Vấn đề Kate trở lại trên bàn cờ của xã hội Chăm Print
Written by BBT Champaka   
Thursday, 26 January 2012 01:27

 

kate 10
Chức sắc Chăm Ahier

Thay lời mở đầu: Lễ Kate là vấn đề tín ngưỡng rất nhạy cảm đã gây ra bao tranh luận trong xã hội Chăm từ mấy năm qua. Sau ngày ra mắt sách Lịch Sử Vương Quốc Champa, một số thanh niên của Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa có cuộc gặp gỡ với Ts. Po Dharma để yêu cầu ông đưa ra quan điểm thế nào là ý nghĩa của lễ Kate. Ngày 26-9-2011, BBT Champaka có nhận bức thư của Ts. Po Dharma gởi cho Hội Ðồng Phát Triển Champa để trình quan điểm của ông mà chúng tôi xin đăng nguyên văn của bức thư này.Thư này ông ta viết với danh nghĩa là một tín đồ Chăm Bà La Môn nằm trong ban cố vấn của Hội Ðồng Phát Triển Champa.

 

Kính gởi

 

Chủ Tịch Hội Ðồng Phát Triển Champa

Quí thành viên trong Hội Ðồng

 

Từ mấy năm qua, lễ hội Kate đã mất đi giá trị truyền thống của nó để trở thành chủ đề tranh luận trong cộng đồng người Chăm, có thể gây ra biến cố mà không ai có thể đo lường được hậu quả của nó.

Vào buổi tối ngày 17-9-2011, một số thanh niên của hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa có mời tôi đến tham dự cuộc trao đổi với anh em tại nhà Ðắc N. Khiêm (San Jose), mặc dù đã quá 12 giờ khuya, có sự hiện diện của Châu Văn Thủ (phó chủ tịch Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa và cũng là tổng thư ký của Hội Ðồng Phát Triển Champa).

Theo tôi, đây không phải là cuộc gặp gỡ mang tính cách gia đình giữa thành viên trong cộng đồng người Chăm, mà là cuộc trao đổi có sự xấp xếp và chuẩn bị trong bầu không khí thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, nhằm áp đảo tinh thần những ai không chấp nhận Kate là ngày lễ “ghi ơn các vị vua chúa, các bậc tiền nhân và anh hùng liệt sĩ có công với dân tộc” (xem thư mời Kate 29-8-2011) mà Hội Bảo Tồn Văn Hóa đã chủ trương từ mấy năm qua. Chính vì thế, anh em thanh niên của Hội Bảo Tồn yêu cầu tôi phải đưa ra quan điểm rõ ràng về ý nghĩa của lễ Kate.

Ðể trả lời cho câu hỏi vừa nêu ra, tôi xin thông báo với Hội Ðồng Phát Triển Champa rằng, tôi là đứa con xuất thân từ gia đình Chăm Bà La Môn, sinh trưởng trong thôn làng của người Chăm Bà La Môn, đã từng tham gia và tổ chức lễ tục Kate trong gia đình Bà La Môn. Chính ví thế, Kate trở thành yếu tố tín ngưỡng không thể tách rời ra khỏi đời sống tâm linh của tôi.

Với tư cách là người Chăm Bà La Môn, tôi xin khẩn định với Hội Ðồng Phát Triển Champa rằng Kate là lễ tục của Chăm Bà La Môn thường được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 7 của Chăm lịch, có mục tiêu nhằm xin các vị thần linh, tổ tiên ông bà và người quá cố phù hộ cho bà con Chăm làm ăn phát tài, an bình và thịnh vượng, chỉ có thế thôi. Theo phong tục của Chăm Bà La Môn, Kate được tổ chức trước tiên trên đền tháp do sư cả Bà La Môn chủ trì, tiếp theo là Kate tại tư gia Po Adhia, vị lãnh đạo môn phái Bà La Môn, sau đó là Kate chung trong thôn xóm Bà La Môn và sau cùng là Kate trong gia đình của bà con Chăm Bà La Môn.

Trong dịp lễ Kate, bà con Chăm Bani, Chăm Islam hay bất cứ ai, kể cả người Kinh, cũng có quyền lên đền tháp để cầu nguyện hay tham gia chúc mừng buổi lễ. Ngược lại, các chức sắc Chăm Hồi Giáo không lên đền tháp làm lễ bên cạnh tu sĩ Bà La Môn và bà con Chăm Bani hay Islam cũng không tổ chức Kate trong thôn xóm và gia đình của họ.

Kể từ 1965, qua sự đề nghị của Thiếu Tá Dương Tấn Sở, quận trưởng quận An Phước, lễ tục Kate của bà con Chăm Bà La Môn còn có thêm phần lễ hội (văn nghệ, thể thao, v,v,) hầu đón mừng mùa Kate. Và lễ hội Kate này vẫn còn duy trì cho đến hôm nay.

Ðó là ý nghĩa và nghi lễ của Kate mà cộng đồng Chăm Bà La Môn đang thực hiện trong nước hôm nay. Chính ví thế, mọi sự thay đổi về ý nghĩa của lễ tục Kate có thể hiểu lầm như hành động buộc bà con Chăm Bà La Môn phải thay đổi hệ thống tâm linh và tín ngưỡng của họ.

Tại Hoa Kỳ hôm nay, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa định nghĩa Kate như ngày quốc lễ Champa, có một phút mặc niệm, có vòng hoa chiến thắng, có đài chiến sĩ để tưởng nhớ đến các vị vua chua, bậc tiền nhân và chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc. Ðây là quan điểm hoàn toàn mới mẻ không liên quan gì đến nội dung và ý nghĩa của lễ tục Kate như ở quê nhà, vì những lý do sau đây:

 

1). MỘT PHÚT MẶC NIỆM

Một phút mặc niệm dành cho anh hùng liệt sĩ chỉ phát xuất từ Cộng Hòa Pháp lần đầu tiên vào ngày 11-11-1919 nhằm tưởng nhớ đến công lao của các chiến sĩ đã hy sinh trong đệ nhất thế chiến (1914-1918). Ðây là nghi lễ mang tính quốc lễ không chứa đựng yếu tố tín ngưỡng để tất cả công dân trong một quốc gia không phân biệt tôn giáo (Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, v.v.), có thể tham gia và thi hành nghi thức này mà không bị ràng buộc bởi giáo lý của tôn giáo. Sau năm 1919, nghi lễ này trở thành một qui ước thường được áp dụng trong các quốc gia có chủ quyền.

 

2). ÐÀI CHIẾN SĨ

Nhằm đưa trận chiến Austerlitz đi đến thắng lợi, hoàng đế Napoleon I của Pháp Quốc quyết định vào ngày 18-2-1806 xây dựng đài chiến thắng (Arc de Triomphe) vô cùng đồ sộ tại Paris để kỷ niệm những vị anh hùng đã hy sinh trên bãi chiến trường Austerlitz này. Kể từ đó, khái niệm về đài chiến sĩ bắt đầu lan tràn trên khắp thế giới.

 

3). LỄ QUỐC KHÁNH

Lễ quốc khánh chỉ ra đời qua sự biểu quyết của quốc hội Pháp vào ngày 21-5-1880. Dựa vào biến cố chính trị đánh dấu cho sự thành công của cuộc cách mạng Pháp vào ngày 14-7-1789, quốc hội Pháp quyết định ngày 14 tháng 7 là ngày quốc lễ của cộng hòa Pháp. Kể từ đó, lễ quốc khánh bắt đầu lan rộng vào các quốc gia khác trên thế giới. Chính đó là nguồn gốc của ngày quốc lễ mà dân tộc Champa hôm nay cần biết đến.

Dựa vào 3 yếu tố vừa nêu ra, lễ tục Kate không liên hệ gì với nghi lễ một phút mặc niệm, với đài chiến sĩ hay ngày quốc lễ mang ý nghĩa hiện đại của nó. Do sự định nghĩa và cách gán ghép các yếu tố mới mẻ vào nội dung lễ tục cổ truyền Kate của bà con Chăm Bà La Môn nên đã gây ra bao sự tranh cãi không cần thiết trong cộng đồng Chăm tại hải ngoại từ mấy năm qua.

 

ong 20
Ong Kadhar trong ngày Kate

 

Là một tổ chức thiện nguyện tại các nước tự do và dân chủ, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa hay bất cứ tổ chức của người Chăm đều có quyền thành lập ngày quốc lễ riêng cho quốc gia Champa, có quyền tổ chức buổi lễ một phút mặc niệm để tưởng nhớ các bậc tiền nhân Champa và có quyền xây dựng cả đài chiến thắng, nếu cần, để kỷ niệm anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc Champa, với điều kiện là tổ chức này phải công bố rằng đây chỉ là nghi lễ riêng tư của hội đoàn mình chứ không phải nghi lễ của Kate truyền thống, để mỗi người Champa có cơ hội chọn lựa tham gia hay không tham gia theo sở thích và nhu cầu của họ.

Mặc dù Kate là lễ tục của Chăm Bà La Môn cũng như Ramawan là lễ tục của Chăm Hồi Giáo, nhưng Kate và Ramawan đã trở thành di sản văn hóa của toàn thể dân tộc Champa. Ðây là yếu tố lịch sử mà không có ai có quyền phủ nhận. Chính vì thế, dân tộc Champa, không phân biệt tôn giáo và địa phương, đều có quyền tổ chức hay tham gia những lễ hội mang nội dung Ngày Văn Hóa Truyền Thống Champa để đón chào và chức mừng mùa Kate và Ramawan.

Hội Ðồng Phát Triển Champa ra đời vào năm 2007 là cơ quan có chức năng bảo vệ truyền thống văn hóa Champa. Chính vì thế Hội Ðồng phải có nhiệm vụ đưa ra bản thông cáo chung nhằm nêu rõ thế nào là ý nghĩa của lễ tục Kate và Ramawan, cấu thành hai lễ hội lớn nhất của dân tộc Chăm hôm này.

 

Trân trọng kính chào

 

Po Dharma

Ban Cố Vấn Hội Ðồng Phát Triển

 

 

Bài mới :

Trả lời cho Đắc Văn Kiết: Katê phát xuất từ thời Sa Huỳnh hay Po Rome?

 

Bài liên quan :

Kate: Lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay
Góp phần tìm hiểu về lễ hội Katê
Quan điểm của Vinh Thanh về lễ Kate truyền thống
Chung quanh vấn đề lễ hội Kate của người Chăm hôm nay
Trả lời cho bài viết của Quảng Đại Cẩn về Kate
Chung quanh vấn đề ngày quốc lễ Champa
Trả lời email của Chế Mỹ Lan về lễ Kate
Andy Kieu phản đối quan điểm Kate của Chế Mỹ Lan
Regina trả lời cho Chế Mỹ Lan về Kate
Vài lời góp ý với Chế Mỹ Lan về lễ tục Kate
Chế Mỹ Lan chế biến ý nghĩa mới cho lễ tục Kate
Trao đổi với Ja Intan về Kate