng hộ, BBSSCC tập trung mời các giáo viên dạy chữ Chăm, thân hào nhân sĩ thuộc phe nhóm của mình để tham gia hội nghị này. Thành Phần là nhà khoa học duy nhất trong hội nghị. BBSSCC cũng nhờ ca sĩ Chế Linh "lập danh sách ma" các thân hào nhân sĩ ở hải ngoại để ủng hộ cho BBSSCC. BBSSCC cũng nhờ các tên “nặc danh” như Vija Sribinuy, Abdul Moham v.v.. viết bài ủng hộ cho chữ “cải biến” của BBSSCC và tẩy chay cơ quan ngôn luận Champaka mà nội dung chủ yếu là tìm cách bôi nhọ Ts. Po Dharma và ban biên tập Champaka, đưa ra những nhận định lệch lạc phản lại sự thật và những lời lẽ khủng bố đe dọa cho rằng nhóm Champaka đang chế tạo vũ khí siêu phá hủy để phá hoại dân tộc Chăm.

Thay vì lợi dụng sự có mặt của bà Ðặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo để đề nghị chỉnh lý lại các điểm sai trong các giáo trình của mình, BBSSCC lại tìm cách che dấu những sai lầm nói trên, trong khi bà Thứ Trưởng Ðặng Huỳnh Mai đã có trong tay bản báo cáo kết quả Hội Thảo về Lịch sử Ngôn ngữ và Chữ viết Chăm ở Kuala Lumpur do Ts. Po Dharma gửi cho.

Dựa vào bản báo cáo của hội thảo này, nhà nước Việt Nam đã biết rõ sách giáo trình của BBSSCC không phù hợp với Akhar Thrah truyền thống mà người Chăm đang sử dụng. Chính đó là nguyên nhân đã buộc nhà nước Việt Nam phải đình chỉ công việc của BBSSCC, một cơ quan đã gây ra sự khủng hoảng cho di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm.

 

Sự ủng hộ hay sự thuận đà để đẩy BBSSCC vào chỗ chết

Có thể nói, một trong những tác nhân thúc đẩy BBSSCC lao vào cái chết chính là những người ủng hộ cho BBSSCC.

Biết rằng chữ “cải biên” của BBSSCC là tác nhân trực tiếp phá hủy hệ thống ngôn ngữ chữ viết Akhar Thrah Chăm truyền thống, vậy mà, những người như Chế Linh, Lưu Quang Sang, Châu Văn Ðỉnh, Quảng Ðại Cẩn v.v. và một số tên nặc danh như Vija Sribinuy, Abdul Moham, v.v… không tìm cách yêu cầu BBSSCC chỉnh đốn những sai lầm của họ mà lại thúc đẩy cơ quan này tiếp tục duy trì những sai lầm đó. Chính những hành động này đã đẩy BBSSCC vào chỗ chết, như thực tế đã chứng minh rằng, những người ủng hộ đã không làm gì được cho BBSSCC mà chỉ dìm chết BBSSCC mà thôi. Bằng chứng cụ thể, nhà nước Việt Nam đã xóa bỏ tên BBSSCC, nhưng những người muốn duy trì và ủng hộ việc làm của BBSSCC như ông Nguyễn Văn Tỷ, Lộ Minh Trại, Chế Linh, Lưu Quang Sang, Châu Văn Ðỉnh, Quảng Ðại Cẩn v.v, không có lời nào để phản đối nhằm bảo vệ cho sự tồn vong của BBSSCC trong khi đó họ bỏ nhiều thì giờ để tố cáo người khác chống phá BBSSCC.

BBSSCC đã chết, nhiều người làm việc trong cơ quan này cũng dang dỡ công ăn việc làm. Mâu thuẫn giữa cộng đồng về ngôn ngữ Chăm chưa kịp lắng đọng, một số người vẫn nhìn nhau bằng một nửa con mắt. Ai có thể quy trách nhiệm này về cho ai ? Chỉ biết rằng, người trực tiếp chịu trách nhiệm là ông Nguyễn văn Tỷ và Lộ Minh Trại là hai vị trưởng ban không đủ ý thức và sáng suốt để kịp thời chỉnh sửa chữ viết “cải biến” của BBSSCC để cho dân tộc Chăm được nhờ.